Nghiện mua sắm – một hội chứng rối loạn thần kinh nguy hiểm

Nghiện mua sắm là một biểu hiện của Rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Nó xảy ra khi một người liên tục mua quá nhiều đồ vật mặc dù những đồ vật ấy không có giá trị, không thiết thực hay thậm chí là nguy hiểm cho người mua…

Nghiện mua sắm – một hội chứng rối loạn thần kinh nguy hiểm

Chắc hẳn các bạn đều đã nghe về tiểu thuyết: “Lời tự thú của tín đồ nghiện shopping” (Confession of a Shopaholic) về một cô gái nghiện shopping và giải quyết nỗi buồn bằng cách mua sắm.Đây chỉ là một câu chuyện nhẹ nhàng trong rất nhiều câu chuyện khác với mức độ nghiêm trọng hơn về việc nghiện mua sắm hay OCD, mà hậu quả có thể dẫn đến các bệnh tâm lý nặng nề về sau, đe dọa đến đời sống của con người.

OCD (Obsessive-compulsive disorder) – tên tiếng Việt là Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (theo Wikipedia) khiến con người liên tục lặp lại một hành động vì họ ám ảnh với một ý tưởng, một suy nghĩ, một cảm giác mà chúng thường đi kèm với nỗi sợ về bệnh lây nhiễm, thiên tai. Các hành động thường gặp là lau rửa liên tục, kiểm tra liên tục, đong đếm liên tục. Nghiện mua sắm (Hoarding) là một biểu hiện của OCD. Nó xảy ra khi một người liên tục mua quá nhiều đồ vật mặc dù những đồ vật ấy không có giá trị, không thiết thực hay thậm chí là nguy hiểm cho người mua.

OCD xảy ra từ một nỗi sợ hãi hay ám ảnh. Ví dụ, một người sợ phải chạm tay nắm cửa vì anh ta chứng kiến quá nhiều người chạm nắm cửa mà không rửa tay. Anh ta tưởng tượng rất nhiều vi trùng sẽ đột nhập vào cơ thể qua đường tay. Chính vì vậy, nỗi sợ hãi buộc anh ta phải rửa tay sau mỗi lần nắm cửa, và cứ sau mỗi lần rửa tay như vậy, anh ta cảm thấy vô cùng dễ chịu. Dần dần, người này đồng hóa hành động “rửa tay” với cảm giác “an toàn”.

Một câu chuyện có thật khác được diễn tả qua loạt phim truyền hình thực tế “Bị chôn sống do nghiện mua sắm” (Hoarding: Buried Alive). Jennifer tìm được cảm giác an toàn qua việc mua sắm. Cô bị mất bố khi rất nhỏ, và mua sắm là cách duy nhất để cô tạm thời quên đi nỗi đau này. Dần dần, cô bắt đầu mua sắm khi gặp chuyện buồn, khó khăn hay những nỗi thất vọng khác.

Một đặc tính quan trọng của OCD là những người mắc chứng OCD có thể nhận thức được hành vi, tuy nhiên họ không thể ngừng việc thực hiện chúng. Phương pháp chữa trị OCD dứt điểm chưa được tìm ra, tuy nhiên một vài biện pháp tư vấn tâm lý có thể giúp phần nào. Trong câu chuyện của Jennifer, thay vì tìm cách mua sắm điên cuồng để quên đi nỗi đau mất cha, Jennifer có thể kể cho các con về bố mỗi khi cô cảm thấy mất tinh thần hay mất cân bằng cảm xúc. Các câu chuyện có thể gợi lên niềm tự hào và giúp Jennifer quên đi nỗi đau theo thời gian.

Thông thường, bệnh nghiện mua sắm hay OCD không xảy ra một mình mà chúng đi kèm với các bệnh lý khác như căng thẳng, tuyệt vọng. Khi điều trị cho các bệnh nhân cần nhiều phương thức khác nhau, kết hợp với thuốc và hơn hết phải là sự hiểu biết, thái độ cảm thông và ủng hộ của bạn bè, người thân. “Nghiện mua sắm” có thể chỉ là một thói quen hay sở thích của đa số phái nữ, nhưng nó có thể là sự khởi đầu của vô số các bệnh lý khác nghiêm trọng hơn. Mong các bạn đừng nên xem thường nếu có bạn bè hay người thân mua sắm ở mức độ rất thường xuyên và hay đi kèm với các triệu chứng tinh thần không ổn định – đó chính là một triệu chứng tâm lý cần được chữa trị kịp thời.

Theo LAN T / VIET PSYCHOLOGY

Tags: ,