Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng toàn cầu và một số vấn đề đặt ra với Việt Nam

Hiện nay, thế giới đang trong giai đoạn định hình lại trật tự thế giới. Một cuộc đua mới giữa các siêu cường đã bắt đầu trở nên sôi động nhằm xây dựng một mô hình có lợi đối với họ. Trong bối cảnh đó, sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc trở thành một thách thức to lớn đối với một “trật tự lý tưởng” mà các cường quốc cũ mong muốn, đặc biệt là Mỹ và phương Tây. Điều đó chắc chắn sẽ tạo ra nhiều lực cản đối với quá trình vươn tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh. Tuy nhiên, sức mạnh nội sinh cũng như bối cảnh mới của thế giới đương đại cũng đang mang lại nhiều điều kiện thuận lợi, mở ra nhiều cơ hội và lợi thế có thể giúp thúc đẩy chiến lược toàn cầu mới của Trung Quốc. Các nhân tố cụ thể ấy là gì? Cơ hội và lợi thế của Trung Quốc trong quá trình gia tăng ảnh hưởng toàn cầu như thế nào? Điều đó sẽ phần nào được gợi mở qua nội dung bài viết dưới đây.

Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng toàn cầu và một số vấn đề đặt ra với Việt Nam

Không thể phủ nhận vai trò và vị thế quốc tế của Trung Quốc từ cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21 được nâng cao chưa từng thấy. Bằng một chiến lược khoa học của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nước này đang thể hiện rất rõ tham vọng thay đổi trật tự thế giới vốn bị Phương Tây và Mỹ thống trị nhiều năm. Liệu rằng tham vọng gia tăng ảnh hưởng của Bắc Kinh có thể hiện thực hóa? Và đâu là nền tảng, dấu ấn cũng như cơ hội, lợi thế cho Trung Quốc cạnh tranh quyền lực với đối trọng số một – Mỹ?

Các nhân tố tác động đến chính sách đối ngoại của Trung Quốc

Đường lối phát triển đất nước sau Đại hội XX 

Giữa tháng 10/2022, sự kiện Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XX đã trở thành tâm điểm mang ảnh hưởng toàn cầu, không chỉ bởi “cách đi đặc sắc Trung Quốc” mà Trung Quốc đã thực sự “thoát kén” trong hành trình phát triển đất nước 100 năm lần thứ nhất – vươn lên trở thành nền kinh tế thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ. Đầu tiên, thuật ngữ “đặc sắc Trung Quốc” được hình thành trong quá trình cải cách mở cửa, là sản phẩm của quá trình kết hợp giữa lý luận của chủ nghĩa Marx với thực tế cách mạng Trung Quốc, là thành quả lý luận lớn thứ hai (sau Tư tưởng Mao Trạch Đông) của quá trình Trung Quốc hóa chủ nghĩa Marx. Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra vào tháng 10/2017 đã xác nhận Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới (gọi tắt là Tư tưởng Tập Cận Bình) là “bộ phận hợp thành quan trọng của hệ thống lý luận Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc”. Nó được xem là nét đặc trưng trong đường lối phát triển đất nước và xuất hiện xuyên suốt trong sự nghiệp xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc: “Ngũ vị nhất thể” – Năm trong một, bao gồm xây dựng kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, văn minh sinh thái. Nhờ nền tảng lý luận vững chắc và con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội phù hợp với điều kiện lịch sử cụ thể của Trung Quốc, quốc gia này đã gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng trên hành trình phát triển. Hiện nay, họ vẫn tiếp tục vận dụng sáng tạo trong quá trình xây dựng, bảo vệ đất nước trong bối cảnh thế giới xuất hiện nhiều biến đổi lớn chưa từng có.

Tại Đại hội XX, nhiệm vụ phát triển kinh tế vẫn là ưu tiên hàng đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Năm 2020, Trung Quốc tuyên bố chính thức thoát nghèo và hoàn thành mục tiêu “xây dựng toàn diện xã hội khá giả” vào đúng dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc hồi tháng 7/2021. Có thể thấy, Trung Quốc đang bám sát mục tiêu đề ra từ Đại hội XIX (2017) và đang trong lộ trình từng bước thực hiện “giấc mơ Trung Quốc” – “thực hiện sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa”. Đặc biệt, điểm mới mẻ trong mục tiêu phát triển tại Đại hội XX là “Trung Quốc trở thành cường quốc xã hội chủ nghĩa, hiện đại, giàu mạnh, văn minh, dân chủ và hài hòa”. Điều này được chính quyền Bắc Kinh lý giải là một đất nước giàu mạnh và do Đảng Cộng sản lãnh đạo, tức mọi sự phát triển kinh tế – xã hội đều thông qua Đảng Cộng sản Trung Quốc dẫn dắt và đã được trình bày trong “Tám điều cần làm rõ”. Từ Đại hội XX, nền kinh tế Trung Quốc sẽ chuyển đổi từ phát triển tốc độ cao sang hướng phát triển chất lượng cao. Trong đó, Tổng Bí thư Tập Cận Bình đưa ra nhận định: “An ninh là nền tảng cho sự phát triển. Ổn định là điều kiện tiên quyết cho sự thịnh vượng”. Có thể thấy, việc cân bằng giữa phát triển và an ninh sẽ là chìa khóa cho “giấc mơ Trung Quốc”. Tăng trưởng kinh tế được ưu tiên nhưng không đánh đổi bằng mọi giá, kinh tế được phát triển bền vững trong sự đảm bảo về an ninh chính trị trong nước. Hơn nữa, “năng lực an ninh quốc gia” được Trung Quốc định nghĩa không chỉ là sự ổn định trong lòng dân hay sự bảo vệ thành công chủ quyền lãnh thổ mà còn nhấn mạnh đến khả năng ứng phó với các mối đe dọa từ bên ngoài. Với vị thế lớn mạnh như hiện nay, bên cạnh sự phát triển ổn định ở nội tại quốc gia mà Trung Quốc đã nhận thức vai trò vượt trội của mình gắn với mong muốn dẫn dắt trật tự thế giới theo một hướng đi khác – hướng đối trọng với Mỹ. Điều này là phù hợp với tham vọng của ông Tập đã nhen nhóm từ 10 năm trước khi lãnh đạo Trung Quốc từ những ngày đầu.

Một sự đặc sắc trong đường lối phát triển đất nước được đề cập trong Đại hội XX là “hiện đại hóa kiểu Trung Quốc”, được thể hiện ở “năm đặc điểm” bao gồm: hiện đại hóa dân số khổng lồ; thịnh vượng chung cho tất cả mọi người; tiến bộ vật chất và văn hóa – dân tộc; hài hòa giữa con người và thiên nhiên; phát triển hòa bình. Dân số Trung Quốc đạt mốc 1,4 tỷ dân, trở thành quốc gia đông dân hàng đầu thế giới (cùng với Ấn Độ). Đây vừa được coi là ưu thế vừa được coi là nhược điểm mà không quốc gia nào có ngoại trừ Trung Quốc vì thế việc quản trị nguồn lực là yếu tố then chốt quyết định sự giàu mạnh của dân tộc này. Tiếp đó là xây dựng sự giàu có chung dành cho mọi người dân, Trung Quốc dành sự quan tâm lớn đến an sinh xã hội tiêu biểu là vấn đề xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống, giải quyết việc làm, nhà ở. Về tiến bộ vật chất và văn hóa – dân tộc, Trung Quốc coi trọng việc thúc đẩy cả ba khía cạnh, tức tạo của cải vật chất phải gắn liền với việc gìn giữ, kế thừa đồng thời là phát triển nét văn hóa riêng của dân tộc. Đặc biệt, hài hòa giữa con người và thiên nhiên không chỉ là xu hướng phát triển của riêng siêu cường này mà còn là xu hướng chung của thế giới khi những vấn đề về biến đổi khí hậu đang diễn ra hàng ngày. Đồng thời, Trung Quốc giữ vững sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc “theo đuổi phát triển chất lượng cao, phát triển dân chủ toàn diện, làm phong phú đời sống văn hóa nhân dân, đạt được sự thịnh vượng chung cho tất cả, thúc đẩy sự hài hòa giữa thiên nhiên và con người, xây dựng cộng đồng chung vận mệnh, tạo ra một hình thức tiến bộ mới của con người”. Sau Đại hội lần thứ XX, hiện đại hóa kiểu Trung Quốc được nhấn mạnh là cầu nối để đạt được sự trẻ hóa quốc gia. Đồng thời, Trung Quốc đang thúc đẩy “Hiện đại hóa kiểu Trung Quốc” như một giải pháp thay thế cho các mô hình phát triển phổ biến của phương Tây và tương lai trở thành mô hình cho các nước đang phát triển noi theo. Điều này đã cho thấy tham vọng thay đổi trật tự thế giới, thay thế sự thống trị bấy lâu của Mỹ và các nước Phương Tây.

Đường lối phát triển đất nước mang đặc sắc Trung Quốc tại Đại hội XX không chỉ hoạch định một cách khoa học những chủ trương, nhiệm vụ, mục tiêu mới trong 5 năm tới hay dài hơi hơn mà còn là niềm tự hào về bản sắc riêng biệt trong hệ thống lý luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc và hướng phát triển độc đáo, không pha trộn. Lịch sử của Trung Quốc từ sau cải cách đã chứng minh được tính khoa học trong đường lối phát triển của họ. Đồng thời, nước này đang trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của thời đại mới là xoay cán cân quyền lực chính trị về phía mình, tức quyền lãnh đạo thế giới duy nhất không còn thuộc về Mỹ hay phương Tây. Mặc dù Trung Quốc đã có những thành công nhất định trong việc khẳng định vị thế nhưng họ phải cẩn trọng hơn nữa để những bước đi được thích hợp với bối cảnh khó lường như hiện nay. Hơn thế nữa, Trung Quốc đã chứng minh quốc gia này có đủ sức mạnh và điều kiện để thay đổi, dẫn dắt và thiết lập một trật tự thế giới mới – trật tự có Trung Quốc là một hạt nhân trong lãnh đạo thế giới.

Yếu tố bên ngoài: Mỹ và Phương Tây 

Mỹ và phương Tây có vị trí độc nhất, lãnh đạo trên phạm vi toàn cầu trong nhiều thập kỷ qua. Tuy nhiên, xu hướng đa cực đã hình thành đang tác động sâu sắc đến sự thay đổi quyền lực vốn là điều hiển nhiên trước đây. Thế giới đang dần nhận ra sự thống trị vô lí gắn với nhiệm vụ cao cả “gìn giữ hòa bình”. Phương Tây hay Hoa Kỳ tự cho mình quyền được kiểm soát và tham gia vào bảo đảm an ninh toàn cầu nhưng thực chất họ đang sử dụng xung đột, chiến tranh để thu lợi hơn là quan tâm việc thúc đẩy hòa bình đích thực. Điều này được chứng minh trong lịch sử nước Mỹ khi họ buôn bán vũ khí để tạo sự thịnh vượng cho quốc gia. Họ nhân danh là nhà hoạt động nhân văn trong khi ý chí chính trị của họ dành cho năng lực quốc phòng đặc biệt là phát triển vũ khí hạt nhân với mức ngân sách cao kỷ lục. Nhiều người cho rằng sự mâu thuẫn này đang thúc đẩy chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ theo hướng duy trì xung đột để thu lợi từ chiến tranh.

Chiến lược an ninh mới của Mỹ được coi là một trong những bước đi ngăn chặn tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trong tương lai với nhiệm vụ nổi bật là đặt Mỹ cùng các đồng minh vào những hành động có mục tiêu chung với. Hành động này có tầng nghĩa sâu xa hơn là “trói chặt” đồng minh vào lợi ích của Mỹ, phụ thuộc và nằm dưới sự ảnh hưởng của Mỹ. Đây là bước đi sáng tạo của chính quyền Washington và cũng là điều Trung Quốc lo ngại nhất vì 80% nền kinh tế Trung Quốc xuất phát từ thương mại quốc tế. Bên cạnh đó, hợp tác giữa Mỹ, Anh và Úc trong liên minh AUKUS giúp Úc phát triển tàu ngầm hạt nhân và làm tăng sự hiện diện của phương Tây tại khu vực Thái Bình Dương được xem là nỗ lực lớn trong cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng. Đồng thời theo giới chuyên gia Trung Quốc cho rằng chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ là “hạn chế ảnh hưởng Trung Quốc và thêm khiêu khích về vấn đề Đài Loan”.

Về phía Trung Quốc, quốc gia này đã công bố “Sáng kiến An ninh Toàn cầu” (GSI) như là một sự đáp trả trước hoạt động bành trướng của Mỹ, nhằm khẳng định vai trò quan trọng của mình trên chính trường quốc tế. Theo đánh giá, GSI là biểu hiện mới nhất trong lập luận quốc tế của Trung Quốc nhằm thách thức hệ thống quản trị toàn cầu do phương Tây lãnh đạo, chủ yếu là để phi chính danh hóa vai trò của Mỹ ở châu Á và ủng hộ cách tiếp cận loại trừ Mỹ đối với quản trị an ninh châu Á. Trong tài liệu này, Trung Quốc là một bên trung gian trung thực, sẵn sàng đóng vai trò là người bảo trợ và bảo vệ an ninh toàn diện trên toàn thế giới. Đồng thời, GSI nhanh chóng xuất hiện vào các hoạt động ngoại giao và chính sách đối ngoại khác nhau trên khắp châu Phi và Trung Đông. Tại vùng Vịnh, chính quyền Bắc Kinh mong muốn hợp tác trong nhiều vấn đề, liên quan đến an ninh, kinh tế, khủng bố, sẵn sàng trở thành nhà cung cấp chính các hàng hóa công liên quan đến an ninh… thông qua cầu nối là Saudi Arabia – một quốc gia vốn thân Mỹ. Lý do Trung Quốc tập trung tầm ảnh hưởng tại đây là vì các quốc gia Vùng Vịnh đã thất vọng trước việc Mỹ từ bỏ khu vực bị chiến tranh tàn phá này để xoay trục sang châu Á nhằm kiềm chế Trung Quốc.

Xét trên phương diện tích cực, Trung Quốc định hướng một thế giới phát triển không còn phụ thuộc vào Mỹ nhưng sự đối đầu gay gắt giữa 2 quốc gia đã chứng minh điều này không đơn giản. Chính sách đối ngoại của Trung Quốc đầy tham vọng nhưng vô cùng thẳng thắn. Là một nước lớn, Trung Quốc bày tỏ mong muốn mãnh liệt được đảm nhận vai trò lãnh đạo thế giới. Cả Mỹ và Trung Quốc luôn thể hiện thiện chí hợp tác, đồng thời cũng thừa nhận sự tồn tại của đối đầu và cạnh tranh. Trung Quốc cho rằng Mỹ là nhân vật xứng tầm, cản trở các bước tiến xa. Trong khi đó, Mỹ đánh giá Trung Quốc là thách thức lớn nhất trong việc duy trì trật tự thế giới “dựa trên luật lệ” của Mỹ. Đáng chú ý, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nêu một tuyên bố cứng rắn “hãy dám đánh” đối với vấn đề Đài Loan vào tháng 3 tại cuộc họp thường niên của Quốc hội. Ông nhấn mạnh Mỹ và các đồng minh là nguyên nhân hàng đầu gây ra các vấn đề hiện tại ở Trung Quốc, đồng thời sẵn sàng thống nhất Đài Loan kể cả khi phải sử dụng quân sự. Điều này không chỉ làm gia tăng sự đối đầu mà nguy hiểm hơn thế là sự leo thang không kiểm soát với Mỹ. Quan hệ Mỹ – Trung đang ở mức thấp nhất trong lịch sử khi ông Tập đang củng cố một chiến dịch đã tồn tại được một thập niên, nhằm phá vỡ sự phụ thuộc kinh tế và công nghệ quan trọng vào thế giới dân chủ do Mỹ lãnh đạo.

Những dấu ấn ngoại giao Trung Quốc

Trung Quốc định vị mình là một nhà trung gian hòa giải

Có thể thấy, sự hàn gắn quan hệ đã rạn nứt từ lâu giữa Saudi Arabia và Iran là một thành công lớn của nhà trung gian hòa giải Trung Quốc. Trong quá khứ, Iran và Saudi Arabia vốn bất hòa vì xung đột lợi ích giữa hai ý thức hệ đối lập. Mặc dù cả hai đều là quốc gia Hồi giáo nhưng Saudi là vương quốc hồi giáo Sunni có mối quan hệ truyền thống với Mỹ và Anh, Iran là nhà nước hồi giáo Shiite đang có mâu thuẫn gay gắt với phương Tây. Mục tiêu của cả Riyadh và Tehran là đều mong muốn trở thành người lãnh đạo của thế giới Hồi giáo và có vị trí nhất định trong vấn đề an ninh khu vực Trung Đông. Tuy nhiên, nó chỉ thực sự bùng nổ vào 1979 với sự kiện giáo sĩ Ayatollah Puhollah Khomeini lên nắm chức lãnh đạo tối cao và sử dụng Cách mạng Iran để thực hiện tham vọng trở thành lãnh tụ của cả thế giới Hồi giáo. Với một loạt các hành động nêu cao tinh thần chống Mỹ và sự hiện diện của phương Tây tại Trung Đông đặc biệt là việc lật đổ vương triều “phản động” Saudi Arabia theo cách gọi của Iran,… khi Khomeini nhận thức Saudi Arabia là sân sau của Mỹ tại khu vực. Đáp trả Iran, chính quyền Saudi vạch trần âm mưu thống trị người Sunni và định vị mình là “người bảo vệ giáo Sunni” và kích động chiến tranh năm 1980. Tiếp nối sự mâu thuẫn âm ỉ trong những năm cuối thế kỷ 19 là một sự mâu thuẫn mới được khoét sâu bởi sự kiện năm tháng 1/2016. Saudi Arabia tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran sau khi đại sứ quán nước này tại Tehran bị người biểu tình đốt phá để phản đối việc giáo sĩ Hồi giáo dòng Shiite Nimr al-Nimr bị xử tử tại Ryadth vì tội kích động tín đồ theo đuổi bạo lực. “Cả Saudi Arabia và Iran đều góp phần vào tình hình địa chính trị hỗn loạn ở Trung Đông, làm tồi tệ thêm các xu hướng chia rẽ, để lại một di sản xấu trên khắp khu vực” – một chuyên gia phương Tây nhấn mạnh. Vì thế, việc có một quốc gia đứng ra xúc tiến một tiến trình ngoại giao để đưa Saudi Arabia và Iran ngồi vào bàn đàm phán để chấm dứt sự thù địch là điều cần thiết để bảo vệ an ninh khu vực Trung Đông.

“Thỏa thuận Bắc Kinh” là bước đi hạ nhiệt nhằm cải thiện mối quan hệ nhạy cảm và dai dẳng này. Thỏa thuận đã đánh dấu sự quan tâm “mới lạ” tại khu vực Trung Đông từ một quốc gia chưa từng can thiệp trực tiếp vào cuộc cạnh tranh chính trị vùng Vịnh. Và chắc chắn, động cơ của Trung Quốc là gia tăng sự hiện diện tại vùng Vịnh, địa điểm Mỹ từ lâu đã là trung gian nổi bật, đồng thời có thể cản trở cho sự củng cố liên minh giữa Mỹ – Israel nhằm đối đầu với Iran khi nước này mở rộng tiềm lực hạt nhân. Bên cạnh đó, “Sáng kiến An ninh toàn cầu” của chính quyền Bắc Kinh được đánh giá là một cấu trúc an ninh phù hợp với các quốc gia vùng Vịnh. Mặc dù còn nhiều khó nhăn trong quá trình cải thiện quan hệ, Trung Quốc sẽ tiếp tục “đóng vai trò nhà trung gian hòa giải thiện chí, đáng tin cậy” cung cấp sự hỗ trợ cần thiết cho cả Saudi Arabia và Iran. Tuy nhiên, mức độ can dự của Trung Quốc không nhất thiết có nghĩa là nước này mong muốn thay thế, cung cấp tài chính cho một hệ thống an ninh mới. Mỹ có khả năng răn đe tổng thể và đóng vai trò là nhà cung cấp an ninh hàng đầu. Điều này không chỉ ở việc trở thành nước bán vũ khí nhiều nhất cho các quốc gia vùng Vịnh mà còn là quốc gia có sự hiện diện quân sự lớn nhất.

Sau 15 tháng giao tranh ác liệt, xung đột giữa Nga – Ukraina chưa có dấu hiệu dừng lại nhưng cả hai nước đã suy nghĩ đến vấn đề xem xét “nhà môi giới” hòa giải để “thảo luận về cách chấm dứt xung đột” được cho là một dấu hiệu tích cực. Trung Quốc đang nỗ lực thể hiện vai trò trung gian hòa giải, mong muốn tìm “mẫu số chung” cho các cuộc đàm phán hòa bình. Nếu thành công ở vai trò này, sức mạnh Trung Quốc sẽ hiện diện ở Đông Âu – nơi mà Bắc Kinh luôn muốn kết nối và một phần nào đó chứng minh mối quan hệ uy tín, bền vững với cả hai quốc gia xung đột. Và hơn hết, Trung Quốc khẳng định vai trò nhất định trong ngoại giao toàn cầu, như một phần của nỗ lực khôi phục vị thế mà họ xứng đáng có trên thế giới. Tuy nhiên, với điều kiện chấp nhận vai trò hòa giải của Trung Quốc từ phía Ukraina là Bắc Kinh có thể thuyết phục Moskva rút quân khỏi tất cả lãnh thổ của Ukraina mà Nga đang kiểm soát là thử thách lớn đối với Trung Quốc. Và dường như, Ukraina không đặt kỳ vọng vào Trung Quốc vì sự kiện Đối thoại Shangri – La Singapore vừa qua, ông Rezikov công nhận sức ảnh hưởng của chính quyền Tập Cận Bình đối với Nga nhưng ý định không quá rõ ràng.

Sự kết nối với các quốc gia tầm trung

Thuật ngữ “quốc gia tầm trung” được dùng để mô tả những quốc gia không có địa vị nước lớn nhưng có tầm ảnh hưởng quốc tế, thường chọn lối ngoại giao đa phương. Chiến lược “lôi kéo” các quốc gia tầm trung không chỉ là hướng đi của cá nhân Trung Quốc mà Liên minh châu Âu hay các nhà lãnh đạo G7 cũng đang lên kế hoạch trong bối cảnh Nga tranh thủ niềm tin ở Châu Phi, châu Mỹ Latinh và rộng hơn là “Nam bán cầu”.

Giữa tháng 5 vừa qua, Trung Quốc cùng lãnh đạo 5 quốc gia trung Á: Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan, Uzbekistan đã mở hội nghị thượng đỉnh bàn về chiến sự tại Ukraina và quan trọng hơn là tìm cách tăng cường ảnh hưởng tại khu vực. Các quốc gia cộng hòa Trung Á vốn thuộc Liên Xô trước đây nhưng ảnh hưởng của Nga ở khu vực này suy giảm đáng kể từ khi xung đột nổ ra ở Ukraina. Đồng thời, Bắc Kinh đã coi Trung Á là một biên giới quan trọng cho chiến lược mở rộng thương mại và an ninh năng lượng của đất nước. Theo giáo sư Zhu Yongbiao tại Đại học Lan Châu cho biết, mối quan hệ chặt chẽ với Trung Á hiện là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự ngoại giao của Trung Quốc, góp phần mở ra kỷ nguyên hợp tác mới cho Trung Quốc – Trung Á. Trước cuộc chiến ở Ukraina, Trung Quốc quyết tâm tăng cường quan hệ với những nước láng giềng gần gũi khi đối mặt với áp lực ngày càng lớn từ Mỹ và Châu Âu. Nhưng có một sự thật, nền kinh tế Trung Á đã tăng trưởng mạnh là thành quả của sự hợp tác trong “Sáng kiến Vành đai và Con đường” của Trung Quốc. Dự báo nỗ lực thúc đẩy quan hệ với các nước Trung Á của chính quyền Bắc kinh sẽ vấp phải sự cạnh tranh gay gắt từ Mỹ – quốc gia cũng đang thúc đẩy sự can dự trong khu vực. Từ năm 2014, Mỹ đã tận dụng hội nghị thượng đỉnh C5+1 bao gồm 5 nước Trung Á và Mỹ hằng năm để gia tăng tiếng nói của mình, đặc biệt là chống lại “Sáng kiến Vành đai và Con đường” của Trung Quốc. Điều đó cho thấy sự đối đầu mạnh mẽ, tranh giành tầm ảnh hưởng giữa Trung – Mỹ khu vực Trung Á nói riêng và thế giới nói chung.

Cơ hội và lợi thế

Vị thế của Trung Quốc

Với tiềm lực vượt trội hiện tại của Trung Quốc về dân số, diện tích, tài nguyên thiên nhiên hay khoa học công nghệ,v..v, Trung Quốc đang sở hữu sức mạnh chiến lược đáng gờm. Trung Quốc là quốc gia có dân số hàng đầu thế giới với 1,4 tỷ người cùng sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu khiến không một quốc gia nào trên thế giới có thể bỏ qua một thị trường khổng lồ, đầy tiềm năng như vậy. Một số thành tựu nổi bật như GDP trong nước tăng khoảng 115% từ 53.900 tỷ Nhân dân tệ lên 114.400 tỷ Nhân dân tệ; thu nhập bình quần đầu cũng sở hữu mưc tăng trưởng kỷ lục là 112% so với 10 năm trước, trong khoảng thời gian bắt đầu sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc mà hạt nhân là Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình. Và dù trong bối cảnh đại dịch, GDP của Trung Quốc vẫn tăng 8.1% năm 2021. Đồng thời, Trung Quốc tích cực tự chủ phát triển về công nghệ, tiêu biểu là hàng không vũ trụ, robot, 5G, trí tuệ nhân tạo,.. Có thể thấy, Trung Quốc đang sở hữu tốc độ và quy mô phát triển tiềm năng. Vì vậy, mặc dù thường xuyên có những phát biểu nhằm công kích Trung Quốc, thậm chí coi Trung Quốc là “đối thủ duy nhất” trong bối cảnh ngày nay của Mỹ hay phương Tây nhưng các quốc gia này luôn bày tỏ thiện chí hợp tác và vẫn có những hoạt động kinh tế gắn bó chặt chẽ với Trung Quốc. Điều này được nhìn nhận trong Chiến lược an ninh khi Mỹ chưa sẵn sàng hoặc không thực sự muốn thiết lập “Chiến tranh Lạnh” với Trung Quốc mà vẫn mong muốn những “cái bắt tay” trên nguyên tắc đôi bên cùng có lợi.

Tài nguyên thiên nhiên cũng là một lợi thế nổi bật trong cuộc tranh giành ảnh hưởng toàn cầu ở thế kỉ 21. Đất hiếm – người Nhật gọi chúng là “hạt giống của công nghệ”, đang tồn tại 90% sản lượng toàn cầu tại Trung Quốc, đưa quốc gia này đứng vị trí số 1 thế giới. Yếu tố này giúp Trung Quốc giữ vai trò là mắt xích quan trọng nhất của “công xưởng châu Á” – chuỗi cung ứng sản xuất lớn nhất thế giới. Đồng thời, Bắc Kinh không ít lần lấy đất hiếm trở thành vũ khí đáng gờm, tạo sự cạnh tranh về giá cả và đặc biệt là vị thế chiến lược, tăng đòn bẩy cho sức mạnh quốc gia. Ngoài ra, Trung Quốc còn khẳng định tầm quan trọng trong lĩnh vực chip bán dẫn mặc cho những hạn chế được áp đặt từ Washington. Trung Quốc đang ứng phó bằng cách huy động vốn khổng lồ để sản xuất chip nội địa thay thế. Dù nhiều khó khăn nhưng mục đích của Bắc kinh là loại bỏ thiết bị phương Tây khỏi chuỗi cung ứng của Trung Quốc. Một lợi thế đáng chú ý nữa là tài nguyên nước dồi dào. Đây có thể là một trong những công cụ hữu hiệu để Trung Quốc gia tăng tầm ảnh hưởng thậm chí áp đặt “luật chơi” với các nước trong khu vực Đông Nam Á có chung dòng chảy Mekong như: Thái Lan, Campuchia, Lào, Myammar, Việt Nam. Tài nguyên nước là điều kiện thuận lợi để Trung Quốc xây dựng các khu công nghiệp và thu hút các công xưởng từ thế giới.

Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng “sức mạnh mềm”

Trung Quốc đã và đang gia tăng “sức mạnh cứng” trên cả bình diện quân sự và kinh tế thì họ cũng dành sự quan tâm lớn hơn cho “sức mạnh mềm”, đặc biệt là sức mạnh về văn hóa. Tại Đại hội XVII năm 2007, Đảng Cộng sản Trung Quốc nhấn mạnh trong văn kiện “trong thời đại hiện nay, vai trò của văn hoá trong cạnh tranh sức mạnh tổng hợp của đất nước ngày càng tăng. Ai chiếm cứ được đỉnh cao của phát triển văn hoá, người đó có thể nắm quyền chủ động trong cuộc cạnh tranh quốc tế khốc liệt này”. Có thể hiểu đơn giản, Trung Quốc thể hiện “sức mạnh mềm” thông qua hình ảnh “một Trung Hoa thân thiện” với các hoạt động viện trợ, tài trợ đặc biệt trong khu vực ASEAN. Ví dụ, năm 2006, viện trợ của Trung Quốc cho Phillippines đã gấp 4 lần của Mỹ dành cho nước này, trong khi lượng viện trợ dành cho Lào của Trung Quốc cũng gấp 3 lần viện trợ của Mỹ. Trung Quốc đang được coi là “nhà bảo trợ kinh tế chính” của Campuchia, Lào và Myanmar – ba quốc gia nhỏ nhưng quan trọng về mặt chiến lược. Ngoài ra, Trung Quốc còn được coi là nhà cung cấp viện trợ lớn thứ hai cho Việt Nam sau Nhật Bản. Nếu Mỹ tiếp cận Đông Nam Á bằng cách chú trọng dân chủ và những mục tiêu lộ rõ tham vọng thúc đẩy lợi ích an ninh của Mỹ thì Trung Quốc lại sử dụng chính sách “không can thiệp vào công việc nội bộ” đối với các quốc gia trong khu vực. Bằng cách này, Trung Quốc cố gắng tạo dựng nên hình ảnh là đối tác đáng tin cậy đối với các nước láng giềng Đông Nam Á, và từ đây gia tăng sức ảnh hưởng văn hóa vào khu vực. Có thể nói, Trung Quốc tận dụng nền tảng văn hóa để tạo uy tín trong hợp tác kinh tế và ngược lại, kinh tế là yếu tố then chốt tạo “sức mạnh mềm”. Ngoài ra, “sức mạnh mềm” còn được củng cố qua nhiều khía cạnh; du lịch, truyền hình, giáo dục, giao lưu đối ngoại,..

Những biến động từ thế giới

Bên cạnh những tác động tiêu cực của Chiến sự Nga – Ukraina đối với tình hình chung thì đây chính là cơ hội cho Trung Quốc gia tăng vị thế quốc gia về đa diện, nổi bật là chính trị, kinh tế, ngoại giao. Về kinh tế, bên cạnh lợi thế từ việc mua dầu giá rẻ từ Nga, Trung Quốc cũng đang thúc đẩy quá trình “quốc tế hóa Nhân dân tệ”. Bắc Kinh xác định đối trọng của mình là Washington nên quá trình này là cần thiết để tạo thế cân bằng giữa 2 nền kinh tế. Tính đến nay, mạng lưới đồng Nhân dân tệ đã xuất hiện ở nhiều ngân hàng trung ương tại khu vực Châu Á: Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Trung Á: Uzbekistan, Saudi Arabia, Nam Mỹ: Brazil… Xâm lấn các thị trường vốn Mỹ và các nước phương Tây giữ vị trí độc quyền là bước đi quan trọng giúp Trung Quốc bước vào thị trường này cùng với những cơ hội đáng mong chờ. Đồng thời, chính quyền Bắc Kinh cùng thực hiện song song tăng cường hậu thuẫn cho những doanh nghiệp sử dụng nhân dân tệ và đóng vai trò đầu tư nước ngoài bằng nhân dân tệ trong môi trường thương mại toàn cầu sẽ là hướng đi hoàn hảo cho sự bứt phá về kinh tế và năng lực cạnh tranh quyền lực. Tuy nhiên, Washington sẽ không dễ dàng chấp nhận sự thay thế chiến lược này và chắc chắn có hành động đáp trả. Do vậy, Trung Quốc cần có đường lối duy trì sự ổn định và nắm chắc thế chủ động.

Trung Quốc vốn là quốc gia có sự dẫn dắt phụ thuộc vào môi trường xung quanh và đi đầu là chính sách ngoại giao. Bởi Trung Quốc coi ngoại giao là một bộ phận của an ninh quốc gia. Để gia tăng tầm ảnh hưởng vào những khu vực trong điểm, Trung Quốc đóng vai là trung gian hòa giải, “gắn bó, làm thân” với những nền kinh tế khác và “sẽ tiếp tục đóng vai trò trung gian hòa giải thiện chí và đáng tin cậy”. Để khẳng định vai trò gìn giữ hòa bình khu vực của mình, Thủ tướng Trung Quốc đã có phát biểu: “Trong thế giới không chắc chắn này, sự chắc chắn mà Trung Quốc tạo ra là mỏ neo cho hòa bình và phát triển thế giới, trước đây như vậy và sau này cũng vậy”, tại Diễn đàn châu Á Bác Ngao hồi tháng 3. Đối với sự hỗn độn và xung đột giữa Nga – Ukraina, “bản đề xuất Trung Quốc” được ông Putin đánh giá có thể là cơ sở cho hòa bình ở Ukraina.

Một số vấn đề đặt ra đối với Việt Nam

Trung Quốc là quốc gia láng giềng của Việt Nam, đồng thời cũng có nhiều nét tương đồng không chỉ trong văn hóa, lịch sử xã hội mà còn tồn tại trong chính trị, chế độ. Bất kì sự thay đổi nào trong ý đồ chiến lược của Trung Quốc cũng đều liên quan và ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam. Trung Quốc vốn là một quốc gia lớn, giàu tham vọng và ý chí chính trị vì thế mà họ ráo riết thay đổi trật tự thế giới, cạnh tranh quyền lực với Mỹ có thể coi là điều nên làm để duy trì sự thịnh vượng của dân tộc này. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, Trung Quốc sẽ không bao giờ đánh đổi lợi ích của mình vì quan hệ bình đẳng giữa các nước.

Việt Nam vốn là mắt xích quan trọng trong quan hệ đối lập Trung Quốc – Mỹ cũng như quá trình xác lập vị thế mới trên mặt trận địa – chính trị của Trung Quốc. Song, quan hệ giữa Việt Nam và 2 quốc gia trên đều tồn tại cả mặt tích cực lẫn tiêu cực. Mặc dù hai siêu cường đều là những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam nhưng vấn đề chủ quyền biển đảo của Việt Nam chưa bao giờ được Trung Quốc tôn trọng hay vấn đề nâng cấp quan hệ Việt – Mỹ có thể bị hiểu sai lệch. Trước những thách thức dai dẳng đó và tình hình thế giới đầy biến động, Việt Nam cần cẩn trọng trong từng bước, trung thành với tính trung lập trong ngoại giao. Là một quốc gia tầm trung và “bị mắc kẹt” trong sự đối đầu quyền lực giữa 2 siêu cường, Việt Nam phải có lập trường cứng rắn vì lợi ích chiến lược và mềm mỏng, linh hoạt trong đấu tranh ngoại giao để tránh sự mất lòng. Đồng thời, Việt Nam cần chuẩn bị nhiều hơn một kịch bản trước sự gia tăng ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc và một chính sách đáp trả từ phía Mỹ. Nhưng có một sự thật, Trung Quốc đã chứng minh chính quyền Bắc Kinh có khả năng và sẵn sàng lãnh đạo thế giới đi theo một hướng đi mới với sự trang bị về tiềm lực quốc gia và nhận thức mạnh mẽ.

————————

Tài liệu tham khảo:

1. Mordechai Chaziza (2023), “The Global Security Initiative: China’s New Security Architecture for the Gulf”, The Diplomat, https://thediplomat.com/2023/05/the-global-security-initiative-chinas-new-security-architecture-for-the-gulf/
2. Bình Giang (2023), “Vì sao Trung Quốc muốn làm trung gian hòa giải Nga – Ukraina”, Báo Tiền phong, https://tienphong.vn/vi-sao-trung-quoc-muon-lam-trung-gian-hoa-giai-xung-dot-nga-ukraina-post1529977.tpo
3. Cherry Hitkari (2023), “Modernisation, Chinese Style”, Modern Diplomacy, 10.3.2023, theo Phương Thảo (dịch, 2023), “Hiện đại hóa kiểu Trung Quốc: Khái niệm và triển vọng”, Nghiên cứu Chiến lược, https://nghiencuuchienluoc.org/hien-dai-hoa-kieu-trung-quoc-khai-niem-va-trien-vong
4. Chandran Nair (2023), “The West Must Prepare for a Long Overdue Reckoning”, National Interest, 08.6.2023, theo Hoàng Hải (dịch, 2023) “Phương Tây cần một cách tiếp cận mới đối với thế giới đang thay đổi”, Nghiên cứu chiến lược, https://nghiencuuchienluoc.org/phuong-tay-can-mot-cach-tiep-can-moi-doi-voi-mot-the-gioi-dang-thay-doi/
5. Nguyễn Thu Phương (2019), “Trung Quốc gia tăng sức mạnh mềm văn hóa ở khu vực Đông Nam Á”, Viện Nghiên cứu Trung Quốc, http://vnics.org.vn/Default.aspx?ctl=Article&aID=178
6. Đỗ Tiến Sâm (2019), “Những sáng tạo mới về lý luận Chủ nghĩa xã hội đặc sắc trong Đại hội XIX”, Viện nghiên cứu Trung Quốc, http://vnics.org.vn/Default.aspx?ctl=Article&aID=660
7. Thanh Thành (2023), “Trung Quốc tìm cách đẩy mạnh quan hệ với Trung Á, Dân Trí, https://dantri.com.vn/the-gioi/trung-quoc-tim-cach-day-manh-quan-he-voi-trung-a-20230516093522501.htm
8. Lê Đình Tĩnh (2018), “Mục tiêu cường quốc tầm trung và viễn cảnh ngoại giao Việt Nam sau năm 2030”, Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế, số 2 (113), 6/2018, tr.47-48.
9. Lê Văn Toan (2022), “Những đặc sắc trong hệ thống lý luận chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời kỳ cải cách mở cửa”, Lý luận Chính trị, http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/quoc-te/item/4592-nhung-dac-sac-trong-he-thong-ly-luan-chu-nghia-xa-hoi-dac-sac-trung-quoc-thoi-ky-cai-cach-mo-cua.html
10. Hiếu Trung (2016), “Chiến tranh Lạnh Saudi – Iran đe dọa cả Trung Đông”, Báo Tuổi trẻ, https://tuoitre.vn/chien-tranh-lanh-saudi-iran-de-doa-ca-trung-dong-1032319.htm

Theo NGHIENCUUCHIENLUOC.ORG

Tags: , ,