Nhìn lại trận lụt ‘Đại họa năm Thìn’ ở miền trung năm 1964

Cách đây 54 năm, một trận lụt lớn đã cướp đi 6.000 sinh mạng ở Quảng Nam vẫn là nỗi ám ảnh khôn nguôi đối với nhiều người.

Nhìn lại trận lụt ‘Đại họa năm Thìn’ ở miền trung năm 1964

Phố cổ Hội An trong trật lụt 1964.

Trận đại hồng thủy này được gọi là “đại họa năm Thìn” nó đã làm nhiều làng mạc dọc theo sông Thu Bồn và Vu Gia gần như bị xóa sổ. Huyện Nông Sơn, Quảng Nam là địa phương bị thiệt hại nặng nhất về người và của.

Bắt đầu là những trận mưa liên tục từ ngày 4 đến ngày 10/11/1964 dương lịch, vào ngày 7/11/1964 (5/10 Âm lịchl) nhật thực diễn ra, giữa trưa đứng ngoài trời đưa bàn tay trước mắt cũng không nhìn thấy. Mưa kéo dài không ngớt và nước lũ kéo về. Nước lũ chảy xiết, đổ xuống từ núi ầm ầm như thác, tàn phá những nơi nó đi qua. Nước mạnh đến nỗi xé toạc từng cụm, từng mảng núi, cuốn theo những tảng đá to như cái nhà. Cây cổ thụ nhiều người ôm cũng bị bật gốc trôi theo dòng nước lũ. Lũ dữ làm vùng hạ lưu mở thêm hai cửa biển và làm đổi cả dòng chảy của sông. Tỉnh Quảng Nam bị thiệt hại nặng nhất, xác người thiệt mạng và gia súc, gia cầm bị cuốn theo dòng nước về tận vùng biển, ùn ứ lại thành một bờ đê.

Cảnh ngộ cha nhìn thấy con, vợ nhìn thấy chồng, anh nhìn thấy em đuối sức thả tay chết trước mắt mà không cứu được hết sức bi thương. Nhiều gia đình, dòng họ cùng tránh lụt trên gác hay nóc nhà cầm chắc cái chết nên lấy dây gàu múc nước cột tay nhau với hy vọng không xác ai bị thất lạc. Khi nước rút ra, những người còn sống sót thân sơ thất sở vật vưởng đi tìm người thân và bắt gặp nhiều “dây xác” dính chùm với nhau như vậy.

Làng Đông An (xã Quế Phước, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam) là nơi hứng chịu tang thương nhiều nhất khi lũ đã cuốn trôi toàn bộ nhà cửa, san bằng làng mạc và đớn đau nhất là cuốn đi gần hết người trong làng, tổng cộng 1.481 người chết, chỉ sống sót được 19 người

Nhà thơ Tường Linh đã sáng tác bài thơ “Thảm nạn quê hương” đến tận bây giờ nhiều người vẫn còn thuộc lòng bài thơ này.

“Không còn gì nữa cả
Không còn gì nữa cả em ơi!
Một tháng quê hương không bóng mặt trời
Một tháng quê hương mưa gào gió thét
Đất Quảng thân yêu người người rên siết
Sáu mươi năm lại đến “họa năm Thìn”
Thảm nạn này biết thuở nào quên!
Biết thuở nào quên!
Một tối nước lên, nước tràn lên khủng khiếp
Cả ngàn người, cả vạn người không chạy kịp
Nước réo ầm ầm át tiếng kêu la
Chới với. Ngửa nghiêng. Người cuốn theo nhà
Nhà theo sóng. Người không thấy nữa
Nhìn con trôi, mắt cha máu ứa
Ngoi lên, tay vợ níu lưng chồng
Rồi hai người thành hai xác giữa mênh mông
Tấp vào bờ thây của người ông
Giữ xác cháu, hàm răng ghim áo cháu
Nhà có mười người, hết đường phấn đấu
Sợi dây dài vội vã thắt tay nhau
Cây nước tràn lên, cây nước phủ đầu
Một “dây xác” trôi về đâu, ai biết…
Còn bao cảnh não nùng, bi thiết
Nói không cùng, ghi chẳng hết em ơi!
Đất Quảng quê ta chết bốn ngàn người
Kể chung miền Trung còn hơn thế nữa!
Người sống sót không còn nhà cửa
Không áo cơm, khô cả lệ thông thường
Cắn vành môi nhìn lại một quê hương
Bỗng run sợ tưởng đây miền địa ngục
Quê hương ta: một hình hài ngã gục
Cà Tang ơi, Trung Phước, Đại Bình ơi!
Đông An, Bình Yên… nước xóa cả rồi
Đá núi lấp đồng, bùn sông lấp xóm
Mưa vẫn còn rây trên quê hương ảm đạm
Đồng hoang vu còn giữ những thây người
Những thây người! Không đếm hết, em ơi!
Em hãy ghi: Ngày mùng 6 tháng 10
Năm âm lịch Giáp Thìn, em nhé!
Ngày giỗ quê hương, dù bao thế hệ
Thảm nạn này biết thuở nào quên
Xót thương về, em hãy đốt hương lên!”

Trước khi thiên tai xảy ra, đã có những cảnh báo như:

Suốt từ mùa hè năm 1963 đến mùa hè năm 1964, cả tỉnh Quảng Nam không có một giọt mưa khiến người dân rơi vào cảnh khốn khổ, giếng khô cạn trơ đáy. Nước sông xuống thấp nhất chưa từng thấy. Cây cối hoa màu héo rũ. Ở Trung Phước (xã Quế Trung, huyện Nông Sơn) bàu sen chưa bao giờ bị cạn nước, nhưng mùa hè năm 1964, bàu cạn trơ đáy chỉ còn lại một vũng nước nhỏ, sen trong hồ chết khô vì thiếu nước. Nhiều người nói “sen tàn, làng mạt”. Hồ sen đó bây giờ vẫn còn nằm sát cạnh trụ sở UBND huyện Nông Sơn. Từ hạn hán năm 1963- 1964 đến nay thì sen ở đó không mọc được nữa. Hồ sen cũng chưa bị cạn đáy thêm lần nào.

Ngoài hạn hán vùng này còn xuất hiện nhiều điềm báo mà các cụ cao niên đã bàn tán là sẽ có lụt lớn. Những hiện tượng lạ xảy ra như:

– Loài ong vò vẽ có thói quen làm tổ ở những đám cỏ dại chưa quá bụng người. Nhưng vào năm đó thì chúng làm tổ cao quá đầu người mấy tấc.
– Trên núi Cà Tang, mang, nai đi lạc xuống làng phải tính đến hàng chục, bị dân làng vây bắt, giết thịt.
– Tháng 8 Âm lịch, măng vẫn còn mọc giữa bụi tre.

Nhà nào cũng chằng chống nhà cửa, đưa súc vật, của cải lên cao để tránh lụt. Vậy nhưng, chẳng ai ngờ trận lụt năm Thìn lại vượt quá xa sức tưởng tượng của con người.

Những nhân chứng sống sót trong trận đại hồng thủy năm xưa vẫn nhớ như in cơn cuồng nộ trăm năm có một đó…

Theo LÂM NGUYỄN / QUẢNG NAM QUÊ HƯƠNG TÔI

Tags: , ,