Quá khứ đau đớn của dòng văn học Mỹ da đen

Dòng văn học Mỹ da đen ra đời trong đau thương. Lịch sử của nó gắn chặt với lịch sử cộng đồng người Mỹ da đen.

Quá khứ đau đớn của dòng văn học Mỹ da đen

Việc nữ văn sĩ Mỹ Toni Morrison được trao giải Nobel văn học năm 1993 là một thắng lợi của cộng đồng người Mỹ da đen. Đây cũng là sự thừa nhận đối với văn học Mỹ da đen, một dòng văn học chứa đầy “thực trạng Mỹ”. Bình luận về sự kiện này, tiến sĩ Henry Louis Gates – chủ tịch Hội nghiên cứu người Mỹ gốc Phi nói: “Đây là một ngày vĩ đại đối với người Mỹ da đen và người Mỹ nói chung. Hai trăm năm trước, truyền thống văn học của người Mỹ gốc Phi đã nảy sinh dưới dạng chuyện kể của những người nô lệ. Giờ đây nhà văn vĩ đại nhất của chúng ta (Người Mỹ da đen) đã được trao giải thưởng Nobel” (1).

Sáng tác của Tony Morrison tiếp tục kế thừa đề tài về đời sống người da đen trong xã hội Mỹ, với âm hưởng nhức nhối “nỗi đau da đen” từ bao năm vẫn tuôn chảy trong các tác phẩm của nhà văn Mỹ gốc Phi. Từ cuốn tiểu thuyết đầu tiên của Tony Morríon là Đôi mắt xanh nhất (The Bluest Eyes-1970) đến Sula (1974), Bài ca Salomong (The Song of Salomong-1977), Được yêu (2) (Beloved-1983), Bé Ta (Tar Baby-1977) và Jazz (1992) tất cả đều thấm đượm một tinh thần nhân văn cao cả. Các nhân vật chính là những con người khắc khoải, lo âu trong cuộc sống đấu tranh chống lại những chính sách sai trái của một xã hội đã được xây dựng trên cơ sở những thành kiến chủng tộc. Cuốn tiểu luận văn học Diễn trò trong bóng tối(Playing in the Dark-1992) của bà là một cuốn sách rất nổi tiếng, đề cập đến vị trí của dòng văn học da đen trong nền văn học Mỹ.

Với giải Nobel của Toni Morrison, dòng văn học Mỹ da đen đã được khẳng định sau những năm dài chịu nhiều thua thiệt. Từ đỉnh cao mà Toni Morrison đã đạt tới, chúng ta có thể hình dung những nét chính về quá trình hình thành và phát triển của dòng văn học Mỹ da đen như sau:

Dòng văn học Mỹ da đen ra đời trong đau thương. Lịch sử của nó gắn chặt với lịch sử cộng đồng người Mỹ da đen. Người Phi châu được đưa tới Bắc Mỹ trong những chuyến tàu buôn nô lệ vào các thế kỷ XVII, XVIII. Mồ hôi và máu của họ đã đổ suốt hàng trăm năm qua để góp phần làm nên một nước Mỹ hùng cường. Thế nhưng, người da đen vẫn bị phân biệt đối xử hết sức nặng nề. Mặc dù Bản Tuyên ngôn giải phóng nô lệđã được Tổng thống Lincoln công bố từ năm 1863, nhưng cho đến nay, trong mắt nhiều người Mỹ da trắng, thì người Mỹ da đen vẫn là hạng hạ lưu.

Cuộc đấu tranh để khẳng định giá trị con người, trước hết được thể hiện trong cuộc đấu tranh nhằm bảo tồn và phổ biến nền văn hóa da đen ở Mỹ. Công việc này đã được nhiều học giả da trắng cộng tác, hỗ trợ. Nền văn hóa da đen được bảo lưu đầy đủ nhất ở các trường học và ở những thư viện lớn. theo số liệu của cuốn The Black American Writer(3), thì ở trường đại học Harvard có trên 30.000 tư liệu, bao gồm những sưu tập rất có giá trị. Chi nhánh Arthur Schomburg của Thư viện công cộng New York có trên 11.000 cuốn sách, 3.000 bản thảo và 2.000 tài liệu in và chép tay. Cho đến cuối những năm năm mươi của thế kỷ XX, phần lớn những tư liệu đó vẫn còn chưa được khảo cứu. Chúng thực sự là những kho tàng vô giá.

Việc phục hưng nền văn hóa da đen ở Mỹ chỉ thực sự diễn ra trong những năm 60. Các trường đại học Mỹ đi đầu trong việc nghiên cứu một cách có hệ thống và phổ biến nền văn hóa da đen, đưa nó vào chương trình giảng dạy. Trường đại học Yale có những trung tâm nghiên cứu ngôn ngữ và văn hóa da đen.Các trường đại học Atlanta, đại học Columbia, đai học Fisk… có các tiểu ban chuyên trách về văn hóa –văn học da đen, và họ đã công bố nhiều công trình nghiên cứu nối tiếng, đã biên soạn nhiều chuyên san phục vụ cho việc học tập của sinh viên các ngành khoa học xã hội. Khi những nguồn gốc đầu tiên của nền văn hóa da đen đã được nghiên cứu, và giá trị của chúng được khẳng định, thì đó là một trong những chiều hướng chủ yếu để làm thay đổi suy nghĩ của người Mỹ da trắng. Như vậy, chính văn hóa là nhịp cầu dẫn tới sự hòa nhập và văn học là tiếng chuông làm thức tỉnh lương tâm con người.

Từ thế kỷ XVIII, đã xuất hiện những người Mỹ gốc Phi cầm bút, viết những tác phẩm thể hiện nỗi khắc khoải nô lệ của chính bản thân mình và của đồng bào mình. Olaudah (khoảng 1745 đến 1796) và Jupiter Hammon (khoảng 1720 đến 1800) là hai tác giả da đen nổi tiếng ở thời thuộc địa. Tác phẩm của họ là tiếng nói đầy xúc động và ai oán về thân phận người nô lệ ở Mỹ, được xem là sự mở đầu cho dòng văn học da đen vào những thế kỷ sau. Sang thế kỷ XIX, các tác giả Mỹ da đen đã thực sự có tiếng nói riêng của mình, đặc biệt là sau cuộc chiến tranh nội chiến 1861-1865, cuộc chiến tranh giải phóng nô lệ của phe miền Bắc. Những nhà văn da đen nổi bật nhất ở thế kỷ này, trước hết là hai nữ nhà văn : Harriet Jacob (1818-1896) với bút danh là Linda Brent, tác phẩm “ Những chuyện xảy ra trong đời của một cô gái nô lệ”; Harriet Wilson (1807-1870) với bút danh là Out Nig, tác phẩm “Phác thảo về cuộc đời một người da đen tự do”. Frederick Douglass(1817-1895), một người nhiệt thành chống chế độ nô lệ, nổi tiếng với cuốn sách “ Chuyện kể về cuộc đời Fredrick Douglass, một nô lệ Mỹ”. Booker T. Washington (1856-1915) rất thành công với cuốn“Đứng dậy từ kiếp nô lệ”.Dubois(1868-1963) rất nổi tiếng với cuốn “ Những linh hồn da đen”. Vào thế kỷ XX, dòng văn học Mỹ da đen đã phát triển mạnh mẽ trong một bối cảnh mới, gắn với sự bùng nổ của những sắc thái văn hóa có nguồn gốc từ Phi châu, như nhạc Jazz và sân khấu. Những tác giả nổi tiếng nhất của thế kỷ nàylà Jean Tooner (1899-1967),R.Wright(1908-1960), Zora N.Hurston (1914-1994), James Baldwin (1924-1987), Ralph W.Ellíon (1914-1994), Toni Morrison (1931)…

Dòng văn học Mỹ da đen bắt rễ từ nền văn hóa da đen và có sự kết hợp với những truyền thống văn học Mỹ. Chính điểm này tạo nên bản sác văn học của nó. Các nhà văn da đen đã vận dụng các truyền thống văn học Anh- Mỹ một cách sáng tạo khi viết tác phẩm của mình. Càng về sau này, khả năng sử dụng tiếng Anh văn học của họ càng trở nên trau chuốt, với những từ tượng thanh gợi hình ảnh rất tự do và phóng túng(đặc biệt là trong thơ). Trong văn học cũng không còn tồn tại lối diễn đạt hời hợt với những nhân vật nhiều khi ngây ngô, từng phù hợp với thứ tiếng Anh bị biến dạng theo lối nói của người ít học thức.

Nền tảng của văn học da đen là chất liệu được rút ra từ văn hóa và đời sống da đen. Đó chính là ‘cội rễ’ của nền văn học da đen. Từ Cảnh tù tội của tôi và sự tự do của tôi (My Bondage and My Freedom-1855) của Fredẻick Douglass, Những linh hồn da đen (The Souls of Black Folk-1903) của W.E.B.Dubois, đến thơ, tiểu thuyết, kịch của các nhà văn Langston Hughes, Richard Wright, John Killens, James Baldwin, Jame Johnson, Alain Locke, Sterling Brown, Alex Haley…, tất cả những tác phẩm ưu tú đó đã bộc lộ một trình độ nghệ thuật không thua kém gì các nhà văn da trắng. Chính nguyên lý ‘cộng sinh’ trong văn hóa-văn học đã tạo ra dòng văn học da đen vừa giàu tính chiến đấu vừa giàu nhạc điệu, có sức cuốn hút mãnh liệt người đọc. Đỉnh cao của sự kết hợp này là tiểu thuyết Jazz của Toni Morrison. Nhạc Jazz là loại nhạc chứa đầy tinh thần tự do và ngẫu hứng mà người da đen đã sáng tạo ra, nó được dùng làm nền cho tác phẩm của nữ nhà văn. Trong Jazzchứa chất những dồn nén, những kịch tính của các cảnh đời, sự trào dâng cuồn cuộn và sự sâu lắng thi vị của các số phận. Bối cảnh của câu chuyện là những năm 20 ở Mỹ, được mệnh danh là thời đại nhạc Jazz. Một người phụ nữ đẹp đã bị gã nhân tình ghen tuông, trong buổi dạ hội chiều thứ bảy y đã dùng dao đâm nàng. Khi cảnh sát hỏi việc gì đã xảy ra, người đàn bà tội nghiệp đã trả lời “Tôi sẽ kể các ông nghe vào sáng ngày mai”. Nàng muốn gã nhân tình có đủ thời gian để chạy trốn. Và đúng sang hôm sau nàng chết…Từ câu chuyện này, Toni Morrison xây dựng một tác phẩm chứa đầy các biến cố dồn dập của bạo lực và tình dục, qua đó đào sâu vấn đề người Mỹ da đen và tệ nạn phân biệt chủng tộc, một vấn đề mà đến ngày nay vẫn “hoàn toàn tồn tại”.

Đối với các nhà văn Mỹ da đen thì ‘vấn đề da đen’ là điểm và đích đến của nghệ thuật. Họ cảm nhận tội ác phân biệt chủng tộc “ngay trên màu da của mình”. Vì vậy, họ muốn dùng ngôn từ như một phương tiện để góp phần giải phóng họ và đồng bào của họ khỏi bất công. Trong thơ Langston Hughes, “Nỗi đau da đen” được diễn tả với ngôn từ có sức nóng và vẻ đẹp tỏa sáng của ánh nắng mặt trời, để thiêu chảy đi sự lạnh lùng khinh miệt đã rắn lại hàng trăm năm nay trong lòng người Mỹ da trắng. Trong bài Lớn lên,ông đã xúc động kêu gọi đồng bào mình:

Hỡi bàn tay ta
Những bàn tay da đen
Hãy xuyên thủng bức tường
Tìm ra mong ước
Hãy giúp ta phá vỡ bóng đen này
Đập nát đêm dày
Và đập vỡ tan tành bóng tối.

Ý thức phản kháng lại sự bất công là chủ đề chính trong tiểu thuyết của các nhà văn da đen. R.Wright có Đứa con quê nhà ( Native Son ), Cậu bé da đen ( Black Boy ) tố cáo sự nô dịch của người da trắng và phản ánh khát vọng tự do của người da đen. John Killer với Máu thanh niên ( Young-blood ), Rồi chúng tôi nghe thấy tiếng sét ( And Then we Heard the Thunder ) đã dũng cảm bảo vệ quyền lợi chính trị của người da đen, chống lại chính sách áp bức của người da trắng. James Baldwin với Hãy đi mà kể trên núi ( Go tell it on the mountain ), Một thế giới khác( Another Country ) đã bênh vực quyền sống và đề cao phẩm giá người Mỹ da đen…

Nhìn chung các nhà văn Mỹ da đen đều chua xót nhận thấy vẫn chưa có mối quan hệ hợp tác thực sự giữa những người da đen và da trắng. Họ đã nêu lên một thực tế là, việc giải quyết “vấn đề da đen” tùy thuộc vào thái độ của người da trắng. Khi người da đen nói với người da trắng: “ Màu da không quan trọng, hãy nhìn chúng tôi như một con người, hãy đánh giá chúng tôi qua tính cách, qua việc làm” thì người da trắng đáp lại: “Chỉ có màu da mới quan trọng”. Chính những người da trắng vì không chịu thay đổi cách nhìn nhận về người da đen và phủ nhận cả phẩm cách của họ đã dẫn đến một cách đối xử trái với tự nhiên. Người da trắng khi thì bạo ngược, tàn nhẫn xem người da đen như súc vật; khi thì cao ngạo, khinh miệt trong quan hệ. Cả hai lối thể hiện đó đều chà đạp lên phẩm giá người da đen, đã đem đến những ngộ nhận thảm hại, những bi kịch, những tai họa. Đó là vết nhơ đã và đang hằn lên lương tâm nước Mỹ.

Đã đến lúc người da trắng cần từ bỏ những định kiến, sự tự tôn giả tạo của họ, phá vỡ bức tường ngăn cách màu da để xây dựng nên “ một thế giới với đầy đủ sự công bằng”. Một thế giới của nền tự do dân chủ thực sự mà Langston Hughes đã kỳ vọng:

Không phải thế giới của riêng tôi
Mà thế giới của anh và của tôi
Do tất cả những bàn tay xây dựng

( Cái cày của tự do )

Bản chất của nền văn học Mỹ da đen là vươn lên và thoát ly khỏi mọi ràng buộc của sự nô lệ. Đó là một nền văn học độc lập, tỏa sáng trên bầu trời nghệ thuật của thời đại chúng ta. Và vào năm 1993, giải thưởng Nobel của Toni Morrison là “ một kết quả tuyệt diệu” của hơn một thế kỷ tranh đấu của các nhà văn Mỹ da đen. Chính tinh thần bất khuất, cũng như những đóng góp to lớn về mọi mặt của người Mỹ da đen cho nước Mỹ đã làm thức tỉnh trách nhiệm đạo đức ở người Mỹ da trắng. Và 15 năm sau (2008), việc Obama- người Mỹ gốc Phi đầu tiên trở thành tổng thống của nước Mỹ, được xem là bước ngoặt của lịch sử Mỹ. Niềm vinh quang thứ nhất – giải Nobel văn học của Toni Morrison – là thế giới trao cho nước Mỹ. Còn niềm vinh quang thứ hai – tổng thống Obama – là nước Mỹ tự tạo cho mình trước thế giới. Hai niềm vinh quang này tôn vinh hai giá trị khác nhau, nhưng con đường dẫn tới vinh quang là giống nhau, là một.

Theo TẠP CHÍ VĂN HÓA NGHỆ AN / HERALD TRIBUNE

Tags: , , ,