Từ Chiến tranh Lạnh trong quá khứ đến nguy cơ chiến tranh nóng hiện tại

Thuật ngữ “Chiến tranh Lạnh” ra đời năm 1947. Tuy nhiên, tình trạng “Chiến tranh Lạnh” vẫn hiện hữu thời nay và đe dọa biến thành chiến tranh nóng tàn khốc giữa Mỹ và Nga.

Từ Chiến tranh Lạnh trong quá khứ đến nguy cơ chiến tranh nóng hiện tại

Thời điểm mở màn Chiến tranh Lạnh

Vào tháng 4/1947, thuật ngữ “Chiến tranh Lạnh” được đưa ra lần đầu tiên để miêu tả sự chia rẽ chính trị giữa Mỹ và Liên Xô. Cuộc đối đầu kéo dài đó được cho là kết thúc vào năm 1991 với sự sụp đổ của Liên Xô. Nhưng hóa ra, tình trạng ngưng đó dường như chỉ xảy ra trong trí tưởng tượng.

Mặc dù Washington và Moskva là các đồng minh hiệu quả trong trận chiến chung chống Đức Quốc xã, hai đối thủ về hệ tư tưởng này không còn có thể che giấu sự thù địch lẫn nhau vào thời điểm Thế chiến II kết thúc năm 1945. Sau đó là tình trạng đối đầu lạnh giá phủ khắp hành tinh trong khoảng nửa thế kỷ khiến nhiều người e sợ về một thảm họa chiến tranh hạt nhân hủy diệt.

75 năm trước, cũng vào tháng 4 này, Bertrand Baruch – nhà tài phiệt và chính khách Mỹ, đã sáng tạo ra thuật ngữ “Chiến tranh Lạnh” để mô tả thế căng thẳng đối đầu kéo dài giữa 2 phe.

Phát biểu trước một phái đoàn nghị sĩ Mỹ, ông Bertrand nói: “Chúng ta đừng để bị đánh lừa, chúng ta đang ở giữa một cuộc chiến tranh lạnh. Kẻ thù chúng ta được phát hiện ở nước ngoài và cả trong nước. Đừng bao giờ quên điều này: Sự bất ổn của chúng ta là cốt lõi trong thành công của họ”.

Các sử gia có xu hướng nhất trí rằng Chiến tranh Lạnh bắt đầu vào năm 1947 với cái gọi là Học thuyết Truman – một chương trình “kiềm chế” nhằm vào kẻ thù không đội trời chung của Mỹ, theo khuyến nghị của nhà ngoại giao Mỹ George Kennan, và kéo dài đến ngày 26/12/1991, khi Liên Xô chính thức giải thể.

Một số người khác thì lập luận rằng Chiến tranh Lạnh thực sự bắt đầu từ tận năm 1945 khi Mỹ thả 2 quả bom nguyên tử lên các thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản vào những ngày cuối cùng của Thế chiến II.

Chính hành động đáng sợ đó (ném bom hạt nhân xuống Nhật Bản) – điều khiến cả Liên Xô và thế giới bất ngờ, thúc đẩy lãnh tụ Liên Xô Joseph Stalin tăng tốc chương trình hạt nhân Xô-viết. Vào ngày 29/8/1949, Liên Xô thử thành công vũ khí hạt nhân đầu tiên của mình, nhờ đó đạt được thế cân bằng chiến lược với Mỹ.

Đối với hàng triệu người trên thế giới, đây là sự khởi đầu của cuộc Chiến tranh Lạnh thực sự – một cơn ác mộng thực sự, trong đó 2 cường quốc vũ trang hạt nhân bị vướng chặt vào một trận chiến ý thức hệ. Tại Mỹ, cũng như tại Liên Xô, học sinh đều đặn tham gia các cuộc diễn tập khẩn cấp để chuẩn bị cho những điều khủng khiếp có thể xảy ra do chiến tranh hạt nhân.

Có lẽ thời điểm thế giới tiến sát nhất tới một cuộc chiến tranh hạt nhân quy mô lớn là trong cuộc Khủng hoảng Tên lửa Cuba năm 1962, khi Tổng thống Mỹ Kennedy và Lãnh đạo Liên Xô Khrushchev thực hiện những bước đi cân não để tránh đối đầu hạt nhân mà vẫn giữ được thể diện. Cuối cùng tên lửa đạn đạo của hai bên đã được rút khỏi Thổ Nhĩ Kỳ (gần Nga) và khỏi Cuba (gần Mỹ).

Liên Xô tan rã nhưng Chiến tranh Lạnh chưa thực sự mất đi

30 năm sau sự kiện Tên lửa Cuba, Liên Xô đã tan rã và chỉ còn tồn tại trong sách vở. Một câu hỏi đặt ra là Chiến tranh Lạnh đã thực sự chấm dứt khi đó hay bóng ma của nó vẫn còn đeo đẳng cho tới hiện tại?

Ngay sau khi Liên Xô sụp đổ, Nga đối mặt với thách thức to lớn là chuyển đổi từ nền kinh tế chỉ huy sang nền kinh tế thị trường. Lúc này, cả Nga và Mỹ đã gạt sang một bên sự thù địch trong quá khứ, còn các cố vấn phương Tây đã tới Nga để hỗ trợ nước này cải cách kinh tế.

Sử dụng các kỹ thuật “liệu pháp sốc” theo kiểu tự do hóa do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tài trợ, Nga đã xóa bỏ kiểm soát giá và trợ cấp nhà nước, trong khi đưa ra kế hoạch “cho vay cổ phiếu” dành cho tư nhân hóa các tài sản trước đây thuộc sở hữu nhà nước. Kết quả cuối cùng là hàng loạt thảm họa như lạm phát diện rộng, thất nghiệp, đối nghèo tràn lan, sự trỗi dậy của tầng lớp đầu sỏ chính trị và sự gia tăng chưa từng thấy tỷ lệ tử vong. Ít nhất một nghiên cứu đã quy trách nhiệm về tình trạng này cho mức độ tự do hóa cẩu thả.

Như vậy hợp tác đầu tiên hậu Xô-viết giữa Nga và Mỹ đã không phải là một sự khởi đầu đầy hứa hẹn.

Bước ngoặt trong quan hệ Mỹ-Nga thời hiện đại xuất hiện sau loạt tấn công khủng bố vào ngày 11/9/2001. Dù ông Vladimir Putin là lãnh đạo thế giới đầu tiên gọi điện cho Tổng thống Mỹ George W. Bush, đề xuất Nga dành cho Mỹ sự ủng hộ vô điều kiện, phía Mỹ đã đáp lễ bằng một việc mà Nga sẽ không thể nào sớm quên: Chỉ vài tháng sau đó, vào ngày 13/12/2001, Tổng thống Bush chính thức thông báo rằng Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp ước chống Tên lửa đạn đạo (ABM). Được Moskva và Washington ký kết vào năm 1972, Hiệp ước ABM duy trì sự ngang bằng chiến lược, và quan trọng hơn nữa là duy trì hòa bình giữa các cường quốc hạt nhân này – một dạng hành động cân bằng thường được mô tả bằng cụm từ “đảm bảo hủy diệt lẫn nhau”.

Mỹ đã làm gì ngay sau khi rút khỏi Hiệp ước 30 năm tuổi? Họ đã xúc tiến các kế hoạch triển khai ở Ba Lan một hệ thống tinh vi chống tên lửa đạn đạo, nằm rất sát biên giới nước Nga. Năm nay (2022), Mỹ đã triển khai cả binh sĩ ở Ba Lan.

Tờ báo Stars & Stripes vào tháng 1/2022 đưa tin: “Hải quân Mỹ gần đây đưa các thủy thủ lên một căn cứ mới – một cơ sở chiến lược ở miền Bắc Ba Lan. Cơ sở này sẽ hậu thuẫn cho hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu của NATO”.

Năm 2021, Mikhail Khodarenok – một đại tá Nga về hưu, đã bình luận về ý nghĩa của hệ thống này đối với an ninh Nga và châu Âu.

Khodarenok viết: “Sự phát triển của tổ hợp AEGIS Ashore ở Ba Lan làm Nga lo ngại. Đây chính là vấn đề. Hệ thống phóng Mark-41 có thể được điều chỉnh nhanh chóng và tên lửa SM-3 sẽ được thay thế bằng tên lửa hành trình tấn công mặt đất Tomahawk”.

Khodarenok nêu câu hỏi: “Nga sẽ phải làm gì trong tình huống này, khi sự chuyển đổi hệ thống AEGIS đặt trên cạn ở Ba Lan có thể tạo ra một mối đe dọa thực sự đối với an ninh quốc gia của Nga”.

Tuy nhiên Nga đã không ngồi yên. Họ đã bận rộn tìm cách ứng phó với các nỗ lực của Mỹ và NATO nhằm xây dựng một hệ thống chống tên lửa đạn đạo ở Đông Âu. Ngay khi Washington rút khỏi Hiệp ước ABM, Moskva đã lập tức bắt tay tìm cách vượt qua hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ. Cuối cùng các nỗ lực của Nga đã đền đáp họ theo nhiều cách mà Mỹ có thể không đoán trước được.

Năm 2018, Tổng thống Nga Putin đọc một thông điệp Liên bang khá phi chính thống, trong đó ông công bố việc Nga chế tạo được tên lửa siêu thanh có thể bay nhanh đến mức “các hệ thống phòng thủ tên lửa bị vô dụng trước chúng”.

Nhà lãnh đạo Nga khi ấy tuyên bố một cách thách thức: “Không ai thực sự muốn nói chuyện với chúng tôi về cốt lõi của vấn đề này (tức hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở Đông Âu) và không ai muốn lắng nghe chúng tôi. Giờ thì hãy lắng nghe nhé”.

Mối quan ngại của Moskva về cấu trúc quân sự chiến lược đang được xây dựng ở nước ngoài sát biên giới Nga không phải là bí mật gì cả. Hồi năm 2007, ông Putin đã trình bày diễn văn tại Hội nghị An ninh Munich, trong đó ông nhấn mạnh rằng đối với nước Nga, việc NATO mở rộng “thể hiện một sự khiêu khích nghiêm trọng làm giảm mức độ tin tưởng lẫn nhau”. Ông Putin đã nêu thẳng câu hỏi như sau: “Sự mở rộng đó là nhằm vào ai?”.

>> Tầm nhìn lớn của Putin qua Diễn văn Munich 2007

Từ đây đã xuất hiện hàng loạt diễn biến trên các lĩnh vực trong quan hệ Mỹ-Nga, cho thấy sự hồi sinh của “Chiến tranh Lạnh”: Thái độ không hài lòng của Mỹ đối với việc Nga can thiệp vào nội chiến Syria để chống IS, rồi đến các cáo buộc Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ năm 2016…

Giờ đây khi chiến sự Ukraina đe dọa vượt ra ngoài vòng kiểm soát, đã đến lúc thế giới nguyện cầu cho cuộc Chiến tranh Lạnh mới không chuyển hóa thành chiến tranh nóng giữa Mỹ và Nga.

Theo VOV / RT

Tags: , , ,