⠀
Từ vụ Vạn Thịnh Phát nghĩ về lỗ hổng quản lý tập đoàn tài chính
Vụ án liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát là một bài học rất đau xót và phải được rút ra một cách nghiêm túc.
Việc “phù phép hồ sơ vay vốn hay phát hành trái phiếu riêng lẻ” bỏ qua quy định của pháp luật đã gây ra những hệ lụy lớn với nền kinh tế.
Vạn Thịnh Phát (VTP) với hệ sinh thái hàng nghìn công ty, trong đó ngân hàng thương mại và công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư đã được biến thành kênh huy động vốn sử dụng cho hệ sinh thái tập đoàn bất chấp mọi nguyên tắc thị trường về minh bạch, sử dụng vốn đúng mục đích và hiệu quả, giám sát.
Về bản chất, VTP đã là một tập đoàn tài chính hoạt động đa ngành nghề gồm nhóm 4 nhóm: (i) Nhóm đứng đầu là các định chế tài chính gồm ngân hàng SCB, công ty chứng khoán, công ty đầu tư tài chính; (ii) nhóm bất động sản; (iii) nhóm công ty “ma”’; (iv) nhóm công ty nước ngoài thành lập tại thiên đường thuế, quản lý tài sản cho bà Trương Mỹ Lan.
Tập đoàn tài chính là gì?
Cho đến nay chưa có định nghĩa chính thức, thống nhất về tập đoàn tài chính giữa các nước trên thế giới.
Định nghĩa và xác định mô hình hoạt động tập đoàn tài chính ở các nước phụ thuộc nhiều vào khuôn khổ pháp luật của nước sở tại về: (i) Các tổ chức được quyền sở hữu ngân hàng, công ty chứng khoán hay công ty bảo hiểm; (ii) Giới hạn các lĩnh vực tài chính mà một tập đoàn được cho phép hoạt động.
Liên minh Châu Âu định nghĩa tập đoàn tài chính (financial conglomerate) là một “nhóm công ty” (group) đáp ứng đủ 3 điều kiện sau:
Thứ nhất, công ty mẹ hoạt động một trong các lĩnh vực: ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm. Nếu công ty mẹ không hoạt động trong lĩnh vực tài chính, tỷ lệ tổng tài sản của các công ty hoạt động trong lĩnh vực tài chính so với tổng tài sản của toàn bộ nhóm công ty đạt ít nhất 40%.
Thứ hai, có ít nhất một công ty trong nhóm hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm và ít nhất một công ty hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng hay chứng khoán.
Thứ ba, tỷ lệ tổng tài sản của các công ty trong mỗi lĩnh vực bảo hiểm và ngân hàng/chứng khoán so với tổng tài sản các công ty tài chính trong tập đoàn đạt ít nhất 10% hoặc tổng số dư bảng cân đối kế toán của lĩnh vực tài chính nhỏ nhất trong nhóm công ty phải trên 6 tỷ euro.
Đài Loan và Hàn Quốc định nghĩa tập đoàn tài chính trong Luật Công ty nắm giữ vốn chi phối (Financial Holding Company Act – FHC), theo đó, công ty nắm giữ vốn chi phối là công ty nắm giữ hơn 25% số cổ phiếu có quyền biểu quyết hoặc vốn cổ phần của một ngân hàng, công ty bảo hiểm và/hoặc công ty chứng khoán.
Nhật Bản sử dụng thuật ngữ “bank holding company” (BHC) cho mô hình tập đoàn tài chính. BHC tại Nhật Bản được quy định trong Luật Ngân hàng (Banking Act) là một công ty nắm giữ vốn chi phối đóng vai trò là Ngân hàng và các Công ty con và được thành lập theo quy định tại Điều 52-17 về quyền biểu quyết, giấy phép và các giao dịch được phép của Luật Ngân hàng này.
Khiếm khuyết trong chế định pháp luật về tập đoàn tài chính ở Việt Nam
Các kinh nghiệm quản lý như trên đều đã chế định thành quy định của pháp luật đối với tập đoàn tài chính, bóc tách lĩnh vực hoạt động tài chính và phi tài chính để có chế định giám sát chặt chẽ mô hình tập đoàn tài chính.
Tại Việt Nam, mô hình tập đoàn tài chính đã định hình rất rõ nét ở các NHTM Nhà nước và NHTM CP tư nhân. Bốn NHTMNN như Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank đều có NHTM, công ty chứng khoán, công ty bảo hiểm, công ty cho thuê tài chính. Tổng tài sản của mỗi tập đoàn kinh tế này đều trên dưới 2 triệu tỷ đồng, một quy mô rất lớn.
Ở mô hình tập đoàn tài chính Nhà nước này chỉ thuần về hoạt động dịch vụ tài chính, không được phép nắm giữ chi phối doanh nghiệp sản xuất nên tính khách quan, kiểm soát rủi ro tài chính thuận lợi hơn nhiều so tập đoàn tài chính tư nhân.
Trong khi đó, đa phần các NHTMCP tư nhân đứng đầu trong tập đoàn tài chính tư nhân lớn cũng có NHTM, công ty chứng khoán, có công ty bảo hiểm, công ty quản lý quỹ đầu tư hoặc liên kết với một công ty bảo hiểm nước ngoài. Bên cạnh các NHTMCP tư nhân là các doanh nghiệp phi tài chính, sản xuất kinh doanh thông thường trong tập đoàn tài chính và hoạt động rất đa dạng.
Mặc dù Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng (2017) đã quy định Chủ tịch, Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc các chức danh tương đương của NHTM không đồng thời là Chủ tịch, Tổng Giám đốc, Phó tổng giám đốc công ty khác. Tuy nhiên, vẫn có một “luật ngầm”: người chi phối toàn bộ tập đoàn tư nhân đương nhiên sẽ là người nắm giữ tiền bạc, vốn liếng của cả tập đoàn, mọi thành viên phải nghe theo mà SCB là một điển hình.
Mô hình này có những mặt tích cực như tạo dựng thương hiệu tập đoàn cho phát triển sản phẩm, mở rộng thị trường, tập trung nguồn lực tạo lợi thế cạnh tranh với đối thủ.
Tuy nhiên, thực tế đã bộc lộ nhiều mặt trái của mô hình này với nhiều rủi ro, gây ra các cơn sóng gió lớn cho thị trường tài chính. Trong đó, tiêu biểu nhất là tình trạng “sân sau”, sở hữu chéo xuất phát từ cơ cấu sở hữu phức tạp, thiếu minh bạch.
Đồng thời, các tập đoàn, nhóm cổ đông của tập đoàn thường liên quan đến những lĩnh vực có rủi ro rất cao như bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp… nên rất dễ gây làn sóng đổ vỡ domino trên các thị trường. Trong khi chế định của pháp luật về tập đoàn tài chính ở Việt Nam gần như thiếu vắng.
Cần có chế định về tập đoàn tài chính
Quốc hội đã lùi thời gian thông qua Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi lần này là việc làm rất thận trọng và cần thiết. Đây là một trong những luật rất quan trọng, nếu không có những thay đổi trọng yếu thì rất khó tạo nền tảng thể chế cho một hệ thống tài chính lành mạnh để kinh tế đất nước bền vững.
Qua bài viết này, tôi đề xuất nên sửa lại tên Chương IV, Luật các TCTD sửa đổi thành Hoạt động của tổ chức tín dụng (TCTD) và tập đoàn tài chính. Trong đó, thiết kế mục về hoạt động của tập đoàn tài chính, đồng thời quy định bổ sung một số điều khoản thanh tra giám sát tập đoàn tài chính thể hiện rõ nguyên tắc về giám sát hợp nhất (chi tiết giao Chính phủ quy định) đối với tập đoàn tài chính.
Cùng với đó, cần có những nội dung quy định về tổ chức, trách nhiệm của ban quản trị đứng đầu tập đoàn tài chính, điều lệ của tập đoàn tài chính. Tập đoàn tài chính cần có một cấu trúc tổ chức và quản lý minh bạch, nhất quán với chiến lược tổng thể và định hướng quản trị rủi ro và được ban quản trị và quản lý cấp cao của công ty hay NHTM đứng đầu tập đoàn tài chính hiểu rõ. Các chủ sở hữu lớn, các thành viên ban quản trị, quản lý cấp cao và những người nắm giữ vị trí quan trọng trong một tập đoàn tài chính phải đáp ứng những điều kiện nhất định.
Các nội dung rất quan trọng về tập đoàn tài chính cần quy định rõ như vốn tối thiểu và thanh khoản; xây dựng các chính sách về vốn tối thiểu, quản lý vốn và thanh khoản… Những dữ liệu, chính sách và kế hoạch về vốn tối thiểu phải được giải trình cho cơ quan quản lý, giám sát.
Nếu các tỷ trọng về vốn, doanh thu, lợi nhuận, thanh khoản… của một trong ba lĩnh vực trên không tuân thủ các quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Bộ Tài chính thì cần thiết phải có biện pháp chế tài hoặc chấm dứt hoạt động dưới danh nghĩa tập đoàn.
Các giao dịch nội bộ trong tập đoàn tài chính phải được quản lý bởi cơ quan giám sát và các công ty thành viên trong tập đoàn tài chính phải báo cáo định kỳ cho cơ quan giám sát các giao dịch nội bộ.
Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) lần này cần xác định rõ ràng quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan giám sát để thực hiện thanh tra, giám sát các tập đoàn tài chính.
Việc giám sát hợp nhất cần giao lại và nâng tầm để Ủy bán Giám sát Tài chính Quốc gia đảm nhận. Thanh tra giám sát tập đoàn tài chính do NHTM đứng đầu do Ngân hàng Nhà nước đảm nhận. Thanh tra giám sát tập đoàn tài chính do công ty bảo hiểm/chứng khoán đứng đầu do Thanh tra Bộ Tài chính đảm nhận.
Cuối cùng là sự hợp nhất thành một báo cáo giám sát hằng năm tại Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia để báo cáo Chính phủ và Quốc hội. Khi cần thiết Quốc hội có thể giao Kiểm toán Nhà nước kiểm toán tổng thể hoạt động của tập đoàn tài chính.
Theo PHẠM XUÂN HÒE / VIETNAMNET
Tags: Tài chính, Quản lý kinh tế