Trung Quốc, Nam Thái Bình Dương và bóng ma của MacArthur

Có vẻ như cố vấn chiến lược quan trọng nhất của Tổng thống Mỹ Donald Trump về Trung Quốc hiện nay lại là Tướng Douglas MacArthur (1880-1964).

Trung Quốc, Nam Thái Bình Dương và bóng ma của MacArthur

Hiện nay, Trung Quốc đang thúc đẩy chiến lược quyết đoán nhằm chi phối cái gọi là chuỗi đảo thứ nhất và thứ hai ở phía Đông và phía Nam Trung Quốc. Tướng MacArthur là người đầu tiên nhấn mạnh đến tầm quan trọng của các chuỗi đảo này với việc kiềm chế sự xâm lấn của Trung Quốc ở Thái Bình Dương trong thời Chiến tranh Lạnh, và với việc bảo vệ bờ biển Thái Bình Dương của Mỹ.

Mục tiêu nền tảng của Trung Quốc là đẩy Mỹ khỏi khu vực, hăm dọa các đồng minh của Mỹ như Nhật Bản, và phô trương năng lực hải quân của Trung Quốc sang hướng Đông tới tận Hawaii và Alaska. Bởi vậy, khu vực châu Đại dương, vùng đại dương rộng lớn với nhiều quốc đảo, bao gồm Papua New Guinea, Tonga, Vanuatu, Fiji và Solomon Islands, đang có tầm quan trọng chiến lược mới.

Nỗ lực của Trung Quốc để trở thành cường quốc thống trị trong khu vực đã khiến cả Australia và Nhật Bản lo ngại. Cả hai đều tìm cách ngăn chặn các nước nhỏ rơi vào quỹ đạo của Bắc Kinh. Chính phủ Australia đã tăng cường các gói viện trợ cho các đảo ở Thái Bình Dương mà rất nhiều trong số đó đang gặp khó khăn về kinh tế. Tokyo cũng phối hợp với Canberra để tăng cường trợ giúp. Mỹ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc làm đảo chiều “cơn thủy triều” Trung Quốc ở Thái Bình Dương và duy trì nền hòa bình và ổn định ở khu vực này từ thời Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Các nỗ lực của Trung Quốc nhằm chi phối chuỗi đảo thứ nhất đã gây nhiều sự chú ý trong những năm gần đây. Các mục tiêu của Trung Quốc không chỉ bao gồm Đài Loan – mối lo ngại “lâu năm” của Trung Quốc. Bắc Kinh cũng phản đối sự kiểm soát của Nhật Bản ở đảo Điếu Ngư/Senkaku cũng như xây dựng và quân sự hóa các đảo để thúc đẩy các tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.

Điều ít được chú ý hơn là các nỗ lực mới đây của Trung Quốc ở chuỗi đảo thứ hai, vốn trải rộng ra phía trung tâm của Thái Bình Dương. Rất nhiều trong số các hòn đảo ở đó là chiến trường giữa Mỹ và Nhật Bản thời Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Mười bốn đảo quốc độc lập ở Thái Bình Dương nằm trong chuỗi đảo thứ hai. Dù khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ và hệ thống chính trị nhưng các đảo quốc này lại cùng cảm nhận sức ép căng thẳng từ Trung Quốc để buộc họ nằm dưới ảnh hưởng của quyền bá chủ kinh tế đang lên của Bắc Kinh ở châu Á. Ngày nay, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất trong khu vực. Viện trợ tài chính của Bắc Kinh cho các đảo quốc Thái Bình Dương đã tăng lên 5,9 tỷ USD kể từ năm 2011.

Nguồn đầu tư trực tiếp của Trung Quốc chủ yếu tập trung vào Papua New Guinea, với khoảng 70%. Xét tới sự phụ thuộc ngày càng lớn của nước này vào Bắc Kinh, không có gì ngạc nhiên rằng đảo quốc này là quốc gia đầu tiên công nhận tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, dù nó đi ngược với phán quyết của Tòa Trọng tài ở La Hay. Một đảo quốc khác ở Thái Bình Dương cũng công nhận các tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông và Biển Hoa Đông là Vanuatu.

Các đảo quốc khác là mục tiêu nhắm tới của các dự án đầu tư và thương mại của Trung Quốc như Tonga, Fiji, Samoa và Solomon Islands có thể đóng vai trò là địa điểm thích hợp cho hoạt động hậu cần và thu thập thông tin tình báo của Trung Quốc, tương tự như những gì Bắc Kinh đã xây dựng trên quần đảo Trường Sa ở Biển Đông.

Trong trò chơi đánh cờ của Trung Quốc, người chơi thường tìm cách từng bước “bao vây” đối thủ. Các bước đi riêng lẻ thường mập mờ để che đậy cho ý định của người chơi trước khi bị phía bên kia cản bước. Trung Quốc đã chơi trò đánh cờ ở Biển Đông. Và giờ đây họ đang chơi bài tương tự ở phía Nam Thái Bình Dương.

Xét về phương diện lịch sử, các nền dân chủ thường tỏ ra dễ bị tổn thương trước chiến lược từ từ “tích lũy” các lợi thế này. Rất may rằng Mỹ có lợi thế mà Trung Quốc không có; Và các đồng minh chia sẻ quan ngại với Mỹ sẽ giúp chia sẻ các gánh nặng. Vào thời điểm khi xuất hiện một số lo ngại về cam kết của Mỹ với các đồng minh, phía Nam Thái Bình Dương là nơi mà chính quyền Trump có thể tham gia vào các nỗ lực do Nhật Bản và Úc lãnh đạo.

Mỹ, Úc và Nhật Bản cùng nhau có được công cụ để đối phó với ván cờ phức tạp của Trung Quốc ở phía Nam Thái Bình Dương thông qua viện trợ phát triển, thương mại, xây dựng năng lực và hợp tác quân sự. Họ có thể cùng nhau khiến thế giới phải cẩn trọng trước các tham vọng và hành động của Trung Quốc ở phía Nam Thái Bình Dương cũng như tại châu Á nói chung. Tướng Douglas MacArthur đã khẳng định rằng Thái Bình Dương, bao gồm các chuỗi đảo rộng lớn, cấu thành “lá chắn bảo vệ cho tất cả người dân Mỹ” cũng như cho các đồng minh của Mỹ.

Theo NGHIÊN CỨU BIỂN ĐÔNG / VIỆN HUDSON

Tags: , , , ,