Tư duy không gian hai chiều trong mỹ thuật dân gian Việt Nam

Không gian hai chiều đã từng một thời độc tôn trong thế giới mỹ thuật cổ đại và gắn liền với những giá trị nhân văn sâu xa từ trong tiềm thức con người. Bài viết này đưa ra một số phác họa các giá trị văn hóa của không gian hai chiều, mối quan hệ mật thiết với sự phát triển của các cộng đồng, và sự cần thiết của việc bảo tồn thế giới quan dân gian này trong bối cảnh hiện đại.

Tư duy không gian 2 chiều trong mỹ thuật dân gian Việt

Đám cưới chuột, tranh dân gian Đông Hồ.

Khái niệm và ý nghĩa của tư duy không gian hai chiều trong mỹ thuật

Khi người cổ đại khởi đầu việc sáng tạo mỹ thuật với những hình vẽ trên vách hang động, họ đã sử dụng không gian hai chiều. Trong không gian đó, chiều sâu của sự vật không được lưu ý tới, hay nói đúng hơn là không được biểu đạt một cách chính xác. Các vật thể ở xa thường được vẽ phía trên các vật thể ở gần, nhưng kích cỡ của chúng vẫn tương đương nhau thay vì tỷ lệ theo vị trí trong tranh.

Lối vẽ không gian 3 chiều một cách chính xác xuất hiện trong các bức tranh của phương Tây từ khá sớm, có lẽ là phổ biến ngay sau thời kỳ Mosaic. Ở Nhật, thế giới quan 3 chiều trở nên phổ cập trong tranh có lẽ từ thế kỷ 19, khi các nghệ sỹ như Hokusai hay Hiroshige ít nhiều chịu ảnh hưởng từ phương Tây. Tuy nhiên, cũng như người Trung Quốc, các nghệ sỹ dân gian Nhật biết tả bóng cho các tình tiết trong tranh từ khá sớm. Tuy toàn bộ bức tranh vẫn mang nặng tính không gian hai chiều, nhưng bóng mờ vẫn phát huy hiệu quả, giúp làm nổi bật hình khối của các chi tiết, nhân vật trong tranh.

Khác với Nhật và Trung Quốc, hội họa dân gian cổ Việt Nam vận dụng rất ít không gian 3 chiều. Các nghệ nhân Việt cổ thậm chí hầu như không có ý thức cố gắng tả bóng để làm nổi bật hình khối các vật thể trong tranh. Trái lại, họ tìm cách phẳng hóa sự vật. Những sự vật vốn dĩ không phẳng trong đời sống, khi vào hình họa được cách điệu hóa để trở nên phẳng một cách hợp lý theo ý thức thẩm mỹ của người sáng tạo. Biểu tượng chim lạc trên các mặt trống đồng cổ là một ví dụ.

Tư duy không gian hai chiều trên bề mặt trống đồng cổ, trong tranh dân gian Đông Hồ, và tranh Hàng Trống ngày nay là những di vật phản ánh một dòng chảy có cội nguồn sâu xa, và có thể phần nào phản ánh một số tố chất trong tâm hồn người sáng tạo. Thứ nhất, do không được mô tả hình khối nên tất cả các sự vật trong tranh dễ bị có cảm giác thiếu chiều sâu và trở nên căng cứng trên bề mặt tác phẩm. Người nghệ nhân chỉ được phép vận dụng các nét rạch ròi, sắc cạnh trên các mặt phẳng. Điều này đòi hỏi tính chính xác rất cao. Mỗi nét là một câu trả lời thẳng thắn dứt khoát, có hoặc không. Ở đây không có chỗ cho những bóng mờ với vai trò làm mềm hóa ấn tượng về vật thể, giúp thỏa hiệp với mắt nhìn của người xem. Thứ hai, không mô tả hình khối sự vật cũng có nghĩa là người nghệ nhân bớt bị ràng buộc vào ý thức cố gắng mô tả hiện thực một cách chính xác. Tùy vào mục đích, điều này có thể tốt, cũng có thể không tốt. Nếu mục đích của người nghệ sỹ là biểu đạt tình cảm hay quan niệm thẩm mỹ – những sự vật trừu tượng cao – thì việc cố gắng mô tả chính xác vẻ bề ngoài của sự vật rất có thể trở thành một gánh nặng, làm phân tán năng lượng và tư tưởng của người nghệ sỹ, ngăn cản họ tự do biểu đạt nội tâm sâu kín bên trong.

Lịch sử Nghệ thuật Hiện Đại của phương Tây đã dạy chúng ta bài học về giá trị của tự do trong tư tưởng sáng tạo. Những người nghệ sỹ trường phái Ấn Tượng đã tìm thấy tự do vì họ biết chối bỏ ý thức mô tả chính xác vẻ bề ngoài của hiện thực. Thay vào đó họ tập trung vẽ những ấn tượng nhằm biểu đạt tình cảm chân thành của mình. Điều thú vị là, những nghệ sỹ Ấn Tượng như Van Gogh hay Pissaro từng chịu ảnh hưởng sâu sắc từ tranh khắc gỗ Nhật Bản, mà một trong những điểm khác biệt lớn nhất của chúng với hội họa đương thời phương Tây chính là ở tính chất không gian hai chiều. Tư duy về không gian hai chiều chính là duyên do sâu xa khởi nguồn cho sự tự do, phóng khoáng và tính chiêm nghiệm cô đọng sâu sắc trong hội họa phương Tây Hiện Đại. Sự chuyển hóa trong tư duy mỹ thuật này được minh chứng thuyết phục trong bức Vũ Điệu (1910) nổi tiếng của Henri Matisse.

Vũ điệu (Henri Matisse, 1910).

Lựa chọn Không gian hai chiều chính là một cách để người nghệ sỹ từ bỏ thế giới nhìn thấy được trong hiện thực để đổi lấy khả năng tự do biểu đạt sự phong phú, phức tạp của sự vật. Cũng giống như ở bức Vũ Điệu của Matisse, chúng ta có thể thấy rằng bức tranh Hàng Trống vẽ Đám Cưới Chuột không bị ràng buộc bởi yêu cầu phải phân biệt giữa sự vật ở xa và ở gần, hoặc tính logic của hình họa khi quan sát từ một vị trí cố định nào đó. Không gian trong bức Đám Cưới Chuột là một không gian có tính trừu tượng cao. Nó không mô phỏng lại một không gian cụ thể trong hiện thực. Tính cách điệu cao, gợi nhiều hơn tả, khiến người xem dễ dàng liên tưởng tới một không gian xã hội, không gian văn hóa, thay vì một không gian vật thể nào đó.

Tương tự như vậy, ở các bức tranh thờ, ví dụ như tranh Ngũ Hổ, không gian hai chiều rất phù hợp để biểu đạt cho không gian tâm linh có tính khái quát cao. Đây cũng chính là điểm tương đồng giữa tranh thờ Hàng Trống với tranh thờ ở những nền văn hóa tâm linh phát triển mạnh mẽ, như Ấn Độ hay Tây Tạng. Qua đó thì thấy rằng tư duy không gian hai chiều không hẳn đơn thuần là biểu hiện của sự lạc hậu về kỹ thuật, mà gắn liền với những giá trị tinh thần độc đáo riêng.

Tranh Ngũ Hổ.

Đặc thù lịch sử và những giá trị nhân văn trong mỹ cảm người Việt cổ

Khi trình độ giao thương trên biển còn thô sơ, Việt Nam có thể coi là một vùng đất thiếu ưu đãi và bị cô lập với thế giới. Vùng đồng bằng sông Hồng khá bằng phẳng nhưng nhỏ hẹp. Điều này giới hạn quy mô của dân số cho tới tận thời kỳ lịch sử hiện đại. Dân số nhỏ, điều kiện tự nhiên thiếu ưu đãi, và giao thương kém phát triển là những nguyên nhân khiến quy mô sản xuất không lớn, nhịp độ lao động không cao. Đây có thể là lý do khiến những người thợ thủ công không phải chịu sức ép lớn trong công việc. Họ không phải vội vàng hoàn thành công việc, và cũng không nhất thiết phải tạo ra những sản phẩm có kiểu dáng đều tăm tắp để tối ưu hóa năng suất.

Có thể do ít chịu sức ép đòi hỏi phải nhanh chóng hoàn thành sản phẩm nên những người nghệ nhân Việt đã hình thành nên một thói quen khá phổ biến, đó là dùng họa tiết phủ kín các bề mặt thay vì tạo ra nhiều khoảng trống lớn xen kẽ. Biểu tượng rồng thời Lý là một trong những ví dụ điển hình. Đây là một trong những biểu tượng có tính đặc trưng nhất cho nghệ thuật cổ của người Việt. Khác biệt lớn của rồng thời Lý với biểu tượng rồng của các triều đại và quốc gia khác là ở tính phóng khoáng, cách điệu cao, và đặc biệt là ở thân rồng tràn lấp một cách thoải mái khắp bề mặt trang trí, cho thấy tinh thần người nghệ nhân ung dung và tự do sáng tạo theo ý thích của mình.

Rồng thời Lý.

Thói quen trang trí tràn lấp trên bề mặt tác phẩm phản ánh những đặc thù riêng trong mỹ cảm người Việt cổ. Nó cho thấy người nghệ nhân quan tâm bình đẳng tới mọi điểm trên bề mặt tác phẩm. Điều này một mặt thể hiện ý thức cầu toàn của người thợ, mặt khác nó cũng phản ánh đời sống tinh thần thong thả, không gấp gáp. Thói quen trang trí lấp đầy mặt phẳng của người Việt cổ có đặc điểm khác với thói quen trang trí lấp đầy mặt phẳng của một số dân tộc khác, trong đó điển hình là các dân tộc Trung Á. Hoa văn của Trung Á nổi tiếng với những tiết tấu lặp đi lặp lại một cách chính xác. Họa tiết của người Việt cổ không có xu hướng này. Không có 2 con chim lạc nào giống hệt nhau trên bề mặt trống đồng. Các điểm trên bề mặt trang trí có thể thoạt nhìn từa tựa như nhau, nhưng mỗi điểm tương ứng với một khoảnh khắc ngẫu hứng riêng. Tính ngẫu hứng này bị thui chột ít nhiều trong họa tiết đời Lý, nhưng từ đời Lê – Trịnh đổ về trước thể hiện khá mạnh mẽ.

Họa tiết trên nóc đình Thổ Tang ở Vĩnh Phúc là một ví dụ sinh động. Các cá thể phủ kín bề mặt trang trí, nhưng không có 2 cá thể nào giống hệt nhau về thần thái, cử chỉ. Mỗi cá thể có tính cách riêng, và đều bình đẳng trong cơ hội biểu đạt tiếng nói của mình.

Họa tiết trang trí đình Thổ Tang, Vĩnh Phúc.

Họa tiết trang trí đình Thổ Tang được đề cập ở đây là một bức phù điêu, tức là một tác phẩm có tính 3 chiều, nhưng bị áp đảo bởi mỹ cảm của không gian hai chiều. Có lẽ bởi vì tư duy hai chiều là một yếu tố tự thân trong mỹ cảm của người sáng tạo. Chỉ có không gian hai chiều mới giúp người thợ phản ánh được tinh thần cộng đồng bình đẳng và thoải mái mà chúng ta đã đề cập. Nếu tưởng tượng họa tiết đình Thổ Tang được sáng tạo thuần túy theo tư duy 3 chiều, trong đó có những hình nhô ra làm điểm nhấn, và những mảng lõm vào để làm nền phía sau, thì chắc chắn giá trị tinh thần của tác phẩm sẽ hoàn toàn bị thay đổi.

Thấm nhuần tư duy không gian hai chiều để bảo tồn văn hóa mỹ thuật truyền thống

Có những yếu tố tưởng như là hạn chế, thực ra lại là chất xúc tác cần thiết để tạo ra những giá trị quý báu lâu dài. Điều này không chỉ đúng trong mỹ thuật Nền nghệ thuật sân khấu của người Việt cổ vốn bị hạn chế về đạo cụ. Người diễn viên thường xuyên phải diễn chay, dùng động tác chân tay để mô tả tình huống. Người nghệ sỹ có thể đang chèo thuyền, thoắt đã lên ngựa, chuyển cảnh chỉ đơn giản bằng một vũ đạo. Nhưng chính hạn chế đó lại tôn thêm tính phóng khoáng, đa nghĩa, và cô đọng cao cho tác phẩm.

Cũng tương tự như vậy, tư duy không gian hai chiều trong mỹ thuật dân gian Việt có thể vốn gắn liền với những hạn chế trong nhận thức do điều kiện khách quan. Nhưng nó cũng gắn liền với một hệ mỹ cảm độc đáo và quý giá. Tinh kết hợp với thô. Sự cô đọng có tính khái quát cao hòa trộn nhuần nhuyễn trong với tinh thần cộng đồng giản dị và thoải mái tự do, đó là những giá trị nhân văn cổ truyền của tâm hồn Việt được ẩn chứa trong tư duy không gian hai chiều.

Nhưng việc duy trì, nuôi dưỡng các giá trị văn hóa cổ truyền là một thách thức lớn, khi mà thế giới chúng ta đang sống biến đổi quá nhanh. Mọi cá thể đều phải chịu sức ép từ miếng cơm manh áo. Những người thợ thủ công cũng không là ngoại lệ. Họ luôn bị buộc phải hoàn thiện sản phẩm nhanh chóng, theo những kiểu mẫu cố định được chỉ định bởi thị hiếu thị trường. Đời sống tinh thần của con người trong cộng đồng cũng đang thay đổi. Người nông dân đang từ bỏ quê hương, đổ về thành phố tìm công ăn việc làm. Sức ép đô thị hóa đang biến các làng nghề thành những cụm nhà ống chen vai thích cánh. Người thợ ngày nay đang dần mất đi ý thức trân trọng và tự hào về cộng đồng. Chúng ta đang để mất đi những nền tảng cần thiết để nuôi dưỡng các giá trị văn hóa cổ truyền cơ bản. Để gìn giữ, nuôi dưỡng văn hóa truyền thống, nhất thiết phải bắt đầu từ việc bảo tồn các cộng đồng, đặc biệt là các làng nghề thủ công truyền thống.

Bên cạnh đó, việc nâng cao nhận thức và khả năng cảm thụ của con người đương thời đối với các các giá trị mỹ thuật dân gian thật cần thiết. Nếu thiếu sự thấu hiểu và khả năng cảm thụ thì việc tu tạo cũng chẳng khác gì phá hoại. Càng cố gắng tu tạo thì lại càng hủy hoại nhanh chóng các di sản văn hóa lịch sử. Điều này đã và đang trở thành một hiện thực phổ biến khi người ta sửa chữa, làm mới một cách tràn lan các đền chùa, miếu mạo trên khắp cả nước.

Đã đến lúc phải nghiêm túc tìm lại văn hóa cội nguồn qua các tác phẩm mỹ thuật cổ. Bắt đầu ngay từ trồng đồng. Tổ tiên chúng ta đã gửi gắm vào trống đồng tất cả những tri thức về mùa vụ, thiên văn, về mối quan hệ thiêng liêng giữa cá thể và cộng đồng, giữa con người với trời đất, tạo hóa. Nguồn tri thức đó của người xưa từ vài nghìn năm trước rất có thể sẽ vĩnh viễn không bao giờ được giải mã và khôi phục lại trọn vẹn. Nhưng chúng ta vẫn có thể cảm thụ được một cách sinh động qua bố cục tác phẩm. Nó là chùm chìa khóa mở ra những kho tàng lưu giữ mỹ cảm và tâm tư của người đi trước. Tư duy không gian hai chiều là một chiếc chìa khóa quan trọng như vậy.

Theo PHẠM TRẦN LÊ / TẠP CHÍ TIA SÁNG

Tags: , ,