Nhà thơ Nga Evgeny Evtushenko: Nghịch lý của một huyền thoại

Evgeny Evtushenko (1932-2017) là người cuối cùng trong số các nghệ sĩ Xô-viết thực hiện được khát vọng to lớn của nhiều thời khi xây dựng mình thành một huyền thoại về một nhà thơ thiên phú đủ tài năng để chinh phục thiên nhiên và mê hoặc lòng người bất luận sang hèn trong một thời đại đầy bất trắc và mâu thuẫn.

Nhà thơ Nga Evgeny Evtushenko: Đa chiều của một hồn thơ

Đêm trắng ở Ackhănghen

Tất cả trò hú tim có thể đến đêm nay
Những khoảng sáng lung linh tự dưng thành xúc động.

Có thể ngỡ mặt trời, có thể ngỡ mặt trăng
Có thể như nỗi buồn, lại có thể như niềm vui tĩnh lặng.
Những người hoa tiêu lang thang trên phố:
-Có thể là Ackhănghen, cũng có thể Mác-xây chăng?

Các cô gái mỉm cười rót rượu suốt đêm
Mắt họ cũng như bóng thuyền vô định
Có thể phút giây khoác vai thân thiết
Giữa trăm tiếng ồn ào ai để ý gì ai?
Có thể hôn nhau, rồi có thể thốt nhiên ngừng bặt.
Nên chăng? Không nên?… Đêm trắng muốt trải dài…

Đàn hải âu vừa kêu vừa lượn đỉnh cột buồm
Có thể chúng khóc chăng, cũng có thể chúng cười, ai biết?
Trên bến cảng chàng thủy thủ đến giờ ly biệt
Ôm hôn rất lâu cô gái đứng bên mình:
– “Nhưng tên em là gì?” – “Điều ấy cần chi nữa nhỉ?”
Cũng có thể không cần, cũng có thể cần chăng?
Chàng thủy thủ lên thang, còn ngoái lại nói to:
– “Anh sẽ quay về tặng em bộ lông thú tuyệt trần của biển”.
Nhưng anh quên sẽ tặng cho ai, tên là gì, chưa kịp hỏi.
Người con gái lặng thinh, không hứa hẹn một lời.
Biển trăm ngả có ngả nào trùng lặp
Cũng có thể anh về, cũng có thể rồi thôi!

Và tôi bỗng dưng quá đỗi bâng khuâng:
Hải âu không là hải âu, sóng biển không là sóng biển.
Hai người yêu nhau cũng không phải là hai người thoắt vừa đưa tiễn
Có thể chỉ là ánh phản quang tinh khiết lạ lùng
Hay cảnh ảo lớp lớp xa mờ, chồng nhau trong điện ảnh…
Có thể đêm nay mình mất ngủ chăng, có thể giấc mơ chăng?

Còi tàu hú vang, căng thẳng, giã từ
Chàng thủy thủ không thể nhìn lại nữa
Theo con sóng nổi trôi, buồn rầu, vội vã
Anh đứng tách trên bong, xa lạ một mình
Hình như anh còn nói câu gì cợt đùa với biển
Hay với chính con tàu hay với chính lòng anh
Hay biết đâu, cũng không thật là anh đấy nữa?

Và người con gái không tên còn đứng lại bến tàu
Khoác chiếc áo choàng xanh như khói mỏng
Có thể phút ấy cuối cùng chăng, hay mới bắt đầu thôi?

Đêm vẫn trắng miên man, sương tan từng cụm nhỏ
Có thể đó là ai, một Vêra, Tamara, Dôia nào đó
Hay có thể chẳng là gì? Hay có thể chẳng là ai?

Evgeny Evtushenko (1964)
Bằng Việt dịch

.

“Thi sĩ ở nước Nga còn hơn là thi sĩ” – câu thơ này của Evgeny Evtushenko thường được diễn giải theo hai cách. Những ai yêu ông thì ca ngợi sự tự xác định rõ ràng về thiên chức to lớn của người làm thơ ở xứ sở hay tự gánh cho mình sứ mệnh cứu nhân độ thế như nước Nga. Ai không thích ông thì lại coi đó là tham vọng của một kẻ cầm bút vì được chế độ quá ưu ái nên cứ tự nhận cho mình những trách nhiệm theo kiểu “ôm rơm rặm bụng”.

Cả hai cách hiểu trên đều không hẳn đã đánh giá được đúng E. Evtushenko. Là một người có tư chất sáng tạo đích thực, ông phức tạp hơn mọi cách nhìn nhận một chiều. Nhìn từ một góc độ, đó là biểu tượng của tinh thần đổi mới trí tuệ trong xã hội Xô-viết từ những năm 60 của thế kỷ trước, dám phát biểu chính kiến lắm khi không giống ai của mình, tác giả của những tập thơ in tới hàng triệu bản, bạn thân của hầu hết các danh nhân thế giới, từ đạo diễn điện ảnh Italia lừng danh Federico Felini đến nhà thơ Chile thiên tả Pablo Neruda… Nhìn từ khía cạnh khác, đó lại là người viết nên không chỉ một tác phẩm ngụy tạo đạo đức, nói vậy nhưng không phải vậy, làm chính trị một cách không thực lòng mà chỉ cầu lợi, gió chiều nào che chiều ấy, đôi lúc háo danh vọng phù hoa tới mức tức cười…

Trong hai cách đánh giá tự loại trừ lẫn nhau này đối với E. Evtushenko có một điều không thể phủ nhận được: Ông là người cuối cùng trong số các nghệ sĩ Xô-viết thực hiện được khát vọng to lớn của nhiều thời khi xây dựng mình thành một huyền thoại về một nhà thơ thiên phú đủ tài năng để chinh phục thiên nhiên và mê hoặc lòng người bất luận sang hèn trong một thời đại đầy bất trắc và mâu thuẫn như nửa cuối thế kỷ 20. Những nhà thơ khác cùng thế hệ với ông như Andrey Voznhesensky hay Bella Akhmadulina… đã không làm được như ông. A. Voznhesensky chẳng hạn, sau thành công của Trái lê hình tam giác đã bị “chết đuối” trong vô số những hành vi ngụy nghệ thuật, tự làm phức tạp tới mức không ai – kể cả tác giả lẫn độc giả – hiểu nổi, đến mức nhà thơ Mỹ gốc Nga được giải thưởng Nobel Văn học Yosif Brodsky đã phải kêu lên than trách. Còn B. Akhmadulina đã biến giọng thơ thánh thiện của mình thành những hình tượng quá ư xa lạ với nhân gian và vì thế cũng tự tách mình ra khỏi đất nước… Công chúng của hai người này luôn luôn ít ỏi nhưng họ cũng không chinh phục được giới thượng lưu trí tuệ một cách xác đáng. Họ mờ dần trong sự chú ý của xã hội. Riêng E. Evtushenko thì khác – ông đi được xa hơn và sâu hơn, dù có lẽ không lâu hơn là mấy.

Câu chữ đốt trái tim người

Huyền thoại căn bản về nhà thơ – đó là ý tưởng về một quyền năng tuyệt đối. Quyền năng trước thiên hà. Quyền năng trước con người. E. Evtushenko đã tận dụng được huyền thoại này theo hướng có lợi nhất cho mình nhờ bản chất nồng nhiệt của ông và nhờ không khí xã hội Xô-viết những năm 60 của thế kỷ trước. Không có ai trong số các nhà thơ đồng thời với ông lại hài hòa với vai trò nhà hùng biện thi ca trên diễn đàn, trước đám đông cuồng nhiệt như thế. Ông đã viết lên được những câu thơ ấm lòng toàn dân tộc, từ những người công nhân suốt ngày phả hơi men tới những chính trị gia hàng đầu đất nước. Gặp ở ngoài đường, ngay cả những kẻ lêu lổng cũng tỏ ra hâm mộ ông. Tiếp ông trong Điện Kremli, đồng chí lãnh đạo nào cũng tỏ ra thích thú thơ ông, nhất là những bài thơ đã được phổ thành ca khúc. Đến mức có nhà phê bình văn học cho rằng chính ông đã lặp lại được kỳ tích của tác giả tráng ca Hy Lạp nổi tiếng Pindar, từng sang sảng cất lời trên sân vận động Ôlimpơ một thuở.

Cho tới cuối đời, E. Evtushenko vẫn thích kể lại một câu chuyện từng xảy ra với ông. Trong trường ca Nhà máy thủy điện Anh em có một chương nhan đề “Nhiusha” (tên phụ nữ), nói về những người mẹ độc thân vốn nảy nở rất nhiều trên “công trường thế kỷ”. Khi ông đọc xong chương này trước những người công nhân trên công trường thuỷ điện thì ngay lập tức những người phụ nữ công nhân có mặt trong tối hôm đó đã nhất loạt đứng dậy và trìu mến, thiết tha dâng lên ông những đứa con của họ. “Chuyện cực kỳ hay, đúng không nào? Giải Nobel có là gì so với một tình cảm như thế?”- ông đã tự hào khoe. Thực sự đó là chuyện cực kỳ hay, những câu thơ thấm đẫm nhân tình trong khoảnh khắc đã biến một nhà thơ lạ thành người cha của vô số những đứa con thiếu bố. Những tình huống như thế chắc chắn càng làm cho E. Evtushenko, vốn bản tính cũng hay khuếch trương, tin vào sứ mệnh thiên khải của mình. Và ông đã lao vào những cơn truy đuổi thành công tức thời, ngay tại chỗ, bằng đủ mọi cách. Nhưng một khi quá say mê ý tưởng “Thi sĩ ở nước Nga còn hơn là thi sĩ” thì ngay cả một tài năng dù lớn đến đâu cũng dần dà đánh mất cảm quan thực tế sáng suốt và tính chừng mực, nhất là với những người không được thiên nhiên phú cho nhiều những đức tính này.

Và cuối cùng một nhà thơ như E. Evtushenko đã có lúc vì quá chóng mặt trước những thành công ầm ĩ và nhiều phần dễ dãi để mình rơi vào những trạng thái kệch cỡm trước bàn dân thiên hạ khi tưởng rằng mình với những dòng thơ sang sảng có thể đóng vai trò của Đấng cứu thế. Hoặc tự tưởng tượng rằng mình trong chế độ Xô-viết giống như một chú bé Do Thái bị những kẻ tà tâm hành hạ… Lầm hết!

Dễ viết, dễ… ngã

Những người từng ở gần E. Evtushenko đều phải công nhận rằng ông là người thực sự có khả năng xuất khẩu thành thi, lắm khi không cần phải đi đủ bảy bước đã viết nên được một bài thơ. Thí dụ như trong đám tang một nhà thơ cựu chiến binh đàn anh, Yuri Levitansky, chỉ trong vòng vài phút E. Evtushenko đã ngồi viết ngay được một bài thơ tưởng niệm rất không tồi và đọc cho mọi người nghe đầy xúc động. Tình huống này cũng là một cảnh mà E. Evtushenko muốn bổ sung chi tiết cho huyền thoại về một nhà thơ vĩ đại. Một thi sĩ chân chính luôn là người thiên phú, chứ không phải do cần cù lao động mà nên. E. Evtushenko không bao giờ biết thế nào là khủng hoảng sáng tác – ông viết trong mọi tình huống, theo mọi cách, miễn là chứng minh được sự tồn tại của mình một cách oai oách nhất. Với bản tính sôi động tới mức ngùn ngụt, E. Evtushenko quả thực có khả năng viết thơ dễ như chơi. Đấy cũng là trò lợi bất cập hại đối với ông: dòng thơ tuôn chảy quá ào ạt thường vàng thau lẫn lộn, những câu thơ “hạng nhất” (luôn luôn là ít ỏi) bị đắm chìm một cách vô vọng trong bể thơ “hạng thứ bốn mốt”.

Với sự tự ý thức thái quá về tài hoa lỗi lạc của mình, trong những thời điểm cực thịnh, E. Evtushenko đã bộc lộ mình là một đứa trẻ háo danh, đỏng đảnh. Trong lúc được chính thức công nhận là “đệ nhất thi nhân” của quốc gia Xô-viết, hưởng đủ mọi bổng lộc của chính quyền nhưng ông vẫn thường xuyên phàn nàn rằng mình chưa được mắt xanh soi xét nên đã bị mất giải thưởng này hay vinh hạnh khác. Và có lúc ông cảm thấy mình gần như là một kẻ bị hắt hủi (?!) Cho đến những năm cuối đời, ông vẫn còn kể đi kể lại chuyện ông đã từ chối không chịu cộng tác với Cơ quan An ninh KGB. Trong khi đó thì Y. Brodsky cho tới khi chết vẫn tha thứ cho ông về việc ông đã nhờ những nguồn tin an ninh của mình biết trước chuyện Y. Brodsky sẽ bị bắt mà không báo cho bạn mình hay. Sự thực là đâu?

Nhìn chung, E. Evtushenko luôn là người được chiều chuộng: dưới thời Xô-viết, ông là nhà thơ được đi nước ngoài nhiều nhất với vai trò người bảo vệ chế độ trung thành. Khi vật đổi sao dời và chế độ Xô-viết bị xoá bỏ thì ông lại nhanh chân sang Mỹ làm giáo sư giảng dạy ở bậc đại học về thơ. Tuy nhiên, thói đời, tính háo danh như con thú vô độ, càng được ăn thì càng cảm thấy đói. Đây là chuyện có thực đã xảy ra với nhà thơ: E. Evtushneko rất muốn nhận Huân chương Lenin nhưng ông chỉ được trao Huân chương Hữu nghị. Để an ủi nhà thơ đang rầu rĩ, ai đó trong số người quen đã tặng cho ông một kỷ vật gia đình – bộ Huân chương Lenin mà ông nội mình đã được nhận. Cứ tưởng E. Evtushenko sẽ không muốn mình bị lỡm nhưng ông đã nhận ngay quà tặng này và treo lên tường rất trân trọng – phần thưởng không phải dành cho mình nhưng cũng loè được khối người thiên hạ! Một nhà thơ thực sự có lương tri không bao giờ làm như thế.

Số đông không chắc đã là chân lý

Thực ra, cuộc sống của mỗi một nhà thơ lớn đều có những phần mang tính huyền thoại. E. Evtushenko là một nhà thơ lớn, điều này không còn nghi ngờ gì nữa. Thế nhưng, tính huyền thoại trong cuộc đời thơ của ông, dù nó chưa kết thúc, xem ra lại bị thiên lệch so với mục tiêu đích thực của thơ ca. Dù rất cần những thành công hiện hữu nhưng đã là một thi sĩ chân chính thì không thể đặt mục tiêu chỉ sống đồng tuổi với sáng tạo. Trong thơ E. Evtushenko, tỉ lệ giữa tính nhất thời và tính muôn đời lại quá nghiêng về cái thứ nhất. Ông thuộc về thời ông đã sống hơn là tương lai. Thời cuộc thay đổi, thế là giọng thơ hùng hậu của ông đã không còn trở nên cần thiết nữa. Khi Bulat Okudzhava viết: “Evtushenko là cả một thời đại” thì câu này có thể hiểu theo hai nghĩa: hoặc tốt (nếu thời đại ấy trường tồn), hoặc không tốt (nếu thời đại ấy yểu mệnh).

Tới tuổi “tri thiên mệnh”, hơn ai hết, E. Evtushenko đã hiểu ra chân lý đó khi ông từ Mỹ quay trở về nước Nga tổ chức những đêm thơ tác giả. Các sân vận động mà ngày xưa ông từng ngự trị nay đã trở thành nơi làm ăn quen thuộc của các ngôi sao rock-pop bạo phát bạo tàn. Và những công trình thuỷ điện mới thì lại không cần tới những bản trường ca cũng như nhà thơ có khả năng viết nên những bản trường ca đó. Ai cũng vậy, không thể tuần chay nào cũng có nước mắt. Vậy nên các nhà thơ, đừng bao giờ quá mải mê chạy theo số đông một cách mù mờ và vị kỷ!

Theo MINH HUYỀN / AN NINH THẾ GIỚI

 

Tags: , ,