⠀
Sự thật đen tối của ngành sản xuất ‘cao hổ cốt Nam Phi’
Hơn 300 trang trại, công viên và khu bảo tồn động vật hoang dã tư nhân ở Nam Phi được cho là nơi nuôi sư tử để giết thịt, lấy xương. Khi lợi nhuận tăng lên, sự man rợ cũng tăng theo.
Những cuộc săn đẫm máu
Số phận của một con hổ đã được định đoạt tại một cuộc họp bí mật bên ngoài khu bảo tồn động vật hoang dã, cách Johannesburg, Nam Phi hai giờ lái xe. Một doanh nhân Châu Á tên Michael đang đợi trong một chiếc ôtô với túi giấy màu nâu nhét đầy tiền ở mặt sau lưng ghế. Một chiếc xe hai cầu chạy lên và người lái xe chui vào xe của Michael, cầm chiếc túi và mang nó tới cho chủ nhân của khu bảo tồn gần đó.
Thỏa thuận xong, chủ sở hữu – người tự hào về cách các động vật trong khu bảo tồn của anh ta được “đối xử với sự quan tâm và tình cảm tối đa” ở trên trang web của mình – dẫn cả nhóm vào khuôn viên của khu bảo tồn. Tại đó, anh ta nhặt một khẩu súng trường và bắn thuốc mê vào một con hổ đực trưởng thành đang đi đi lại lại quanh chiếc chuồng nhỏ. Nó bị xẻ thịt và sau đó chuyển lên chiếc xe bán tải trước khi đưa đến một trang trại để lột da, lọc thịt và nấu cao.
Nhiều tuần sau, Michael đến một trạm xăng dầu để lấy xác con hổ rồi đem đi đóng gói, rồi cất giấu ở Johannesburg cùng 14 bộ xương khác, sẵn sàng chuyển đến Châu Á. Một ít lông được giữ lại ở đầu con hổ để tạo ấn tượng rằng tất cả xương trong chuyến hàng đều là hổ chứ không phải sư tử Châu Phi – loài ít nguy cấp hơn và dễ săn bắn trộm hơn.
Các giao dịch bất hợp pháp này được một camera giấu kín ghi lại như một phần của cuộc điều tra bí mật kéo dài 2 năm. Theo đó, những bộ xương sư tử được biến thành xương hổ để bán vào thị trường y học cổ truyền của Trung Quốc và Đông Nam Á, tạo ra lợi nhuận “khủng”. Việc buôn bán phất lên đến mức nó đang đe dọa quần thể sư tử hoang dã của Nam Phi ước tính có tới 3.000 con – chỉ bằng 1/4 số lượng sư tử được nuôi nhốt.
Hơn 300 trang trại, công viên và khu bảo tồn động vật hoang dã tư nhân ở Nam Phi được cho là nơi nuôi sư tử để giết thịt, lấy xương. Và ngành công nghiệp này được hỗ trợ bởi xu hướng “săn bắn sư tử nuôi nhốt”, trong đó sư tử nuôi nhốt được đánh thuốc, thả vào các khu vực hạn chế để những tay thợ săn sẽ bắn chết chúng. Hơn 1.000 con sử tử bị sát hại theo cách này mỗi năm, cung cấp nguồn xương và gia tăng giá trị khi bị giả làm hổ cốt.
Nhu cầu về xương sư tử tăng vọt trong những năm gần đây, phần lớn là do những nỗ lực bảo tồn các loài đại miêu. Một bộ xương sư tử có giá từ 3.000 – 4.000 USD, nhưng một bộ xương hổ có giá khoảng 20.000 USD. Nên xương sư tử có thể dễ dàng bị “phù phép” thành xương hổ khi chuyển giao cho người mua ở Châu Á.
Hơn 1 thập kỷ trước, xương sư tử được coi là vô giá trị và thường xuyên bị người đi săn vứt bỏ. Tuy nhiên, kể từ khi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) áp dụng lệnh cấm vận trên toàn thế giới đối với việc nuôi hổ vì mục đích thương mại vào năm 2007 thì những thợ săn ở Nam Phi thường phải ký hợp đồng đồng ý chỉ giữ lại đầu, da của sư tử, còn xương vẫn là tài sản của công viên để “gắn mác” hổ cốt và bán sang Châu Á.
Vào năm sau khi lệnh hạn chế của Công ước CITES có hiệu lực để tăng cường bảo vệ loài hổ, việc xuất khẩu sư tử và các bộ phận của sư tử sang Châu Á từ Nam Phi đã tăng gấp 6 lần, theo báo cáo của nhóm giám sát buôn bán động vật hoang dã TRAFFIC. Nhóm cũng cảnh báo nhu cầu ngày càng tăng về loại hàng hóa này có thể ảnh hưởng đến quần thể sư tử hoang dã và các loài đại miêu khác.
Chiến dịch bí mật
Khi lợi nhuận tăng lên, sự man rợ cũng tăng theo. Báo cáo cho biết, một xu hướng khủng khiếp về “xương màu đỏ” đã xuất hiện trong giới mua hàng Châu Á. Cho dù là hổ, hay bây giờ có thể là sư tử, việc xẻ thịt con vật ngay khi chúng còn sống được cho là có giá cao hơn trên thị trường y học cổ truyền.
Cuộc điều tra độc lập, bí mật nhằm vạch trần hoạt động buôn bán xương sư tử được đặt tên là Chiến dịch Chastise, do ông Michael Ashcroft – cựu Phó Chủ tịch Đảng Bảo thủ Anh, nhà từ thiện và nhà vận động bảo vệ động vật hoang dã tài trợ. Ông Ashcroft muốn vạch trần tệ nạn săn sư tử nuôi nhốt và chấm dứt việc buôn bán xương sư tử của Nam Phi.
Ông Ashcroft đã thành lập một đội đặc nhiệm bí mật, bao gồm các thành viên cũ của lực lượng đặc biệt Quân đội Anh. Nhóm làm việc bí mật tại ngôi nhà ở ngoại ô Johannesburg, thuyết phục một tay buôn xương sư tử nổi tiếng giúp thâm nhập và ghi lại sự tàn bạo tại các trang trại nuôi nhốt sư tử ở Nam Phi. Chiến dịch cũng tìm hiểu cách thức bán xương sang Trung Quốc và Đông Nam Á. Đoạn video và mức độ tội ác mà nó phơi bày, được hé lộ chi tiết trong cuốn sách mới của Ashcroft có tựa đề “Unfair game” (tạm dịch: Trò chơi không công bằng). Cuốn sách cho thấy, những cảnh tượng kinh hoàng về những con sư tử cái và sư tử khỏe mạnh bị săn đuổi rồi bắn chết trong công viên hoang dã.
Tại một khu bảo tồn cách Johannesburg 200km về phía nam, một người trong nhóm đã quay được cảnh một con sư tử cái bị thương, co rúm bám chặt trên cây. Sau đó, nó ngã xuống đất, lăn lộn trong đau đớn và một gã thợ săn bắn 10 phát vào vai, bụng con vật trong khoảng 7 phút. Những vết thương đó khiến con sư tử đau đớn, chết dần chết mòn nhưng đầu không bị tổn thương và bộ xương không bị mất giá.
Trong một cảnh khác, một con sư tử đực hoang mang và hoảng loạn được thả ra từ một chiếc xe bán tải để rồi bị săn đuổi trong một khu vực hạn chế khiến nó không còn hy vọng thoát thân. Nó kinh hoảng lao vào lùm cây thấp, bám chặt ở đó trong khi những gã thợ săn tiến đến gần. Ở một đoạn clip khác, một bầy chó được thả ra để săn một con sư tử đơn độc, bị đánh thuốc mê và lử đử say thuốc.
Four Paws International – tổ chức phi lợi nhuận thực hiện các dự án về phúc lợi động vật – ước tính có từ 10.000 – 12.000 con sư tử đang “chờ chết” trong các trang trại ở Nam Phi và 2-3 con sư tử bị những người săn bắn để giải trí giết chết mỗi ngày.
Ngành công nghiệp trái đạo đức
Theo Four Paws International, “ví càng dày, chiến lợi phẩm càng lớn”. “Một con sư tử đực với chiếc bờm rậm rạp có giá khoảng 25.000 Euro (29.500 USD). Còn những con có bờm dày, lông màu sẫm đặc biệt có giá lên tới 45.000 Euro. Săn bắn sư tử cái thì có giá thấp 5.000 Euro, thậm chí rẻ hơn. Ở một số trang trại, có khi ngay cả con non cũng được mang ra để cho săn bắn. Sư tử có thể bị săn bắn bằng súng trường hoặc cung tên.
Hiếm khi cái chết đến với chúng nhanh chóng. Thường thì phải bắn nhiều phát mới giết chết được con vật. Bất cứ ai cũng có thể đến và săn sư tử ở Nam Phi. Thông thường, không nhất thiết phải có giấy phép săn bắn hay có kinh nghiệm săn bắn. Điều này có nghĩa là rất nhiều con sử tử không bị viên đạn đầu tiên giết chết và phải trải qua một cái chết đầy đau đớn”.
Vào tháng 7.2019, bức ảnh nụ hôn ăn mừng chiến thắng của cặp nam nữ đến từ Edmonton, Canada bên cạnh xác con sư tử mà họ vừa bắn chết trong một cuộc săn đã gây bão mạng. Bức ảnh được đăng trên trang Facebook của công ty du lịch đã tổ chức chuyến đi của cặp đôi này.
Ông Ashcroft đã rất ngạc nhiên khi ít người Nam Phi nhận ra mức độ nghiêm trọng của những gì đang diễn ra trên đất nước họ khi ông tiến hành khảo sát trong khuôn khổ cuộc điều tra của mình. “Các trang trại rất biệt lập, có hàng rào bao quanh và được tuần tra, giám sát cẩn thận, cũng như rất khó có ai có thể lọt vào được bên trong” – ông Ashcroft cho biết.
Tay trùm buôn xương bí ẩn
Tỉ phú người Anh này lần đầu tiên nghe nói đến việc săn sư tử nuôi nhốt khi ông tới Nam Phi vào năm 2018, để thực hiện dự án giúp đỡ những cựu binh vượt qua ám ảnh chiến tranh bằng việc cho họ chăm sóc những con tê giác mồ côi. “Lần đầu tiên khi nghe về điều này, tôi không thể tin đó là sự thật” – ông Ashcroft nói. Ông đã cho phương tiện bay không người lái bay trên các trang trại để xem thực sự những gì đang diễn ra và sau đó bay trực thăng qua 6 trang trại để chụp ảnh bằng máy ảnh công nghệ cao nhằm tự mình xem quy mô của các hoạt động săn bắn sư tử nuôi nhốt trên.
Trong một hoạt động vào tháng 4.2019, nhóm của ông bí mật thâm nhập vào một trang trại và giải cứu một con sư tử 11 tuổi có tên Simba sắp thành mục tiêu săn đuổi. Sau đó, Simba được đưa đến sống tại một khu bảo tồn khác ở Nam Phi.
Nhóm sau đó chuyển hướng sang điều tra những người tham gia vào việc buôn bán xương sư tử. Họ dùng camera giám sát, thiết bị theo dõi phương tiện, điện thoại ghi âm và thiết bị giám sát để theo dõi “con mồi”, lập hồ sơ bằng chứng bao gồm cả tên tuổi, địa chỉ cùng những video quay được và giao cho cảnh sát Nam Phi.
Tuy nhiên, trong suốt cuộc điều tra, mắt xích chính vẫn khó nắm bắt: Michael – lái buôn xương sang Châu Á. Mặc dù anh ta nổi tiếng trong ngành công nghiệp bất hợp pháp này, song không ai biết tên thật hay thậm chí quốc tịch của anh ta. Người tiết lộ thông tin cho các nhà điều tra hay Michael có lộ trình riêng, “có quyền đi qua sân bay quốc tế O.R.Tambo” của Johannesburg.
Có người nói Michael là người Đài Loan (Trung Quốc). Nhiều người khác lại tin rằng anh ta đến từ một quốc gia Đông Nam Á. Anh ta được biết đến là một tay có hạng trong mảng buôn bán xương động vật này và khá nguy hiểm nếu bị cản đường. Chiếc ôtô mà anh ta đi tới các cuộc thỏa thuận mua bán xương hổ mang biển số giả. Còn chiếc BMW mà anh ta đi tới một cuộc đàm phán kinh doanh khác lại được đăng ký dưới tên của một phụ nữ Nga sống ở ngoại ô Johannesburg và có mối liên hệ với mafia Nga hoạt động ở Nam Phi.
Trong các cuộc trò chuyện được bí mật ghi âm với tay buôn sư tử đồng ý tham gia chiến dịch của tỉ phú Ashcroft, Michael khoe khoang đã hối lộ các quan chức biến chất ở sân bay để đưa trót lọt các chuyến hàng lậu qua mà không bị khám xét. Đồng thời, anh ta khẳng định, việc gửi hàng bằng đường hàng không dễ dàng hơn đường biển. “Bạn phải mua chỗ. Bạn phải mua cả thùng hàng nên nếu chỉ vận chuyển 20-30 bộ xương thì không đáng. Bạn cần ít nhất 100 bộ để có lợi nhuận. Đó là lý do vì sao họ sử dụng sân bay gần nhất. Họ mua các quan chức ở đó và gửi hàng” – Michael nói.
Tỉ phú Ashcroft mô tả những tiết lộ của Michael như một “bản cáo trạng tàn khốc” đối với hải quan và an ninh tại các sân bay quốc tế Nam Phi. Điều đó cũng đặt ra câu hỏi về khả năng và sự sẵn sàng giải quyết nạn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp ở quốc gia này.
Lợi nhuận khủng, xử phạt quá nhẹ
Xương sư tử từ Nam Phi chuyển về thường nằm trong tay các mạng lưới tội phạm có tổ chức ở các nước Đông Nam Á, được phân phối và bán qua mạng lưới núp bóng ở Đông Nam Á và Trung Quốc. Vào tháng 11.2018, hai người Nam Phi và 6 công dân Việt Nam đã bị bắt giữ cách thủ đô hành chính Pretoria 240km về phía tây bắc sau khi giết hại hơn 40 con sư tử, theo SCMP. Qua khám xét các phương tiện mà nhóm người này sử dụng, lực lượng Cảnh sát điều tra trọng án (DPCI) – thường được biết đến với tên gọi HAWKS – phát hiện nhiều bộ xương động vật, da sư tử và các dụng cụ, phương tiện được cho là sử dụng để nấu cao hổ. 8 tháng sau, nhóm người Việt Nam bị xử phạt với mức tiền từ 440 – 2.750 USD và bị yêu cầu rời khỏi Nam Phi.
“Thông điệp của tôi đối với họ là tất cả họ đều mắc một tội ác tày trời chống lại thiên nhiên” – ông Ashcroft nói. “Không có bằng chứng y tế nào cho thấy, việc sử dụng xương động vật có lợi cho sức khỏe. Ngược lại, việc tiêu dùng xương động vật còn có thể có hại vì chúng có thể mang nhiều mầm bệnh”. “Về cơ bản, tôi không đồng ý với ý kiến cho rằng thói quen văn hóa của Châu Á quan trọng hơn việc bảo tồn các loài động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng như sư tử và hổ. Có một thông điệp rõ ràng: Xin hãy ngừng ăn sư tử và hổ” – ông Ashcroft tâm tư.
Sau khi dịch COVID-19 bùng phát trở thành đại dịch, Trung Quốc đã công bố lệnh cấm tiêu thụ động vật hoang dã song các thuốc Đông y, bao gồm cả cao hổ cốt và cao sư tử, lại được miễn trừ. “Tôi mong muốn một chương trình giáo dục lại được thực thi mạnh mẽ ở Châu Á, có lẽ nên bắt đầu từ trẻ em để dạy các em rằng động vật hoang dã thuộc về môi trường hoang dã và cần được bảo vệ, không được tiêu dùng hay xẻ thịt để lấy xương, răng của chúng. Tôi cũng muốn thấy các chính phủ Châu Á đưa ra luật bảo vệ động vật hoang dã tốt hơn. Tôi trông chờ các nhà chức trách Châu Á thực thi những luật đó. Và trong một vài năm nữa, nếu không còn một con sử tử nào ở Châu Phi, thì các quốc gia Châu Á phải chịu trách nhiệm một phần về sự tuyệt chủng đó”, theo ông Ashcroft.
Ông Ashcroft tin rằng, cách hiệu quả nhất để ngăn chặn nạn buôn bán động vật hoang dã là áp đặt lệnh cấm xuất khẩu xương sư tử từ Nam Phi. “Nếu việc xuất khẩu xương trở thành bất hợp pháp, toàn bộ thị trường săn sư tử nuôi nhốt sẽ dần mất đi sức hấp dẫn về lợi nhuận” – ông Ashcroft cho hay.
Trong khi các cuộc điều tra đầy dấn thân của nhóm Ashcroft giành được sự ủng hộ lớn của các nhóm bảo vệ động vật hoang dã quốc tế, thì phản ứng của các quan chức ở Nam Phi với quyền hành động chống lại việc buôn bán này khá mờ nhạt. Lúc hai thành viên trong nhóm điều tra của Ashcroft sắp xếp một cuộc gặp mặt với hai cảnh sát cấp cao phụ trách tội phạm về động vật hoang dã hồi cuối năm ngoái, cung cấp hồ sơ bằng chứng chống lại Michael và các khu bảo tồn động vật hoang dã, cảnh sát đã từ chối tiếp nhận vụ việc. Cảnh sát còn nói rằng, “họ may mắn là không phải nằm sau xà lim của nhà tù nào ở Pretoria trong mùa Giáng sinh” vì đã thực hiện điều tra trái phép. Và ông Ashcroft cũng không nhận được hồi âm về lá thư và tài liệu của cuộc điều tra mà ông đã gửi cho Cao ủy Nam Phi ở London (Anh).
Bất chấp sự không nhiệt tình hành động của các quan chức Nam Phi, ông Ashcroft vẫn lạc quan rằng, bằng cách phơi bày sự tàn bạo kinh hoàng của ngành công nghiệp săn sư tử nuôi nhốt và buôn bán xương sư tử, các cuộc điều tra của ông sẽ là chất xúc tác góp phần chấm dứt tình trạng này.
Theo LAO ĐỘNG ONLINE
Tags: Mèo, Nam Phi, Bảo vệ động vật, Mèo lớn