Tại sao phố sách 19/12 của Hà Nội chết yểu?

Mở ra đường sách là một ý tưởng tuyệt vời. Cho phép xây dựng những tòa tháp nhân tạo đồ sộ ở trung tâm Hà Nội thì không.

Bài viết của tác giả Martin Rama, chuyên gia kinh tế gia của Ngân hàng thế giới.

“Nơi sống của văn hóa đọc”, một tờ báo gọi phố sách 19/12 của Hà Nội như thế, khi nó khai trương vào ngày Quốc tế Lao động năm ngoái.

Nhưng chỉ hơn nửa năm trôi qua, cũng tờ báo đó, lại cất lên lời ai điếu sớm cho phố sách. Họ bảo các gian hàng đang kêu cứu, rồi nêu ra khả năng phố sách Hà Nội sẽ chết.

Đúng là hàng nghìn người đã nô nức đến với phố sách Hà Nội khi nó mới ra đời. Nó được thiết kế theo mô hình đi trước đã rất thành công là đường sách Nguyễn Văn Bình ở TP HCM. Những băng ghế dài, hoa, cây cảnh và cửa hàng café, nó vẫy gọi 16 nhà xuất bản tới mở gian hàng. Nay, phố sách gần như vắng tanh. Điều gì đã dẫn đến một sự xoay chuyển đầy kịch tính? Tại sao phố sách 19/12 lại đang chết?

Lời giải thích dễ được chấp nhận nhất liên quan đến Internet. Thời gian đã thay đổi. Thời bao cấp, người Hà Nội dù nghèo vẫn thuê sách để đọc, để được nhìn dù thoáng qua thế giới bao la mà họ không thể với tới. Bây giờ, mọi thứ đều có thể tải về và thường là miễn phí trên internet, người ta bớt quan tâm đến sách giấy hơn.

Mối quan hệ với sách cũng thay đổi. Với thế hệ 50-60 tuổi của tôi, đọc gần như là một trải nghiệm thể chất. Chúng tôi cầm cuốn sách trong tay, lật qua lật lại, đặt nó lên ngực khi nằm thư giãn giữa hai “hiệp” đọc, vuốt ve những tờ giấy và viết nắn nót lên lề trang sách. Thế hệ trẻ ngày nay dường như thoải mái hơn với thứ “tình ảo” chóng vánh giữa sách giấy và Kindle, với những cú nhấp chuột dễ dàng giữa mạng xã hội và thao tác chuyển kênh trên màn hình.

Nhưng lời giải thích này không thuyết phục vì những hiệu sách trên phố Đinh Lễ, cách đó chưa đầy một cây số, vẫn rất nhộn nhịp. Cái chết của chúng đã được dự đoán khi phố sách 19/12 khai trương. Nhưng, vận xui không đến, phố sách Đinh Lễ vẫn tiếp tục bán nhiều sách giấy. Tình yêu với sách không cạn kiệt nơi này. Có người cho rằng là bởi sự đa dạng. Ở Đinh Lễ, sách từ mọi nguồn đều nằm chung trên kệ, hoặc xếp chồng lên nhau trên sàn nhà. Ngược lại, các hiệu sách trên phố 19/12 được tổ chức ngăn nắp, trật tự song bị hạn chế bởi số lượng nhà xuất bản.

Vấn đề là đường sách ở TP HCM được tổ chức theo cùng nguyên tắc như ở Hà Nội. Mỗi gian hàng trên đường sách đó được phân bổ cho một nhà xuất bản, nhưng nó đang làm ăn phát đạt. Doanh thu của đường sách Nguyễn Văn Bình đã đạt 50 tỷ đồng trong năm 2017, gần gấp đôi chính nó năm 2016.

Tôi thử đưa ra một lời giải thích của mình. Đó là không có nhiều thứ đáng quan tâm xung quanh phố 19/12, trong khi cả phố Đinh Lễ ở Hà Nội và Nguyễn Văn Bình ở TP HCM đều rất hấp dẫn về không gian đô thị.

Hai đường phố này nằm ở vị trí trung tâm của quy hoạch đô thị thời thuộc địa Pháp, giữa các tòa công sở duyên dáng và những con đường dạo bộ. Đường Nguyễn Văn Bình nằm giữa Nhà Bưu điện Sài Gòn, ngay gần đó là công viên xinh đẹp và Dinh Thống nhất. Cạnh phố Đinh Lễ là những tòa kiến trúc oai nghiêm, sang trọng của Khách sạn Metropole và Bộ LĐTBXH, gần đó có vườn hoa để đi dạo. Ở đầu kia của con phố là Hồ Hoàn Kiếm, được cho là không gian đô thị quyến rũ nhất Hà Nội.

Còn cạnh phố 19/12 chẳng có gì. Thậm chí tệ hơn: chúng được bao vây bởi các khách sạn 5 sao, nhà hàng thượng lưu và khu căn hộ cao cấp. Nó phục vụ chủ yếu cho người nước ngoài. Họ đến và đi vội vã trên ô tô, hầu như không có người đi bộ.

Ở những nơi khác của Hà Nội, vỉa hè là nơi tương tác xã hội. Người buôn bán nhỏ, bạn bè, đôi lứa hẹn hò, ăn, uống, tán tỉnh. Còn những vỉa hè xung quanh các tòa tháp sang trọng hầu như trống rỗng. Người Hà Nội thường đi ra ngoài để giao lưu và tận hưởng thành phố tuyệt vời của họ, nhưng không có nhiều thứ để họ dừng lại và thưởng thức xung quanh phố 19/12.

Những người hoài nghi có thể nghi ngờ rằng nhận định chỉ phản ánh cái nhìn lý tưởng của một người nước ngoài lãng mạn. Nhưng những phân tích kinh tế đô thị nghiêm túc ủng hộ luận điểm này.

Những năm 1960, bà Jane Jacobs, một trong những nhà tư tưởng có ảnh hưởng nhất về các thành phố đã đưa ra vài điều kiện để đô thị được sôi động. Đầu tiên, các khối phố phải phục vụ hơn hai chức năng mới có thể hấp dẫn mọi người với những mục đích khác nhau vào những thời điểm khác nhau trong ngày và đêm. Thứ hai, các khối phố nên có giao cắt dày đặc, đem đến cho người đi bộ nhiều cơ hội tương tác. Thứ ba, các tòa nhà nên đa dạng về tuổi tác và hình thức để thúc đẩy một sự hòa trộn giữa các cư dân giàu và nghèo.

Một nghiên cứu với 6 thành phố của Ý gần đây được công bố trên tạp chí MIT Review chỉ ra rằng việc sử dụng đất thực sự tương quan với sức sống đô thị. Các thành phố như Rome, nơi mà đất được sử dụng hỗn hợp nhiều mục đích rất sôi động. Nhưng điều tương tự không xảy ra với Milan, thành phố được phân chia thành các khối rạch ròi theo chức năng: công nghiệp, dân cư, thương mại…

Hà Nội có nhiều điểm chung với Rome hơn là với Milan. Nhưng những tòa nhà khổng lồ và lạnh nhạt như Melia, Pacific Place hay Hanoi Towers đã làm giảm sự đa dạng của các nhóm dân cư có thu nhập khác nhau, làm giảm đi sự đông đúc của vỉa hè, làm mất đi linh hồn của đô thị. Mọi thứ đều “chết” xung quanh chúng. Phố sách cũng “chết” theo.

Mở ra đường sách là một ý tưởng tuyệt vời. Cho phép xây dựng những tòa tháp nhân tạo đồ sộ ở trung tâm Hà Nội thì không.

Theo VNEXPRESS

Tags: , ,