Từ con người đến quốc gia: Hạnh phúc là gì?

Không có hạnh phúc của con người sẽ không có hạnh phúc của quốc gia; ngược lại, không có hạnh phúc của quốc gia sẽ không có hạnh phúc của con người. Để nhận thức khái niệm hạnh phúc, cần tìm nguồn gốc của nó. 

Nguồn gốc khái niệm hạnh phúc

Mỗi sự vật, hiện tượng khách quan trong thế giới tự nhiên và xã hội đều có các mặt “đối lập”. Mặt đối lập tức là mặt “đứng ở phía đối ngược lại” với mặt kia. Trong thế giới tự nhiên và xã hội có các mặt đối lập cơ bản là: đối lập “song – hành” và đối lập “nhân – quả”. Các mặt đối lập song – hành (phải – trái) được hình hành trên cơ sở quay vòng của Trái đất tự quay xung quanh nó; còn các mặt đối lập nhân – quả (trước – sau) được hình thành trên cơ sở quay vòng của Trái đất tự quay xung quanh Mặt trời. Chính sự chuyển động không ngừng của Trái đất như vậy là cội nguồn sâu xa hình thành nên hiện tượng (khái niệm) hạnh phúc nói riêng, các mặt đối lập của sự vật, hiện tượng trong thế giới tự nhiên và xã hội nói chung. Nói đến sự vật, hiện tượng, chẳng hạn như các con số đối lập, thì không thể không nói đến chữ số 2 – số nhiều nhỏ nhất. Chữ số 2 chính là biểu tượng của gia đình – nguồn gốc của hạnh phúc. Không có chữ số 2 sẽ không có các chữ số nhiều khác; tương tự, không có gia đình sẽ không có cộng đồng các quốc gia.

Các mặt đối lập cơ bản trong khái niệm hạnh phúc là “hạnh” và “phúc”. Nhìn nhận từ góc độ các mặt đối lập song – hành, hạnh là muốn nói tới sự bất hạnh (điều dở, xấu,…), còn phúc là muốn nói tới sự phúc đức (điều hay, tốt,…) cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Nhìn nhận từ góc độ các mặt đối lập nhân – quả, hạnh là muốn nói tới sự cầu mong không gặp điều bất hạnh trong tương lai; còn phúc là muốn nói tới sự cầu mong gặp điều phúc đức trong tương lai. Do vậy, khi ta mong muốn bản thân có hạnh phúc, hay chúc điều hạnh phúc cho ai, cũng tức là cầu mong mình, cầu mong cho người đó không gặp điều bất hạnh có thể không may gặp phải, mà mong muốn mình, mong muốn người đó luôn gặp những điều phúc đức. Mỗi con người đều mong muốn có hạnh phúc trong hiện tại và tương lai với các tiêu chí (đòi hỏi) khác nhau. Đó chính là các ước muốn xuất phát từ bản chất các mặt đối lập của hạnh phúc con người.

Hạnh phúc của con người

Hạnh phúc bao gồm các tiêu chí khác nhau mà con người mong muốn có được trong hiện tại và tương lai. Có những người ước muốn được hưởng một đời sống vật chất sung túc; có những người lại ước muốn làm được nhiều điều thiện trong xã hội..v..v.. Tuy nhiên, con người là sự vật, hiện tượng có các mặt đối lập, phụ thuộc vào sự vận động khách quan của Trái đất – thế giới tự nhiên. Do vậy, con người sống trong thế giới đó không thể tránh khỏi các “va chạm” (xung đột) giữa các mặt đối lập, trong đó có các mặt đối lập cơ bản là: sự sống con người và môi trường tự nhiên. Điều đó đã cho thấy rằng, hạnh phúc chân chính (thật sự) của con người là có được sự cân đối (cân bằng), hài hòa (dung hợp) giữa sự sống của con người và sự tồn tại của môi trường tự nhiên.

Sự cân đối, hài hòa giữa các mặt đối lập như vậy chính là cội nguồn sinh ra và duy trì sự tồn tại của con người. Nếu sự vật, hiện tượng không có các mặt đối lập, tức không có sự cân đối, hài hòa giữa sự sống của con người và tồn tại của tự nhiên, sẽ khó đạt được hạnh phúc thật sự của con người. Nói cách khác, con người sinh ra, tồn tại trong thế giới này đều có các mặt bất hạnh (rủi ro) và phúc đức (may mắn). Người nào trong quá khứ, hiện tại gặp bất hạnh (thất bại) “có thể” sẽ trở thành tiền đề để cho người đó có phúc đức (thành công) trong tương lai; ngược lại, người nào trong quá khứ, hiện tại có phúc đức cũng có thể sẽ trở thành tiền đề để người đó gặp bất hạnh trong tương lai. Chính sự có thể gặp bất hạnh hoặc phúc đức đã dẫn đến các ước muốn, câu chúc hạnh phúc, may mắn, bình an, tốt lành,… cho con người. Song cũng chính từ các khái niệm đó lại có thể dẫn đến các ước muốn “viển vông” (không có thật), tính kiêu ngạo, các “hủ tục” trong cúng bái, lễ hội, gọi “hồn”,… làm mất đi nét đẹp văn hóa chân thật về tâm linh của bản thân con người.

Hạnh phúc của quốc gia

Hạnh phúc bao gồm các tiêu chí khác nhau mà quốc gia nào cũng ước muốn có được trong hiện tại và tương lai. Có quốc gia ước muốn đến được “Thiên đường” – nơi con người không còn khổ đau; có quốc gia ước muốn đến được xã hội “tự do, bình đẳng và bác ái”; quốc gia khác lại ước muốn đến được xã hội có “phúc lợi chung”, không còn bóc lột, áp bức bất công giữa người với người, con người sống hài hòa với thiên nhiên,..v..v.. Tuy nhiên, quốc gia là sự vật, hiện tượng có các mặt đối lập, phụ thuộc vào sự vận động khách quan của thế giới tự nhiên, xã hội loài người. Do vậy, các quốc gia tồn tại trong cộng đồng xã hội loài người không thể tránh khỏi các “mâu thuẫn” (xung đột) giữa các mặt đối lập, trong đó có các mặt đối lập cơ bản là: cá nhân con người (nhóm) và cộng đồng xã hội (quốc gia). Điều đó cho thấy rằng, hạnh phúc thật sự của quốc gia chính là có được sự cân đối (cân bằng), hài hòa (dung hợp) về giá trị, lợi ích giữa cá nhân con người và cộng đồng xã hội.

Sự cân đối, hài hòa giữa các mặt đối lập như vậy là cội nguồn xuất hiện và duy trì sự tồn tại của quốc gia. Nếu sự vật, hiện tượng không có các mặt đối lập, tức không đảm bảo sự cân đối, hài hòa về giá trị, lợi ích giữa cá nhân con người và cộng đồng xã hội, sẽ khó có thể duy trì sự tồn tại của quốc gia. Nói cách khác, các quốc gia xuất hiện, tồn tại trong thế giới này đều có các mặt bất hạnh (thất bại) và phúc đức (thành công). Quốc gia nào gặp bất hạnh (thất bại) trong quá khứ, hiện tại có thể sẽ là tiền đề cho quốc gia đó có phúc đức, tức thành công trong tương lai; ngược lại, quốc gia nào có phúc đức trong quá khứ, hiện tại có thể lại là tiền đề cho quốc gia đó gặp bất hạnh, tức thất bại trong tương lai. Chính sự có thể gặp bất hạnh hoặc phúc đức đã dẫn đến các ước muốn, các câu chúc thành công, tốt đẹp cho nhau giữa các quốc gia trong các buổi tiếp kiến ngoại giao,..v..v… Song cũng chính từ các khái niệm đó lại có thể dẫn đến các hành vi dối trá, lừa đảo, ích kỷ,… của quốc gia này với quốc gia khác, làm mất đi tính bình đẳng, hữu nghị cần có giữa các quốc gia.

Làm gì để con người, quốc gia có hạnh phúc?

Hạnh phúc là tiêu chí được nhiều quốc gia, nhiều người ước muốn trong tương lai. Tuy nhiên, để đạt được điều đó, mỗi con người ở các quốc gia rất cần phải nhận thức được cội nguồn, bản chất hạnh phúc của con người, quốc gia; đồng thơi, cần phải có nhiều nỗ lực của bản thân để thực hiện điều đó. Bởi nếu không hiểu nguồn gốc, bản chất của hạnh phúc, mỗi con người, quốc gia sẽ không thể đạt được nó, mặc dù có nhiều nỗ lực; ngược lại, có khi còn dẫn đến các căn bệnh như sùng bái, kiêu ngạo, các hủ tục lạc hậu,..v..v… Mỗi quốc gia, con người muốn có hạnh phúc cần phải nhận thức thấu đáo về nó, biết cân bằng giữa lợi ích riêng và lợi ích chung, cùng nhau hợp tác giải quyết thông qua luật pháp, đạo đức để thực hiện cân bằng, dung hợp giữa các mặt đối lập là: môi trường tự nhiên và xã hội loài người; cá nhân con người và cộng đồng xã hội. Điều đó có nghĩa là, những người và quốc gia nào làm được nhiều việc hay, nhiều điều tốt để bảo vệ môi trường sống của tự nhiên, con người, cộng đồng xã hội, tức đảm bảo cân bằng, hài hòa giữa sự tồn tại của môi trường tự nhiên và sự sống của con người, sự cân bằng, dung hợp về giá trị, lợi ích giữa cộng đồng xã hội và cá nhân con người, sẽ là những người, quốc gia có nhiều hạnh phúc nhất.

Theo NGUYỄN HỮU ĐỒNG / CHUNGTA.COM

Tags: , ,