Quân đội Afghanistan và bài học lịch sử người Mỹ không chịu thuộc

Các chỉ huy quân đội Mỹ từng tin rằng họ đã xây dựng và huấn luyện một quân đội Afghanistan hùng mạnh, nhưng thực tế đội quân đó chỉ là những mảnh ghép rời rạc.

Quân đội Afghanistan và bài học lịch sử người Mỹ không chịu thuộc

Các binh sĩ Afghanistan tập bắn súng trường dưới sự giám sát của các binh sĩ Mỹ. Ảnh: U.S Army.

Chứng kiến tình hình an ninh xấu đi nhanh chóng ở Afghanistan đã gợi lên cho Mike Jason, cựu đại tá lục quân Mỹ, một cảm giác không thể tin được, Atlantic cho biết.

Năm 2005, đại tá Jason là cố vấn cho một tiểu đoàn bộ binh Iraq, tiến hành các hoạt động chống nổi dậy trong và xung quanh Baghdad – một trong những khu vực bạo lực nhất Iraq trong giai đoạn bạo lực nhất kể từ sau cuộc xâm lược của Mỹ năm 2003.

Ở thời điểm đó, thật khó để hy vọng lực lượng an ninh Iraq có thể tự đứng vững. Năm 2009, đại tá Jason trở lại Iraq, lần này là ở Mosul, nơi đơn vị của ông hỗ trợ cho 2 sư đoàn quân đội Iraq và một sư đoàn cảnh sát liên bang, cùng hàng nghìn cảnh sát địa phương.

Sự tiến bộ của lực lượng an ninh Iraq là rất rõ ràng. Khi rút quân khỏi Iraq vào năm 2010, đại tá Jason cảm thấy đã làm được điều tuyệt vời, khi xây dựng được lực lượng an ninh Iraq mạnh mẽ và có năng lực.

Một năm sau, đại tá Jason được điều động đến Mazar-i-Sharif, Afghanistan, nơi ông đảm nhận công việc tuyển dụng, huấn luyện các đơn vị cảnh sát và lực lượng đặc nhiệm Afghanistan. Sau 9 tháng ở Afghanistan, ông trở về nhà và nghĩ rằng mình đã làm được một việc tốt.

Đào tạo mới chỉ là phần ngọn

Năm 2014, chứng kiến các sư đoàn bộ binh Iraq mà mình từng đào tạo sụp đổ chỉ vài ngày sau khi đối mặt với sức tấn công mãnh liệt của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, đại tá Jason cũng như nhiều sĩ quan khác của Mỹ từng huấn luyện cho quân đội Iraq nhận thấy rằng họ đã sai.

Kịch bản tương tự tiếp tục lặp lại ở Afghanistan, khi quân đội chính phủ được Mỹ đào tạo trong 20 năm cũng nhanh chóng sụp đổ, sau khi sự hậu thuẫn quân sự từ Mỹ không còn.

Quân đội Iraq và Afghanistan được Mỹ đào tạo bằng cách tập hợp từ các nhóm nhỏ, dạy cho họ kỹ năng sinh tồn cơ bản, tiếp đó là các bài tập chiến thuật. Các bài tập được thực hiện cùng với lính Mỹ và được mô tả bằng các thuật ngữ, điều mà đại tá Jason thừa nhận là “một chương trong cuốn sách không có cốt truyện”.

Trong các cuộc huấn luyện, những người đàn ông, phụ nữ Iraq và Afghanistan hoàn thành rất tốt nhiệm vụ. Điều này khiến các chỉ huy quân đội Mỹ tin rằng họ đã đủ khả năng để tự đảm bảo an ninh đất nước.

Các cố vấn quân sự Mỹ rất giỏi trong việc chuẩn bị cho các trung đội và đại đội thực hiện các cuộc đột kích và vận hành các trạm kiểm soát, nhưng điều này không giúp gì nhiều cho sức mạnh tổng thể của quân đội Afghanistan.

Ngày nay, lực lượng đặc nhiệm là đơn vị chiến đấu tốt nhất ở Afghanistan, nhưng với quân số khoảng 10.000 và phải chia thành nhiều đội nhỏ, rất khó để lực lượng an ninh Afghanistan lật ngược thế cờ.

Truyền thông cũng góp phần tạo thêm sự ảo tưởng cho các sĩ quan Mỹ. Các chỉ huy quân đội Mỹ đã quên mất một điều rất quan trọng, là binh sĩ Iraq và Afghanistan chỉ làm tốt nhiệm vụ khi có sự giám sát của họ.

Nạn tham nhũng mới là gốc rễ

Đại tá Jason thừa nhận Mỹ đã thất bại trong việc xây dựng quân đội Afghanistan một cách hệ thống. Các đợt huấn luyện luân phiên giữa các đơn vị kéo dài từ 6 tháng đến một năm không thể giải quyết được vấn đề nhức nhối mà quân đội, cảnh sát Afghanistan gặp phải.

Người Mỹ đã thất bại trong việc thiết lập cơ sở hạ tầng cần thiết để đào tạo, trả lương cho binh sĩ, phát triển sự nghiệp quân sự, nâng cao trách nhiệm giải trình, tính kỷ luật – những yếu tố cần thiết để tạo nên lực lượng an ninh chuyên nghiệp.

Nạn tham nhũng tràn lan trong quân đội, tình trạng sử dụng ma túy, năng lực bảo trì tồi tệ và hậu cần kém là những vấn đề mà Mỹ không giải quyết được trong quá trình đào tạo cho các binh sĩ Afghanistan.

Các cố vấn Mỹ đã cố gắng tuyển chọn những chỉ huy mới, những người được cho là có tầm nhìn xa, trong sạch để chỉ huy các đơn vị mới. Nhưng một trong số họ lại bị bắt vì ăn cắp thực phẩm và nhiên liệu.

Những binh sĩ từng chiến đấu rất tốt khi sát cánh cùng binh sĩ Mỹ đã không còn là chính họ khi trở về dưới sự chỉ huy của các sĩ quan Afghanistan. Những người chỉ huy đó vốn không đủ sự uy tín để những người lính có thể phục tùng mệnh lệnh.

Đại tá Jason cho rằng những gì mà Mỹ đã làm trong 20 năm qua ở Afghanistan là chỉ tập trung vào việc đào tạo chiến thuật, trong khi một quân đội mạnh phải là một tập thể mạnh và mang tính hệ thống.

“Trong 20 năm qua, đã có rất nhiều thất bại”, đại tá Jason nói.

Mỹ tấn công vào Afghanistan dựa trên sự tức giận sau sự kiện 11/9/2001. Những năm sau đó, công việc của Mỹ là duy trì an ninh, huấn luyện quân đội chính phủ Afghanistan, nhưng Mỹ đã không giúp họ cách xây dựng một quân đội chính quy.

Quân đội Iraq hay Afghanistan mà Mỹ đào tạo đều là những đội quân lệ thuộc, nên khi Mỹ rút quân, sự hậu thuẫn không còn, thất bại là điều hiển nhiên, bài viết trên Atlantic kết luận.

Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN 

Tags: , ,