⠀
Nhận diện Tứ Sa – chiến thuật pháp lý mới của Trung Quốc ở Biển Đông
Lập luận Tứ Sa của Trung Quốc bao gồm những nội hàm gì, tại sao lại được đăng tải trên báo chí quốc tế và đưa đến những nhận định trái chiều?
Bài viết sẽ tập trung giới thiệu về nguồn gốc, nội hàm của Tứ Sa, đánh giá Tứ Sa dưới góc độ pháp luật quốc tế và tính toán chiến lược của Trung Quốc tại Biển Đông.
Bài viết của tác giả Nguyễn Thị Lan Anh, PGS, TS, Phó Viện trưởng Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao Việt Nam. Quan điểm trong bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả. Bài viết được đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế, Học viện Ngoại giao, Số 1 (112) Tháng 3/2018.
Tóm tắt
Tháng 9/2017, báo chí quốc tế đưa tin về lập luận có tên gọi “Tứ Sa” do Vụ trưởng Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế của Bộ Ngoại giao Trung Quốc tiết lộ. Lập luận Tứ Sa của Trung Quốc bao gồm những nội hàm gì, tại sao lại được đăng tải trên báo chí quốc tế và đưa đến những nhận định trái chiều? Bài viết sẽ tập trung giới thiệu về nguồn gốc, nội hàm của Tứ Sa, đánh giá Tứ Sa dưới góc độ pháp luật quốc tế và tính toán chiến lược của Trung Quốc tại Biển Đông.
Tháng 9/2017, báo chí quốc tế đưa tin về lập luận có tên gọi “Tứ Sa” do Vụ trưởng Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế của Bộ Ngoại giao Trung Quốc tiết lộ. Theo đó, Tứ Sa được thông báo là một trong các chủ đề của cuộc đối thoại song phương về luật biển giữa Bộ Ngoại giao Trung Quốc và Bộ Ngoại giao Mỹ vào tháng 8/2017. Quan chức Mỹ tham dự phiên đối thoại bày tỏ sự ngạc nhiên về chiến thuật mới của Trung Quốc nhằm kiểm soát Biển Đông và cho rằng nội dung này không được thảo luận trong đối thoại. Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối bình luận về các cuộc thảo luận ngoại giao và nhắc lại lập trường lâu năm của Mỹ rằng nước này không đứng về bên nào trong tranh chấp chủ quyền đối với các đảo tại Biển Đông. Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cũng nhấn mạnh rằng Mỹ có quan điểm rõ ràng và nhất quán rằng các yêu sách biển của tất cả các bên ở Biển Đông và trên thế giới cần được xác định phù hợp với luật biển quốc tế, theo quy định của Công ước Luật biển 1982 của Liên Hợp Quốc (UNCLOS). Lập luận Tứ Sa của Trung Quốc bao gồm những nội hàm gì, tại sao lại được đăng tải trên báo chí quốc tế với những nhận định trái chiều và dẫn tới phản ứng của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ như vậy? Bài viết sẽ tập trung giới thiệu về nguồn gốc, nội hàm của Tứ Sa, đánh giá Tứ Sa dưới góc độ pháp luật quốc tế và tính toán chiến lược của Trung Quốc tại Biển Đông.
Nguồn gốc và nội hàm Tứ Sa
Trung Quốc coi Tứ Sa gồm bốn nhóm đảo Đông Sa, Trung Sa, Tây Sa (tức Hoàng Sa, Trung Quốc đang chiếm giữ trái phép của Việt Nam) và Nam Sa (tức Trường Sa của Việt Nam).
Đông Sa có tên gọi quốc tế là Pratas, là nhóm đảo không có dân cư sinh sống, nằm cách Hồng Kong 211 hải lý về phía Nam và cách 240 hải lý về phía Tây Nam của Cao Hùng (Đài Loan). Đông Sa hiện do Đài Loan kiểm soát. Tại đó, Đài Loan đã xây dựng đường băng, cột mốc chủ quyền và công viên biển.
Trung Sa có tên gọi quốc tế là Macclesfield, là một nhóm bãi chìm, không bao gồm Hoàng Nham/Scarborough. Tuy nhiên, Trung Quốc cho rằng Hoàng Nham/Scarborough cũng thuộc Trung Sa.
Hoàng Sa là nhóm đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam. Sau khi kiểm soát nhóm đảo An Vĩnh thông qua hành động rải giáp quân Nhật sau Chiến tranh Thế giới lần thứ II, Đài Loan đã chuyển giao trái phép nhóm đảo này cho Trung Quốc vào năm 1956. Đồng thời, Trung Quốc tiếp tục dùng vũ lực bất hợp pháp chiếm đóng nhóm đảo Lưỡi Liềm vào năm 1974. Năm 1996, Trung Quốc tiếp tục vẽ đường cơ sở thẳng bất hợp pháp bao quanh toàn bộ các thực thể của Hoàng Sa.
Trường Sa là nhóm đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam. Trung Quốc đã sử dụng vũ lực bất hợp pháp, lần đầu tiên chiếm đóng một số cấu trúc tại Trường Sa năm 1988. Sau đó, năm 2013, Trung Quốc đã tiến hành cải tạo, xây dựng và quân sự hóa trái phép các cấu trúc này thành các đảo nhân tạo, có các cầu cảng, đường băng và lắp đặt các thiết bị, công trình quân sự trên tổng diện tích lên tới 3.200 hecta.
Việc nhóm các cấu trúc tại Biển Đông không phải là một lập luận mới, mà đã được Trung Quốc sử dụng trong Tuyên bố về chiều rộng lãnh hải năm 1958. Theo đó, sau khi xác định chiều rộng 12 hải lý với lãnh hải đất liền, Trung Quốc đã tuyên bố xác định lãnh hải 12 hải lý với các nhóm đảo ngoài khơi được ngăn cách với đất liền bởi biển cả, bao gồm bốn nhóm đảo như trên. Tuy nhiên, tại thời điểm này, ngoài việc nêu tên bốn nhóm đảo, Trung Quốc chưa xác định phạm vi cũng như chưa xác định đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải cho các nhóm đảo này.
Tháng 6/2012, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã tuyên bố sáp nhập Trung Sa, Hoàng Sa và Trường Sa vào thành phố Tam Sa nhằm củng cố việc quản lý và phát triển của Trung Quốc với ba nhóm đảo này và các vùng nước phụ cận có diện tích lên tới 2 triệu km2.5 Giới hạn cụ thể của vùng nước trực thuộc Tam Sa cũng chưa được Trung Quốc xác định rõ, nhưng nhiều khả năng Trung Quốc muốn ám chỉ vùng nước bên trong đường chín đoạn.
Như vậy, từ lâu Trung Quốc đã có những tính toán và tham vọng chiếm đóng toàn bộ các cấu trúc và vùng biển rộng lớn tại Biển Đông và lập luận Tứ Sa được tiếp tục đưa ra nhằm củng cố mục tiêu này. Ngoài ra, Tứ Sa cũng có thể được sử dụng để biện minh cho các yêu sách thiếu cơ sở pháp lý của Trung Quốc sau khi đã có các kết luận rõ ràng của phán quyết trọng tài trong vụ kiện giữa Phi-líp-pin và Trung Quốc vào năm 2016. Với mục tiêu đó, nội hàm của Tứ Sa gồm hai thành tố thể hiện yêu sách chủ quyền với các nhóm đảo và chủ quyền đối với vùng biển.
Ở góc độ yêu sách chủ quyền, thông qua Tứ Sa, Trung Quốc tái khẳng định yêu sách chủ quyền với bốn nhóm đảo Đông Sa, Trung Sa, Hoàng Sa và Trường Sa. Mặc dù tên gọi của các nhóm đảo này đã từng được Trung Quốc sử dụng nhưng phạm vi của từng nhóm đảo chưa từng được Trung Quốc xác định cụ thể.
Ở góc độ yêu sách vùng biển, Vụ trưởng Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế Trung Quốc nêu rõ với báo chí hai loại vùng biển mà Trung Quốc yêu sách từ Tứ Sa gồm vùng lãnh hải lịch sử và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý. Trung Quốc chưa công bố chi tiết đường cơ sở để xác định chiều rộng lãnh hải cho Tứ Sa. Tuy nhiên, từ tuyên bố năm 1996 về đường cơ sở của Hoàng Sa, có thể dự đoán, Trung Quốc sẽ tiếp tục thiết lập các đường cơ sở tương tự, bao quanh các cấu trúc thuộc các nhóm đảo, nhằm tối đa hóa yêu sách vùng biển từ Tứ Sa. Từ đường cơ sở đó, Trung Quốc sẽ yêu sách vùng lãnh hải lịch sử và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý cho cả bốn nhóm đảo. Thông tin đưa ra không đề cập đến yêu sách thềm lục địa, tuy nhiên, khi đã yêu sách vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý thì không loại trừ Trung Quốc sẽ tiếp tục yêu sách thềm lục địa từ Tứ Sa.
Đánh giá lập luận Tứ Sa của Trung Quốc từ góc độ pháp lý quốc tế
Đối với yêu sách chủ quyền, lập luận Tứ Sa của Trung Quốc sai về phạm vi và cơ sở pháp lý của một yêu sách chủ quyền theo luật quốc tế.
Về phạm vi, mặc dù yêu sách của Trung Quốc không xác định rõ phạm vi của từng nhóm đảo trong Tứ Sa, việc khoanh vùng toàn bộ các cấu trúc tương tự như cách xác định đường cơ sở của Hoàng Sa cho thấy Trung Quốc muốn đưa ra yêu sách chủ quyền với tất cả các cấu trúc trên biển, cho dù đó là các cấu trúc chìm, hoặc các cấu trúc lúc nổi lúc chìm nằm ngoài phạm vi 12 hải lý của đất liền Trung Quốc hoặc một đảo mà Trung Quốc có chủ quyền. Việc Trung Quốc đưa tàu đến tuyên thệ, yêu sách chủ quyền với bãi Tăng Mẫu/James Shoal là một hành động như vậy. Trung Quốc cũng yêu sách chủ quyền với bãi Vành Khăn, một bãi cạn lúc nổi lúc chìm nằm trong thềm lục địa của Phi-líp-pin theo kết luận của phán quyết trọng tài trong vụ kiện giữa Phi-líp-pin và Trung Quốc.9 Điều 13 của UNCLOS chỉ cho phép quốc gia ven biển sử dụng bãi cạn lúc nổi lúc chìm làm điểm cơ sở để xác định chiều rộng lãnh hải trong trường hợp bãi cạn đó nằm trong phạm vi 12 hải lý từ đất liền. Phán quyết của Tòa án Công lý quốc tế trong vụ tranh chấp giữa Ca-ta và Ba-ranh đã khẳng định bãi cạn lúc nổi lúc chìm không có địa vị pháp lý ngang bằng với đất liền và không phải là đối tượng để yêu sách chủ quyền lãnh thổ. Phán quyết của Tòa Công lý quốc tế trong vụ tranh chấp về chủ quyền của đảo Pe-đra Bran-ca giữa Ma-lai-xi-a và Xinh-ga-po, phán quyết của Tòa Công lý quốc tế trong vụ kiện giữa Ni-ca-ra-goa và Cô-lôm-bi-a và phán quyết của Tòa trọng tài trong vụ kiện giữa Phi-líp-pin và Trung Quốc cũng xác nhận không thể yêu sách chủ quyền với bãi cạn lúc nổi lúc chìm. Vì vậy, việc Trung Quốc đưa ra yêu sách chủ quyền với các bãi cạn lúc nổi lúc chìm nằm ngoài phạm vi 12 hải lý từ lãnh thổ Trung Quốc là trái với các quy định của pháp luật quốc tế.
Về cơ sở pháp lý của yêu sách chủ quyền, mặc dù Trung Quốc luôn khẳng định đã phát hiện, đặt tên cho các cấu trúc tại Biển Đông từ thời kỳ cổ đại nhưng không có bằng chứng nào được đưa ra để minh chứng cho hành động thực thi chủ quyền của Trung Quốc với các nhóm đảo Hoàng Sa và Trường Sa với tư cách nhà nước. Trên thực tế, chính quyền Trung Quốc không có sự hiện diện tại Hoàng Sa cho tới năm 1956 và 1974. Năm 1956, Trung Quốc có được sự kiểm soát với nhóm đảo An Vĩnh của Hoàng Sa là do Đài Loan chuyển giao. Tuy nhiên, việc kiểm soát của Đài Loan với nhóm đảo này không hợp pháp do dựa vào sự ủy quyền giải giáp quân Nhật sau Chiến tranh thế giới thứ II. Năm 1974, Trung Quốc đã sử dụng vũ lực trái với nghĩa vụ của Hiến chương Liên Hợp Quốc để thiết lập sự kiểm soát với nhóm đảo Lưỡi Liềm. Tại Trường Sa, Trung Quốc cũng chỉ thiết lập sự kiểm soát với một số cấu trúc dựa trên hai lần sử dụng vũ lực trái với quy định của Hiến chương Liên Hợp Quốc và tập quán quốc tế vào năm 1988 và 1995 với Việt Nam và Phi-líp-pin. Dựa trên những cơ sở không có căn cứ pháp lý, việc chiếm đóng thực tế không tạo ra danh nghĩa chủ quyền hợp pháp cho Trung Quốc với Hoàng Sa và Trường Sa.
Đối với yêu sách vùng biển, từ cách Trung Quốc thiết lập đường cơ sở với Hoàng Sa năm 1996 có thể thấy có hai phương án Trung Quốc sẽ thiết lập đường cơ sở cho Tứ Sa: (i) bao tất cả các cấu trúc ngoài cùng của từng nhóm đảo hoặc (ii) bao quanh toàn bộ bốn nhóm đảo.Việc xác định đường cơ sở như vậy có thể coi là áp dụng phương pháp đường cơ sở thẳng hoặc đường cơ sở quần đảo. Từ các đường cơ sở này, Trung Quốc tiếp tục yêu sách vùng lãnh hải lịch sử, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, thậm chí thềm lục địa mở rộng cho các nhóm đảo. Lập luận này của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý do áp dụng sai phương pháp xác định đường cơ sở (cho dù là phương pháp đường cơ sở thẳng hay đường cơ sở quần đảo), xác định sai vùng đặc quyền kinh tế và yêu sách sai vùng lãnh hải lịch sử.
Thứ nhất, nếu đường cơ sở của Trung Quốc cho Tứ Sa được vẽ theo phương pháp đường cơ sở quần đảo, khái niệm quần đảo được UNCLOS định nghĩa rõ ràng là một nhóm đảo, bao gồm cả các bộ phận của các đảo, các vùng nước tiếp liền và các thành phần tự nhiên khác có liên quan với nhau đến mức tạo thành một thể thống nhất về địa lý, kinh tế và chính trị, hay thừa nhận trong lịch sử. Các nhóm đảo tại Biển Đông, đặc biệt là Đông Sa và Trung Sa có thể không đủ gắn kết để trở thành quần đảo theo quy định tại Điều 46 của UNCLOS. Cho dù Tứ Sa có thỏa mãn là quần đảo theo định nghĩa của Điều 46 của UNCLOS, chỉ có quốc gia quần đảo mới được sử dụng phương pháp đường cơ sở quần đảo.
Quốc gia quần đảo là quốc gia có lãnh thổ chỉ cấu thành từ các quần đảo. Chỉ có quốc gia quần đảo có thể xác định đường cơ sở quần đảo bằng việc nối các điểm ngoài cùng nhô ra xa nhất của quần đảo với nhau và phải tuân theo những điều kiện nhất định về chiều dài của đoạn cơ sở, cũng như tỷ lệ diện tích giữa vùng đất và vùng nước bên trong đường cơ sở quần đảo. Nếu Trung Quốc mượn khái niệm quần đảo được quy định tại UNCLOS để áp dụng cho Tứ Sa, rồi từ đó, áp dụng đường cơ sở quần đảo thì không có cơ sở pháp lý vì Trung Quốc là quốc gia lục địa, không phải quốc gia quần đảo.
Để bỏ qua hạn chế của quốc gia lục địa, Trung Quốc lập luận rằng phương pháp đường cơ sở quần đảo theo quy định tại Điều 47 không chỉ giới hạn cho các quốc gia quần đảo. Trên thực tế, nhiều quốc gia lục địa cũng áp dụng đường cơ sở quần đảo cho các nhóm đảo và tạo thành tập quán quốc tế. Lập luận này không chính xác vì số lượng các quốc gia lục địa áp dụng phương pháp đường cơ sở quần đảo cho các nhóm đảo như vậy rất hạn chế. Trong quá trình đàm phán UNCLOS, vấn đề áp dụng đường cơ sở quần đảo cho nhóm đảo của quốc gia lục địa đã được đề cập và bị bác bỏ. Vì vậy, đây là các thực tiễn áp dụng sai quy định của UNCLOS, không tạo ra tập quán quốc tế như Trung Quốc cố tình diễn giải.
Ngoài ra, cho dù có được áp dụng phương pháp đường cơ sở quần đảo, đường cơ sở ấy phải được thiết lập trên cơ sở tuân thủ các điều kiện về chiều dài của các đoạn cơ sở và tỷ lệ giữa đất và nước trong vùng nước quần đảo theo quy định của Điều 47 của UNCLOS. Theo đó, các đoạn cơ sở có chiều dài không quá 100 hải lý (chỉ có 3% tổng số đoạn cơ sở có thể có chiều dài vượt quá 100 hải lý nhưng không được vượt quá 125 hải lý). Tỷ lệ tổng diện tích các đảo so với tổng diện tích vùng nước nằm trong đường cơ sở quần đảo phải nằm trong khoảng tỷ lệ từ 1:1 đến 1:9. Với diện tích nhỏ và vị trí nằm rải rác cách xa nhau trên một phạm vi vùng biển rộng lớn, không có nhóm đảo nào của Tứ Sa có thể thỏa mãn được điều kiện này. Vẽ đường cơ sở quần đảo cho tổng thể cả bốn nhóm đảo của Tứ Sa càng không thể thỏa mãn điều kiện này.
Thứ hai, nếu lập luận rằng đường cơ sở Trung Quốc áp dụng là đường cơ sở thẳng, cơ sở để áp dụng phương pháp đường cơ sở thẳng theo quy định tại Điều 7 của UNCLOS là bờ biển khúc khuỷu, khoét sâu, lồi lõm, có chuỗi đảo nằm sát và chạy dọc ven bờ. Các cấu trúc địa lý của các nhóm đảo thuộc Tứ Sa không hội tụ đủ các điều kiện để vẽ đường cơ sở thẳng bao toàn bộ các thực thể như vậy. Khi đánh giá về đường cơ sở của Hoàng Sa do Trung Quốc công bố vào năm 1996, Bộ Ngoại giao Mỹ đã khẳng định nhiều khu vực của Hoàng Sa không đủ điều kiện vẽ đường cơ sở thẳng mà phải áp dụng đường cơ sở thông thường theo ngấn nước thủy triều thấp nhất.Tại Phán quyết của Tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS trong vụ kiện giữa Phi-líp-pin và Trung Quốc năm 2016, Tòa Trọng tài đã khẳng định việc vẽ đường cơ sở thẳng bao trùm toàn bộ các cấu trúc địa lý của Trường Sa là không phù hợp với các quy định của UNCLOS. Kết luận này có thể áp dụng tương tự để loại trừ khả năng Trung Quốc áp dụng đường cơ sở thẳng cho từng nhóm đảo khác trong Tứ Sa và áp dụng một đường cơ sở thẳng chung cho Tứ Sa.
Thứ ba, các cấu trúc địa lý ở Biển Đông có chung đặc điểm địa lý là các cấu tạo san hô, có diện tích nhỏ và với các điều kiện tự nhiên nguyên sơ ban đầu, không có khả năng cho con người sinh sống và không có đời sống kinh tế riêng. Chính vì vậy, Phán quyết của Tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS trong vụ kiện giữa Phi-líp-pin và Trung Quốc năm 2016 đã khẳng định các cấu trúc địa lý của Trường Sa và Scarborough/Hoàng Nham không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng. Với đặc điểm tự nhiên tương đồng, kết luận này của Tòa trọng tài nhiều khả năng có thể áp dụng với các nhóm đảo khác trong lập luận Tứ Sa, bao gồm Hoàng Sa và Đông Sa (Pratas). Vì vậy, yêu sách vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý cho Tứ Sa, trong đó có Trường Sa, đi ngược lại kết luận của Tòa Trọng tài có giá trị pháp lý ràng buộc với Trung Quốc trong vụ kiện với Phi-líp-pin năm 2016.
Cuối cùng, việc yêu sách vùng lãnh hải lịch sử của Trung Quốc cũng thiếu cơ sở pháp lý. Phán quyết của Tòa Trọng tài trong vụ kiện giữa Phi-líp-pin và Trung Quốc đã tổng hợp các khả năng yêu sách danh nghĩa lịch sử của một quốc gia bao gồm vùng nước lịch sử, vịnh lịch sử và quyền lịch sử. Trung Quốc không yêu sách các danh nghĩa lịch sử này mà lại đưa ra yêu sách lãnh hải lịch sử, một khái niệm chưa có tiền lệ trong luật quốc tế. Tuy nhiên, cho dù Trung Quốc có thể áp dụng khái niệm lãnh hải lịch sử, tương tự như các danh nghĩa lịch sử khác, việc thiết lập lãnh hải lịch sử phải thỏa mãn hai điều kiện: (i) việc thực thi chủ quyền liên tục của Trung Quốc tại khu vực được coi là lãnh hải lịch sử và (ii) sự công nhận (công khai hoặc ngầm định) của các nước liên quan. Nếu Trung Quốc có ý định thiết lập lãnh hải lịch sử tại Tứ Sa trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, thì Việt Nam đã liên tục phản đối các hành động phi pháp của Trung Quốc. Đồng thời, Mỹ và nhiều quốc gia khác cũng đã liên tục thực hiện các hoạt động tự do hàng hải (bao gồm cả quyền qua lại không gây hại qua các vùng lãnh hải) tại Biển Đông nhằm thể hiện rõ lập trường yêu cầu Trung Quốc tôn trọng quyền tự do hàng hải và hàng không. Đây rõ ràng thể hiện sự phản đối của các quốc gia với việc Trung Quốc thiết lập đường cơ sở và lãnh hải nói chung cho Hoàng Sa, Trường Sa nói riêng và Tứ Sa nói chung. Sự phản đối này sẽ khiến trong yêu sách lãnh hải lịch sử của Trung Quốc không đáp ứng được yêu cầu cần có sự công nhận của các quốc gia khác và do vậy không có cơ sở theo luật pháp quốc tế.
Tứ Sa nhìn từ góc độ chiến lược của Trung Quốc ở Biển Đông
Tương tự như việc ban hành Dự thảo Luật an toàn hàng hải và lệnh cấm đánh bắt cá, Chiến thuật Tứ Sa của Trung Quốc cũng dựa trên việc diễn giải tùy tiện luật pháp quốc tế nhằm thực hiện mục tiêu kiểm soát toàn bộ các cấu trúc và vùng biển ở Biển Đông.
Việc tái khẳng định yêu sách chủ quyền thiếu cơ sở pháp lý với các nhóm đảo của Tứ Sa với phạm vi yêu sách mập mờ để ngỏ cho khả năng Trung Quốc tùy tiện sáp nhập các cấu trúc mới vào bốn nhóm đảo này. Việc coi Scarborough/Hoàng Nham thuộc Trung Sa và Luconia thuộc Trường Sa là một ví dụ minh họa cho việc Trung Quốc không ngừng mở rộng yêu sách với các cấu trúc nằm gần với bờ biển thuộc các quốc gia ven biển ở Biển Đông. Hơn nữa việc không công bố phạm vi cụ thể của các nhóm đảo cũng khiến Trung Quốc mở rộng yêu sách chủ quyền với các cấu trúc chìm, hoặc cấu trúc lúc nổi lúc chìm (nằm ngoài phạm vi 12 hải lý của một vùng lãnh thổ hoặc đảo), vốn được luật quốc tế xác định là không thuộc đối tượng của thụ đắc lãnh thổ.
Việc đưa ra yêu sách lãnh hải lịch sử và vùng đặc quyền kinh tế cho Tứ Sa một lần nữa thể hiện sự đánh tráo các khái niệm của UNCLOS về quần đảo, đường cơ sở quần đảo, đường cơ sở thẳng, lãnh hải, danh nghĩa lịch sử, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa với sự diễn giải tùy tiện của Trung Quốc để biện minh cho việc mở rộng yêu sách chủ quyền đối với toàn bộ vùng biển tại Biển Đông. Đây cũng là chiến thuật Trung Quốc sử dụng nhằm tạo ra “vỏ bọc” tuân thủ UNCLOS nhưng thực chất là tìm cách hợp pháp hóa yêu sách phi pháp đường lưỡi bò, yêu sách đã bị Tòa trọng tài phản bác trong vụ kiện giữa Phi-líp-pin và Trung Quốc.
Xét về phạm vi, các vùng biển được coi là vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Tứ Sa sẽ tạo ra vùng biển rộng lớn, thậm chí lớn hơn vùng biển bên trong đường lưỡi bò của Trung Quốc tại Biển Đông. Xét về bản chất, việc yêu sách vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa sẽ đánh lừa dư luận, ngụy tạo cơ sở cho Trung Quốc yêu sách tài nguyên thiên nhiên sinh vật và phi sinh vật trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa được xác định phù hợp với UNCLOS của các nước ven Biển Đông. Từ đó, Trung Quốc mưu toan biến toàn bộ Biển Đông thành các vùng biển có tranh chấp và ép các nước hợp tác cùng khai thác tài nguyên với Trung Quốc.
Tứ Sa từ góc độ chiến lược và pháp lý quốc tế thực chất là chiêu bài “bình mới rượu cũ”, thay đổi chiến thuật, mượn ngôn ngữ của UNCLOS để diễn giải sai lệch nhằm phục vụ cho mục tiêu không đổi của Trung Quốc là kiểm soát Biển Đông. Động thái Vụ trưởng Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế tiết lộ với báo giới có thể coi như bước thử dư luận quốc tế về chiến thuật này, từ đó, nếu dư luận quốc tế không lên tiếng, Trung Quốc sẽ viện dẫn như sự ngầm thừa nhận của cộng đồng quốc tế với yêu sách của Trung Quốc. Do vậy, không ngạc nhiên khi một mặt nhấn mạnh không đứng về bên nào trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, nhưng người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ đã nhấn mạnh lại nguyên tắc rằng yêu sách biển của tất cả các bên ở Biển Đông và trên thế giới cần được xác định phù hợp với luật biển quốc tế, theo quy định của Công ước Luật biển 1982 của Liên Hợp Quốc (UNCLOS). Đây cũng là quan điểm mà cộng đồng quốc tế cần lên tiếng để ngăn chặn các hành động bất chấp luật pháp quốc tế, đưa ra các yêu sách chủ quyền và vùng biển không có cơ sở pháp lý, làm tổn hại đến trật tự dựa trên luật pháp quốc tế hiện hành.
———————————–
Tài liệu tham khảo:
1) Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.
2) Bill Gertz. “Beijing Adopts New Tactic for S. China Sea Claims”. The Washington Free Beacon, ngày 21/09/2017. http://freebeacon.com/national-security/beijing-adopts-new-tactic-s-china-sea-claims.
3) Zou Keyan. “Scarbourough Reef: A new Flashpoint in Sino-Philippine Relations?”. IBRU Boundary and Security Bulletin (1999).
4) CSIS. “China Island Tracker”. Asia Maritime Transparency Initiative. https://amti.csis.org/island-tracker/china.
5) Tuyên bố của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về Lãnh hải của Trung Quốc (4/9/1958), xem nguyên gốc văn bản tại Dự án Nghiên cứu Biển Đông. “Declaration of the Government of the People’s Republic of China on China’s Territorial Sea (4/9/1958)”. 10/8/2016. https://seasresearch.wordpress.com/2016/08/10/declaration-of-the-government-of-the-peoples-republic-of-china-on-chinas-territorial-sea-4-sept-1958.
6) “China’s Shansha start forming government”. Tân Hoa Xã, 17/07/2012. http://www.china.org.cn/china/2012-07/17/content_25934566.htm.
7) Ba Hamzah. “China’s James Shoal Claim: Malaysia the Undisputed Owner”. RSIS Commentary, 01/07/2014. https://www.rsis.edu.sg/rsis-publication/rsis/chinas-james-shoal-claim-malaysia-the-undisputed-owner/#.WpzdvOhuY2w.
8) Phán quyết về nội dung của Tòa trọng tài thành lập theo quy định của Phụ lục VII của UNCLOS trong vụ kiện Phi-líp-pin với Trung Quốc, 12/7/2016.
9) Maritime Delimitation and Territorial Questions between Qatar and Bahrain, Merits, Judgement, ICJ Reports 2001.
10) Sovereignty over Pedra Branca/Pulau Batu Puteh, Middle Rocks and South Ledge (Malaysia/Singapore), Judgment, ICJ Reports 2008.
11) Territorial and Maritime Dispute (Nicaragua vs. Colombia), Judgment, ICJ Reports 2012.
12) Phán quyết về nội dung của Tòa trọng tài thành lập theo quy định của Phụ lục VII của UNCLOS trong vụ kiện Phi-líp-pin với Trung Quốc, 12/7/2016.
13) Biên bản chính thức thảo luận UNCLOS III, Doc.A/CONF.62.4/UNCLOSIII, Tập III.
14) Bộ Ngoại giao Mỹ, Báo cáo Các giới hạn trên biển số 117 (1996). https://www.state.gov/documents/organization/57692.pdf.
15) Bộ Quốc phòng Mỹ, Báo cáo thường niên về Tự do Hàng hải năm 2017, 31/12/2017. http://policy.defense.gov/Portals/11/FY17%20DOD%20FON%20Report.pdf?ver=2018-01-19-163418-053.
Theo NGHIÊN CỨU BIỂN ĐÔNG
Tags: Biển Đông, Trung Quốc, Quần đảo Hoàng Sa, Quần đảo Trường Sa