⠀
Tuyên truyền đủ kiểu, vì sao người Việt vẫn đốt tiền cho sừng tê giác?
Nghiên cứu mới công bố của ĐH Copenhagen, Đan Mạch về vấn nạn dùng sừng tê giác ở Việt Nam đã chỉ ra một sự thật đau lòng: người dùng sừng tê không quan tâm đến nạn săn trộm tê giác.
Theo The Conversation, năm 2018 bọn săn trộm giết 1.100 con tê giác tại châu Phi. Và ngày nay chỉ còn khoảng 29.500 cá thể trên toàn thế giới.
Hai chuyên gia Vu Hoai Nam Dang và Martin Reinhardt Nielsen của Đại học Copenhagen, Đan Mạch đã thực hiện nghiên cứu tìm hiểu tại sao người Việt lại sử dụng sừng tê giác. Nghiên cứu phỏng vấn nhiều người đã sử dụng sừng tê, theo tờ The Conversation.
Chữa “bá bệnh” và khoe giàu
Các tác giả đã phỏng vấn 30 người – những người thừa nhận sử dụng sừng tê giác gần đây và một người buôn bán sừng tê giác. Họ thuộc khung thu nhập cao ở Hà Nội.
Những người tham gia phỏng vấn nói rằng họ đã sử dụng sừng tê giác để điều trị say rượu, sốt, bệnh gút đến các bệnh nan y như ung thư hoặc đột quỵ. Một số người cũng cho những người thân bị bệnh nan y sử dụng để an ủi họ và thể hiện rằng mình đã làm hết sức để giúp đỡ.
“Phát hiện của chúng tôi cho thấy ý tưởng rằng sừng tê có thể chữa bách bệnh đã ăn sâu trong tâm trí nhiều người Việt Nam” – hai tác giả viết.
Bên cạnh đó, sừng tê giác được coi là một biểu tượng của địa vị. Một số người nói rằng họ đã chia sẻ nó trong các mạng lưới xã hội và công việc để chứng tỏ sự giàu có của mình và củng cố các mối quan hệ làm ăn. Tặng nguyên một bộ sừng tê giác cũng được xem như một cách để lấy lòng những người có quyền lực.
Nghiên cứu cũng nhận thấy việc sử dụng sừng tê giác không bị kỳ thị ở Việt Nam. Những người dùng được phỏng vấn cho biết họ không quan tâm đến nạn săn trộm hay hoàn cảnh của loài tê giác. Việc giết tê giác ở châu Phi được coi là một vấn đề xa xôi và chẳng liên quan đến họ vì họ không phải là người giết tê giác.
Họ cũng không quan tâm đến hậu quả pháp lý của việc mua sừng tê giác. Bộ luật hình sự của Việt Nam nghiêm cấm buôn bán trái phép và sử dụng sừng tê giác. Tuy nhiên, tất cả những người được phỏng vấn tin rằng cảnh sát sẽ không chú ý đến việc sử dụng sừng tê giác và chỉ tập trung vào buôn bán bất hợp pháp với số lượng lớn.
Và họ không sai. Một cựu thương nhân buôn sừng tê giác nói rằng lợi nhuận tiềm năng từ sừng tê vượt xa mọi rủi ro.
Cần thay đổi “chiến thuật” chống mua bán sừng tê giác?
Nghiên cứu đã làm sáng tỏ lý do tại sao các chiến dịch chống việc mua bán sừng tê giác hiện tại lại không hiệu quả. Chẳng hạn, họ có xu hướng nhấn mạnh tình cảnh của tê giác, cho rằng sừng tê giác không có dược tính hoặc xoáy vào các hậu quả pháp lý của việc mua sừng.
Một số chiến dịch cũng so sánh sừng tê giác với móng tay của con người (vì cả hai đều được làm bằng keratin).
Từ nghiên cứu trên, rõ ràng rằng những người mua sừng tê giác sẽ không bị thuyết phục bởi bất kỳ lý lẽ nào trong số này.
Ngoài ra, nghiên cứu cũng đưa ra câu trả lời cho một số đề xuất rằng hợp pháp hóa việc mua bán có kiểm soát có thể làm giảm nạn săn trộm tê giác.
“Chúng tôi kết luận rằng trên thực tế, hình thức thương mại này chỉ làm tăng nhu cầu đối với sừng tê giác bị săn trộm” – các tác giả viết.
Thời gian qua đã có nhiều nỗ lực đáng kể để giảm nhu cầu sừng tê giác ở Việt Nam. Năm 2015, chính phủ đã tăng các biện pháp trừng phạt đối với việc buôn bán và sử dụng sừng tê giác bất hợp pháp.
Cạnh đó, thông qua nhiều chiến dịch, các tổ chức bảo tồn đã cố gắng nâng cao ý thức người tiêu dùng Việt Nam về cuộc khủng hoảng săn trộm tê giác châu Phi và sự vô dụng của các phương thuốc từ sừng tê giác.
Theo TUỔI TRẺ ONLINE
Tags: Người Việt, Tê giác, Bảo vệ động vật