Thay đổi mang tính lịch sử về tương quan sức mạnh Mỹ – Trung Quốc

Hiện tại, so sánh sức mạnh hai nước Trung – Mỹ đã có sự biến đổi sâu sắc. Khoảng cách thực lực hai nước ngày càng thu nhỏ dần, trọng tâm trong quan hệ hai bên từ một số vấn đề cụ thể chuyển sang trật tự quốc tế và quy tắc trò chơi.

Thay đổi mang tính lịch sử về tương quan sức mạnh Mỹ – Trung Quốc

Bài viết của tác giả Triệu Khả Kim, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế trường Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc). Bài viết được đăng trên Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc).

Quan hệ Trung – Mỹ hiện đang trải qua một số điều chỉnh mang tính lịch sử về trọng tâm chiến lược sau:

(i) Trọng tâm chiến lược trong quan hệ Trung – Mỹ đã nhiều lần thay đổi

Từ những năm 90 của thế kỷ 20 đến nay, cơ cấu Chiến tranh Lạnh và nhân tố Liên Xô chi phối quan hệ Trung – Mỹ đã mất đi. Trọng tâm chiến lược của Mỹ mặc dù vẫn ở Châu Âu, nhưng địa vị của Trung Đông và Châu Á – Thái Bình Dương đã được nâng lên trong chiến lược toàn cục của Mỹ. Trong khi đó, Trung Quốc mặc dù gặp nhiều thách thức nhưng công cuộc xây dựng hiện đại hóa vẫn là cốt lõi chiến lược quốc gia của Trung Quốc trong bối cảnh quan hệ Trung – Mỹ vẫn rơi vào trạng thái bất ổn định, thiếu trọng tâm chiến lược. Trong thời kỳ này, quan hệ Trung – Mỹ quan tâm nhiều hơn tới các vấn đề mang tính cụ thể như vấn đề Đài Loan, Tây Tạng, kinh tế thương mại, nhân quyền, v.v. Hai bên không đạt được cơ sở thực tế cho quan hệ đối tác hợp tác chiến lược.

Khi xử lý quan hệ Trung – Mỹ, cả Trung Quốc và Mỹ đều mang tư duy chủ nghĩa thực dụng rất mạnh, thiếu mưu sách chiến lược và kế hoạch lâu dài, bởi vậy khi thì đối kháng trên một số vấn đề, lúc thì lại hợp tác trên một số vấn đề. Từ sau sự kiện 11/9, hai nước Trung – Mỹ đã tìm được cơ sở chiến lược chung về vấn đề chống khủng bố, mặc dù Mỹ thực thi “tiêu chuẩn kép” về chống khủng bố, nhưng về cơ bản Mỹ có thái độ ủng hộ Trung Quốc gia nhập WTO, tổ chức Olympic 2008, v.v. Quan điểm chính của giới chiến lược Mỹ là áp dụng chiến lược hai mặt: tiếp xúc và phòng ngừa, muốn Trung Quốc gia nhập hệ thống quốc tế do Mỹ làm chủ đạo, cuối cùng để “thuần hóa Trung Quốc”và “thay đổi Trung Quốc”.

Từ năm 2008 đến nay, sức mạnh tổng hợp của Trung Quốc tăng lên nhanh chóng, đồng thời sức mạnh tổng hợp và ảnh hưởng quốc tế của Mỹ lại bị tổn hại rất lớn do cuộc chiến chống khủng bố và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Để bổ sung cho cho chiến lược của mình, chính quyền Obama từ năm 2009 đã thực thi chiến lược “tái cân bằng Châu Á – Thái Bình Dương”, đặt trọng tâm chiến lược sang khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, quan hệ Trung – Mỹ đã không ngừng xảy ra va chạm, xuất hiện một số luận điệu như “sự nghi ngờ chiến lược”, “xung đột Trung – Mỹ không thể tránh khỏi”, thậm chí một thời xuất hiện tranh luận “chiến tranh Trung – Mỹ sắp nổ ra”, v.v. Hai nước tranh cãi về nhiều vấn đề như an ninh mạng, vùng nhận dạng phòng không ở Hoa Đông, xây dựng đảo ở Biển Đông và trong các lần tranh cãi tại Hội nghị đối thoại Shangri-La, đều để lại ấn tượng là quan hệ Mỹ – Trung ngày càng xấu đi. Như vậy, quan hệ Trung – Mỹ có thật sự xảy ra vấn đề không?

(ii) Cuộc cạnh tranh chuyển từ những vấn đề quốc tế sang cuộc cạnh tranh quan niệm trật tự quốc tế

Cùng với việc Trung Quốc ngày càng gia nhập hệ thống quốc tế do Mỹ làm chủ đạo, so sánh sức mạnh hai nước Trung – Mỹ đã có sự biến đổi sâu sắc. Khoảng cách thực lực hai nước ngày càng thu nhỏ dần, trọng tâm trong quan hệ hai bên từ một số vấn đề cụ thể chuyển sang trật tự quốc tế và quy tắc trò chơi. Vài năm gần đây xuất hiện nhiều vấn đề trong quan hệ hai nước mà xuất phát từ lý do: quan điểm và cách nhìn nhận của Trung Quốc và Mỹ khác nhau về trật tự quốc tế trong tương lai.

Một mặt, Mỹ hy vọng trật tự thế giới trong tương lai được thiết lập do Mỹ làm chủ đạo, thi hành “các giá trị phổ cập thế giới” như tự do, dân chủ, nhân quyền, pháp trị, v.v. Đồng thời Mỹ ra sức thúc đẩy TPP, TTIP, xuất khẩu dân chủ, can thiệp nhân đạo, đều là nỗ lực để tạo cơ sở cho trật tự thế giới trong tương lai. Mỹ đương nhiên không muốn thấy “giá trị phổ cập thế giới” bị Trung Quốc gây thách thức, Mỹ thậm chí còn yêu cầu Trung Quốc làm theo “phổ cập giá trị thế giới” phiên bản Mỹ trên nền trật tự chính trị kinh tế trong nước Trung Quốc.

Mặc khác, Trung Quốc phát triển không thể tách rời thế giới, hơn nữa đã sớm xác lập quốc sách cơ bản mở cửa đối ngoại. Tuy nhiên về trật tự thế giới trong tương lai, Trung Quốc nhấn mạnh hơn tới việc công việc nội bộ của các nước do nhân dân các nước giải quyết, những công việc chung của cộng đồng quốc tế do nhân dân các nước trên thế giới giải quyết. Trung Quốc phản đối chủ nghĩa khủng bố và cũng phản đối chủ nghĩa bá quyền. Nhất là từ khi Trung Quốc tiến hành Đại hội 18 Đảng Cộng sản đến nay, cùng với việc kiên trì con đường phát triển hòa bình, Trung Quốc cũng ra sức nhấn mạnh bảo vệ “lợi ích cốt lõi”, tức là các vấn đề liên quan đến lợi ích quốc gia thì Trung Quốc không thỏa hiệp như vấn đề Đài Loan, Tây Tạng, Tân Cương, đảo Điếu Ngư (Senkaku), tranh chấp chủ quyền các đảo ở Biển Đông, hơn nữa tích cực trong các vấn đề về trật tự quốc tế như biển, vũ trụ, an ninh mạng và cải cách kinh tế, tài chính thế giới, biến đổi khí hậu toàn cầu, v.v. Về quan hệ Trung – Mỹ, các nhà lãnh đạo Trung Quốc chủ động đề xuất khuôn khổ quan hệ nước lớn kiểu mới và cũng yêu cầu Mỹ cần tôn trọng lợi ích cốt lõi của nhau.

Hai bên vừa có quan niệm trật tự quốc tế chung nhau vừa có cách nhìn khác nhau, khiến cho sự va chạm và cọ sát trong quan hệ Trung – Mỹ trên hầu hết các lĩnh vực.

(iii) Quan hệ Trung-Mỹ trong tương lai được quyết định bởi liệu có thể thực hiện được “giao dịch lớn”

Việc tranh cãi trong giới chiến lược hai nước có thể phản ánh một số vấn đề ở mức độ sâu trong quan hệ hai nước, nhưng không phải là toàn bộ trong quan hệ Trung – Mỹ. Nếu dùng một từ để khái quát lại quan hệ Trung – Mỹ hiện nay, thì đó là “thể phức hợp Trung – Mỹ” là xác đáng nhất. Trong thể phức hợp này vừa có cạnh tranh vừa có hợp tác, vừa có xung đột về lợi ích cốt lõi, cũng có những lợi ích chung. Quan hệ Trung – Mỹ sở dĩ xuất hiện cục diện phức tạp đan xen như vậy, nguyên nhân mấu chốt nhất là toàn cầu hóa, cuộc cách mạng kỹ thuật thông tin đã thay đổi môi trường của quan hệ Trung-Mỹ. Toàn cầu hóa, cuộc cách mạng kỹ thuật thông tin các lĩnh vực trong xã hội hai nước đan xen lẫn nhau, xuất hiện cục diện phức tạp “trong anh có tôi, trong tôi có anh”, cục diện cơ bản này đã khiến trọng tâm của quan hệ Trung – Mỹ đã có sự điều chỉnh mang tính lịch sử, đòi hỏi phải có tư duy mới theo kịp thời đại khi xử lý quan hệ Trung – Mỹ.

Với Mỹ, thách thức lớn nhất ở chỗ liệu có chấp nhận một cách thực sự Trung Quốc là nước lớn khiến Mỹ cần tôn trọng, cần có sự thỏa hiệp cần thiết đối với lợi ích cốt lõi và chiến lược mà Trung Quốc quan tâm. Với Trung Quốc, thách thức lớn nhất là làm sao có thể kiềm chế một cách thực sự những ham muốn của Mỹ, cần có sự thỏa hiệp cần thiết đối với lợi ích cốt lõi và chiến lược mà Mỹ quan tâm, như vấn đề an ninh mạng, trật tự Châu Á – Thái Bình Dương, trật tự quốc tế và các vấn đề, điểm nóng khu vực.

Hai nước Trung – Mỹ liệu có thực hiện “giao dịch lớn” trên các vấn đề kể trên hay không? Việc này không những được quyết định bởi tương lai của quan hệ nước lớn kiểu mới Trung – Mỹ mà còn được quyết định bởi tương lai của trật tự thế giới.

Theo NGHIÊN CỨU BIỂN ĐÔNG

Tags: , ,