Trung Quốc và chủ nghĩa tư bản bụi tre

Nếu như nước Đức có các doanh nghiệp nhỏ và vừa để tạo nên xương sống của nền kinh tế thì Trung Quốc có vô số doanh nghiệp (rất) tư nhân và mạnh mẽ: một bụi tre tư bản chủ nghĩa rậm rạp phát triển rất nhanh.

Trung Quốc và chủ nghĩa tư bản bụi tre

Hoàng Minh lược dịch theo The Economist.

Ít người có thể phủ nhận rằng Trung Quốc là một siêu sao kinh tế trong những năm gần đây. Nhờ tốc độ tăng trưởng hàng năm hai chữ số, nước này đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và năng động nhất trên nhiều phương diện. Thành tích này thường được gán cho “chủ nghĩa tư bản đặc tính Trung Quốc” – vốn ám chỉ rằng các nhà quản lý kinh tế với bàn tay mạnh mẽ hữu hình đã tạo ra phần lớn phép màu. Đó, theo lẽ tự nhiên, là một quan điểm mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc vui vẻ ủng hộ.

Nhưng có đúng vậy không? Tất nhiên là tác động của chính quyền rất lớn và quan trọng. [Hành động của chính quyền] rất hữu hiệu trước những trở ngại về vật chất và công nghệ: về vật chất là khi cần xây đường, cầu và nhà máy điện; về công nghệ là tạo điều kiện (bằng những biện pháp công bằng hay bất công) chuyển giao tài sản trí tuệ từ nước ngoài. Nhưng ngoài tác động của chính quyền, sức mạnh của Trung Quốc còn phải dựa vào những doanh nghiệp tư nhân. Nếu như nước Đức có các doanh nghiệp nhỏ và vừa để tạo nên xương sống của nền kinh tế thì Trung Quốc có vô số doanh nghiệp (rất) tư nhân và mạnh mẽ: một bụi tre tư bản chủ nghĩa rậm rạp phát triển rất nhanh.

Những xí nghiệp này không chỉ hoạt động độc lập với các công ty quốc doanh hùng mạnh mà còn nằm ngoài cả vòng luật pháp. Hệ quả là, tầm quan trọng của chúng không được phản ánh đúng trong những số liệu thống kê mà nhà nước tạo ra, vốn đã là một ô cửa sổ méo mó để nhìn vào nền kinh tế Trung Quốc. Nhưng như thông tin của chúng tôi cho thấy, đó là một nguồn lực đáng kinh ngạc.

Vương quốc Mittel(1)

Thứ nhất, hoạt động của chúng rất quy mô. Ba thập kỷ trước, gần như mọi hoạt động kinh tế ở Trung Quốc đều bị một cấp chính quyền nào đó quản lý. Nay, một ước tính – mang tính sơ bộ – cho 70% tỷ trọng GDP được tạo ra từ các doanh nghiệp không do nhà nước nắm cổ phần chi phối. Zheng Yumin, bí thư đảng bộ sở thương mại tỉnh Zhejiang, nói trong một hội thảo hồi năm ngoái rằng hơn 90% trong số 43 triệu công ty của Trung Quốc là tư nhân. Trung tâm của doanh nghiệp tư là các vùng, ví dụ như Zhejiang nơi mà các quan chức Bắc Kinh không mấy lưu tâm, nhưng kiểu doanh nghiệp này nay đã lan rộng ra khắp cả nước.

Thứ hai, họ rất năng động. Qiao Liu và Alan Siu ở Đại học Hồng Kông tính toán rằng tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu trung bình ở các công ty tư nhân chưa được niêm yết(2) cao hơn tới 10 điểm phần trăm so với mức 4% khiêm tốn ở các doanh nghiệp mà chính phủ sở hữu một phần hay toàn phần.

Số doanh nghiệp tư nhân có đăng ký đã tăng trưởng trung bình 30% mỗi năm từ năm 2000 đến năm 2009. Các nhà máy mọc lên bên những xa lộ và đường sắt mới hoạt động suốt ngày đêm để sản xuất bất kỳ thứ gì được cần đến ở bất kỳ đâu trên thế giới. Những người đứng sau các doanh nghiệp này liên tục điều chỉnh sản phẩm và cách thức sản xuất để đáp ứng áp lực cạnh tranh mạnh mẽ (thường là ở địa phương) và sự biến động của cầu. Các chính khách địa phương, những người mà tương lai sự nghiệp bị gắn chặt vào chỉ số tăng trưởng, thường để cho các doanh nghiệp này hoạt động tự do không chỉ bên ngoài sự quản lý trực tiếp của nhà nước mà còn bất chấp cả luật liên quan tới sở hữu đất, quan hệ lao động, thuế và cấp phép. Chủ nghĩa tư bản bụi tre sống trong một bong bóng tự do.

Nhưng điều này lại chỉ ra tính chất thứ ba, đang lo ngại hơn, và là tính chất đặc thù của loại doanh nghiệp này: dễ tổn thương. Chính sách đối với khu vực tư của Trung Quốc thường được gọi là “mắt mở, mắt nhắm”. Đây là một hệ thống linh hoạt đến mức tuyệt vời, nhưng khi không có một bộ luật nhất quán, các công ty sẽ trở thành nạn nhân của sự thiên vị từ các quan chức. Họ có thể bị đóng cửa bất kỳ lúc nào. Rất khó để họ có thể phát triển lên cấu trúc bền vững hơn.

Trồng chứ đừng đốn

Nhiều nhà lãnh đạo Trung Quốc thấy cần phải phá bỏ “chủ nghĩa tư bản bụi tre”, họ cho rằng nó thúc đẩy việc bóc lột lao động. Tuy nhiên sẽ tốt hơn rất nhiều nếu thay vào đó họ cố gắng cải thiện hệ thống luật pháp cho doanh nghiệp. Hiện nay nhiều doanh nghiệp rõ ràng là sợ sự giám sát: họ không muốn phải công khai, sợ công việc của họ trở thành tâm điểm điều tra. Nhưng nếu không có một cơ sở pháp lý vững chắc (bao gồm cả luật sở hữu trí tuệ), sẽ rất khó hình thành những tập đoàn và thương hiệu lớn.

Sự mập mờ pháp lý cũng đẩy việc huy động vốn vào bóng tối. Kết quả là [nó tạo ra] một hệ thống tài chính cực kỳ mềm dẻo, nhưng cũng rất tốn kém. Tài sản thế chấp rất đáng ngờ và hệ thống tài chính của nhà nước không khuyến khích các cán bộ tín dụng cho các công ty ngoài quốc doanh vay những khoản có tính rủi ro. Vì vậy, thực tế là tiền vay thường đến từ các nguồn không chính thống, với giá cao. Cái được gọi là lãi suất Ôn Châu (đặt theo tên thành phố nổi tiếng nhất về loại hình tài chính này) được nói là bắt đầu ở mức 18% và có thể vượt quá 200%. Mỗi khoản nợ hiếm khi có hạn hơn hai năm. Người ngoài thường ngạc nhiên về việc lập kế hoạch dài hạn gắn liền với nền kinh tế Trung Quốc, nhưng thực ra rất nhiều trong số những nhà sản xuất năng động nhất của nước này bị giới hạn trong kiểu kinh doanh ăn đong, gieo trồng và thu hoạch trong một mùa nông nghiệp(3).

Vì vậy, chủ nghĩa tư bản bụi tre sẽ phải thay đổi. Nhưng đồng thời nó cũng đang khiến nước Trung Quốc phải chuyển mình. Áp lực cạnh tranh từ các công ty tư nhân đã giúp nâng lương và phúc lợi nhiều hơn bất kỳ đạo luật mới nào – và giúp tạo ra nhu cầu của người tiêu dùng Trung Quốc (và cả của các doanh nghiệp nữa). Và đằng sau vô số doanh nghiệp mới được thành lập với vốn đầu tư hạn hẹp là các cựu nhân viên công ty vốn đã thấy rõ lợi nhuận từ việc vận hành cả một hệ dây truyền lắp ráp thay vì chỉ làm việc ở một nơi. Trên tất cả các khía cạnh này thì khu vực tư nhân đóng vai trò sống còn đối với việc nâng mức sống – và chuyển dịch nền kinh tế Trung Quốc tiến tới phục vụ tiêu dùng nội địa thay cho xuất khẩu ra nước ngoài.

Người ta nên biết ơn điều đó, và nên chào đón chủ nghĩa tư bản bụi tre rộng rãi hơn. Có những người tin rằng quản lý kinh tế và chính trị chặt chẽ là liều thuốc giúp kinh tế Trung Quốc tăng trưởng. Nhưng trên thực tế, Trung Quốc tiến lên phía trước là do nhà nước biết nới lỏng kiểm soát để tận dụng thế mạnh của thị trường.

——————————–

Chú thích:

1. Người viết chơi chữ – Mittelstand là từ chỉ doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Đức.
2. Ý nói các công ty này không được kiểm soát và không được tính vào số liệu thống kê.
3. Ý nói phải đầu tư và thu hồi vốn trong thời gian cực ngắn.

Theo TẠP CHÍ TIA SÁNG / THE ECONOMIST

Tags: , , , ,