Nhìn lại ‘mùa Xuân’ đầu tiên của hội họa hiện đại Việt Nam

Đó là những danh họa, họa sĩ người Việt Nam của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Với tinh thần lãng mạn đến thơ mộng, trong cách nhìn về hiện thực của họ luôn để lại những ấn tượng hồn nhiên, tươi mới, nó giống như một khởi đầu của mùa Xuân, tươi vui, đầy sức sống. Tuy nhiên, ngoài những ảnh hưởng như một điều kiện khách quan thì về cách chọn đề tài và cách giải quyết vấn đề của một bức tranh có nhiều điểm khác.

Một sự khởi đầu tươi mới, đầy chất Xuân

Trước khi thành lập trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, họa sĩ Lê Văn Miến (1873-1943), với tác phẩm phái sinh Bình văn (khoảng 1898-1905), được vẽ phóng đại từ một bức ảnh chụp, có thể xem là tác phẩm sơn dầu và là người vẽ sơn dầu đầu tiên của Việt Nam. Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương cũng được lập ra từ tinh thần khai mở đó.

Ngay khoá 1 (1925-1930), trường này đã đào tạo được những họa sĩ tài danh như Nguyễn Phan Chánh, Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Lê Văn Đệ, George Khánh, Công Văn Trung. Ở triển lãm tại Paris năm 1931, Nguyễn Phan Chánh, Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Lê Văn Đệ đã tạo được ấn tượng mạnh mẽ. Điều này như báo hiệu một khởi đầu tươi mới, đầy chất Xuân và đầy sự thơ mộng.

Nhìn lại ‘mùa Xuân’ đầu tiên của hội họa hiện đại Việt Nam

Chú bé Việt Nam, tranh lụa của Lê Phổ.

Khuôn mẫu của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương là trường L’Ecole des Beaux Arts tại Paris, với kỹ thuật đặc sắc và lòng nhiệt thành của chủ nghĩa ấn tượng Pháp. Chính vì vậy, trong cái nhìn về hiện thực đời sống Việt Nam thời bấy giờ, các họa sĩ như Victor Tardieu, Joseph Inguimberty… rồi Marius Perret, Jean Commaille, Jean Launois, Jean Bouchaud, Alix Ayme, Paul Ducuing, Gustave Hierholtz, Paul Jouve, Andre Maire, Boullard-Deve, Louis Godefroy, Charles Fouqueray, Avariste Jonchere, Francois de Marliave, Gaston Roullet, Geo Michel, George Groslier… đều phủ một lớp lãng mạn mang tên ấn tượng. Trong sự hào hứng thời kỳ đầu của một nền hội họa và điêu khắc hiện đại, các họa sĩ vừa kể trên đều làm việc khá đều đặn, một số người vẽ rất nhiều, nhưng tiếc rằng đến nay tại Việt Nam không còn giữ được bao nhiêu tác phẩm.

Theo sách vở và một số cảm nhận của các họa sĩ lớn tuổi, tranh của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương là cách nhìn khác đi cái hiện thực trần trụi, nhiều đau khổ và nhiều mâu thuẫn thời bấy giờ. Còn theo ý kiến của một nhà sưu tập thì do tính kích thích sự học hỏi, tìm tòi của các sinh viên mỹ thuật, các họa sĩ người Tây cũng đã né tránh một vài chủ đề quan yếu, làm sao để chính họa sĩ có niềm tin và cảm hứng về một con đường hội họa nhiều mơ mộng. Hội họa dường như được quan niệm là phải vẽ thật khác đời sống. Chính họa sĩ Nam Sơn cũng được gửi sang Paris để học mỹ thuật một năm trước khi đi dạy, lúc bấy giờ hội họa Ấn tượng đang nở rộ tại Pháp và được phương Tây khá chào đón, ông cũng chịu ảnh hưởng rõ nét.

Sự mơ mộng và lãng mạn hóa hiện thực này kéo dài, mãi đến nạn đói năm 1945 vẫn thế, gần 3 triệu người chết nhưng gần như chỉ có một bức ký họa chân dung được vẽ, của một họa sĩ vô danh.

Thiếu nữ Huế, tranh của Mai Trung Thứ.

Học thầy Tây mà không giống Tây

Tinh thần của chủ nghĩa lãng mạn, và chủ nghĩa ấn tượng vẫn là cách “thi vị hóa” về các chủ đề của tác phẩm. Người thể hiện điều này khá xuyên suốt là danh họa Lê Phổ (1907-2001), gần như suốt thế kỷ 20, ông đã trung thành với chọn lựa này. Kế đến là Nguyễn Phan Chánh, Mai Trung Thứ, Tô Ngọc Vân… cũng thế. Nếu các họa sĩ người Tây vẽ thuộc địa còn bám víu vào các câu chuyện cụ thể để tạo ra ấn tượng, thì các họa sĩ vừa kể ở trên lại lãng mạn hóa một cách ấn tượng. Các nhân vật trong tranh của họ thường là phụ nữ và trẻ em, lúc nào cũng như đang ngày Tết, như ở vườn hoa, nên áo quần là lượt, tay chân sạch sẽ.

Trong cách nhìn sau này của Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Bùi Xuân Phái… và một vài người khác cũng thế, dù đề tài có nhiều thay đổi.

Chơi ô ăn quan, Nguyễn Phan Chánh, 1931.

Cách nhìn này chẳng có gì đáng phê phán cả, vì mỗi giai đoạn có một sự ưu tiên và chọn lựa khác nhau. Tuy nhiên, nếu cho rằng nghệ thuật luôn được sinh ra trong một văn cảnh cụ thể và luôn phản ánh văn cảnh đó một cách trực tiếp thì các họa sĩ Việt Nam thời kỳ đầu đã không ưu tiên cho điều này. Chúng ta có thể làm phép so sánh với các họa sĩ người Tây sống ở Việt Nam cùng thời, cũng dạy trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, dường như trong cách nhìn của các họa sĩ Việt Nam có điều gì đó “không thật”, hay đúng hơn, họ “thi vị hóa” hiện thực?!

Trong các tác phẩm của nhiều “học trò” trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, dù được học hội họa Tây khá bài bản, nhưng về mặt tạo hình và bố cục, người xem vẫn thấy phảng phất những nét chính của tranh khắc gỗ Nhật Bản, tranh màu nước của Trung Quốc. Dường như trong vấn đề tiếp thu cái mới từ phương Tây, họ cũng muốn “kháng cự” lại bằng những cái nhìn và hình ảnh “quen thuộc” hơn? “Học thầy Tây mà không giống Tây” – là một nhận xét khá xác đáng.

“Thiếu nữ bên hoa huệ”, Tô Ngọc Vân, 1943.

Tuy vậy, từ nhận xét này có thể giúp chúng ta rút ra mấy kết luận: Thứ nhất, các học trò đã nắm bắt các kỹ thuật và quan niệm của chủ nghĩa ấn tượng Pháp khá thuần thục, nhưng trong cách nghĩ và cách nhìn về đời sống của mình, họ lại khá thi vị, xem nghệ thuật như thứ chỉ để “làm đẹp” cuộc đời. Thứ hai, từ cách nghĩ “đẹp đẽ” này mà họ đã không bị ràng buộc vào bất kỳ điều gì để có thể tạo nên một tinh thần mới, một mùa Xuân trong hội họa Việt Nam thời kỳ đầu.

Theo VNA

Tags: ,