Toàn cảnh về tác động của dịch bệnh COVID-19 đến quan hệ Mỹ – Trung

Dịch COVID-19 đã đẩy mối quan hệ Trung-Mỹ vào một giai đoạn tồi tệ mới. Quan hệ thương mại song phương trên đà suy thoái, rơi vào trạng thái dường như đóng băng; sự thiếu hụt lòng tin chiến lược ngày càng nghiêm trọng; bầu không khí giữa hai bên ngột ngạt chưa từng có.

Toàn cảnh về tác động của dịch bệnh COVID-19 đến quan hệ Mỹ – Trung

Bài viết của Giáo sư Wang Jisi, Trưởng khoa Nghiên cứu Quốc tế, Đại học Bắc Kinh. Bài viết được đăng trên US-China Perception Monitor.

Sau khi Donald Trump lên cầm quyền, chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc đã có sự thay đổi lớn. Từ năm 2009, quan hệ Trung-Mỹ dần phát triển theo chiều hướng tiêu cực, nghĩa là quan hệ hai nước bắt đầu thay đổi dưới thời Barack Obama, tuy nhiên nó đã không được thể hiện một cách rõ ràng như sau khi Donald Trump lên làm tổng thống. Các vấn đề trong quan hệ Trung-Mỹ hiện nay bao gồm va chạm kinh tế-thương mại, Hong Kong, Đài Loan, nhân quyền, Biển Đông, tách rời công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ… trên thực tế những vấn đề này đã xuất hiện trước khi Donald Trump lên cầm quyền.

Trước khi lên nắm quyền, việc Donald Trump điện đàm với nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn đã dẫn tới sự phản đối của nhiều người ở trong nước, cũng như Trung Quốc. Ngược lại, sau khi lên cầm quyền, Donald Trump lại không có những động thái quá tiêu cực đối với vấn đề Đài Loan, mà chủ yếu dồn lực vào quan hệ kinh tế thương mại với Trung Quốc để tìm cách thu hẹp thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ. Điều này phù hợp với đặc điểm cầm quyền của Donald Trump, nghĩa là chủ yếu dồn sức để phục hồi nền kinh tế Mỹ, cố gắng đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại.

Donald Trump và Ngoại trưởng, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cùng các trợ lý của ông đều xác định Trung Quốc là đối thủ chiến lược chủ yếu, nghĩa là “đối thủ cạnh tranh” chiến lược và “quốc gia theo chủ nghĩa xét lại”. Theo đó, ý nghĩa của “quốc gia theo chủ nghĩa xét lại” là đề cập đến việc Trung Quốc muốn thay đổi trật tự quốc tế hiện nay, không hài lòng với trật tự quốc tế do Mỹ lãnh đạo. Sau đó, Mỹ tuyên bố cần phải dựa vào cách tiếp cận của cả chính phủ để cạnh tranh chiến lược dài hạn toàn diện với Trung Quốc.

Sự kiện lớn nhất sau khi Donald Trump lên cầm quyền là Mỹ khơi mào tạo va chạm thương mại với Trung Quốc, sau cùng biến thành cuộc chiến thương mại. Đầu năm 2020, cùng với việc hai nước đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, cuộc chiến thương mại xem như đã tạm dừng. Nội dung chủ yếu của thỏa thuận là Trung Quốc phải mua hàng hóa trị giá 200 tỷ USD của Mỹ trong vòng hai năm tới, bao gồm dầu khí, nông sản, sản phẩm ngành chế tạo và dịch vụ tài chính, ngoài ra còn kèm theo các yêu cầu cải thiện việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, chấm dứt việc ép buộc chuyển giao công nghệ, nới lỏng kiểm soát tỷ giáv.v.

Donald Trump vốn dự định tiến hành đàm phán thương mại giai đoạn 2 với Trung Quốc sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 năm nay, tuy nhiên cả hai nước đều xảy ra dịch bệnh nghiêm trọng, nên thời gian và kết quả đàm phán thương mại giai đoạn 2 sẽ khó xác định. Điều này cũng có nghĩa là mặc dù tranh chấp thương mại Trung-Mỹ tạm thời dừng lại, song vấn đề chưa được giải quyết triệt để, nhiều mức thuế quan Mỹ áp bổ sung với hàng hóa Trung Quốc trước khi ký thỏa thuận giai đoạn 1 chưa được hủy bỏ.

Trọng điểm của đàm phán giai đoạn 2 có lẽ sẽ là các vấn đề như trợ cấp cho doanh nghiệp nhà nước, tiếp cận thị trường, thẩm định đầu tư nước ngoài, an ninh mạng… của Trung Quốc.

Tháng 1/2020, dịch COVID-19 bùng phát, Trung Quốc vốn hy vọng hai nước sẽ hợp tác nhiều hơn trong việc cùng ứng phó dịch bệnh, song Mỹ lại ngày càng có nhiều hành động và phát ngôn tiêu cực với Trung Quốc.

Về phương diện chiến lược, Mỹ đang tiếp tục gia tăng sức ép với Trung Quốc. Trong chuyến thăm Ấn Độ gần đây, Donald Trump đã công kích Trung Quốc sau lưng, cùng Thủ tướng Narendra Modi ra tuyên bố chung, thể hiện ý muốn tăng cường hội nhập chiến lược ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, thiết lập Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông có ý nghĩa để hỗ trợ du lịch, an toàn hàng hải, cho thấy rõ ý định chĩa mũi nhọn vào Trung Quốc. Đồng thời, Washington cũng đang nỗ lực làm suy giảm sức ảnh hưởng của Bắc Kinh ở Liên hợp quốc và các tổ chức khác, chẳng hạn như gần đây Mỹ đã ngăn cản thành công đại diện của Trung Quốc được giới thiệu tham gia tranh cử vị trí Tổng giám đốc Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới. Vào đầu tháng 2, khi phát biểu tại Hiệp hội Thống đốc quốc gia, Ngoại trưởng Mike Pompeo nói rằng cạnh tranh Trung-Mỹ không những là công việc của chính quyền Liên bang, mà còn là công việc của các bang, kêu gọi các bang thực hiện chỉ thị của chính phủ Liên bang nâng cao cảnh giác đối với Trung Quốc.

Sau khi dịch COVID-19 bùng phát, Chính phủ Mỹ không những thay đổi thái độ với Trung Quốc, mà cách biểu hiện cũng “tiền hậu bất nhất”. Ban đầu, Donald Trump ca ngợi sự công khai minh bạch của Trung Quốc trong công tác phòng chống dịch, Phó tổng thống Mike Pence cũng thừa nhận Trung Quốc và Mỹ đang hợp tác. Tuy nhiên, sau đó Donald Trump gọi SARS-CoV-2 là “virus Trung Quốc”, phản bác luận điểm quân đội Mỹ mang virus đến Trung Quốc. Hiện nay, Mỹ đặt điều bôi nhọ Trung Quốc ở rất nhiều phương diện, có nhiều phát ngôn tiêu cực về vấn đề dịch bệnh.

Mặc dù vậy, hai nước vẫn có một số hợp tác, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ đã tham gia phái đoàn của Tổ chức y tế thế giới (WHO) đến Trung Quốc khảo sát dịch bệnh, phóng viên của tờ New York Times cũng đã ca ngợi cách làm của Trung Quốc, cho rằng Washington nên học tập Bắc Kinh.

Tóm lại, hiện nay thông tin ngoại giao giữa hai nước tương đối rối loạn, nhưng về tổng thể quan hệ hai nước sẽ không tốt lên do dịch bệnh bùng phát, ngược lại ngày càng xấu đi. Trong thời gian tới, Chính quyền Donald Trump và Quốc hội Mỹ sẽ tiếp tục ban hành các chính sách và biện pháp mới, tăng cường sự phối hợp giữa các bộ ngành để gia tăng sức ép toàn diện đối với Trung Quốc trong nhiều vấn đề như quan hệ thương mại, cạnh tranh công nghệ, an ninh mạng, Đài Loan, Hong Kong, Tây Tạng, Tân Cương…

Về quan hệ thương mại, khi dịch bệnh có diễn biến nghiêm trọng vào cuối tháng 2, Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ đã nhập khẩu hơn 10 chủng loại vật tư y tế miễn thuế từ Trung Quốc như khẩu trang, găng tay y tế… Đây là chuyện tốt đối với Trung Quốc, song sau đó Washington nhận ra rằng vẫn cần nhập khẩu thuốc và dược liệu, thiết bị y tế từ Bắc Kinh nên cảm thấy khó chịu, lo lắng sẽ phải phụ thuộc vào Trung Quốc trong tương lai, nên quyết định tự sản xuất hoặc mua từ các nước khác, giảm thiểu sự phụ thuộc vào các sản phẩm y tế và thuốc từ Trung Quốc, muốn tách rời khỏi Bắc Kinh.

Về phương diện cạnh tranh công nghệ, Mỹ sẽ tiếp tục chèn ép Hoa Vi. Hiện nay, Mạnh Vãn Châu vẫn đang ở Canada, và Mỹ đang tìm cách đưa bà về xứ sở cờ hoa để xét xử. Theo đó, Wasington đã áp dụng nhiều biện pháp như ngoại giao, tư pháp, hành chính… để chèn ép và ngăn chặn Hoa Vi, các quan chức cấp cao của Chính quyền Donald Trump nhiều lần nhấn mạnh sự nguy hại của Hoa Vi đối với an ninh quốc gia, thể chế chính trị dân chủ tại rất nhiều diễn đàn, chẳng hạn như tại Hội nghị an ninh Munich, cho thấy rõ ý đồ cản trở các nước đồng minh phương Tây, trong đó có Anh sử dụng thiết bị của Hoa Vi trong xây dựng mạng 5G. Bên cạnh đó, Mỹ cũng đang tìm cách hỗ trợ phát triển 5G ở trong nước, các quy định mới về tăng cường thẩm tra đối với nhà đầu tư nước ngoài của Bộ Tài chính Mỹ cũng đã có hiệu lực. Ngoài ra, Mỹ còn có chính sách phối hợp trên nhiều phương diện, mục tiêu cuối cùng là không để công nghệ của Mỹ trở thành công cụ giúp Trung Quốc tăng cường năng lực theo dõi giám sát và năng lực quân sự.

Về vấn đề Đài Loan, Mỹ cũng liên tục có các động thái. Khi Thái Anh Văn tái đắc cử Tổng thống Đài Loan vào tháng 1, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã phát biểu chúc mừng Thái Anh Văn, công nhận vai trò của Thái Anh Văn trong quan hệ Mỹ-Đài Loan và quan hệ hai bờ, hơn nữa nhấn mạnh giá trị dân chủ mà Mỹ và Đài Loan chia sẻ. Sau khi dịch COVID-19 xảy ra, Mỹ phát biểu rằng nên cho phép Đài Loan tham gia các cuộc họp của WHO với tư cách quan sát viên, có ý đồ nâng cao địa vị quốc tế của Đài Loan.

Về vấn đề Biển Đông, Mỹ vẫn đang gia tăng sức ép, không những điều máy bay trinh sát của hải quân đến thăm dò trên vùng trời Biển Đông, mà còn muốn tăng cường chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đồng thời hỗ trợ các nước có tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông gây sức ép mới đối với Bắc Kinh.

Về vấn đề Hong Kong, năm 2019 Mỹ đã thông qua “Dự luật Dân chủ và Nhân quyền Hong Kong”, có ý đồ can dự vào công việc nội bộ của Trung Quốc, đồng thời đề cử giải Nobel Hòa bình 2020 cho phong trào đấu tranh dân chủ Hong Kong.

Về vấn đề Tây Tạng, Mỹ đã thông qua “Dự luật hỗ trợ và chính sách Tây Tạng năm 2019”, công khai can dự vào công việc nội bộ của Trung Quốc, đặc biệt là vấn đề quyền kế vị Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 15, xúi giục người Tây Tạng không cần coi trọng ý kiến của Chính phủ Trung Quốc, tự quyết định vấn đề của mình.

Về mặt giao lưu văn hóa, Mỹ thực hiện nhiều hoạt động giám sát đối với du học sinh Trung Quốc tại Mỹ, một giáo sư hóa học của Đại học Harvard đã bị truy tố và bị Cục điều tra Liên bang buộc tội. Ngày 18/2, Bộ Ngoại giao Mỹ còn đưa 5 cơ quan truyền thông của Trung Quốc bao gồm Tân Hoa xã, Đài Phát thanh Truyền hình quốc tế Trung Quốc, Mạng lưới truyền hình toàn cầu Trung Quốc, Trung Quốc Nhật báo, Nhân dân Nhật báo vào phạm vi áp dụng “Luật phái bộ nước ngoài”, nghĩa là đánh đồng những cơ quan này với đại diện của chính phủ, hạn chế hoạt động của họ. Ngày 19/2, Trung Quốc tuyên bố thu hồi thẻ nhà báo của ba phóng viên người nước ngoài thuộc tờ The Wall Street Journal. Ngày 2/3, Bộ Ngoại giao Mỹ có bước đi leo thang, yêu cầu cắt giảm tổng số nhân viên người Trung Quốc của 5 cơ quan truyền thông này tại Mỹ xuống mức tối đa không được quá 100 người, đồng thời phải gửi danh sách cụ thể trước ngày 6/3. Đáp lại, Trung Quốc đáp trả bằng cách thu hồi thẻ nhà báo của các phóng viên thuộc 3 tờ The Wall Street Journal, The New York Times, The Washington Post ở Trung Quốc.

Ngoài ra, các viện nghiên cứu chính sách của Mỹ liên tục đăng các báo cáo, luận văn, bình luận liên quan đến chính sách Trung Quốc, giọng điệu cơ bản tương đồng với chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc, thậm chí kêu gọi Chính phủ Mỹ áp dụng chính sách cứng rắn hơn đối với Trung Quốc. Nhiều ứng cử viên tổng thống Mỹ cũng đã có những phát biểu chỉ trích Bắc Kinh, thậm chí Joe Biden phát biểu một cách thẳng thừng “nếu trúng cử tổng thống, tôi sẽ áp dụng biện pháp rất cứng rắn với Trung Quốc, đặc biệt là tôi sẽ tăng cường quan hệ với các đồng minh của Mỹ để ứng phó với Trung Quốc”. Điều này có nghĩa là Washington có ý đồ tập hợp các đồng minh và đối tác để cùng kiềm chế ảnh hưởng quốc tế của Bắc Kinh.

Trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay, Trung Quốc cũng sẽ là một chủ đề nổi bật hơn so với trước đây. Tất nhiên, bầu cử tổng thống Mỹ chủ yếu vẫn tập trung vào các vấn đề trong nước Mỹ, bao gồm tăng trưởng kinh tế chậm lại, dấu hiệu khủng hoảng tài chính và những vấn đề truyền thống như bất bình đẳng xã hội, nhập cư, y tế, giáo dục…, chứ không phải vấn đề quan hệ đối ngoại. Chỉ khi đề cập đến quan hệ đối ngoại, thì Trung Quốc mới chắc chắn trở thành chủ đề lớn nhất trong đó.

Hiện có nhiều nhận định khác nhau xung quanh việc ai sẽ trúng cử tổng thống Mỹ. Trước tháng 3/2020, tình hình kinh tế Mỹ vẫn rất tốt, các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy điều này tương đối có lợi cho hoạt động tranh cử của Donald Trump. Hiện nay dịch bệnh đang bùng phát mạnh ở Mỹ, nên sức ép đối với Donald Trump là rất lớn. Cùng với số người bị nhiễm virus SARS-CoV-2 và số ca tử vong tăng lên, thái độ của ông đối với dịch bệnh cũng đã có những thay đổi rõ rệt. Phe đối lập chỉ trích ông vì điều này, Thống đốc bang New York chỉ trích cách gọi “virus Trung Quốc” của Donald Trump là vô trách nhiệm, cho rằng bang New York có rất nhiều người Hoa và người châu Á đã bị kỳ thị chủng tộc, nên cách gọi như vậy sẽ làm cho những nhóm người này bị tổn thương hơn, và điều này không có lợi cho Mỹ cũng như New York. Cùng với sự phát triển của dịch bệnh, Donald Trump sẽ chịu sức ép lớn hơn. Mặc dù ông không có đối thủ cạnh tranh trong đảng Cộng hòa, song vẫn phải cạnh tranh với Joe Bien – ứng cử viên của đảng Dân chủ.

Vậy, ai trở thành tổng thống sẽ có lợi cho Trung Quốc? Nhân vật nào cũng vừa có mặt lợi vừa có mặt hại.

Nếu Donald Trump tái đắc cử, ông sẽ tiếp tục gia tăng sức ép đối với Trung Quốc về vấn đề thương mại, hơn nữa, các trợ lý của Donald Trump đều không có thiện cảm với Trung Quốc, và lực lượng chống Trung Quốc trong các cơ quan quốc gia như Cục Điều tra Liên bang (FBI), Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA)… cũng rất mạnh. Mặc dù Donald Trump ca ngợi Trung Quốc và tự nhận là bạn tốt với Chủ tịch Tập Cận Bình, song những việc ông làm đối với Bắc Kinh thời gian qua lại không tạo ra ảnh hưởng tích cực. Khi vừa mới lên nhậm chức năm 2017, Donald Trump đã công bố báo cáo chính sách chống lại Trung Quốc, do đó nếu tái đắc cử, chắc chắn ông sẽ đưa ra nhiều chính sách đối với Bắc Kinh. Một vấn đề tương đối dễ chịu là trong những năm qua, Donald Trump chủ yếu cạnh trạnh với Trung Quốc về vấn đề kinh tế và thương mại, không quan tâm nhiều đến các vấn đề Biển Đông, Đài Loan, Hong Kong, nhân quyền, Tân Cương…, thậm chí kiềm chế các lực lượng chống Trung Quốc cực đoan, yêu cầu phải xử lý ổn thỏa vấn đề thương mại, tiếp đó giải quyết các vấn đề khác.

Nếu Joe Biden trúng cử tổng thống, có thể ông sẽ cứng rắn hơn Donald Trump về các vấn đề nội bộ của Trung Quốc, vấn đề Biển Đông và các vấn đề quốc tế, đặc biệt nhiều khả năng ông sẽ liên kết với các nước khác để cùng ứng phó với cái gọi là mối đe dọa đến từ Trung Quốc. Tuy nhiên, một điều tương đối thuận lợi là Joe Biden từng hiểu về Trung Quốc nhiều hơn Donald Trump, ông cũng không cho rằng Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất của Mỹ. Ngoài ra, trong đội ngũ trợ lý của Joe Biden, nhiều người từng là quan chức ngoại giao dưới thời Barack Obama, am hiểu về Trung Quốc sâu hơn nhóm cố vấn đang sát cánh bên cạnh Donald Trump.

Tóm lại, đối với Trung Quốc, cho dù ai làm tổng thống Mỹ thì cũng vừa có thuận lợi vừa có khó khăn. Việc Chính phủ Mỹ không ngừng tăng cường sự cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc, cộng thêm ấn tượng không thiện cảm với Trung Quốc trong khắp các tầng lớp xã hội Mỹ khiến cho chính sách của Washington đối với Bắc Kinh sẽ rất khó lạc quan trong thời gian tới.

Chính sách và thái độ của Trung Quốc đối với Mỹ

Ngày 16/3/2020, Dương Khiết Trì – Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã có cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, trong cuộc điện đàm Dương Khiết Trì nhấn mạnh “một số chính khách Mỹ không ngừng nói xấu Trung Quốc và nỗ lực phòng chống dịch bệnh của Trung Quốc, bôi nhọ thanh danh Trung Quốc, khơi dậy sự phẫn nộ mạnh mẽ trong quần chúng nhân dân, Trung Quốc kiên quyết phản đối và lên án mạnh mẽ vấn đề này. Xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chung của nhân dân hai nước cũng như nhân dân các nước trên thế giới, Bắc Kinh hối thúc Washington tăng cường hợp tác với Bắc Kinh và cộng đồng quốc tế, cùng bảo vệ an ninh y tế cộng đồng”. Ngược lại, Mike Pompeo nói rằng việc Trung Quốc chỉ trích quân đội Mỹ phát tán virus là bôi nhọ thanh danh của Mỹ và Washington rất không hài lòng đối với vấn đề này. Có thể thấy rằng việc Trung Quốc và Mỹ chỉ trích lẫn nhau đã làm tổn hại quan hệ hai nước cũng như lợi ích quốc gia mỗi nước.

Gần hai năm qua, đặc biệt là trong thời gian bùng phát dịch COVID-19, chính phủ, các viện nghiên cứu, giới truyền thông, dư luận Trung Quốc đã có sự thay đổi thái độ rõ ràng đối với Mỹ. Trong một thời gian dài trước đây, quan hệ hai nước đều được coi là quan trọng nhất, cần phải kiên trì nguyên tắc nhẫn nhịn đối với Mỹ. Hiện nay, những quan điểm này đã phai nhạt trên các diễn đàn dư luận chính thống, thay vào đó là Trung Quốc nên đấu tranh không khoan nhượng với Mỹ.

Về phương diện trao đổi kinh tế, công nghệ, văn hóa, hai nước đều đang giảm sự phụ thuộc vào nhau. Trung Quốc chú trọng hơn việc tự chủ đổi mới trong lĩnh vực thương mại, đầu tư, tài chính, công nghệ… Mặc dù không mong muốn hai nước tách rời về kinh tế, thương mại, công nghệ, song Trung Quốc cần phải có sự chuẩn bị trên cả hai phương diện tư tưởng và vật chất cho việc này. Trung Quốc nên tự chế tạo những sản phẩm cần thiết dù là 5G hay động cơ máy bay. Tương tự, người Mỹ cũng đang cảnh giác, chẳng hạn như hiện nay Mỹ đang nhập khẩu từ Trung Quốc nhiều sản phẩm y tế và thuốc, nên muốn giảm thiểu sự phụ thuộc vào Bắc Kinh.

Trong thời gian bùng phát dịch bệnh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã chỉ trích gay gắt, nhấn mạnh Mỹ là nước đầu tiên rút nhân viên đại sứ quán và lãnh sự quán khỏi Trung Quốc, nước đầu tiên áp dụng các biện pháp hạn chế toàn diện đối với công dân Trung Quốc, không ngừng gieo rắc sự hoang mang, là ngọn nguồn của mọi sự tồi tệ. Xuất phát từ thái độ và biện pháp của Mỹ, ngày 24/2, Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc đã khuyến cáo người dân không nên đến Mỹ du lịch. Tóm lại, sự không tin tưởng và thiếu thiện cảm của Trung Quốc đối với Mỹ đã đạt đến một mức độ chưa từng thấy trong lịch sử 41 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Bên cạnh đó, quan hệ Trung-Nga đã được nâng lên thành quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện trong thời đại mới, lòng tin chính trị giữa hai bên đã đạt đến một mức độ chưa từng thấy. Trung Quốc cũng chú trọng hơn đến quan hệ với các nước đang phát triển, tái lập khái niệm “mặt trận thống nhất quốc tế”, tăng cường đóng góp và đạt được thành quả nhất định đối với Liên hợp quốc và các tổ chức trực thuộc, chẳng hạn như WHO. Trung Quốc đã phát huy vai trò dẫn dắt trong các cơ chế quốc tế không có sự tham gia của Mỹ như Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS), Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB)…, tích cực thúc đẩy xây dựng sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI).

Tất cả những điều này cho thấy Bắc Kinh đã nhận thức rõ những thay đổi lớn trong chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc, có những điều chỉnh tương ứng về chiến lược, tư duy và chính sách cụ thể, với phương hướng là cạnh trạnh, đấu tranh kiên quyết hơn. Về cơ bản Trung Quốc nhấn mạnh cần vứt bỏ ảo tưởng đối với Mỹ, chuẩn bị đối diện với những thách thức ngặt nghèo, cần phải mạnh dạn đấu tranh, tăng cường ý thức cạnh tranh.

Hiện nay, Trung Quốc vẫn duy trì thái độ hòa dịu đối với Mỹ, nghĩa là kiên trì “thúc đẩy quan hệ Mỹ-Trung dựa trên quan điểm cơ bản hài hòa, hợp tác, ổn định”. Sau khi dịch bệnh xảy ra, việc Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Donald Trump điện đàm với nhau cũng chứng tỏ hai bên đều có nhu cầu hợp tác với nhau.

Nhận định về quan hệ Trung-Mỹ

Những năm gần đây, tương quan sức mạnh kinh tế, quân sự Trung-Mỹ liên tục phát triển theo chiều hướng có lợi cho Trung Quốc, môi trường chính trị ở từng nước đều có sự thay đổi rõ rệt. Mỹ có sự phân cực chính trị, nghĩa là các cuộc tranh luận giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa thường rất gay gắt, hơn nữa nền chính trị bản sắc được thể hiện rất nổi bật; Trung Quốc thì nhấn mạnh đến sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, tăng cường xây dựng đảng, đấu tranh chống tham nhũng…, kiểm soát ý thức hệ, mạng Internet cũng được kiểm soát nghiêm ngặt hơn trước. Mâu thuẫn giữa hai nước về chế độ xã hội, quan điểm giá trị, lợi ích quốc gia cũng vì vậy mà ngày càng nổi cộm.

Chiến tranh thương mại chỉ là một dấu hiệu chuyển biến xấu của quan hệ Trung-Mỹ, chứ không phải là nguyên nhân. Chiến tranh thương mại tạm thời đã nhấn chìm xung đột của các lĩnh vực khác.

Tâm thế ứng chiến của Trung Quốc tương đối bị động trong giai đoạn đầu, nhưng từ mùa Thu năm 2019 đến nay, Trung Quốc thực sự chủ động hơn, thiết lập quan điểm đấu tranh, liên tục đáp trả những đòn tấn công dồn dập của Mỹ. Từ sau khi dịch bệnh bùng phát đến nay, trao đổi cấp cao giữa hai nước giảm mạnh, chủ yếu là trao đổi qua điện thoại. Yêu cầu khách quan của phòng chống dịch bệnh cũng khiến hai nước khó kết nối riêng, điều này không có lợi cho việc giảm bớt xung đột.

Du lịch, giao lưu văn hóa, hợp tác công nghệ giữa hai bên cũng đều rơi vào trạng thái ngưng trệ. “Đối thoại kênh hai” Trung-Mỹ từng phát huy tác dụng kết nối nhất định trong quá khứ, nghĩa là quan chức chính phủ và đại diện chính phủ đối thoại với quan chức chính phủ hoặc đại diện chính phủ của đối phương với tư cách cá nhân, hiện nay cũng đã chấm dứt. Sự trao đổi qua lại giữa các viện nghiên cứu chính sách cũng rất ít. Do các lý do như nghi ngờ chính trị và rào cản giao thông, các cuộc đối thoại như thế này sẽ không thể hy vọng được tái khởi động trong thời gian ngắn.

So với các cuộc khủng hoảng đã xảy ra kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, bước thụt lùi trong quan hệ Trung-Mỹ giai đoạn này có thời gian dài, lĩnh vực rộng. Cuộc khủng hoảng quan hệ Trung-Mỹ lần này không phải diễn ra một cách đột ngột, mà là kết quả của gia tốc trượt dốc trong một thời gian dài. Phạm vi cuộc đọ sức liên quan đến quân sự, thương mại, nhân quyền, Đài Loan, Hong Kong, Tây Tạng, Tân Cương, và còn có cả dịch bệnh lần này, dường như bao trùm tất cả các lĩnh vực. Phản ứng của người dân hai bên cũng bắt đầu phát triển theo chiều hướng tiêu cực.

Trong thời gian tới, quan hệ hai nước sẽ phát triển theo chiều hướng xung đột liên tục, ngày càng căng thẳng, dư địa thỏa hiệp ngày càng ít. Hai nước chuyển từ cạnh tranh toàn diện sang đối đầu toàn diện, không thể loại trừ khả năng rơi vào cái gọi là “bẫy Thucydides”.

Nếu xu hướng này tiếp diễn, sự cân nhắc chiến lược chủ yếu không phải là “chiến tranh lạnh mới”. So với quan hệ Mỹ-Liên Xô trước đây, nếu Mỹ và Trung Quốc đối đầu toàn diện thì cái giá phải trả sẽ đắt hơn nhiều. Trước đây, khi Mỹ và Liên Xô cắt đứt quan hệ với nhau thì không còn tồn tại quan hệ kinh tế, cũng không có giao lưu văn hóa, càng không có hợp tác công nghệ, chỉ đơn giản là quan hệ cạnh tranh tách biệt, chỉ giới hạn ở chạy đua vũ trang, nghĩa là phát triển vũ khí hạt nhân. Ngày nay, một khi Mỹ và Trung Quốc hướng đến đối đầu toàn diện, trong bối cảnh sự hội nhập sâu về kinh tế, văn hóa, xã hội giữa hai bên buộc phải chia tách, thì quan hệ sẽ phức tạp hơn, ảnh hưởng sâu rộng hơn, giống như là kẻ thù của nhau.

Mỹ vốn kỳ vọng Trung Quốc sẽ ngày càng cởi mở, tự do hóa, Trung Quốc cũng vốn luôn cảm thấy rằng quan hệ hai nước không quá tồi tệ. Trung Quốc có nhiều du học sinh, học giả nghiên cứu, học tập ở Mỹ, hai bên có nhiều hoạt động trao đổi công nghệ, hợp tác kinh tế và thương mại, về mặt chính trị cũng đề xuất nỗ lực xây dựng quan hệ nước lớn kiểu mới không xung đột, không đối đầu, tôn trọng lẫn nhau, cùng có lợi, nên trên thực tế Trung Quốc cũng kỳ vọng vào quan hệ Trung-Mỹ. Tuy nhiên, sự kỳ vọng này cơ bản đều đã biến mất, hiệu ứng dao động và “sang chấn” tâm lý đã bắt đầu xuất hiện.

Hiện nay, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa dân túy bắt đầu bộc lộ rõ ở Mỹ, chẳng hạn như sự kỳ thị, căm ghét đối với người gốc châu Á. Cộng thêm yếu tố chính trị, sự xa lánh và kỳ thị đối với người Mỹ gốc Hoa và Hoa kiều, du học sinh Trung Quốc cũng đang là một thực tế. Ý thức vượt trội về văn hóa và ý thức tự hào dân tộc ngày càng phổ biến trong người dân Trung Quốc khiến người Mỹ không thoải mái.

Trong ngắn hạn, quan hệ hai nước sẽ không đột ngột đổ vỡ. Đầu tiên, thỏa thuận kinh tế thương mại giai đoạn 1 đã tạm thời làm dịu xung đột kinh tế thương mại. Thứ hai, môi trường chính trị ở từng nước khiến hai bên đều sẽ nỗ lực tránh những sự cố nghiêm trọng bất ngờ trong quan hệ song phương. Trung Quốc đang dốc sức giành chiến thắng trong cuộc chiến chống dịch, thực hiện mục tiêu phấn đấu hoàn thành việc xây dựng xã hội khá giả toàn diện trong năm nay, hiện đã khôi phục làm việc, sản xuất, học tập. Ở Mỹ, ngoài ứng phó dịch bệnh, chính giới nước này đang phải bận rộn với bầu cử tổng thống và sự công kích lẫn nhau giữa hai đảng. Tiếp đó, dịch COVID-19 đang lây lan trên phạm vi toàn cầu bao gồm Mỹ, rất khó dự đoán. Do đó mặc dù quan hệ hai nước đang xấu đi, song cũng không có lợi cho sự thay đổi đột ngột trong quan hệ ngoại giao hoặc quan hệ Trung-Mỹ suy giảm tổng thể. Tất nhiên, không thể loại trừ khả năng quan hệ hai nước có sự thay đổi đột ngột trong thời gian tới.

Tình hình quốc tế và thái độ của cộng đồng quốc tế đối với quan hệ Trung-Mỹ

Quan hệ Trung-Mỹ cũng là một phần quan trọng của quan hệ nước lớn trên thế giới và toàn bộ quan hệ quốc tế. Xét từ động thái chính trị và kinh tế của các khu vực khác trên thế giới, Nga có sự thay đổi mới, Tổng thống Putin có khả năng cầm quyền đến năm 2036. Ở các nước châu Âu, hiện nay chủ nghĩa dân tộc cánh tả và chủ nghĩa dân túy đang trỗi dậy. Trung Đông rơi vào hỗn loạn. Hàn Quốc, Nhật Bản bận rộn với các vấn đề trong nước. Các nước ASEAN cũng đang nỗ lực xử lý những vấn đề nội bộ, chẳng hạn như việc thay đổi thủ tướng ở Malaysia. Các nước Mỹ Latinh cũng liên tục xảy ra biến động, điển hình là trường hợp của Chile.

Trong một cục diện thế giới vốn đã bị phân mảnh và đa dạng, cộng thêm tác động của dịch bệnh COVID-19, nên khắp thế giới đều bắt đầu xuất hiện vấn đề. Nhìn chung, kinh tế toàn cầu đang suy giảm, thậm chí có nguy cơ rơi vào suy thoái.

Đối diện với quan hệ Trung-Mỹ, đa số các nước đều không muốn tham gia vào bất cứ bên nào để đối đầu với bên còn lại. Do đó, có lẽ thế giới hiện nay không phải là cục diện lưỡng cực, Mỹ là một cực đã suy yếu, lực gắn kết giữa Mỹ và châu Âu cũng suy giảm rõ ràng sau khi Donald Trump lên cầm quyền. Thông qua tăng trưởng GDP cao và nền kinh tế định hướng xuất khẩu, đặc biệt là thông qua sáng kiến BRI, Trung Quốc đã có những đóng góp lớn cho thế giới. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc muốn lôi kéo một nước về phía mình để đối đầu với Mỹ cũng rất khó. Địa vị quốc tế của Trung Quốc tiếp tục tăng lên là thực tế không thể phủ nhận, song không thể kỳ vọng viển vông vào việc thành lập một mặt trận quốc tế để chống lại Mỹ.

Dịch COVID-19 đã có những tác động tương đối lớn đến quan hệ Trung-Mỹ, tốc độ suy giảm trong quan hệ song phương diễn ra nhanh, quan hệ hai nước rơi vào trạng thái dường như đóng băng, sự thiếu hụt lòng tin chiến lược ngày càng nghiêm trọng, bầu không khí giữa hai bên ngột ngạt chưa từng có. Trong thời gian tới, việc thực hiện thỏa thuận thương mại Trung-Mỹ giai đoạn 1 sẽ càng khó khăn, kinh tế và công nghệ dần tách rời là xu thế khó đảo ngược, hoạt động trao đổi trên các phương diện cũng sẽ từng bước thu hẹp. Đây là giai đoạn khó khăn nhất kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào đầu những năm 70 của thế kỷ 20. Giai đoạn này sẽ kéo dài và chưa biết khi nào dừng lại.

Theo NGHIÊN CỨU BIỂN ĐÔNG

Tags: , , ,