Trung Quốc có thực sự phạm tội ‘diệt chủng’ ở Tân Cương?

Việc xác định đó có phải là tội diệt chủng hay không phụ thuộc vào một định nghĩa bắt nguồn từ một công ước của Liên Hợp Quốc, trong đó gợi ý rằng người ta không cần thực sự giết người vẫn bị coi là diệt chủng.

Trung Quốc có thực sự phạm tội ‘diệt chủng’ ở Tân Cương?

Nguồn: ““Genocide” is the wrong word for the horrors of Xinjiang”, The Economist, 13/02/2021.

Biên dịch: Trần Hùng.

Khi Ronald Reagan kêu gọi “hãy phá bỏ bức tường này”, mọi người đều biết ý của ông là gì. Có một bức tường ở đó. Nó đã giam cầm người dân Đông Đức. Nó đã phải bị dỡ xuống. Rồi đến một ngày, điều đó đã xảy ra. Trong cuộc đấu tranh giữa dân chủ và độc tài, điều cốt yếu là các nền dân chủ phải nói lên sự thật bằng một ngôn ngữ đơn giản. Các chế độ độc tài sẽ luôn dối trá và ngụy tạo để che giấu bản chất thật của họ. Còn các nền dân chủ có thể nói đúng thực tế. Hãy nhớ tới điều này khi quyết định nên gọi cuộc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ của Trung Quốc là gì. Vào ngày cuối cùng tại vị, Ngoại trưởng của Donald Trump, Mike Pompeo, đã gọi đó là “diệt chủng”. Mặc dù Joe Biden đã không sử dụng thuật ngữ đó trong tuần này khi nói chuyện lần đầu tiên với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nhưng chính quyền của ông đã lặp lại từ đó và các nhà lập pháp ở Anh cũng đang định làm như vậy. Nhưng thuật ngữ đó có chính xác không?

Theo cách hiểu thông thường thì nó không chính xác trong trường hợp này. Cũng giống như “homicide” có nghĩa là giết người và “suicide” có nghĩa là giết chính mình (tự tử), “genocide” có nghĩa là giết chết một dân tộc. Cuộc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ của Trung Quốc thật khủng khiếp: nước này đã nhốt khoảng 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ trong các trại cải tạo, nơi được họ gọi là “trung tâm dạy nghề”. Trung Quốc cũng đã cưỡng bức triệt sản một số phụ nữ Duy Ngô Nhĩ. Nhưng Trung Quốc không tàn sát họ.

>> Về vấn đề Diệt chủng trong chính trị quốc tế
.

Việc xác định đó có phải là tội diệt chủng hay không phụ thuộc vào một định nghĩa bắt nguồn từ một công ước của Liên Hợp Quốc, trong đó gợi ý rằng người ta không cần thực sự giết người vẫn bị coi là diệt chủng. Các biện pháp “nhằm ngăn chặn việc sinh đẻ” hoặc gây ra “tổn hại nghiêm trọng về thể chất hoặc tinh thần” là đủ, nếu mục đích của những hành động này là nhằm “tiêu diệt toàn bộ hoặc một phần một nhóm dân tộc, sắc tộc, chủng tộc hoặc tôn giáo”. “Một phần” đó lớn tới đâu thì bị xem là diệt chủng cũng không được xác định rõ. Về nguyên tắc, có thể hình dung sự hủy diệt của cả một dân tộc chẳng hạn bằng cách triệt sản có hệ thống tất cả mọi phụ nữ. Nhưng nếu các quy ước được diễn đạt một cách lỏng lẻo bất thường, chúng cũng phải được diễn dịch một cách thận trọng. Cho đến nay, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chỉ dán nhãn “diệt chủng” cho việc giết người hàng loạt, và thậm chí ngay cả khi xảy ra trường hợp đó, họ cũng thường do dự vì sợ rằng việc áp dụng thuật ngữ này sẽ tạo ra kỳ vọng rằng Mỹ sẽ phải can thiệp (để ngăn chặn diệt chủng). Mỹ đã không gọi cuộc diệt chủng ở Rwanda là diệt chủng cho đến khi thảm họa thực sự kết thúc.

Do đó, luận điệu chính trị của Mỹ đã trải qua một sự thay đổi mạnh mẽ, có tác động sâu sắc tới mối quan hệ song phương quan trọng nhất của thế giới. Bằng cách cáo buộc Trung Quốc phạm tội diệt chủng, Mỹ đang gửi đi tín hiệu rằng chính phủ Trung Quốc đã phạm một tội ác ghê tởm nhất. Nhưng đồng thời, Mỹ lại đang đề xuất Trung Quốc hợp tác giải quyết vấn đề nóng lên toàn cầu, đại dịch và thương mại.

Một số nhà vận động cho rằng sự leo thang về luận điệu dù sao cũng là việc làm khôn ngoan. Họ lập luận rằng điều này sẽ gây ra một sự phẫn nộ hữu ích, giúp khuyến khích các công ty xa lánh các nhà cung cấp Trung Quốc và vận động các quốc gia tẩy chay Thế vận hội mùa đông năm sau do Trung Quốc tổ chức. Nhưng ngược lại, điều này lại có khả năng phản tác dụng. Đầu tiên, việc thổi phồng các tội ác của Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Tân Cương không mang lại nhiều tác động. Vô số câu chuyện có thật về những gia đình tan nát và việc người Duy Ngô Nhĩ sống trong nỗi kinh hoàng đã đủ làm khiếp đảm bất cứ con người có lương tri nào. Khi những người Trung Quốc thuộc dân tộc Hán bình thường nghe thấy những chuyện đó, như trường hợp một số ít đã nghe trên Clubhouse, một nền tảng truyền thông xã hội mới mà Trung Quốc đã vội vàng ngăn chặn, họ đã rất kinh hoàng. Ngược lại, nếu Mỹ đưa ra những cáo buộc vô căn cứ về việc giết người hàng loạt, những người Trung Quốc yêu nước nhiều khả năng sẽ tin vào đường lối của chính phủ họ, rằng phương Tây đang nói dối về Tân Cương để làm hoen ố hình ảnh một cường quốc đang lên.

Các nền dân chủ phải đối mặt với một thách thức khó khăn và chưa từng có khi phải đối phó với Trung Quốc, nước vừa là mối đe dọa đối với các chuẩn mực toàn cầu vừa là đối tác thiết yếu trong việc giải quyết các cuộc khủng hoảng toàn cầu như biến đổi khí hậu. Từ chối làm việc với Trung Quốc sẽ gây nguy hiểm cho nền kinh tế thế giới và hành tinh chúng ta.

Ông Biden có lý khi lên án các vi phạm nhân quyền của Trung Quốc, nhưng ông nên làm vậy một cách trung thực. Chính xác thì Trung Quốc đang phạm phải các tội ác chống lại loài người. Nếu cứ cáo buộc Trung Quốc phạm tội diệt chủng trong trường hợp không xảy ra việc giết người hàng loạt, nước Mỹ đang giảm bớt thái độ phản kháng đặc biệt mà thuật ngữ này tạo ra. Việc phạm tội diệt chủng cần khiến một chính phủ bất kỳ trở nên không thể chấp nhận được; tuy nhiên các quan chức Mỹ vẫn sẽ phải tiếp tục làm việc với một chế độ mà họ đã gắn nhãn “diệt chủng”. Những kẻ phạm tội diệt chủng thực sự trong tương lai sẽ càng được khuyến khích.

Theo NGHIÊN CỨU QUỐC TẾ

Tags: , , , , ,