Sử học Toàn cầu: Một cách tiếp cận mới

Theo xu hướng toàn cầu hóa từ cuối thế kỷ 20, phương pháp luận sử học trên thế giới cũng có những chuyển biến lớn, trong đó có sự phát triển của phương pháp luận sử học toàn cầu (global history) [1]. Trong loạt bài về vấn đề này, GS Momoki Shiro giới thiệu về phương pháp luận lịch sử toàn cầu, những ảnh hưởng và vai trò của nó trong việc phân tích lịch sử cổ trung đại Việt Nam.

Tác giả: Momoki Shiro, Đại học Quốc gia Osaka, Nhật Bản.

Khắc phục truyền thống lấy châu Âu làm trung tâm

Trong quá trình phát triển của nền sử học cận đại (chủ yếu ở châu Âu), quan điểm quốc gia-dân tộc (nation-state)2 chiếm ưu thế, nhất là vào nửa cuối thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20. Trong hoàn cảnh đó, sử học có khuynh hướng (i) coi lịch sử cổ trung đại của các khu vực và địa phương như quá khứ tuyến tính của các quốc gia-dân tộc đang tồn tại hoặc nên hình thành, và (ii) lấy khuôn khổ quốc gia-dân tộc làm tiền đề tuyệt đối cho các khuôn khổ lịch sử khác như lịch sử thế giới, lịch sử khu vực và lịch sử địa phương. Bởi thế, lịch sử thế giới hoặc chỉ được lý giải chung chung (như “thị trường thế giới” chẳng hạn), hoặc chỉ được mô tả như “tổng” của lịch sử các quốc gia trên thế giới. Thậm chí có không ít luận điệu tùy ý gọi lịch sử của một số cường quốc hay khu vực phát triển hơn là “lịch sử thế giới”.

Quan điểm này đã đóng vai trò để cổ vũ cuộc đấu tranh chống đế quốc, thực dân, gìn giữ chủ quyền, giành lại độc lập v.v. của nhân dân thế giới. Nhưng đến cuối thế kỷ 20, trước quá trình toàn cầu hóa (globalization) và các hiện tượng hậu hiện đại (post-modernism), những trào lưu sử học mới đã nổi lên hướng tới những đề tài và khuôn khổ mới vốn trước đó từng bị coi thường. Trong đó có ngành Lịch sử xã hội (social history) phát triển ở các nước Pháp, Anh, Đức, Ý… vào những năm 1970 và 19803, vừa coi trọng Lịch sử vi mô (micro history) nghiên cứu đời sống hàng ngày và ý thức chủ quan của dân thường, vừa coi trọng Lịch sử vĩ mô (macro history) về dân số, môi trường v.v. quan sát qua biến đổi trường kỳ và không gian siêu quốc gia.

Kế thừa nhiều quan điểm của Lịch sử xã hội, Lịch sử Toàn cầu (global history) bắt đầu phát triển từ thập niên 1990, trước hết ở Mỹ, Đức, Anh, Nhật… Phương pháp Lịch sử toàn cầu nhấn mạnh tầm nhìn rộng về không gian lẫn thời gian sự liên ngành giữa KHTN và KHXH&NV. Nó chủ trương kết hợp các tầm nhìn toàn cầu, khu vực (regional), quốc gia (national), địa phương (local), và mạng lưới (network) trong thay đổi, quan hệ và so sánh để hiểu biết toàn diện về các đối tượng nghiên cứu. Các đề tài thường được lựa chọn là sự dịch chuyển – trao đổi của con người; của vật chất và hàng hóa, tiền tệ; của kỹ thuật, thông tin và hình ảnh v.v.. Các đặc trưng đó phản ánh sự phát triển chung của tư duy khoa học từ quan điểm truyền thống (xây dựng trên cơ sở logic nhất nguyên và nhị nguyên coi trọng tính khách quan) tìm một biến số độc lập/bản chất mang tính chất trừu tượng như là yếu tố quyết định toàn thể; đến quan điểm biện chứng hơn (trên cơ sở logic đa nguyên coi trọng quan hệ) muốn tìm hiểu hình dạng cụ thể, tác động qua lại đa nguyên-đa chiều giữa nhiều biến số/yếu tố.

Nhằm thực hiện các phương pháp luận đầy tham vọng nói trên, giới nghiên cứu sử học toàn cầu chú trọng một số khía cạnh: Về mặt tổ chức nghiên cứu, nó coi trọng sự hợp tác của nhiều chuyên gia (thuộc nhiều ngành, nhiều nước…). Về sử liệu, nó cố gắng kết hợp hài hòa cả việc tìm hiểu sâu sắc các sử liệu gốc, lẫn việc khai thác rộng rãi và sử dụng chính xác các tài liệu thứ cấp. Về nội dung, nó cố gắng xây dựng phương pháp để nghiên cứu về các giai đoạn trước thế kỷ 16 – kể cả thời nguyên thủy – mà trước đây bị coi là không có giao lưu toàn cầu. Ngoài ra, đó là việc khắc phục truyền thống Euro-centric của sử học (Frank 1998; Pomerantz 2000).

Tác động tới tiêu chuẩn phân kỳ lịch sử và nhận thức khu vực

Sau đây tác giả xin giới thiệu một số thay đổi gần đây của lý luận sử học dưới ảnh hưởng của phương pháp luận lịch sử toàn cầu và các trào lưu sử học khác.

Chẳng hạn như với phân kỳ lịch sử – một công việc cơ bản của sử học. Hiện nay tiêu chuẩn phân kỳ thường khác nhau tùy theo lĩnh vực và tầm nhìn nghiên cứu: phân kỳ thế giới, phân kỳ khu vực, phân kỳ quốc gia; phân kỳ từng lĩnh vực (chính trị, văn hóa v.v.) hay phân kỳ lịch sử toàn thể (total history)… Hàm ý của các khái niệm truyền thống như là cổ đại-trung đại-cận đại-hiện đại đã đa dạng hóa với sự xuất hiện của một số khái niệm phân kỳ mới. Đặc biệt quan trọng có khái niệm Early modern, tức sơ kỳ cận đại (‘cận thế’ trong tiếng Nhật) thay thế cho khái niệm ‘hậu kỳ phong kiến’ ở khu vực châu Á. Đó là do các thế kỷ 14-15 đến17-18không còn được coi là thời kỳ suy thoái của khu vực nữa – mà ngược lại, lại chứng kiến sự phát triển ở nhiều phương diện (như sẽ trình bày dưới đây) bất chấp việc chúng có nhiều nét không giống mô hình cận đại hóa kiểu châu Âu.

Đối với khu vực Đông Á-Đông Nam Á, các nhà sử học tranh luận sôi nổi xem thời kỳ nào đã trải qua biến đổi quan trọng hơn? – Biến cách Đường-Tống; Giai đoạn “Nguy cơ Toàn diện – thế kỷ 14”; hay biến đổi cuối Minh đầu Thanh? Các tranh luận này gắn liền với lĩnh vực nghiên cứu thiết chế chính trị và ý thức quốc gia của Trung Quốc và các nước lân cận trong “Thế giới Trung Hoa”, từ đó đưa đến các khuôn khổ phân kỳ mới trong nghiên cứu, liên quan đến việc phân biệt rõ các giai đoạn phát triển của mô hình đế chế Trung Hoa; như giai đoạn biến thiên của cơ chế triều cống-sắc phong giữa Trung Quốc và các nước lân cận – từ đó ảnh hưởng đến sự phát triển của các thiết chế chính trị, kinh tế và cả ý thức ‘Thiên hạ’,‘Hoa-Di’ và ý thức cộng đồng chính trị-văn hóa ở các nước này.

Sử học Toàn cầu: Một cách tiếp cận mới

‘Khu vực tiếp xúc’ và ‘Khu vực được bảo vệ’ ở lục địa Âu-Á theo lý thuyết của Victor Lieberman. Nguồn: Momoki Shiro. Bản đồ đã đăng trong Shinsho Sekaishi B (Nxb Teikoku Shoin, 2018, tr. 9).

Mặt khác, các nhà sử học cũng thảo luận nhiệt tình về cách nhận thức về ‘khu vực’. Chẳng hạn, để hiểu về lịch sử Việt Nam, tùy theo đề tài/phương pháp nghiên cứu mà có thể xem xét các khuôn khổ khu vực khác nhau như Đông Á, Đông Nam Á và Đông Bắc Á, Phía Đông khu vực Âu-Á. Xét trên cách tiếp cận sử học toàn cầu, quan điểm lý thuyết về ‘Khu vực tiếp xúc (Exposed Zone)’ và ‘Khu vực được bảo vệ (Protected Zone)’ ở lục địa Âu-Á của học giả Mỹ Victor Lieberman (2003; 2009) đặc biệt lý thú. ‘Khu vực tiếp xúc’ chạy dài theo chiều Đông-Tây từ Trung Quốc đến Trung Cận Đông và Đông Âu, ở đó các xã hội nông nghiệp và xã hội du mục thường xuyên tiếp xúc với nhau – tạo điều kiện hình thành các nền văn minh cổ đại và sự phát triển của các đế chế đa dân tộc-đa văn hóa lớn mạnh với cơ chế quản lý có hiệu quả (từ cổ đại đến thế kỷ 17). Còn ‘Khu vực được bảo vệ’ bao gồm các xã hội nông nghiệp xung quanh khu vực tiếp xúc như lục địa Đông Nam Á, Nhật Bản, Tây Âu và Bắc Âu… ít bị tấn công của thế lực du mục, trừ đế chế Mông Cổ. Trong khoảng năm 800-1830, ở đây có nhịp điệu chung về quá trình củng cố tính thống nhất chính trị-văn hóa. Quá trình hình thành phát triển quốc gia ở khu vực này diễn ra muộn hơn ‘khu vực tiếp xúc’, quy mô lãnh thổ quốc gia đều không lớn bằng các đế quốc ở ‘khu vực tiếp xúc’, nhưng đến khoảng năm 800-1300 chúng trải qua một giai đoạn cố kết gọi là các ‘chính quyền hiến chương’ (charter state). Thiết chế này tạo ra các cộng đồng chính trị-văn hóa có tính đồng chất cao hơn và thiết chế chính trị-quân sự được tổ chức chặt chẽ hơn so với các đế quốc trong ‘khu vực tiếp xúc’, do đó tạo ra sức mạnh phản kháng bền bỉ chống đế chế Nguyên Mông [thể hiện ở việc các vương triều ở Đông Nam Á, Nhật Bản đều ngăn cản các cuộc xâm lược của quân Mông Cổ trong thế kỷ 13 (TS)]. Cộng đồng chính trị-văn hóa đó tiếp tục phát triển trong giai đoạn sơ kỳ cận đại và hình thành nền tảng quốc gia-dân tộc cận đại (hiện tượng ít xảy ra ở ‘khu vực tiếp xúc’).

Với phân tích lịch sử kinh tế – xã hội Đông Á-Đông Nam Á

Sử dụng phương pháp sử học toàn cầu, nhiều nhà sử học cũng xem xét lại lịch sử kinh tế – xã hội của Đông Á-Đông Nam Á của các giai đoạn trước thế kỷ 19. Với kinh tế, một ví dụ là khái niệm đang được chấp nhận rộng rãi về mạng lưới thương mại nội Á (Intra-Asian trade) như là động lực lớn của quá trình phát triển kinh tế thế giới. Trong giai đoạn 800-1300 chẳng hạn, quá trình giao lưu xuyên lục địa Âu-Á (Eurasia) diễn ra, đứng đầu bởi người Hồi giáo và người Hoa. Quá trình này đã lôi cuốn sự tham gia của các vùng ngoại vi (Đông Bắc Á, Đông Nam Á hải đảo, Đông Nam Phi, Tây Âu và Bắc Âu…) vào giao lưu hàng hóa, kỹ thuật, con người, văn hóa và tôn giáo, tạo thành một mạng lưới buôn bán siêu khu vực. Quá trình này thậm chí còn tạo cơ sở để lập luận rằng một Hệ thống thế giới (World System, thuật ngữ của Immanuel Wallerstein) đã xuất hiện trong thế kỷ 13 (Abu-Lughod 1989) – với vai trò xúc tiến ít hoặc nhiều của Đế chế Mông Cổ.

Ngoài ra, vấn đề xã hội nông nghiệp và nông dân Đông Á-Đông Nam Á cũng được quan tâm rộng rãi. Dù hình thức tiểu nông luôn phổ biến trong bất kỳ xã hội nông nghiệp nào, nhưng ở Đông Á đã dần hình thành một mô hình gọi là ‘xã hội tiểu nông kiểu Đông Á’ (Miyajima 1994) ở các trung tâm nông nghiệp tại Trung Quốc, Triều Tiên và Nhật Bản trong giai đoạn 1000-1750.

Nhờ ảnh hưởng của khí hậu ấm áp thời kỳ Trung đại, mật độ dân số đã tăng trưởng khá nhanh ở các trung tâm này. Nhưng nhờ kỹ thuật thâm canh và tinh thần kinh doanh tích cực nên nền sản xuất ở đây vẫn duy trì ổn định hơn nền sản xuất ‘đại nông’ sử dụng đầy tớ hoặc nô tỳ. Trong xã hội tiểu nông đó, ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo trường phái Chu Hi đã dần dần gây ra sự thay đổi của mô hình hôn nhân – gia đình – họ hàng từ lưỡng hệ (không phải mẫu hệ) nơi địa vị và quyền lợi của phụ nữ còn tương đối cao sang phụ hệ – gia trưởng.

Đến khoảng những năm 1750, một tình hình mới là diện tích canh tác không thể mở rộng (quảng canh) được nữa, nhưng năng suất lao động vẫn tăng nhờ kỹ thuật thâm canh và nghề thuật kinh doanh. Điều này khiến ở một số địa phương của Nhật Bản, Trung Quốc và Triều Tiên, tích lũy tư bản nguyên thủy đã diễn ra mặc dù chưa có quá trình công nghiệp hóa (Cách mạng Công Nghiệp tức Industrial Revolution) như ở Tây Âu. Điều đó cũng đã trở thành nền tảng cho quá trình hiện đại hóa nói chung và công nghiệp hóa nói riêng của các nước đó trong các giai đoạn sau, dù cũng có khả năng rơi vào tình trạng ‘chia đều cái nghèo’ hay shared poverty (Geertz 1963). Quá trình phát triển tư bản chủ nghĩa kiểu Đông Á như thế được gọi là ‘Cách mạng Cần cù’ tức ‘Industrious Revolution’ (Sugihara 2003).

Việt Nam (Đại Việt) là một khoảng trống?

Rõ ràng là muốn thảo luận các vấn đề trên thì đều phải đề cập đến lịch sử Việt Nam, tuy nhiên, ngay cả các công trình lịch sử toàn cầu của Lieberman (2003, 2009) hay lịch sử Đông Nam Á của Anthony Reid (2016) chỉ viết về Việt Nam một cách sơ sài vì thiếu điều kiện tiếp cận với thành tựu nghiên cứu của giới sử học Việt Nam – vốn ít được công bố bằng tiếng Anh. Các nhà sử học trên thế giới rất cần thông tin đầy đủ hơn nếu muốn tìm hiểu bối cảnh toàn cầu của lịch sử Việt Nam. Đó sẽ là chủ đề của phần sau, khi tác giả sẽ đề cập đến một số thay đổi gần đây của lý luận sử học liên quan đến lịch sử cổ trung đại Việt Nam là chuyên môn hẹp của mình.

————————–

Tài liệu tham khảo:

Abu-Lughod, Janet. 1989. Before European Hegemony: The World System A.D.1250-1350, Oxford University Press.
Conrad, Sebastian 2018. What is Global History? Princeton University Press.
Frank, Andre Gunder 1998. ReOrient: Global Economy in the Asian Age, Cambridge University Press.
Geertz, Clifford. 1963. Agricultural Involution: The Processes of Ecological Change in Indonesia, Berkeley, Los Angeles, and London: University of California Press.
Haneda Masashi 2018. Global-ka to sekaishi (Toàn cầu hóa và lịch sử thế giới), Nxb Đại học Quốc gia Tokyo.
Lieberman, Victor. 2003, 2009. Strange Parallels: Southeast Asia in Global Context, c.800-1830, 2 tập, Cambridge University Press.
Miyajima Hiiroshi 1994. “Higashi Ajia niokeru shono shakai no seiritsu”, Mizoguchi, Hamashita, Hiraishi, Miyajima (ed.), Ajia kara kangaeru 6: Choki shakai hendo (Sự hình thành của xã hội tiểu nông ở Đông Á, trong Suy nghĩ từ châu Á tập 6, Biến động xã hội trường kỳ), Nxb Đại học Tokyo, tr. 67-96.
Mizushima Tsukasa 2010. Global History nhumon (Nhập môn lịch sử toàn cầu), Tokyo: Nxb Yamakawa.
Pomeranz, Kenneth 2000. The Great Divergence, China, Europe, and the Making of Modern World Economy, Princeton University Press.
Reid, Anthony 2016. A History of Southeast Asia, Critical Crossroads, Chichester: Wiley Blackwell.
Sugihara Kaoru 2003. “The East Asian Path of Economic Development: A Long-term Perspective” trong Giovanni Arrighi, Takeshi Hamashita and Mark Selden eds., The Resurgence of East Asia: 500, 150 and 50 Year Perspectives, Routledge, London, tr.78-123.

————————–

Chú thích:

1. Về phương pháp luận lịch sử toàn cầu, xem Manning (2003), Mizushima (2010), Conrad (2018), Haneda (2018)… Trường phái lịch sử toàn cầu có tạp chí Journal of Global History. Một số tổ chức sử học quốc tế cũng chú trọng phương pháp luận lịch sử toàn cầu như WHA (World History Association của Mỹ), AAWH (Asian Association of World Historians). EN (European Network of World and Global History).
2. Chúng ta cần phải chú ý đến một điều là: khái niệm “dân tộc” giữa các nước Đông Á được sử dụng chung không phân biệt khái niệm cận đại là “nation” (là sản phẩm của xã hội cận đại), và khái niệm xuyên lịch sử (tự nhiên tồn tại) là “folk” hoặc “ethnicity”. Điều đó đã dẫn đến nhiều bất đồng trong quá trình tranh luận về vấn đề “dân tộc” ở các nước Đông Á.
3. Trong cùng thời kỳ đó, phương pháp nghiên cứu khu vực học phát triển mạnh trong giới khoa học nghiên cứu các khu vực Á-Phi (nhất là Đông Nam Á). Khu vực học cũng áp dụng phương pháp liên ngành – đa ngành (multi – disciplinary), trong khinhấn mạnh quan điểm khu vực và quan điểm địa phương hơn quan điểm quốc gia.
4. Thậm chí đã xuất hiện quan điểm ‘Lịch sử lớn’ (Big History) nghiên cứu và giảng dạy tất cả quá trình từ sự xuất hiện của vũ trụ (Big Bang) cho đến hiện nay.
5. Sự phát triển của tổ chức họ hàng phụ hệ như tông tộc (Trung Quốc), bản quán (Triều Tiên), môn trung (Lưu Cầu), hay gia đình trực hệ thế tập nghề nghiệp là ie ở Nhật Bản đều là sản phẩm của diễn biến đó.

Theo TẠP CHÍ TIA SÁNG 

Tags: ,