Trung Quốc và Mỹ – những đối thủ giao thoa về chiến lược

Vùng giao thoa chiến lược khi được nới rộng ra có thể giảm thiểu nguy cơ mất kiểm soát, nhất là trong giai đoạn đầy thách thức khi Trung Quốc trỗi dậy. Nhưng đâu là vùng giao thoa để hai nước có thể cùng chung quan điểm, cùng lời ích để đi đến hợp tác?

Trung Quốc và Mỹ – những đối thủ giao thoa về chiến lược

Bài viết của ông Kevin Rudd, nguyên Thủ tướng Australia. Ông hiện đang là Giám đốc Viện Nghiên cứu Chính sách Xã hội Châu Á và là tác giả “US-China 21: The Future of US-China Relations Under Xi Jinping”. Bài viết được đăng trên The Financial Times.

Trung Quốc và Mỹ là những đối thủ cùng chung chiến lược. Và giới lãnh đạo hai nước sẽ góp phần định hình tương lai mối quan hệ khá đặc biệt này khi họ chia sẻ lợi ích chung và tìm cách nới rộng hơn nữa phần giao thoa trong chiến lược của cả hai nước.

Trong thập niên tới, sản lượng của nền kinh tế Trung Quốc được dự báo có thể sẽ vượt qua Mỹ. Nếu điều đó xảy ra, đây sẽ là lần đầu tiên kể từ khi vua George III của Anh lên ngôi vào năm 1760, nền kinh tế lớn nhất thế giới không còn thuộc về phương Tây. Một thế giới phi đối xứng đang dần lộ diện, mặc dù Mỹ vẫn là siêu cường vượt trội về sức mạnh quân sự. Ranh giới phân chia giữa sức mạnh kinh tế và sức mạnh quân sự giờ đây ngày càng rõ ràng hơn. Trong bối cảnh đó, nhiều người đặt câu hỏi: liệu quá trình thay đổi về cán cân quyền lực trên thế giới có diễn ra một cách hòa bình hay không?

Thật khó có thể trả lời câu hỏi này bởi sự xuất hiện của vô vàn những nguy cơ làm nảy sinh căng thẳng và xung đột. Trong suy nghĩ của mình, Bắc Kinh cho rằng Washington vẫn ráo riết tìm mọi cách ngăn chặn sự trỗi dậy của họ. Năm 2014, một văn bản được phổ biến đến giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thể hiện rõ sự đồng thuận về quan điểm này. Trong khi đó, Mỹ hoạch định và triển khai chiến lược nhằm vào Trung Quốc với 5 mục tiêu: cô lập, ngăn chặn, giảm bớt ảnh hưởng, chia cắt và khiến giới lãnh đạo chính trị bất đồng.

Đối với một độc giả phương Tây, những kết luận này có vẻ như khá lạ lẫm. Nhìn vào đó, người ta có thể giải thích được tại sao các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn cáo buộc rằng Mỹ chưa bao giờ chấp nhận thể chế chính trị tại Bắc Kinh. Theo quan điểm của Trung Quốc, Mỹ không bao giờ từ bỏ vị thế là siêu cường vượt trội tại châu Á và trên toàn cầu.

Đối với Mỹ, rõ ràng, sự trỗi dậy của Trung Quốc không bình thường chút nào. Vượt ra ngoài lĩnh vực kinh tế-thương mại thuần túy, giờ đây, Trung Quốc đã trở thành đối thủ cạnh tranh với Mỹ về chính trị, ngoại giao và an ninh-quốc phòng ngay tại châu Á. Nếu nhìn dưới góc độ này, chính sách dài hạn của Bắc Kinh là đẩy Washington ra khỏi châu Á để xây dựng vùng ảnh hưởng riêng cho mình.

Cả Trung Quốc và Mỹ hẳn nhiên đã có những cách tiếp cận khá tiêu cực về nhau khi họ hoạch định chiến lược. Điều mà đến thời điểm này họ vẫn còn thiếu đó là chia sẻ quan điểm làm thế nào hai nước có thể cùng tồn tại. Rõ ràng, cả Trung Quốc và Mỹ đều cần đến nhau. Họ cần vai trò của nước kia trong nỗ lực ngăn chặn nguy cơ xung đột, khủng hoảng, tranh chấp… mà có thể nhận chìm quan hệ song phương, gây nhiều thiệt hại không đáng có.

Dù nhìn nhau bằng con mắt tiêu cực, nhưng chiến lược của Trung Quốc và Mỹ vẫn có điểm giao thoa. Trong vùng giao thoa này, hai nước nên cùng nhau hợp tác để triển khai ba vấn đề chính:

Thứ nhất, họ cần xác định rõ những lĩnh vực còn tồn tại mâu thuẫn, bất đồng và không thể giải quyết trong tương lai gần. Trên cơ sở đó, một cơ chế sẽ được hình thành để giúp mối quan hệ song phương không bị chệch hướng. Theo ông Rudd, những lĩnh vực mà cả Trung Quốc và Mỹ chưa thể giải quyết được bao gồm tranh chấp chủ quyền ở Biển Hoa Đông, Biển Đông, quy chế của đảo Đài Loan, nhân quyền…

Thứ hai, Trung Quốc và Mỹ cần thể hiện thái độ xây dựng để giải quyết những vấn đề nan giải hơn ở cấp cao. Xét dưới góc độ song phương, hai nước có thể tính đến một hình thức nào đó tương tự như hiệp định đầu tư. Xét dưới góc độ khu vực, Trung Quốc và Mỹ có thể cùng hợp tác để phát triển những cơ chế ví dụ như Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á thành Cộng đồng châu Á-Thái Bình Dương rộng lớn hơn.

Thứ ba, Trung Quốc và Mỹ cần thống nhất với nhau về mục tiêu, biện pháp xây dựng lòng tin lâu dài. Tương lai mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào quyết sách của giới lãnh đạo hai nước. Rõ ràng, họ có thể chia sẻ nhiều lợi ích chung, chứ không phải chỉ có cách nhìn tiêu cực và cạnh tranh. Thế giới đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức nghiêm trọng mà các siêu cường cũng không thể một mình xoay xở. Đó cũng không phải là nhiệm vụ đơn thuần thuộc về các tổ chức quốc tế.

Cả Trung Quốc và Mỹ đang có cơ hội quan trọng để nới rộng vùng giao thoa trong chiến lược của mỗi nước. Một chiến lược chung không thể thay thế các thỏa thuận về những vấn đề cốt lõi. Nó cũng không đủ sức mạnh để hóa giải toàn bộ những căng thẳng giữa hai nước. Tuy nhiên, vùng giao thoa chiến lược khi được nới rộng ra có thể giảm thiểu nguy cơ mất kiểm soát, nhất là trong giai đoạn đầy thách thức khi Trung Quốc trỗi dậy.

Theo NGHIÊN CỨU BIỂN ĐÔNG

Tags: , ,