Phân tích tâm lý học về sức hút của Facebook

Mỗi khi tôi vào Facebook để làm một việc nào đó – như tìm một đường dẫn tôi lưu lại để xem sau hay xem các nội dung đang diễn ra trên trang Facebook của ai đó – thì có một chuyện kỳ lạ xảy ra.

Góc nhìn tâm lý về sức hút của Facebook

Tác giả: Courtney Seiter.

Dù đã quyết tâm tập trung vào việc cần làm và hoàn thành mục tiêu của mình, tôi vẫn bị cuốn vào đây. Tôi bỗng phát hiện mình đang kiểm tra thông báo, xem những nội dung vừa được đăng lên và nói chung là quên mất lý do tôi vào Facebook lúc đầu.

Điều này không hẳn do ngẫu nhiên. Khoa học và tâm lý học có thể giúp lý giải nguyên nhân vì sao nhiều người trong chúng ta “nghiện” Facebook.

Có rất nhiều mẹo tâm lý liên quan đến những thứ khiến cho Facebook trở nên hấp dẫn đến thế. Dưới đây là một mẹo tâm lý của Facebook: thứ khiến ta thích, đăng bài, chia sẻ, và liên tục đăng nhập.

Facebook kích thích “trung tâm vui sướng” của não

Rất nhiều nghiên cứu đã tìm hiểu chính xác điều gì diễn ra trong não ta khi ta tham gia mạng xã hội – cụ thể là Facebook.

Một nghiên cứu gần đây phát hiện mối liên hệ mạnh mẽ giữa Facebook và “trung tâm tưởng thưởng” của não, gọi là vùng Nucleus Accumbens. Khu vực này xử lý các cảm giác thỏa mãn về những thứ như thức ăn, tình dục, tiền bạc và sự công nhận của xã hội. Khi ta nhận được những phản hồi tích cực trên Facebook, cảm xúc sẽ kích thích khu vực này của não. Ta càng sử dụng Facebook nhiều thì “phần thưởng” càng lớn.

Một nghiên cứu thú vị khác ghi lại các phản ứng sinh lý như sự co giãn của đồng tử ở những người tham gia trong lúc họ lướt Facebook, và nhận thấy việc lướt Facebook có thể kích hoạt trạng thái dòng chảy, cảm giác có được khi bạn vui vẻ tập trung hoàn toàn vào một công việc hay một kỹ năng mới.

Vì sao chúng ta “thích”: Sự tương đồng, sự đồng cảm và tính thực dụng

Có lẽ loại “tiền tệ” rõ ràng nhất trên Facebook chính là số “like” (thích).

Theo Facebook:

“Thích” là một cách đưa ra phản hồi tích cực hoặc kết nối với những gì bạn quan tâm trên Facebook. Bạn có thể thích nội dung mà bạn bè đăng lên để cho họ phản hồi, hoặc thích một Trang mà bạn muốn kết nối trên Facebook.

Khi khảo sát hàng ngàn người Mỹ về đời sống trên mạng xã hội của họ, Trung tâm Nghiên cứu Pew phát hiện ra rằng 44% người dùng Facebook “thích” nội dung do bạn bè đăng tải ít nhất một lần trong ngày, và 29% làm thế nhiều lần mỗi ngày.

Vậy điều gì khiến ta thích hay không thích một bài đăng, hình ảnh hay trang nào đó? Có phương pháp nào cho việc “thích” không? Đây là một vài lý do vì sao ta “thích”:

1. Vì nó thể hiện sự tán đồng một cách nhanh chóng và dễ dàng

Có lẽ cách dễ nhất để biết việc “thích” có ý nghĩa thế nào với ta chính là ngừng sử dụng nó. Elan Morgan đã làm thế trong một cuộc thí nghiệm kéo dài 2 tuần mà cô ghi chép lại trên Medium. Dưới đây là những gì cô khám phá được:

“‘Thích’ chính là sự tán đồng không lời trong một môi trường mạng xã hội ồn ào. Nó là cách dễ nhất để nói ‘có’, ‘tôi đồng ý’, và ‘tôi cũng vậy’. Thật ra tôi thấy chút tội lỗi khi không ‘thích’ một vài cập nhật, cứ như nó cho thấy tôi không tán thành hoặc không đáp lại tình cảm của đối phương. Tôi cảm thấy như thể khả năng giao tiếp của mình bị cản trở theo cách nào đó. Qua nhiều năm, chức năng Thích đã giúp tôi tiết kiệm được rất nhiều lần gõ bình luận mà nếu viết ra thì đến giờ có lẽ tôi đã sáng tác được bộ tiểu thuyết dài cỡ quyển ‘Chiến tranh và Hòa bình’ rồi”.

2. Vì ta muốn khẳng định một điều gì đó về bản thân

Một yếu tố của Facebook mà có thể ta không nhận ra chính là tần suất ta Thích để khẳng định một điều gì đó về bản thân. Trong một nghiên cứu trên hơn 58 ngàn người để các hoạt động “Thích” ở chế độ “công khai”, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những lần “Thích” có thể dự đoán nhiều đặc điểm tính cách mà người dùng không tiết lộ:

“Khi đưa số lần ‘thích’ của mọi người vào một thuật toán, thông tin ẩn trong các danh sách những nội dung yêu thích đã dự đoán liệu một người là người da trắng hay người Mỹ gốc Phi với độ chính xác 95%, liệu họ có phải là đồng tính nam không với độ chính xác 88%, và thậm chí xác định là một người thuộc Đảng Dân chủ hay Đảng Cộng hòa chính xác đến 85%. Xu hướng ‘thích’ dự đoán giới tính chính xác đến 93%, và tuổi tác là 75%”.

3. Vì ta muốn thể hiện sự đồng cảm qua mạng

Và đôi khi ta “thích” để thể hiện sự đồng tình với một người bạn hoặc người quen và cách nghĩ của họ. Mạng xã hội có thể là một cách tìm kiếm “sự đồng cảm qua mạng” – và sự đồng cảm đó có thể có những ý nghĩa của thế giới thực.

Một nghiên cứu đăng trên Psychology Today chỉ ra rằng, việc dành nhiều thời gian hơn để sử dụng các mạng xã hội và tham gia vào các cuộc trò chuyện trực tuyến cho thấy khả năng đồng cảm qua mạng cao hơn và khả năng này cũng khá đúng với khả năng thể hiện sự đồng cảm trong thế giới thực.

4. Vì ta sẽ nhận lại được một điều gì đó

Lý do liên quan đến cách ta chọn thích các nhãn hiệu và công ty thì đơn giản hơn một chút. Một nghiên cứu của Syncapse khám phá ra rằng đa số mọi người dường như đưa ra quyết định này dựa trên các lý do thực tiễn, như muốn nhận các ưu đãi và tin tức thường xuyên từ các công ty mình thích.

Bài học về marketing: “Thích” là loại tiền đồng trong hệ thống tiền tệ của mạng xã hội – cứ tiêu xài thoải mái nếu bạn thích, nhưng đừng trông đợi mình sẽ nhận lại được nhiều.

Vì sao chúng ta bình luận?

Câu trả lời có vẻ khá hiển nhiên – ta bình luận khi ta có điều cần nói.

Một điều thú vị về việc nhận bình luận là cách não ta phản ứng lại các bình luận đó so với các lượt “thích”. Moira Burke, hiện đang nghiên cứu 1.200 người dùng Facebook trong một thí nghiệm đã phát hiện ra rằng các tin nhắn cá nhân mang lại cảm giác hài lòng hơn cho người nhận so với “một cú click chuột”. Cô gọi đó là “cách giao tiếp qua biên soạn”:

“Những người nhận được bình luận/tin nhắn thấy ít cô đơn hơn, trong khi những người chỉ nhận được ‘cú click chuột’ không trải qua sự thay đổi nào về cảm giác cô đơn”.

Elan Morgan, người thực hiện cuộc thí nghiệm không bấm Thích trong 2 tuần, đã phát hiện ra một lợi ích nữa của việc ưu tiên bình luận hơn “Thích” – nó tác động hiệu quả đến thuật toán của Facebook nhằm giúp sàng lọc nội dung cô muốn xem.

“Bây giờ khi tôi bình luận nhiều hơn trên Facebook và không bấm Thích nữa, trang tin tức của tôi thưa hơn và mang tính đối thoại hơn”.

Bài học về marketing: Bình luận là một công cụ thúc đẩy cảm xúc hiệu quả. Hãy tận dụng sức mạnh của nó bằng cách thường xuyên tham gia cộng đồng Facebook của bạn và trả lời bình luận của người theo dõi để duy trì cuộc đối thoại.

Vì sao chúng ta đăng thông tin?

Một nghiên cứu của Pew cho thấy dù người dùng “thích” nội dung của bạn bè và bình luận hình ảnh tương đối thường xuyên, nhưng hầu hết lại không thay đổi trạng thái thường xuyên đến thế.

10% người dùng Facebook thay đổi hoặc cập nhật trạng thái Facebook của mình hàng ngày.

4% cập nhật trạng thái vài lần mỗi ngày.

25% cho biết họ chưa bao giờ thay đổi hay cập nhật trạng thái Facebook của mình.

Điều này cũng hợp lý khi xét rằng nghiên cứu đó cũng đã chỉ ra việc “tiết lộ thông tin quá mức” là một trong những phiền toái lớn nhất của Facebook đối với người dùng.

Vậy thì tại sao nhiều người trong chúng ta dành thời gian để cập nhật trạng thái trên Facebook? Động lực của họ là gì, và họ hy vọng nhận được gì từ nó? Sau đây là lý luận khoa học giải thích cho việc đăng bài trên Facebook:

1. Vì việc đăng bài khiến chúng ta cảm thấy được kết nối

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Arizona đã quan sát một nhóm sinh viên và theo dõi các “mức độ cô đơn” của họ khi họ cập nhật trạng thái Facebook. Nghiên cứu phát hiện ra khi các sinh viên cập nhật trạng thái thường xuyên hơn, họ thể hiện các mức độ cô đơn thấp hơn.

Điều này vẫn đúng kể cả khi không ai thích hay bình luận trên bài đăng của họ. Nhà nghiên cứu liên kết sự giảm mức độ cô đơn với sự tăng cảm giác kết nối xã hội.

Mặt khác, khi mọi người thấy các trạng thái trên mạng xã hội của mình không thu hút được nhiều sự quan tâm như của bạn bè mình, họ có thể bắt đầu cảm thấy lạc lõng.

2. Điều gì ngăn chúng ta không đăng bài? Một nghiên cứu về sự tự kiểm duyệt

Giờ ta đã biết lý do ta đăng bài, nhưng còn những khi ta không đăng bài thì sao? Các nhà nghiên cứu tại Facebook thực hiện một nghiên cứu về sự tự kiểm duyệt (tức là viết bài nhưng không bao giờ đăng lên).

Trong 17 ngày, họ theo dõi hoạt động của 3,9 triệu người dùng và thấy 71% số người dùng gõ ít nhất một trạng thái hoặc bình luận mà họ quyết định không đăng lên. Trung bình, người dùng thay đổi ý định trong việc đăng 4,52 trạng thái và 3,2 bình luận.

Các nhà nghiên cứu đặt giả thiết rằng mọi người có khả năng sẽ tự kiểm duyệt cao hơn khi họ cảm thấy khó xác định được người đọc bài viết/bình luận của mình là ai. Người dùng trên Facebook có xu hướng khá đa dạng, điều này khiến những gì ta viết ra khó lòng thu hút được tất cả. Người dùng sẽ ít kiểm duyệt bài viết/bình luận của họ hơn khi đối tượng đọc những bài viết/bình luận này cụ thể hơn.

Bài học về marketing: Mọi người tham gia nhiều nhất trên Facebook khi họ cảm thấy nối kết với nhau và được người đọc thấu hiểu. Nếu họ nghĩ mình sẽ nhận được một phản hồi thì họ lại càng thích thú. Bạn có thể tạo được các điều kiện như thế trên trang Facebook của công ty mình không?

Vì sao chúng ta chia sẻ: Hướng dẫn giúp nội dung dễ được chia sẻ hơn

Vài năm trước tờ New York Times đã thực hiện một nghiên cứu hay tuyệt về nguyên nhân khiến chúng ta chia sẻ, đến nay vẫn là một trong những nghiên cứu cung cấp nhiều thông tin nhất về chủ đề chia sẻ trên mạng xã hội. Nghiên cứu này xác định 5 yếu tố thúc đẩy chính của việc chia sẻ:

Chia sẻ các nội dung giá trị và mang tính giải trí. 49% số người trả lời rằng việc chia sẻ giúp họ thông báo đến người khác những sản phẩm mà họ quan tâm, có thể thay đổi suy nghĩ hoặc khuyến khích hàng động.

Thể hiện con người mình. 68% trả lời rằng họ chia sẻ để người khác biết rõ hơn về con người họ và những điều họ quan tâm.

Phát triển và nuôi dưỡng các mối quan hệ. 78% trả lời rằng họ chia sẻ thông tin trên mạng vì nó cho phép họ kết nối với những người mà nếu không làm vậy thì họ có thể không giữ liên lạc được.

Tự thỏa mãn mong muốn của mình. 69% nói rằng họ chia sẻ thông tin vì nó giúp họ cảm thấy gắn kết hơn với thế giới.

Nói lên những vấn đề mình quan tâm. 84% cho rằng đó là một cách hay để ủng hộ những điều hoặc những vấn đề họ quan tâm.

Một điều nữa về những gì được chia sẻ: Nội dung có khả năng chia sẻ cao có khuynh hướng kích thích cảm xúc mạnh, như buồn cười, sợ hãi hay tức giận, trái với cảm xúc nhẹ nhàng hơn như buồn hoặc vui.

Bài học về marketing: Muốn nội dung thu hút lượt chia sẻ cao, hãy “đánh” vào một trong những thôi thúc này.

Tạo ra nội dung thật sự có tính giải trí hoặc vô cùng hữu ích giúp người xem thu được lợi ích bằng cách cảm thấy mình có vẻ ngoài thông minh, ngầu hoặc “hiểu biết nhiều”.

Tạo ra nội dung giúp người xem chia sẻ về bản thân nhiều hơn với người khác. Bạn có thể sử dụng thương hiệu/trang Facebook của mình như một nơi tập hợp những con người có cùng điểm chung hoặc đơn giản là giúp họ chia sẻ một thông điệp thể hiện con người thật của họ.

Tạo ra nội dung giúp người xem kết nối với người khác và tương tác với nhau.

Chuyện gì xảy ra khi ta chỉ lặng lẽ theo dõi mà không tham gia?

Facebook có mặt tối nào không? Một vài trong số các nghiên cứu mà tôi tìm hiểu thể hiện sự lo ngại rằng Facebook có thể đang khiến chúng ta cô đơn hơn, cảm thấy bị cô lập hoặc ghen tị với mọi cuộc sống có-vẻ-hoàn-hảo mà ta nhìn thấy trong đó. Mặt tiêu cực này của Facebook dường như xuất hiện chủ yếu khi ta trở thành những người theo dõi thụ động và không tham gia vào các trải nghiệm.

Một nghiên cứu năm 2010 của Đại học Carnegie Mellon khám phá ra rằng khi mọi người hoạt động trên Facebook – đăng bài, gửi tin nhắn, “Thích”, … – thì những cảm xúc của họ về sự tương tác xã hội nói chung tăng lên, còn cảm giác cô đơn thì giảm xuống. Nhưng khi những người tham gia chỉ đơn thuần theo dõi một cách lặng lẽ, Facebook gây ra tác dụng ngược lại, tăng cảm giác cô đơn và bị cô lập.

Theo nhà nghiên cứu Moira Burke, việc lặng lẽ theo dõi trên Facebook có mối tương quan với sự gia tăng cảm giác phiền muộn. “Nếu hai phụ nữ, mỗi người trò chuyện với bạn bè họ trong cùng một khoảng thời gian, nhưng một trong hai dành nhiều thời gian hơn để đọc thông tin về bạn bè mình trên Facebook, thì người đó có khuynh hướng dễ trở nên phiền muộn hơn một chút,” Burke cho biết.

Theo UBRAND.COOL

Tags: ,