Thảm họa trên cao tốc khi lái xe quên ‘ngôn ngữ’ giao thông vỡ lòng

Lái xe trong trạng thái “mù” ngôn ngữ chung này để lại những hậu quả đau lòng cho gia đình, xã hội, những hậu quả hoàn toàn có thể tránh được bằng sự kiên nhẫn và ý thức.

Tác giả: Lê Trần Quỳnh, doanh nhân, một trong những người sáng lập diễn đàn Otofun.

Tai nạn thảm khốc gần đây trên cao tốc mới Cam Lộ – La Sơn tạo ra cuộc tranh luận liên quan tới những bất cập trong vấn đề đường cao tốc ở Việt Nam. Nhiều tai nạn đã xảy ra là lỗi của đường cao tốc hay lỗi của nhận thức lái xe?

Cao tốc Cam Lộ – La Sơn theo thiết kế chỉ có hai làn đường, không có dải phân cách cứng, cứ 10 km lại bố trí một đoạn vượt xe quy mô bốn làn. Tôi từng lái xe ở nhiều quốc gia trên thế giới và những cao tốc chỉ có hai làn xe rất phổ biến. Các quốc gia phát triển đặc biệt cân nhắc khi đầu tư đường cao tốc bởi đây là khoản chi phí lớn. Để đảm bảo tối ưu kinh tế, thiết kế bao nhiêu làn đường và cho phép tốc độ bao nhiêu phụ thuộc vào lưu lượng giao thông qua đó.

Tôi đã lái xe xuyên sa mạc Australia. Phần lớn đoạn đường đó chỉ có hai làn xe chạy, thậm chí cứ 300 km mới có một trạm đổ xăng. Tôi phải ngủ đêm ở trạm đổ xăng để chờ trạm mở cửa vì trong phạm vi 300 km tiếp theo sẽ không có trạm xăng nào nữa. Tương tự cao tốc Cam Lộ – La Sơn, đoạn đường này cũng chỉ thi thoảng có những đoạn mở rộng cho làn trái hoặc phải vượt, và chỉ được vượt ở đoạn đó thôi. Đặc thù ở Australia là có những xe tải dài như đoàn tàu (Train Road) chạy trên cao tốc. Chúng tôi đi xe con dù rất khó chịu vẫn phải kiên nhẫn bám đuôi chờ tới đoạn cho phép vượt mới được vượt.

Ở Mỹ, tuyến cao tốc qua sa mạc Arizona tôi từng đi qua cũng tương tự. Cung đường 66 này cũng chỉ có hai làn và lái xe buộc phải học bài học kiên nhẫn khi chờ tới đoạn vượt.

Tất nhiên, các cung đường qua sa mạc ở Australia hay Arizona không thể có lưu lượng phương tiện lớn như ở tuyến cao tốc Cam Lộ – La Sơn. Còn gì bằng nếu lưu lượng phương tiện ở Cam Lộ – La Sơn được đáp ứng bằng các cao tốc 4-6 làn xe. Nhưng nhận thức rằng cứ cao tốc là nhiều làn chưa hoàn toàn chính xác. Nếu dư dả về nguồn lực, các nhà quản lý có thể làm trước những cao tốc nhiều làn để đón đầu sự phát triển. Việt Nam chưa dư dả về nguồn lực, lại cùng lúc phải đáp ứng nhu cầu di chuyển của người dân và đòi hỏi gấp gáp về hạ tầng cho phát triển kinh tế. Việc phân kỳ để đầu tư xây dựng cao tốc theo giai đoạn, xét về lợi ích vĩ mô của đất nước, theo tôi là định hướng khó có thể khác được. Chính phủ cũng đang cân nhắc mở rộng tuyến cao tốc này cùng năm tuyến chỉ có hai làn xe khác.

Trong bối cảnh chung đó của đất nước, cách khả thi hơn để đi tới nơi về tới chốn, giữ được tính mạng cho mình và người khác là lái xe đúng luật, đặc biệt là lưu thông trên cao tốc – một loại hình giao thông mà so với thế giới, Việt Nam mới chỉ đang trong giai đoạn làm quen. Tài xế ở Việt Nam nói chung đều rất non trẻ và ít kinh nghiệm trên cao tốc. Trong nhiều trường hợp, cao tốc ở Việt Nam sẽ hội tụ mọi yếu tố: lái mới, đường mới, xe mới… Tai nạn vì thế sẽ xảy ra hơn với tần suất dày hơn. Cách tốt nhất để làm quen với cái mới là học luật, học lái nghiêm chỉnh và tuyệt đối tuân thủ bài học khi bước ra đường.

Nhận thức điển hình trong khi lái xe trên mọi cao tốc là giữ đúng làn và đúng tốc độ phải được củng cố. Đây là điểm tưởng đơn giản nhưng liên tục không được thực hiện đúng. Tham gia giao thông là tư duy cùng một ngôn ngữ. Quá nhiều ngôn ngữ trên đường dẫn tới không hiểu nhau sẽ va chạm.

Tôi lái xe trên toàn thế giới với một ngôn ngữ chung đơn giản: Chỉ được vượt bên trái đối với hệ thống giao thông vô lăng của tài xế ở bên trái và chỉ được vượt bên phải với những hệ thống vô lăng của tài xế ở bên phải. Phải kiên nhẫn chờ tới đoạn được vượt mới vượt. Tuân thủ mọi biển báo một cách tuyệt đối. Tốc độ thấp phải đi vào làn trong, nhường làn ngoài cho các xe tốc độ cao hơn.

Vấn đề chính của hầu hết tai nạn trên cao tốc Việt Nam vẫn là nhận thức khi tham gia giao thông. Thống kê cho thấy hầu hết tai nạn trên cao tốc đều do ý thức kém của tài xế và người tham gia giao thông. Chuyện ngồi sau phải thắt dây an toàn và chuyện phải vượt bên trái là bài học vỡ lòng vẫn chưa được thuộc.

Cao tốc Cam Lộ – La Sơn là tuyến đường mới còn tiếp tục được nâng cấp. Nhiều ý kiến cho rằng cần lắp hệ thống đèn đêm và camera giao thông để giám sát tốc độ.

Tuy vậy, mạng sống của con người là đắt giá nhất, sợ camera xử phạt mới làm đúng thì đã muộn rồi. Không một cuộc “gọi cho người thân” nào cứu được nếu tai nạn thảm khốc xảy ra. Ý thức nâng cao thì tai nạn sẽ giảm mạnh.

Nhiều lái xe vẫn quên hoặc cố tình quên “ngôn ngữ” giao thông vỡ lòng. Lái xe trong trạng thái “mù” ngôn ngữ chung này để lại những hậu quả đau lòng cho gia đình, xã hội, những hậu quả hoàn toàn có thể tránh được bằng sự kiên nhẫn và ý thức.

Theo VNEXPRESS

Tags: