‘Trật tự thế giới dựa trên luật lệ’ nhìn từ Chiến lược An ninh quốc gia mới của Mỹ

Ngày 12/10/2022, Nhà Trắng công bố Chiến lược An ninh quốc gia mới nhằm mục tiêu tăng cường sức mạnh toàn diện của Mỹ để duy trì vai trò lãnh đạo trong trật tự thế giới dựa trên luật lệ do Mỹ chi phối, thực chất là trật tự thế giới đơn cực kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc cách đây hơn 30 năm.

Chiến lược An ninh quốc gia mới – khẳng định vai trò lãnh đạo của Mỹ

Chiến lược An ninh quốc gia mới xác định, Mỹ nhất thiết phải là quốc gia lãnh đạo trật tự thế giới dựa trên luật lệ để đấu tranh nhằm bảo vệ “các giá trị đúng đắn”, “dân chủ” và “tự do”. Trong đó, Mỹ cần phải đương đầu với nhiều quốc gia đi theo chế độ chính trị chuyên chế, trước hết là Trung Quốc và Nga. Chiến lược an ninh quốc gia mới xác định, Nga là mối đe dọa trực tiếp, còn Trung Quốc là mối đe dọa căn bản, lâu dài bởi Trung Quốc đang tìm cách viết lại các quy tắc thương mại và gia tăng ảnh hưởng đối với các quốc gia khác, còn Nga đang tìm cách vẽ lại biên giới quốc gia. Đặc biệt, Chiến lược An ninh quốc gia mới của Mỹ nêu rõ Mỹ phải giành ưu thế trong cuộc đua kinh tế với Trung Quốc để duy trì ảnh hưởng của mình trên thế giới. Phát biểu tại Đại học Georgetown, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho rằng, Mỹ phải quản lý mối quan hệ với Trung Quốc, trong khi đối phó với một loạt thách thức xuyên quốc gia, gồm biến đổi khí hậu, mất an ninh lương thực, các dịch bệnh truyền nhiễm, khủng bố, chuyển đổi năng lượng và lạm phát.

Giải thích mục tiêu xuyên suốt của Chiến lược An ninh quốc gia mới, Tổng thống Mỹ J. Biden nhấn mạnh: “Mỹ sẽ hợp tác với bất kỳ quốc gia nào có chung niềm tin vững chắc rằng trật tự thế giới dựa trên luật lệ sẽ vẫn là nền tảng của hòa bình thế giới. Theo đó, Mỹ sẽ tăng cường đầu tư cho khả năng cạnh tranh để thu hút những quốc gia theo đuổi giấc mơ Mỹ”. Còn theo Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken, không một quốc gia nào có thể thay thế vị trí lãnh đạo của Mỹ trong trật tự thế giới dựa trên luật lệ. Thế giới không thể tự tổ chức một trật tự ổn định, nếu thiếu sự tham gia của Mỹ. Nếu Mỹ không đóng vai trò lãnh đạo thế giới, một quốc gia nào đó, rất có thể là Trung Quốc, sẽ đóng vai trò chi phối trật tự thế giới, nhưng trật tự đó sẽ không đáp ứng lợi ích của Mỹ; hoặc sẽ không một quốc gia nào đảm đương được vai trò lãnh đạo thế giới và khi đó thế giới sẽ rơi vào khoảng trống quyền lực với hậu quả rất tiêu cực. Cuộc tranh giành vị trí lãnh đạo thế giới là cuộc cạnh tranh để chứng tỏ giá trị của quốc gia nào sẽ trở thành phổ quát trên phạm vi toàn cầu. Vì vậy, Mỹ quan tâm đến việc tham gia và thực hiện vai trò lãnh đạo, đồng thời đóng góp tối đa vào quá trình hình thành thế giới trong tương lai.

Ngày 27/10/2022, chính quyền Tổng thống J. Biden đã công bố Chiến lược Quốc phòng mới, trong đó xác định Trung Quốc và Nga là những đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Mỹ.

Thế giới nhìn nhận trật tự thế giới dựa trên luật lệ của Mỹ

Hiện nay, trên thế giới diễn ra nhiều cuộc tranh luận về trật tự thế giới hiện hành xoay quanh hai nhóm quan điểm đối lập. Nhóm thứ nhất cho rằng, sau khi Liên Xô và hệ thống xã hội chủ nghĩa sụp đổ, trật tự thế giới dựa trên các giá trị của phương Tây do Mỹ đứng đầu và họ gọi đó là “trật tự thế giới dựa trên luật lệ” do Mỹ chi phối, ngầm ám chỉ rằng phương Tây do Mỹ đứng đầu xác định các quy tắc trong quan hệ quốc tế. Một số người còn gọi đó là “trật tự thế giới đơn cực” do Mỹ lãnh đạo dựa trên ưu thế toàn diện của Mỹ và các giá trị của phương Tây. Vì thế, chuyên gia nghiên cứu chính trị Mỹ Francis Fukuyama coi Chiến tranh lạnh kết thúc là “sự cáo chung của lịch sử” với hàm ý thế giới sẽ vĩnh viễn đi theo các giá trị của phương Tây do Mỹ đứng đầu. Tuy nhiên, trật tự thế giới dựa trên luật lệ do Mỹ chi phối đồng nghĩa với việc xóa bỏ trật tự Yalta được thiết lập tại Hội nghị Yalta (tháng 2-1945) giữa nguyên thủ các cường quốc chiến thắng trong Chiến tranh thế giới thứ hai là Liên Xô, Mỹ và Anh. Cơ sở nền tảng của trật tự Yalta là Hiến chương Liên hợp quốc được thành lập vào tháng 4-1945.

Nhóm quan điểm thứ hai thừa nhận trật tự thế giới dựa trên luật lệ do Mỹ chi phối chỉ là khoảnh khắc lịch sử, tất yếu sẽ dẫn tới khủng hoảng và sụp đổ do dựa trên quyền bá chủ thế giới của Mỹ trước thách thức ngày càng lớn của các trung tâm quyền lực mới sẽ xuất hiện như Nhóm các nền kinh tế lớn mới nổi (BRICS, gồm Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Brazil, Nam Phi) và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO, gồm Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Iran, Pakistan, Kazakhstan, Tajikistan và Kyrgyzstan). Hiện nay có nhiều quốc gia nộp đơn xin gia nhập BRICS bởi những tổ chức này chủ trương xây dựng trật tự thế giới đa cực bao gồm cộng đồng các đối tác bình đẳng, có chế độ chính trị – xã hội khác nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau và an ninh quốc tế được bảo đảm dựa trên Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế được cộng đồng thế giới thừa nhận, chứ không dựa trên luật lệ của một siêu cường áp đặt.

Ted Galen Carpenter, chuyên gia nghiên cứu viên cao cấp về an ninh tại Viện Cato và là tác giả của 12 cuốn sách và hơn 900 bài báo viết về các vấn đề quốc tế – nhận định: “lập luận của Tổng thống Mỹ J. Biden về việc Nga và Trung Quốc là “những kẻ phá hoại trật tự thế giới dựa trên luật lệ” liệu có đúng hay không bởi kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc, Mỹ đã nhiều lần vi phạm và làm ngơ trước các hành động vi phạm luật pháp quốc tế của các đồng minh. Ted Gehlen Carpenter bình luận: “trong khi Tổng thống Mỹ J. Biden tuyên bố rằng cuộc xung đột ở Ukraina là cuộc đấu tranh một mất, một còn trên phạm vi toàn cầu giữa Mỹ là người bảo vệ trật tự thế giới dựa trên luật lệ và Nga là kẻ phá hoại trật tự đó, thì thế giới từng chứng kiến Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tiến hành xâm lược Serbia (năm 1999), Iraq (năm 2003), Libya (năm 2011). Ngoài ra, Mỹ đơn phương rút khỏi nhiều hiệp ước và hiệp định mà Mỹ đã ký kết như Hiệp định Phòng chống tên lửa đạn đạo (ABM) vô thời hạn với Liên Xô mà Nga kế thừa, Hiệp ước tên lửa tầm trung và tầm ngắn (INF) ở châu Âu, Hiệp ước Bầu trời mở, Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) ký kết giữa Nhóm P5+1 với Iran. Mỹ còn làm ngơ trước hành động của Israel chiếm đóng các vùng đất của người Palestine, sự can thiệp có hệ thống của Thổ Nhĩ Kỳ vào các vùng lãnh thổ phía Bắc của Iran và Syria…

Theo nhận định của Ted Gehlen Carpenter, cái gọi là “trật tự thế giới dựa trên luật lệ” là một tiêu chuẩn được Mỹ và các đồng minh sẵn sàng vứt bỏ khi cần thiết. Đơn cử như, cuộc xung đột ở Ukraina có phải là mối đe dọa đối với trật tự thế giới dựa trên Hiến chương Liên hợp quốc hay không, bởi nếu như Mỹ không can thiệp thì cuộc xung đột Ukraina sẽ chỉ là một cuộc đấu tranh giữa 2 quốc gia. Còn giờ đây, cuộc xung đột này đã biến thành cuộc chiến ủy nhiệm của NATO do Mỹ đứng đầu chống Nga. Ngay cả các đồng minh truyền thống của Mỹ ở Đông Á cũng không ủng hộ NATO trong cuộc xung đột này. Nhiều quốc gia ở châu Phi và phần còn lại của thế giới chưa và không bao giờ coi trật tự thế giới dựa trên luật lệ do Mỹ dựng lên là trật tự thế giới tự do thực sự và có tính toàn cầu, nơi đã biến châu Phi thành phạm vi ảnh hưởng và là đấu trường của cuộc cạnh tranh địa chiến lược giữa các cường quốc.

Từ phía Nga, Tổng thống Nga

V. Putin đã nhiều lần lên tiếng về sự cần thiết phải từ bỏ trật tự thế giới dựa trên luật lệ của Mỹ bởi trật tự đó không dựa trên Hiến chương Liên hợp quốc mà là dựa trên toan tính ảo tưởng về sự bá quyền của Mỹ. Các biện pháp trừng phạt đơn phương của Mỹ áp đặt cho nhiều nước, như Nga, Cuba, Iran, CHDCND Triều Tiên và Venezuela đã làm xói mòn nền tảng của thương mại thế giới dựa trên các quy tắc của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và phá hoại mô hình toàn cầu hóa thị trường tự do cạnh tranh, từ đó khiến nhiều nước không còn tin vào “trật tự thế giới dựa trên luật lệ” do Mỹ chi phối.

Tổng thống V. Putin nhấn mạnh: “chúng ta vẫn luôn được nghe mọi người nói rằng Mỹ đứng đầu phương Tây tượng trưng cho “trật tự dựa trên luật lệ”. Song, những “luật lệ” đó là gì? Ai chấp nhận những luật lệ đó? Những luật lệ đó chỉ là một kiểu tiêu chuẩn kép. Quyền bá chủ thế giới của họ mang đặc tính rõ ràng của chủ nghĩa toàn trị và chuyên quyền. Họ phân chia các quốc gia trên thế giới thành hai phe “dân chủ” và “chuyên chế”, thực chất là một kiểu phân biệt chủng tộc. Không chấp nhận trật tự thế giới dựa trên luật lệ do Mỹ chi phối, Nga chủ trương xây dựng trật tự thế giới đa cực trên cơ sở tôn trọng lợi ích của tất cả các quốc gia mà không phân biệt nước lớn hay nước nhỏ, nước giàu hay nước nghèo, mạnh hay yếu”.

Theo HỒ SƠ SỰ KIỆN

Tags: ,