Quan hệ Việt – Trung trong lịch sử: Nhìn từ văn hóa – chính trị mang tính vùng

Việt Nam và Trung Quốc có lịch sử quan hệ trên hai nghìn năm. Quan hệ ngoại giao chính thức giữa hai nhà nước phong kiến cũng đã ngót một nghìn năm. Đây là đề tài được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm. Tuy nhiên đến nay những đặc điểm có tính quy luật của quan hệ ngoại giao Việt – Trung thời trung đại vẫn chưa được chú ý đúng mức. Trong bài viết này, chúng tôi khảo sát đặc điểm quan hệ ngoại giao Việt – Trung nhìn từ quan hệ văn hoá – chính trị mang tính vùng. Đây là yêu cầu có tính phương pháp luận khi nghiên cứu quan hệ Việt – Trung thời trung đại, trong đó có quan hệ ngoại giao. Từ đó, chúng tôi xác định rõ hơn đặc điểm quan hệ ngoại giao Việt – Trung nửa đầu thế kỷ 19, vấn đề chúng tôi đang nghiên cứu chuyên sâu.

Quan hệ Việt – Trung trong lịch sử: Cái nhìn từ văn hóa – chính trị mang tính vùng

Tác giả: TS. Đinh Thị Dung, Bộ môn Văn hóa học, Đại học Huế.

Nguồn: Tác giả và Thông báo khoa học Đại học Huế, 2005.

1. Việt Nam vốn thuộc cơ tầng văn hoá Đông Nam Á, nhưng do những hoàn cảnh lịch sử đặc định (trải ngàn năm Bắc thuộc), đã dần đi vào quỹ đạo của các nước đồng văn với Trung Quốc, chịu ảnh hưởng sâu sắc văn hoá Trung Quốc – “một trong những bếp lửa sáng nhất của thế giới phương Đông” (1).

Theo viện sĩ N. Konrad, nhà Đông phương học người Nga, “Việc các dân tộc này xây dựng nền văn minh của mình trên cơ sở sự tồn tại của văn minh cổ đại là hiện tượng chung của lịch sử, các dân tộc trung thế kỷ ở cả phương Đông lẫn phương Tây” (2), và “sức mạnh của các nền văn minh cổ này lớn đến nổi tất cả các dân tộc ở mức độ này hay khác đều rơi vào ảnh hưởng của chúng” (3). Quả thật ảnh hưởng của văn hoá Trung Quốc đối với nhiều dân tộc Đông Á là rất sâu sắc, làm nên một vùng văn hoá. Không kể Việt Nam và Triều Tiên là hai nước, do những hoàn cảnh lịch sử cụ thể, vốn nằm trong vùng văn hoá cưỡng bức của Trung Quốc trong một thời gian dài, có thể thấy Nhật Bản là trường hợp rất tiêu biểu cho hiện tượng tiếp nhận những thành tựu của một nền văn hoá cao hơn, phù hợp với tâm thức dân tộc mình để phát triển. Không có những mối liên hệ trực tiếp với Trung Quốc trước đó, nhưng vào thế kỷ thứ 5 triều đình Nhật Bản đã mời các học giả Triều Tiên đến để truyền bá văn hoá Trung Quốc trong đế chế Nhật Bản. Và như chúng ta đều biết, Nhật Bản chịu ảnh hưởng sâu sắc văn hoá Trung Quốc, trở thành nước đồng văn với Trung Quốc. Ở nước ta, việc học tập tự giác nền văn hoá Trung Quốc thể hiện rất rõ trong thời kỳ quốc gia độc lập từ thế kỷ 10. Các vương triều phong kiến ở nước ta, trên cơ sở phát huy truyền thống và bản sắc văn hoá dân tộc, từng bước tiếp thu có hệ thống nền văn hoá Trung Quốc, xây dựng thiết chế kinh tế, chính trị – xã hội theo mô hình Trung Quốc. Đây là lựa chọn có tính tất yếu vì khi xây dựng chế độ phong kiến – một bước tiến trong lịch sử phát triển của nhân loại – Việt Nam đã có sẵn mô hình Trung Quốc với tư cách là một mô hình văn hoá – chính trị kiểu mẫu của thế giới Á Đông. Học theo mô hình Trung Quốc, do vậy, là một trong những con đường ngắn nhất để phát triển đất nước, hoà vào bước tiến chung của các quốc gia phát triển thời trung đại. Việc nhìn nhận quan hệ VIệt – Trung trong mối quan hệ văn hoá mang tính vùng này là rất cần thiết, giúp tránh được sự quá nhấn mạnh đến mặt vượt lên những ảnh hưởng to lớn của văn hóa Trung Quốc, dẫn đến sự phân cấp giữa các nền văn hoá nhìn trong thế phân lập. Việc học tập mô hình văn hoá cao hơn, với tư cách là nền văn minh cổ của nhân loại, cũng không loại trừ khả năng các quốc gia “trẻ” sáng tạo nên những giá trị văn hoá mang bản sắc riêng, gắn với yêu cầu phát triển nội tại của đất nước. Thực tế lịch sử Việt Nam trung đại cho thấy rất rõ điều này. Riêng về phương diện ngoại giao, một mặt, các vương triều phong kiến Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu sắc quan điểm, đường lối ngoại giao của Trung Quốc, vừa ở cả tầm ý thức hệ lẫn những đối sách cụ thể, thể hiện trong quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với các nước trong khu vực, ngay cả trong nhận thức và đối sách với phương Tây trong thế kỷ 19, mặt khác, các vương triều phong kiến Việt Nam vẫn có những ứng xử riêng trong từng thời điểm, giai đoạn cụ thể, với từng quan hệ cụ thể, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn của đất nước.

2. Trong quan hệ với Trung Quốc thời trung đại, bên cạnh việc học tập mô hình thiết chế văn hoá – chính trị Trung Quốc để phát triển, chúng ta thấy các vương triều phong kiến Việt Nam đứng trước nhiệm vụ lịch sử vô cùng khó khăn. Đó là bằng mọi cách phải giữ được vương quyền, giữ được nước trước hoạ xâm lăng thường trực của phong kiến Trung Quốc. Rõ ràng ở đây văn hoá và chính trị, xét trên phương diện giao lưu – tiếp biến, là không thống nhất. Về mặt văn hoá, cha ông ta thường coi thành tựu văn hoá cổ Trung Quốc là thành tựu chung của khu vực, là sản phẩm của “tiền nhân”, nhưng về mặt chính trị, quan hệ giữa hai nước bao giờ cũng mang tính đối kháng thường trực. Có thể thấy, ngoài việc là một quốc gia “trẻ”, xây dựng nền văn minh của dân tộc trên cơ sở nền văn minh Trung Quốc cổ, Việt Nam còn là một quốc gia nhỏ bé bên cạnh một Trung Quốc to lớn, hùng mạnh. Trung Quốc trung đại, về phương diện chính trị, là một quốc gia có thể chế tập trung chuyên chế cao độ, luôn thể hiện tư tưởng bá quyền, thôn tính nước khác hoặc tạo nên một hệ thống các nước chư hầu, lấy mình làm trung tâm, luôn tự cho mình có quyền cất binh “điếu phạt”. Các quốc gia nhỏ hơn và sống cạnh Trung Quốc hầu như đều bị chi phối bởi mối quan hệ chính trị này, và ở một góc độ nào đó cũng có thể nói, việc nước lớn chi phối mạnh mẽ nước nhỏ, hoặc việc một nước nhỏ chọn con đường thần phục nước lớn, dù trên danh nghĩa, cũng là hiện tượng khá phổ biến thời trung đại, nhất là trong thế giới Á Đông. Chính vì lẽ đó, các nước nhỏ thường chọn con đường ứng xử theo lối hoà bình, thần phục, chịu nhiều thiệt thòi nhưng ít nhiều có thể mua được sự bình yên cho đất nước. Việt Nam và Triều Tiên – hai nước nhỏ bé nằm sát cạnh Trung Quốc đều đi theo con đường này, đều nhận “sách phong” và chịu “triều cống”, nghĩa là quan hệ với Trung Quốc với danh nghĩa là các nước “chư hầu”, mặc dù sắc thái của từ này (chư hầu) không thật đúng nghĩa như thời Trung Quốc còn phân tranh.

Nhìn nhận mối quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc trong quan hệ văn hoá vùng và trong tương quan thế và lực như vậy, mới thấy có những ứng xử, những đường lối ngoại giao của Việt Nam với Trung Quốc thời trung đại trở thành những nguyên tắc, những đặc điểm có tính quy luật. Và do vậy, đánh giá thực chất quan hệ Việt – Trung thời trung đại dễ có tiếng nói khách quan hơn, khoa học hơn. Sự chi phối của Trung Quốc đối với các nước trong khu vực đồng văn là rất lớn. Một vương triều mới của Việt Nam, và của Triều Tiên, đều cần nhận “sách phong” của Trung Quốc như một bằng chứng cho tư cách hợp pháp của vương triều đối với cả khu vực, và phần nào đó, đối với cả thần dân trong nước. Bên cạnh đó, sự thần phục Trung Quốc của các vương triều phong kiến Việt Nam không phải không bị ảnh hưởng bởi ý thức hệ Nho giáo, nhất là thuyết “chính danh” – nhìn từ khía cạnh chính trị – và tư tưởng tôn ti trật tự chính thống. Tuy nhiên cũng không phải mọi sự “thần phục” Trung Quốc của Việt Nam cũng đều thuần tuý là biểu hiện của ý thức thần phục chân thành. Phân biệt rạch ròi đâu là thần phục giả danh đâu là thần phục thực tế là điều rất không dễ dàng và nếu có thể, cũng không thể khẳng định một chiều. Vì đằng sau một hành vi ứng xử có tính ngoại giao còn là cả một bề dày của văn hoá, của cả hệ thống quan điểm và quan niệm có tính ý thức hệ. Chính vì vậy, đánh giá thực chất quan hệ ngoại giao Việt – Trung trong lịch sử cần phải nhìn rõ những đặc điểm có tính chung nhất của cả thời kỳ lịch sử mà quan hệ văn hoá – lịch sử mang tính vùng là đặc điểm nổi bật, bao trùm.

3. Trên đây là những vấn đề có tính phương pháp luận khi nghiên cứu, đánh giá quan hệ Việt – Trung thời trung đại, đặc biệt là quan hệ ngoại giao. Đặc điểm chung nhất trong quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với Trung Quốc trong thời kỳ này, theo chúng tôi, là chịu thần phục Trung Quốc, dù là thần phục thực tế, hay chỉ là đường lối, đối sách. Biểu hiện nổi bật của quan hệ ngoại giao mang tính thần phục này là hoạt động nhận “sách phong” và hoạt động “triều cống”. Nhận “sách phong” là nghi thức có tính chính thống của một vương triều mới được xác lập, hay một ông vua mới lên của một vương triều. Điểm lại lịch sử dân tộc, có thể thấy, các vương triều Việt Nam đều phải chấp nhận và cần có sự “sách phong” của phong kiến Trung Quốc, vừa như một sự thừa nhận vai trò của “thiên triều”, vừa là một đối sách ngoại giao để mua lấy sự yên ổn của đất nước. Đây là một cách “chính danh định phận” trong mối quan hệ với Trung Quốc và lân bang khác. Bên cạnh “sách phong” là “triều cống” – nghĩa vụ của một nước chư hầu, lệ định của Trung Quốc có từ lâu đời, khoảng năm 19 trước công nguyên (lệ cống 3 năm một lần) và kéo dài đến gần hết thế kỷ 19. Các vương triều phong kiến Việt Nam đều tuân theo lệ định này, cho đến khoảng 1856 dưới triều Tự Đức, việc thực hiện “triều cống” mới chấm dứt do Trung Quốc cho tạm ngưng để Trung Quốc giải quyết những rối ren trong nội tình của đất nước.

Rõ ràng chưa bàn đến thực chất của quan hệ ngoại giao theo con đường thần phục vẫn có thể khẳng định rằng “sách phong” và “triều cống” là hai hình thức hoạt động ngoại giao có tính bắt buộc do những điều kiện lịch sử – chính trị cụ thể quy định. Tuy nhiên khi đánh giá tính chất của quan hệ này không thể không đặt trên một trục hệ giá trị được biểu hiện rất nhất quán trong lịch sử Việt Nam trung đại. Đó là độc lập dân tộc, giữ yên bờ cõi của đất nước. Nhìn từ góc độ này, có thể thấy thần phục, cụ thể là nhận “sách phong” và thực thi “triều cống”, còn là biểu hiện của một đường lối ngoại giao mềm dẽo, chủ động của các vương triều phong kiến Việt Nam đối với nước lớn Trung Quốc. Ngoài ra đường lối ngoại giao mềm dẽo của Việt Nam còn biểu hiện qua nhiều hoạt động khác như hợp tác với Trung Quốc giữ yên bờ cõi biên giới khi có “phiến loạn”, thăm hỏi tỏ tình hoà hiếu khi Trung Quốc có việc tang, việc hỉ… Chính vì lấy tiêu chuẩn cao nhất là độc lập dân tộc nên tuy chủ trương mềm dẽo, các vương triều phong kiến Việt Nam luôn tỏ ra cứng rắn, không nhân nhượng khi Trung Quốc núp dưới danh nghĩa “điếu phạt” mà xâm lược nước ta. “kháng Tống”, “bình Nguyên”, “diệt Minh”, “đạp Thanh”… là những thực tế minh chứng cho chân lý này.

4. Triều Nguyễn là vương triều phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam, thể hiện rất rõ những đặc điểm cơ bản của quan hệ Việt – Trung trong lịch sử. Bên cạnh đó, quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc dưới triều Nguyễn cũng có những đặc thù gắn với hoàn cảnh lịch sử cụ thể của giai đoạn.

Nhận thức rõ vai trò của Trung Quốc đối với Việt Nam nói riêng, đối với khu vực nói chung, Nguyễn Ánh đã có kế hoạch khôi phục ngoại giao với nhà Thanh khi cuộc chiến giữa Nguyễn Ánh với Tây Sơn còn chưa kết thúc. Sau khi chiếm được Gia Định năm 1788, Nguyễn Ánh đã phái một sứ bộ do Phan Chính Trọng dẫn đầu đem thư sang lưỡng Quảng, sau đó phái tiếp Ngô Nhân Tĩnh sang Quảng Đông hội kiến vua Lê. Đến khi vào Phú Xuân, Nguyễn Ánh lại cử sứ bộ sang Trung Quốc, xác định rõ mục đích là “muốn đàm phán về việc khôi phục mối bang giao trước đây, sau sự sụp đổ Bắc Hà” (4). Sau khi cuộc chiến với Tây Sơn kết thúc, trong 3 năm liên tiếp (1802, 1803, 1804), Gia Long đã cử nhiều sứ bộ sang Trung Quốc, bày tỏ nguyện vọng với Gia Khánh nhà Thanh nối lại quan hệ ngoại giao giữa hai nước (5). Năm 1804, Gia Long nhận “sách phong” của nhà Thanh, quan hệ ngoại giao chính thức giữa hai nước được tái lập. Gia Long cần tránh cuộc xâm lược của Trung Quốc dưới danh nghĩa “phù Lê”, và cần được Trung Quốc công nhận để xác lập vương triều Nguyễn một cách hợp pháp. Gia Long, và các ông vua triều Nguyễn sau đó, đều thực thi một đường lối ngoại giao nhất quán theo truyền thống ngoại giao với Trung Quốc như các vương triều trước.

Tuy nhiên dưới triều Nguyễn, quan hệ Việt – Trung vẫn có những nét đặc thù. Triều nguyễn đã thống nhất được đất nước, từng bước khắc phục hậu quả chiến tranh và xây dựng một nước Việt Nam hùng mạnh trong khu vực, nhất là dưới thời Minh Mạng. Trong khi đó, Trung Quốc lại đang rơi vào những rắc rối cả về ngoại giao lẫn nội trị – bên ngoài, sự đe doạ của tư bản phương Tây ngày một nặng nề; bên trong, những biến động lớn xảy ra, nhất là cuộc khởi nghĩa “Thái Bình Thiên Quốc”. Bối cảnh lịch sử – cụ thể nửa đầu thế kỷ 19, sự tương quan thế và lực giữa hai quốc gia… đã giúp triều Nguyễn thể hiện được tư thế của quốc gia trong quan hệ với Trung Quốc. Các vua Nguyễn đã lên ngôi và có đầy đủ biểu hiện của một vị hoàng đế của đất nước mình, sau đó mới xin nhận “Sách phong”. Thậm chí Gia Long từng tuyên bố không thụ phong nếu Trung Quốc không đồng ý việc đổi quốc hiệu do Gia Long đề nghị (1804). Đây là biểu hiện đáng ghi nhận trong lịch sử quan hệ ngoại giao Việt – Trung. Trong những vấn đề liên quan đến độc lập dân tộc, phong tục tập quán, các vua triều Nguyễn cũng hết sức kiên quyết, không có biểu hiện nhân nhượng. Khi bàn về trang phục trong lễ Dụ tế, Minh Mạng khẳng định “Ta tự theo lễ nước ta” (6). Cũng dưới thời Minh Mạng, năm 1931, Trung Quốc đem 600 ngàn quân vượt qua biên giới đòi Việt Nam giao vùng Phong Thu (Hưng Hoá), Minh Mạng đã kiên quyết đấu tranh trên cả hai mặt ngoại giao và quân sự, vừa mềm dẽo, vừa kiên quyết khẳng định “đồn Phong Thu nguyên lệ thuộc bản triều… bất tất phải bàn” (7), buộc Trung Quốc phải rút quân và xin lỗi… Dưới triều Thiệu Trị và Tự Đức, mềm dẽo và cứng rắn trong quan hệ ngoại giao với Trung Quốc cũng được thực hiện nhất quán.

Việc đánh giá vai trò của triều Nguyễn đến nay vẫn còn nhiều phức tạp. Nhưng nhìn trong quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, có thể khẳng định rằng, triều Nguyễn đã tiếp nối được truyền thống ngoại giao của các vương triều trước trên cơ sở nhận thức đúng vai trò của Trung Quốc trong khu vực, đồng thời thể hiện được tư thế quốc gia trong mối quan hệ phức tạp này. Những đặc điểm có tính quy luật trong lịch sử quan hệ ngoại giao thời trung đại giúp ta hiểu hơn quan hệ Việt – Trung thời Nguyễn; và ngược lại, khảo sát quan hệ ngoại giao Việt – Trung thời Nguyễn giúp ta hiểu hơn đặc điểm ngoại giao truyền thống trong quan hệ với Trung Quốc.

———————–

Tài liệu tham khảo:

(1). Đặng Thai Mai, Xã hội sử Trung Quốc, Nxb. Khoa học Xã hội, 1994, tr. 30.
(2) và (3). N. Konrat, Phương Đông và phương Tây, Nxb. Giáo dục, 1997, tr. 59.
(4). Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên, tập III, Nxb. Sử học, tr. 29.
(5). C. Maybon, Nguyen Anh Empeurer et Fondateur de Dynastic Gialong (1802 – 1820), Le Trim, Revue de l’historire des colonies, 1919, P. 375.
(6). Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên, tập V, Nxb. Khoa học Xã hội, tr. 260.
(7). Nội các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập VIII, Nxb. Thuận Hoá, tr. 150.

Theo VĂN HÓA HỌC

Tags: , , , ,