Sự tàn khốc của Varnas – chế độ phân biệt đẳng cấp ở Ấn Độ cổ đại

Kinh của Hindu giáo từng ghi rõ: “Một người thuộc đẳng cấp Bà-la-môn dưới 10 tuổi cũng có thể coi là cha của một kẻ ở các đẳng cấp dưới, dầu cho kẻ ấy đã 100 tuổi”.Sự tàn khốc của Varnas – chế độ phân biệt đẳng cấp ở Ấn Độ cổ đại

Khoảng năm 2000 TCN, Ấn Độ thuộc về người Aryan là bộ lạc du mục có ngôn ngữ thuộc nhóm Ấn – Âu xâm nhập. Người Aryan đến Ấn Độ định cư, phát triển sản xuất nông nghiệp, dùng trâu bò làm sức kéo.

Họ tiến hành nhiều cuộc chiến tranh chinh phạt, đàn áp người bản địa, gọi người bản địa là “đa xa” (kẻ địch). Phần lớn dân bản địa bị người Aryan giết hại, một số bị bắt làm nô lệ, một số bỏ trốn.

Dưới sự cai trị của người Aryan, khoảng 1.000 năm TCN, ở Ấn Độ, Hindu giáo trở thành tôn giáo chính và chế độ phân biệt đẳng cấp (Varnas) bắt đầu xuất hiện rõ nét, được chế định hóa trong bộ luật Manu nổi tiếng.

Theo đó, đẳng cấp cao nhất là những người Bà-la-môn (Brahman), gồm các tăng lữ trông coi những việc tế lễ tôn giáo và các triết gia, học giả. Họ thâu tóm quyền lực trong lĩnh vực văn hóa và tôn giáo một số tham gia vào công việc triều chính như cố vấn, niệm thần chú, v.v… Họ tự nhận mình là hạng cao thượng, sinh từ miệng Phạm Thiên (Brahma – Đấng Tối cao của Hindu giáo) thay Phạm Thiên cầm cương lãnh đạo tinh thần dân tộc, nên có quyền ưu tiên được tôn kính, và an hưởng cuộc đời sung sướng nhất.

Đẳng cấp thứ hai là Sát-đế-ly (Kshastriya), là những võ sĩ. Họ tự cho mình sinh từ cánh tay Phạm Thiên, thay mặt cho Phạm Thiên nắm giữ quyền hành thống trị dân chúng. Họ họp thành tập đoàn quý tộc quân sự – hành chính, nắm quân đội và chính quyền. Nhà vua thường là người thuộc tầng lớp này.

Tầng lớp thứ ba là Vệ-Xa (Vaisya), người bình dân, gồm những người làm nghề nông và chăn nuôi, buôn bán. Họ thuộc tầng lớp bình dân, có một số giàu có lên. Tuy họ không có được đặc quyền trong xã hội, phải nộp sưu thuế phục vụ lớp người bóc lột thuộc hai tầng lớp trên, song họ vẫn có thân phận tự do.

Đẳng cấp thứ tư là Thu-Đà-La (Soudra), là những tiện dân và nô lệ. Họ được giáo dục rằng mình sinh từ gót chân Phạm Thiên, nên thủ phận làm khổ sai suốt đời cho các giai cấp trên. Họ làm những công việc nông tang, đánh cá, săn bắn và những việc nặng nhọc khác nhưng ở vào địa vị thấp kém nhất, không được pháp luật bảo hộ, không được tham gia vào các hoạt động tôn giáo. Nếu một người Thu-Đà-La dám cả gan nghe trộm tụng kinh sẽ bị đổ thiếc nung chảy vào tai.

Đẳng cấp thứ năm là Ba-ri-a (Pariah), giống người cùng khổ, bị coi như sống ngoài lề xã hội loài người, bị các giai cấp trên đối xử như thú vật, vô cùng khổ nhục, tối tăm.

Chế độ phân biệt đẳng cấp được coi là bất biến, áp dụng từ khi mỗi người được sinh ra. Người ở đẳng cấp dưới có nghĩa vụ buộc phải tôn kính những người ở đẳng cấp trên. Kinh của Hindu giáo từng ghi rõ: “Một người Bà-la-môn dưới 10 tuổi cũng có thể coi là cha của một kẻ ở các đẳng cấp dưới, dầu cho kẻ ấy đã 100 tuổi”.

Người thuộc đẳng cấp thấp không được có quyền kết hôn với những người thuộc đẳng cấp cao hơn. Những người ở đẳng cấp trên có quyền lấy người ở cấp dưới làm vợ. Nếu người đàn ông lớp dưới dám lấy một phụ nữ ở đẳng cấp trên, thì con cái họ sẽ bị xếp vào hạng tiện dân.

Ngày nay, mặc dù không còn được chính thức công nhận nhưng chế độ phân biệt đẳng cấp vẫn có ảnh hưởng sâu đậm đến xã hội Ấn Độ, đặc biệt là tại các khu vực nông thôn.

S.T

Tags: , , , ,