Nỗi lo phía sau một kỷ lục của du lịch Việt Nam

Việt Nam năm nay lập kỷ lục lượng khách quốc tế. Tính đến hết tháng 8, gần 8,5 triệu lượt khách tới Việt Nam, tăng gần 30% so với cùng kỳ 2016.

Đằng sau sự tăng trưởng liên tục của du lịch Việt Nam là những gương mặt tươi sáng; như bà Đinh Thị Anh, chủ chuỗi hàng hải sản Bé Anh ở Đà Nẵng.

Xuất thân trong một gia đình làm nông ở quận Sơn Trà, nhà đông anh em, học đến lớp 7, chị Anh phải bỏ ngang, đi ở đợ rồi vào làm công nhân bóc vỏ tôm. Đến khi lập gia đình, đồng lương công nhân vài trăm nghìn đồng mỗi tháng vẫn không giúp chị Anh đủ nuôi con.

20 năm trước, khi Đà Nẵng chưa tách khỏi tỉnh Quảng Nam, nếu so sánh thì kinh phí được cấp chỉ bằng một công ty vệ sinh ở Hải Phòng, dù cùng là thành phố cảng. Những bãi biển hoang vắng, sông Hàn nhếch nhác với cảnh nhà chồ. Chênh lệch mức sống rõ rệt giữa những cư dân ở hai bên sông Hàn. Thành phố có nhiều nơi “5 không”: không điện, không nước sạch, không nhà vệ sinh, trẻ không có giấy khai sinh và không được đi học.

Bước ngoặt đầu tiên của đời chị Anh là khi thành phố mở đường Phạm Văn Đồng – con đường nối từ cầu quay sông Hàn ra biển. Chị quyết định nghỉ việc, đẩy xe ra vỉa hè đường Phạm Văn Đồng bán nước mía và ốc hút.

Bước ngoặt thứ hai là sau Lễ hội pháo hoa đầu tiên tại Đà Nẵng năm 2008, khi chị quyết định rằng mình sẽ phải thuê một mảnh đất mở quán bán hải sản.

Bây giờ, chị Anh đang sở hữu hai nhà hàng hải sản, với 170 nhân viên thường phải “bỏ dép chạy chân đất mới kịp phục vụ khách” vào mùa cao điểm du lịch. Đà Nẵng cũng đã thay đổi, một phần lớn nhờ ngành xuất khẩu tại chỗ – du lịch. Ven biển bây giờ là những đại lộ nối liền từ bán đảo Sơn Trà đến Quảng Nam. Người dân nếu như trước đây sợ làm nhà ở ven biển vì lo bão gió, thì giờ những vệt đất này là đất vàng, đất kim cương, resort, khách sạn cao tầng, nhà hàng mọc lên như nấm.

Nếu như Đà Nẵng là ảnh chiếu tiêu biểu cho bức tranh du lịch khởi sắc của Việt Nam, thì bà chủ Bé Anh là một ảnh chiếu tiêu biểu cho bức tranh du lịch của Đà Nẵng.

Bây giờ, cô công nhân bóc vỏ tôm ngày nào đã trở thành bà chủ. Nhưng bây giờ, chị cũng bắt đầu đối mặt với những bài toán quản trị. Khách đông, nhân viên tính tiền nhầm. Chị đã đứng ra nhận lỗi, thậm chí không lấy tiền. Nhưng khi những thông tin được tung lên mạng, cụm từ “chặt chém” được nhiều người nói với nhau. Chủ quán không thể phân bua.

Bài toán “tăng trưởng nóng” của một thành phố tất nhiên lớn gấp hàng nghìn lần một quán hải sản.

Hạ tầng ở Đà Nẵng đang đối mặt với nhiều bất cập. Những tuyến đường khu vực trung tâm hay giờ cao điểm ở ven biển thường xuyên bị ách tắc, nhưng hàng trăm bãi giữ xe đang nằm trên giấy. Hàng chục cống thu gom nước thải đang xả ra biển khi trời mưa, gây ô nhiễm. Người dân đang phàn nàn dù trước mặt là biển, nhưng đất bán cho doanh nghiệp làm khu nghỉ dưỡng bị bịt kín, không có lối đi cho dân…

Thành phố đã thành lập Tổ phản ứng nhanh để xử lý các vấn đề về du lịch. Nhưng đây là lực lượng chỉ có thể xử lý tức thời những tình huống phát sinh. Nó không phải giải pháp căn cơ về chính sách.

Bức ảnh một góc bán đảo Sơn Trà xấu xí khi bị đào bới nham nhở, do một người dân chia sẻ lên mạng xã hội đã làm “lộ” ra 40 móng biệt thự xây dựng không phép, hàng chục nghìn người dân lo lắng bán đảo độc nhất vô nhị sẽ bị bê tông hóa, và Chính phủ phải vào cuộc thanh tra toàn diện các dự án trên bán đảo này.

Bài toán tăng trưởng của một quốc gia, tất nhiên cũng lớn hơn hàng chục lần một thành phố.

Những cánh rừng phòng hộ được chặt để làm resort; những “tour du lịch 0 đồng”; những thị trấn từng nguyên sơ nay ngổn ngang lồi lõm thành một đại công trường; bức tranh du lịch Việt Nam ngoài những gương mặt sáng rỡ vì đổi đời, rất dễ tìm thấy những mặt trái của tăng trưởng nóng.

Chị Anh kể rằng để mở được quán hải sản đầu tiên, chị không biết thuê đất ra sao, bèn nghĩ ra một kế: chị tìm một mảnh đất mặt đường rồi “nhảy dù” vô mở quán. Chủ đất lúc đó mới bức xúc xuất hiện; rồi sau khi thương thảo, chị thuê được luôn mảnh đất đó.

Làm ăn kiểu “nhảy dù”, lấy kết quả trước tính kế hoạch sau, từng một thời là phương pháp tạo ra đột phá cho du lịch Việt Nam, cứ phân lô bán nền là có khách sạn, nhà hàng, cứ có khách sạn nhà hàng là kéo được khách du lịch tới, cho dù có quy hoạch gập ghềnh, chất lượng nhấp nhô.

40 cái móng biệt thự không phép hay là một cánh rừng phòng hộ bị chặt để xây resort là một kiểu “nhảy dù” ở quy mô lớn hơn. Nhưng tầm của những cuộc “nhảy dù” đó thậm chí không cùng tầm với bà chủ quán nhậu: khi nhảy dù, chị còn nghĩ tới việc thương lượng với chủ đất để thuê lại nó với giá chấp nhận được. Chị vẫn phải tôn trọng pháp luật.

Tài nguyên đất và tài nguyên cảnh quan vẫn còn, nên nếu tiếp tục “nhảy dù” lên rừng núi, lên biển đảo thì chúng ta vẫn sẽ tăng trưởng. Chỉ có điều, những tài nguyên hữu hạn đó khi đã mất đi, không tái tạo được hoặc sẽ mất hàng trăm năm.

Hy vọng những người giữ quyền “phân lô bán nền” trong tay hiểu được rằng đằng sau mức tăng trưởng kỷ lục là một đòi hỏi bức thiết về làm hạ tầng du lịch bài bản, chứ không phải khuyến khích tăng trưởng theo cách cũ.

Theo NGUYỄN ĐÔNG /  VNEXPRESS

Tags: , ,