Những tác phẩm văn học nói về con người khi cách ly, xa rời xã hội

Dù là chủ động hay bắt buộc phải sống xa cách xã hội hiện đại, những nhân vật trong các cuốn sách dưới đây đã tìm cách thích nghi hoặc cố gắng vượt qua nghịch cảnh của mình.

Robinson Crusoe (tác giả Daniel Defoe) là cuốn sách kinh điển thế giới, kể về nhân vật Robinson Crusoe sau một lần bị đắm tàu đã dạt vào đảo hoang và sống trên đó suốt 28 năm. Bằng nghị lực và lòng dũng cảm, anh đương đầu với thổ dân ăn thịt người, tìm lương thực bằng cách bắn chim, săn thú, câu cá, rồi tạo dựng nền văn minh của riêng mình: Đóng bàn, làm ghế, trồng lúa, may áo, làm gốm, chăn dê… Robinson luôn sống lạc quan với niềm vui thú sáng tạo và trải nghiệm vì với anh mỗi ngày trôi qua đều là một cuộc phiêu lưu mới cho đến khi anh có cơ hội trở về quê hương sau gần ba thập kỷ xa rời con người hiện đại.

Nam tước trên cây (tác giả Italo Calvino) kể về một vị nam tước trẻ tuổi Cosimo, từ khi lên 10 tuổi đã quyết định chỉ sống trên cây không đặt chân xuống mặt đất để phản đối gia đình. Và cậu thực sự đã sống trên cây cả đời nhưng không hề nhàm chán, mà ngược lại còn học được thêm nhiều điều về thiên nhiên và trở thành một nhà bác học nhưng vẫn giữ được tính chất quý tộc của mình. Chính Italo Calvino cũng từng miêu tả về Cosimo là “nhân vật sống cả đời trên cây, một cuộc đời không hề đơn điệu, thật vậy: Sôi nổi phiêu lưu; không hề ẩn dật, song luôn duy trì một khoảng cách giữa mình và đồng loại: tối thiểu mà không thể vi phạm”.

Trạm tín hiệu số 23 (tác giả Hugh Howey) là cuốn sách khoa học viễn tưởng kể về một người lính làm nhiệm vụ canh gác trên một trạm tín hiệu ngoài vũ trụ để giúp các con tàu không gian tránh va phải các vành đai tiểu hành tinh hay những hòn đá vô duyên trôi nổi trên khoảng không. Người trạm viên tại trạm số 23 ấy ngày ngày giải trí bằng cách ngắm một bức ảnh dưới Trái Đất, quan sát đốm sáng nhấp nháy của trạm tín hiệu bên cạnh cách xa hàng trăm cây số. Cuốn sách là kết hợp của những cảnh chiến tranh đầy binh lửa, của những cuộc trò chuyện độc thoại và cuộc gặp gỡ với thợ săn tiền thưởng giữa vũ trụ bao la đen thẳm.

Vào trong hoang dã (tác giả Jon Krakauer) là cuốn tự truyện ghi lại cuộc hành trình của chàng trai trẻ Christopher McCandless (hay Alexander Supertramp như anh tự gọi mình) để bước vào trong miền hoang dã. Từ bỏ cuộc sống sung túc, công việc ổn định, anh bắt xe rồi đơn độc cuốc bộ tới vùng hoang dã Bắc Mỹ, nơi Alaska đầy tuyết trắng để trải nghiệm cuộc sống phi thường một mình ngoài thiên nhiên.

Mr. Cà Vạt (tác giả Milena Michiko Flasar) kể lại câu chuyện của một chàng thanh niên 20 tuổi Taguchi Hiro chọn cách sống trở thành một hikikomori – một ẩn sĩ đô thị, không bước chân ra khỏi nhà trong suốt 2 năm vì căm ghét cuộc sống trưởng thành. Bỏ mặc người bạn ấu thơ bị bắt nạt, cậu bạn thân bị xe tông, cậu chạy trốn khỏi thực tại bằng cách ở yên trong phòng. Mọi chuyện chỉ bắt đầu thay đổi khi Hiro một lần bước ra ngoài, ngồi trên ghế băng công viên cả ngày để quan sát thế giới xung quanh, và làm quen được với chú Cà Vạt, một nhân viên văn phòng thất nghiệp đã giúp cậu hiểu về những lựa chọn tương lai phía trước.

Mạnh hơn cái chết (tác giả Collen Oakley) kể về một cô nàng Jubilee Jenkins sống ẩn dật suốt 9 năm, không đi xa hơn cánh cửa nhà bởi cô mắc một tình trạng hi hữu: Bị dị ứng khi chạm vào người khác, cô có thể nổi mẩn ngứa, hoặc thậm chí sốc phản vệ tới chết nếu như bị chạm vào. Một điểm lợi của việc sống xa cách xã hội là cô không bao giờ phải quan tâm đến thời tiết hay nói chuyện phiếm với hàng xóm. Nhưng mọi nguồn lực như tiền bạc dần cạn kiệt khiến Jubilee quyết định ra khỏi nhà để tìm kiếm một khởi đầu mới, với bộ quần áo dài che kín người và đôi tay luôn luôn xỏ găng. Cuốn sách cũng nhắc tới Emily Dickinson, một nhà thơ Mỹ nổi tiếng né tránh xã hội và coi đó là niềm vui của sự tự do.

Người về từ sao Hỏa (tác giả Andy Weir) là cuốn sách khoa học viễn tưởng kể về phi hành gia Mark Watney vô tình bị bỏ rơi lại trên sao Hỏa, phải chạy đua với thời gian và các yếu tố khắc nghiệt nơi đây để sống sót. Trong suốt thời gian tìm cách liên lạc với Trái Đất để trở về nhà, Mark đã tự “chiếm” lấy sao Hỏa thành thuộc địa riêng của mình, trồng khoai tây để lấy lương thực, ghi lại nhật ký hành trình, sửa chữa những chiếc máy cũ bị bỏ lại và lạc quan vào tương lai phía trước.

Hành vi phi logic (tác giả John Corey Whaley) là câu chuyện về Solomon Reed, anh chàng mắc chứng sợ đám đông, chưa từng ra khỏi nhà suốt 3 năm liền, luôn nghĩ mình sẽ ở trong nhà suốt đời. Cuộc sống mỗi ngày của cậu chỉ xoay quanh việc tự học ở nhà, tiêu khiển bằng game và cày đi cày lại bộ phim kinh điển. Nhưng kể từ khi cô bạn Lisa xuất hiện và cương quyết kéo cậu ra ngoài ánh sáng mặt trời, Solomon đã hiểu được ý nghĩa của việc mình tồn tại trên đời: Ngay cả khi bạn quay lưng lại với thế giới, thế giới vẫn gọi bạn bằng những tín hiệu, và thôi thúc trong bạn niềm khát khao được sống.

Walden – Một mình sống trong rừng (tác giả Henry David Thoreau) là những ghi chép đầy chiêm nghiệm của tác giả về khoảng thời gian “hai năm hai tháng hai ngày” sống một mình trong rừng bên cạnh đầm nước Walden. Thoreau tự dựng lên một ngôi nhà và bằng sức lao động của mình, trồng trọt hoa màu để có lương thực sinh sống. Ông dành nhiều thời gian để quan sát và tận hưởng thiên nhiên cũng như suy nghĩ và ghi lại một phần nhỏ sự khám phá của ông trong kho tàng tri thức nhân loại.

Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN

Tags: ,