Nước Mỹ đối diện với ‘Vành đai và Con đường’ của Trung Quốc như thế nào?

Phản ứng của Mỹ trước ‘Vành đai và Con đường’ (BRI) vẫn liên tục thay đổi. Chính quyền Obama thiếu một quan điểm chặt chẽ về BRI. Cách tiếp cận từng phần của họ đối với việc thúc đẩy kết nối khu vực đã tạo thành một phản ứng thực tế – nếu không muốn nói là hạn chế. Chính quyền Trump đã bày tỏ những quan điểm rõ ràng hơn về BRI, bày tỏ lo ngại về tác động của nó đối với các tiêu chuẩn toàn cầu và khả năng thúc đẩy các lợi ích địa chính trị của Trung Quốc. Tuy nhiên, liệu Chính quyền Trump có biến những quan ngại này thành một cách tiếp cận có tính hệ thống đối với BRI hay không vẫn còn chưa chắc chắn.

Trích đăng bài viết của tác giả Daniel M. Kliman, chuyên viên nghiên cứu cao cấp của Chương trình An ninh Châu Á-Thái Bình Dương, Trung tâm An ninh Mỹ Mới (CNAS). Daniel M. Kliman nguyên là Cố vấn Cao cấp cho Chương trình Hội nhập Châu Á, Bộ Quốc phòng Mỹ. Manpreet S. Anand là giáo sư danh dự tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Cận Đông và Nam Á. Manpreet S. Anand nguyên là vụ trưởng phụ trách Nam Á thời chính quyền Obama. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả. Bài viết được đăng trên The Asan Forum.

Cách tiếp cận từng phần của Chính quyền Obama

Trong nhiệm kỳ của Obama tại Nhà Trắng, BRI chiếm một vị trí thứ yếu trong thứ bậc các vấn đề cấu thành nên chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc. Các vấn đề khác đã chi phối sự tập trung của Chính quyền Obama vào Bắc Kinh. Trên khía cạnh hợp tác, chính quyền này ưu tiên giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, thúc đẩy phát triển kinh tế toàn cầu, và đảm bảo sự hỗ trợ cho các biện pháp trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đối với Iran. Về mặt cạnh tranh, việc đối phó với hoạt động xây dựng và sau đó là quân sự hóa các tiền đồn trên đảo nhân tạo của Bắc Kinh ở Biển Đông đã thu hút sự chú ý của các quan chức cấp cao. Kết quả là, Chính quyền Obama chưa bao giờ chính thức hóa một quan điểm đối với BRI. Dù thế, cam kết của họ trong việc tăng cường kết nối khu vực – như được thể hiện qua nhiều sáng kiến trên khắp Trung Á, Nam Á và Đông Nam Á – và nỗ lực thúc đẩy đầu tư của Mỹ trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã đóng vai trò như một phản ứng thực tế.

Sáng kiến Con đường tơ lụa mới được cho là nỗ lực kết nối đặc trưng của Chính quyền Obama, nhưng với quy mô địa lý khiêm tốn hơn nhiều so với BRI. Quả thực, Sáng kiến Con đường tơ lụa mới được đưa ra trước BRI, và bắt đầu chủ yếu như một nỗ lực nhằm ổn định Afghanistan bằng cách hợp nhất nước này về mặt kinh tế vào khu vực xung quanh thông qua việc tái thiết các kết nối cơ sở hạ tầng vận tải và năng lượng. Trong chừng mức mà Con đường tơ lụa mới có liên quan đến Trung Quốc, đó là một cơ hội cho hợp tác. Công bố sáng kiến này vào năm 2011, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã kêu gọi Trung Quốc bắt tay cùng Mỹ và Ấn Độ để “tạo ra một con đường tơ lụa mới. Không phải một con đường duy nhất như con đường trùng tên trong lịch sử, mà là một chuỗi và mạng lưới quốc tế bao gồm các kết nối kinh tế và quá cảnh”.

Cuối cùng, Sáng kiến Con đường tơ lụa mới đã không thể kích thích nền kinh tế của Afghanistan, và sự quan tâm của Chính quyền Obama trong nỗ lực này đã suy giảm. Sự tập trung của họ ngày càng chuyển sang Nam Á và Đông Nam Á. Lần này, bên cạnh việc theo đuổi các phương án kết nối có thể thúc đẩy sự thịnh vượng và hòa hợp trong khu vực, có một nhận thức rõ ràng về sự cần thiết phải cạnh tranh với tầm ảnh hưởng đang mở rộng của Trung Quốc về kinh tế, bao gồm cả các tác động tiềm tàng của BRI.

Nhận thức này đã củng cố một số sáng kiến mới. Nổi bật nhất là TPP, sáng kiến mà Chính quyền Obama coi như một công cụ quản lý kinh tế mạnh mẽ có thể mở ra các thị trường cho Mỹ trong khi nâng cao các tiêu chuẩn thương mại, lao động và môi trường trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Obama và êkíp chính sách đối ngoại của ông cũng làm rõ nguyên nhân căn bản về địa chính trị: mở rộng tầm ảnh hưởng kinh tế của Mỹ ở châu Á vào thời điểm các mối quan hệ thương mại và đầu tư của Trung Quốc đang ngày càng kéo các nước vào quỹ đạo của họ.

Một số sáng kiến kết nối chủ chốt phần lớn liên quan đến khu vực Đông Nam Á. Năm 2013, Chính quyền Obama đã đưa ra Sáng kiến kết nối Mỹ-ASEAN thông qua thương mại và đầu tư (USACTI). Là một dự án kết hợp giữa Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID) và Bộ Ngoại giao Mỹ, USACTI tìm cách giảm bớt các rào cản đối với hội nhập kinh tế của ASEAN trong khi thúc đẩy các ngành công nghiệp mới và trao quyền cho các bên tham gia kinh doanh phi truyền thống. Tháng 8/2015, Chính quyền Obama đã khởi động sự kiện “Chặng đường đổi mới của Mỹ” cho châu Á, với trọng tâm ban đầu là ASEAN. Sự kiện này có sự tham gia của các quan chức kinh tế và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ, nhằm mục đích vừa thể hiện sự ưu tú của Mỹ trong quá trình đổi mới vừa cổ vũ các doanh nghiệp châu Á.

Trong một nỗ lực nhằm kết nối khu vực Nam Á giàu cơ hội với khu vực phía Đông, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đưa ra một sáng kiến kết nối với tên gọi Hành lang kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEC). IPEC tập trung vào 4 mục tiêu chính cho khu vực: tạo ra các liên kết năng lượng mới trong khu vực; cải thiện các hành lang thương mại và vận tải; tinh giản thủ tục hải quan và các vấn đề đi lại qua biên giới; đưa các doanh nghiệp và doanh nhân trong toàn khu vực xích lại gần nhau. Nổi lên song song với BRI, mặc dù không nhằm cạnh tranh với nó, IPEC chưa bao giờ nhận được khoản phân phối kinh phí đáng kể.

Khi Chính quyền Obama gần đi đến kết thúc, mặc dù thiếu một quan điểm chính thức về BRI, Mỹ vẫn thông qua một cách tiếp cận phần nào mang tính cạnh tranh. Tuy nhiên, tính chất đặc biệt của phản ứng của Mỹ cùng với việc Quốc hội không thể phê chuẩn TPP và ứng viên tổng thống từ 2 đảng lớn đều phản đối hiệp định này đã khiến Mỹ trở thành một bên tham gia thứ yếu khi Trung Quốc hành động để biến BRI từ một tầm nhìn trở thành hiện thực.

Sự tập trung ngày càng tăng của Chính quyền Trump

Mặc dù Chính quyền Trump vẫn chưa tiết lộ một cách ứng phó có hệ thống đối với BRI, họ đã làm rõ rằng trong những năm tới, BRI sẽ chiếm một vị trí tương đối nổi bật trong chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc trên khía cạnh cạnh tranh của mối quan hệ này – mặc dù không phải hoàn toàn, như được minh họa bằng sự hiện diện chính thức của Mỹ tại Diễn đàn “Vành đai và Con đường” mới đây nhất của Trung Quốc.

Không giống như những người tiền nhiệm thời Obama của họ, các quan chức cấp cao của Chính quyền Trump đã công khai nói về BRI. Trong phiên điều trần trước Quốc hội, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã thẳng thắn nhận xét: “Trong một thế giới toàn cầu hóa, có nhiều vành đai và nhiều con đường, và không quốc gia nào có thể tự cho mình quyền tuyên bố về ‘một vành đai, một con đường’”. Phát biểu tại Diễn đàn quỹ Hội đồng Đại Tây Dương-Hàn Quốc năm 2017, Ngoại trưởng Mỹ Tillerson đã công khai chỉ trích BRI: “Sự phát triển kinh tế của Trung Quốc, theo quan điểm của chúng tôi, cần diễn ra trong hệ thống các quy tắc và chuẩn mực quốc tế, và ‘Một vành đai, một con đường’ dường như muốn xác định các quy tắc và chuẩn mực của riêng nó”. Trump vẫn chưa trực tiếp đề cập đến BRI trong các bình luận công khai. Tuy nhiên, trong bài phát biểu của ông tại Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC vào tháng 11/2017, ông đã đưa ra một lời chỉ trích úp mở, kêu gọi các phương án thay thế cho “những sáng kiến do nhà nước điều hành đi kèm với rất nhiều ràng buộc”.

Sự hoài nghi phổ biến bên trong Chính quyền Trump về các ý định của Bắc Kinh cùng với những lo ngại về hệ quả lâu dài của BRI có thể lý giải cho việc vị trí của nó đã được nâng cao trong chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc. Về mặt kinh tế, những lo ngại này tập trung vào sự xói mòn của các tiêu chuẩn kinh tế toàn cầu, việc tạo ra một sân chơi không công bằng cho các công ty Mỹ hoạt động tại các khu vực lớn của vành đai Ấn Độ Dương và khu vực Âu-Á, và khoản nợ không bền vững mà các nước nhận đầu tư của BRI đang tích lũy. Về mặt địa chính trị, các mối lo ngại này tập trung vào khả năng Trung Quốc biến ảnh hưởng đòn bẩy về tài chính của họ thành các quan hệ ngoại giao không công bằng vĩnh viễn mà, cùng với cơ sở hạ tầng lưỡng dụng do BRI tạo ra, đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự mở rộng quân sự của Trung Quốc ở nước ngoài. Không có chính quyền nào “vững như bàn thạch”, nhưng cảm nhận chung là BRI có tiềm năng biến phần lớn của thế giới thành một phạm vi lấy Trung Quốc làm trung tâm.

Chính quyền Trump đã bắt đầu hành động theo các mối lo ngại này. Trump đã tuyên bố tại Diễn đàn doanh nghiệp APEC rằng Mỹ sẽ cải tổ lại các thể chế tài chính dành cho phát triển của nước này để tạo động lực mới cho đầu tư vào khu vực tư nhân. Ông cũng kêu gọi các thể chế tài chính quốc tế (IFI) dành nguồn lực lớn hơn nữa cho các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn. Tuy nhiên, ngay cả nếu các IFI đi theo hướng này, thay đổi cũng sẽ xảy ra chậm do sự trì trệ mang tính tổ chức; và phần lớn sẽ không chấp nhận trở thành công cụ cho Mỹ cạnh tranh với BRI, thay vào đó họ muốn hợp tác với Trung Quốc để định hình sáng kiến này từ bên trong.

Khía cạnh hứa hẹn nhất trong phản ứng đang gia tăng của Chính quyền Trump đối với BRI là sự hợp tác ngày càng tăng với các đồng minh và đối tác. Trong suốt chuyến thăm của tổng thống tới châu Á hồi tháng 11/2017, chính quyền của ông đã tuyên bố rằng Cơ quan đầu tư tư nhân nước ngoài của Mỹ (OPIC) sẽ hợp tác cùng các đối tác Nhật Bản để “mang lại các giải pháp thay thế chất lượng cao về đầu tư cơ sở hạ tầng Mỹ-Nhật trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”. BRI dường như cũng là một chủ đề thảo luận trong các cuộc họp cấp cao gần đây với Ấn Độ, cũng như các cuộc đàm phán 4 bên Mỹ-Nhật Bản-Úc-Ấn Độ, được gọi là Bộ tứ. Nhìn chung, Chính quyền Trump dường như có xu hướng phát triển một cách đối phó chiến lược mạnh mẽ đối với BRI. Thực tế, mặc dù không nhắc đích danh BRI, Chiến lược an ninh quốc gia của Chính quyền Trump thừa nhận một sự “cạnh tranh địa chính trị giữa tầm nhìn tự do và hà khắc về trật tự thế giới đang diễn ra ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”, nêu ra vai trò của Trung Quốc trong việc sử dụng các ưu đãi kinh tế và đầu tư cơ sở hạ tầng để theo đuổi các tham vọng địa chính trị của họ. Tuy nhiên, liệu Chính quyền Trump có thể thực hiện đầy đủ một cách ứng phó với BRI hay không vẫn còn chưa chắc chắn, nhất là trong bối cảnh các ưu tiên ngân sách của họ và khuynh hướng chống lại các tổ chức đa phương.

Theo NGHIÊN CỨU BIỂN ĐÔNG

Tags: , , ,