Người Mỹ nói về thách thức cho ‘giấc mộng Trung Hoa’ thời Tập Cận Bình

Mặc dù Trung Quốc đang thể hiện mình là quốc gia trỗi dậy mạnh mẽ nhưng họ phải đối diện với những bất ổn trong nước và sự gia tăng thù địch ở bên ngoài. Trung Quốc liệu có ngày càng trở nên nguy hiểm hơn trong tương lai gần do tiếp tục cạnh tranh mạnh mẽ để vượt qua Hoa Kỳ trong dài hạn?

Người Mỹ nói về thách thức cho ‘giấc mộng Trung Hoa’ thời Tập Cận Bình

Tác giả: Hal Brands – chuyên gia về các vấn đề toàn cầu tại Viện Đại học & Johns Hopkins – thành viên cấp cao tại Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ (the American Enterprise Institute).

Thảm họa địa chính trị lớn nhất sẽ xảy ra vì những tham vọng và những thất vọng trong lịch sử của Trung Quốc. Nhận thức được điều này, Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra những định hướng trong chính sách của mình để điều chỉnh hai vấn đề trên.

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ sử dụng một số nội dung trong quyền sách “Ranh giới “đỏ”: xung đột trong tương lai với Trung Quốc” (Danger Zone: The Coming Conflict with China, tạm dịch). Bài viết sẽ lý giải nguyên nhân “đi vào bước đường cùng” của Trung Quốc, bao gồm: nền kinh tế chậm tăng trưởng, bị cô lập và thoái trào. Nhưng trước tiên, chúng ta cần làm rõ tham vọng của Trung Quốc mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang cố gắng đạt được là gì. Nếu không hiểu mục tiêu thật sự mà Bắc Kinh muốn có thì chúng ta sẽ rất khó nhận ra Trung Quốc đang tuột dốc như thế nào. Đảng Cộng sản Trung Quốc đang thực hiện kế hoạch nhằm thiết lập lại các quy tắc của trật tự toàn cầu tại châu Á và nhiều nơi khác trên thế giới. Giờ đây, Trung Quốc muốn trở thành siêu cường – không phải là một cực trong hệ thống quốc tế mà là tâm điểm địa chính trị trong hệ thống đó.

Các quan chúc Đảng Cộng sản Trung Quốc cho biết tham vọng của nước này được thể hiện qua những gì mà Đảng thực hiện: từ chương trình đóng tàu hải quân tối tân đến nỗ lực thiết lập lại chiến lược địa chính trị tại lục địa Á – Âu. Chiến lược quan trọng của Trung Quốc là củng cố quyền lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc và thu hồi những vùng lãnh thổ mà nước này bị mất đi trong thời kỳ suy yếu. Chiến lược này cũng bao gồm những mục tiêu lớn hơn, chẳng hạn như tạo ra phạm vi ảnh hưởng trong khu vực và cạnh tranh quyền lực với Mỹ trên phạm vi toàn cầu. Chương trình nghị sự của Đảng Cộng sản Trung Quốc đan xen vận mệnh lịch sử vào các công cụ thực thi quyền lực trong thế kỷ 21. Chế độ độc tài của họ cũng bị tác động bởi tham vọng địa chính trị của nhiều cường quốc trên thế giới và sự bất an về mặt an ninh của nước này.

Mặc dù nỗ lực tái thiết trật tự thế giới của Trung Quốc tồn tại trước khi Tập Cận Bình lên nắm quyền; nhưng trong những năm gần đây, nỗ lực đó trở nên mạnh mẽ hơn. Hiện nay, các quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc một mặt tin rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc đang làm lu mờ hình ảnh của Hoa Kỳ. Mặt khác, các nhà lãnh đạo của Bắc Kinh lo lắng rằng “Giấc mơ Trung Hoa” có thể dừng lại ở đó.

Những người thuộc tầng lớp tinh hoa ủng hộ chiến lược quan trọng trên của Trung Quốc hơn những kế hoạch cụ thể cho tương lai. Tuy nhiên, cũng có bằng chứng cho thấy Đảng Cộng sản Trung Quốc đang hướng đến đại chiến lược với bốn mục tiêu chính như sau:

Thứ nhất, Đảng Cộng sản Trung Quốc duy trì tham vọng của chế độ chuyên quyền: giữ chặt quyền lực trong tay. Kể từ năm 1949, chính quyền Trung Quốc thấy mình gặp rắc rối khi đối đầu với những kẻ thù trong và ngoài nước. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc bị ám ảnh về sự sụp đổ của Liên Xô, họ biết rằng thảm họa sẽ xảy ra nếu hệ thống xã hội chủ nghĩa do Trung Quốc đứng đầu bị sụp đổ. Trong chính trị Trung Quốc, hình dung viễn cảnh vĩ đại còn hơn là nghĩ đến những điều khác. Người đứng đầu chính phủ Trung Quốc Ôn Gia Bảo từng nói: “Chúng ta hãy tự hỏi tại sao mối hiểm nguy rình rập lại giúp ta đảm bảo an ninh cho mình, tự hỏi vì sao sự hỗn loạn sẽ bảo đảm cho bình yên của bạn, và hãy tự hỏi vì sao sự suy tàn của quốc gia sẽ đảm bảo sự sống cho một cá nhân nào đó.” Trong chiều dài lịch sử, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã trải qua những biến động sâu sắc như cuộc cách mạng Văn hóa khiến đất nước rơi vào khủng hoảng, đến cuộc thảm sát trên quảng trường Thiên An Môn năm 1989 khiến hàng trăm, thậm chí hàng ngàn công dân phải bỏ mạng. Chúng ta cũng thấy rằng mục tiêu duy trì quyền lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc là mục tiêu tiên quyết trong mọi quyết định quan trọng của họ. Một quan chức của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã bình luận vào năm 2017: “Mục đích cơ bản của Tập Cận Bình là đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc ở mọi khía cạnh của cuộc sống.”

Thứ hai, Đảng Cộng sản Trung Quốc muốn lấy lại các vùng lãnh thổ đã mất trong thời kỳ nội chiến và “bách niên quốc sỉ” trước đó. Bản đồ Trung Quốc mà Tập Cận Bình vẽ ra bao gồm Hồng Kông (đã được Trung Quốc đại lục sáp nhập thành công trong êm đẹp), Đài Loan (đã được Bắc Kinh cho quyền tự quản lý). Ở vùng ngoại vi, Đảng Cộng sản Trung Quốc có những tranh chấp biên giới với nhiều quốc gia, nổi bật là Ấn Độ và Nhật Bản. Chính quyền Bắc Kinh cũng đưa ra tuyên bố chủ quyền đối với 90% diện tích Biển Đông (tuyến đường thủy quan trọng nhất về thương mại trên thế giới). Các quan chức Trung Quốc cho rằng không có sự thỏa hiệp với bất kỳ quốc gia nào trong cuộc tranh chấp này, Chủ tịch Tập Cận Bình đã tuyên bố với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis vào năm 2018: “Chúng tôi không thể mất đi bất cứ phần lãnh thổ nào mà tổ tiên của chúng tôi đã để lại”.

Thứ ba, Đảng Cộng sản Trung Quốc muốn tăng sức ảnh hưởng đồng thời đẩy lùi sự can dự của Hoa Kỳ trong khu vực. Có lẽ Bắc Kinh không hình dung ra cách thống trị của Liên Xô tại Đông Âu trong Chiến tranh Lạnh, họ cho rằng các nền kinh tế trong vùng biển châu Á phải hướng về Bắc Kinh hơn là hướng về Washington. Các cường quốc nhỏ hơn trong khu vực phải tôn trọng Trung Quốc và không được liên minh quân sự với Hoa Kỳ. Như Chủ tịch Tập Cận Bình đã tuyên bố vào năm 2014, “Người châu Á phải tự điều hành và giải quyết các vấn đề riêng cũng như duy trì an ninh khu vực của châu Á”.  Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì đã thể hiện quan điểm rõ hơn đối với 10 quốc gia Đông Nam Á vào năm 2010: “Chúng ta phải công nhận một sự thật là Trung Quốc là một nước lớn còn các bạn là các nước nhỏ”.

Cuối cùng, Bắc Kinh muốn đạt được quyền lực và có vị thế trên toàn cầu. Truyền thông và các quan chức Trung Quốc cho rằng Trung Quốc ngày càng hung hăng và khó chịu trong hệ thống quan hệ quốc tế do Hoa Kỳ lãnh đạo. Tập Cận Bình đã tạo ra “cộng đồng chung vận mệnh” với ý tưởng “tất cả là một gia đình” với sự dẫn dắt của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Hãng thông tin Tân Hoa Xã đã viết: “Vào năm 2050, Trung Quốc sẽ trở lại vị trí hàng đầu thế giới sau thời kỳ “Bách niên quốc sỉ” kể từ Chiến tranh nha phiến xảy ra trước đó hai thế kỷ (năm 1849)”. Hoàn cầu Thời báo theo chủ nghĩa dân tộc cho rằng: “Cuộc đấu tranh để “trở thành số 1 thế giới… là một “cuộc chiến của nhiều người”, “nó sẽ lan rộng và trở nên mạnh mẽ như một  đợt thủy triều không thể ngăn cản”.

Chiến lược lớn của Trung Quốc đều có sự kết hợp nhuần nhuyễn để đạt được bốn mục tiêu kể trên. Đảng Cộng sản Trung Quốc cho rằng dưới sự lãnh đạo của mình,  mục tiêu “phục hưng” một Trung Hoa vĩ đại sẽ thành hiện thực. Đồng thời, Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ củng cố quyền lực của mình thông qua việc cạnh tranh ảnh hưởng khu vực và toàn cầu. Mục tiêu Trung Quốc đặt ra có tính hợp pháp bằng cách khơi dậy chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc vào thời điểm tư tưởng chế độ chủ nghĩa xã hội bị rơi vào lãng quên. Thông qua mục tiêu trên, các nhà cầm quyền của Trung Quốc có thể nhận được sự tín nhiệm của người dân trong nước và nhiều người trên thế giới. Đồng thời, nó có thể giúp Trung Quốc tránh khỏi lời chỉ trích quốc tế và tạo ra các quy tắc toàn cầu nhằm bảo vệ nhà nước chuyên quyền của mình.

Đại chiến lược của Trung Quốc ấn chứa nhiều hàm ý hơn là việc bảo vệ đất nước và chế độ cai trị. Những mục tiêu của họ được liên kết chặt chẽ gắn liền với sự thay đổi các quy tắc khu vực và toàn cầu – việc này xảy ra khi một quốc gia bá quyền suy yếu và bị thay thế bởi một quốc gia bá quyền khác. Cựu ngoại trưởng Hoa Kỳ Henry Kissinger viết trong cuốn sách Ngoại giao của mình: “Các đế quốc không quan tâm việc vận hành trong một hệ thống quốc tế, “họ khao khát trở thành trung tâm của hệ thống quốc tế”. Và đó cũng chính là tham vọng của Trung Quốc ngày nay.

Người Mỹ có thể ngạc nhiên khi thấy các lãnh đạo Trung Quốc xem Hoa Kỳ là mối nguy hiểm với quyết tâm kiềm hãm quốc gia khác. Thực tế cho thấy các nhà lãnh đạo Trung Quốc lo ngại Washington đe dọa mọi thứ mà Đảng Cộng sản Trung Quốc mong muốn. Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc luôn dành sự quan tâm đến Hoa Kỳ. Vì trong lịch sử Hoa Kỳ đã đánh bại những đối thủ mạnh như Đức Quốc xã, Phát xít Nhật, Liên Xô cũng như họ sẵn sàng phá hỏng các kế hoạch của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc từ thời Mao Trạch Đông đến thời Tập Cận Bình đều xem Hoa Kỳ là mối đe dọa đối với chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc. Khi cả hai quốc gia đối đầu trong thời kỳ đầu Chiến tranh Lạnh, Washington đã hỗ trợ người Tây Tạng nổi dậy chống lại chính quyền, ủng hộ Tưởng Giới Thạch tuyên bố ông ta là người cai trị hợp pháp của Trung Quốc. Trong những năm gần đây, các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ khẳng định họ mong muốn một Trung Quốc tốt đẹp hơn. Nhưng vào năm 1997, tổng thống Bill Clinton cho rằng: “Mô hình chính trị chuyên quyền của Trung Quốc đã đưa họ trở thành  “mặt trái của lịch sử”.

Giờ đây, Hoa Kỳ là lãnh đạo liên minh các nước dùng biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Trung Quốc sau sự kiện Thiên An Môn và những hành động đối xử tàn bạo với người Duy Ngô Nhĩ của chính quyền Trung Quốc. Một chính trị gia Trung Quốc giải thích rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc đã nhìn nhận: “Hoa Kỳ chưa bao giờ từ bỏ ý định lật đổ hệ thống xã hội chủ nghĩa”.

Ngay cả khi Hoa Kỳ không cố tình làm suy yếu cũng không cố tình đe dọa các nhà độc tài, mà sự hiện diện của họ đã dấy lên nỗi lo ngại. Một số Đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc nhận ra rằng những người biểu tình ở Hồng Kông đã sử dụng là cờ Hoa Kỳ như một cách chống lại sự áp đặt của chế độ độc tài trong giai đoạn 2019 – 2020, hành động này tương tự hành vi những người biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn vào 30 năm trước khi họ đã xây dựng tác phẩm điêu khắc giống như Tượng Nữ Thần Tự Do. Họ tức giận khi các kênh tin tức của Mỹ lan truyền những thông tin bạo lực, tham nhũng ở Bắc Kinh. Trong khi người Mỹ xem những hoạt động nhân quyền, trách nhiệm giải trình của chính phủ là chuyện bình thường thì Đảng Cộng sản Trung Quốc không nhìn nhận như thế, họ xem đó là những hành động không thừa nhận quyền lực của mình. Cơ bản Hoa Kỳ không thể ngừng đe dọa Trung Quốc trừ phi một nền dân chủ như Hoa Kỳ không còn quan tâm đến sự tự do trên thế giới.

Hoa Kỳ đã và đang ngăn cản con đường vươn tới sự vĩ đại của Trung Quốc theo nhiều cách khác nhau. Bằng cách bảo vệ Đài Loan thông qua việc buôn bán vũ khí, hỗ trợ ngoại giao và ngầm hứa viện trợ quân sự. Đối  với Trung Quốc, hòn đảo này là con bài chủ chốt để Trung Quốc trở về thời kỳ huy hoàng của mình. Tương tự, Hoa Kỳ cản trở Bắc Kinh thống trị khu vực Biển Đông bằng nhiều cách khác nhau: Hải quân; kêu gọi tự do hàng hải; liên minh quân sự và quan hệ đối tác an ninh ở châu Á mang đến cho các quốc gia nhỏ hơn sự khéo léo để chống lại sức mạnh của Trung Quốc. Washington duy trì lực lượng quân sự tinh nhuệ và có sức mạnh toàn cầu trong khi Trung Quốc nỗ lực phát triển một lực lượng tương tự. Hoa Kỳ đã sử dụng sức mạnh của mình để định hình quan điểm quốc tế về cách ứng xử của các quốc gia và hệ thống chính trị phù hợp. Một nhà phân tích Trung Quốc lưu ý rằng Bắc Kinh phải “phá vỡ lợi thế của phương Tây”, điều này xuất phát từ việc xác định chính phủ nào phù hợp, là “tốt và xấu”.

Chúng ta thấy rõ Trung Quốc không bác bỏ tất cả các khía cạnh trong trật tự tự do mà Hoa Kỳ lãnh đạo. Đảng Cộng sản Trung Quốc đã khai thác khả năng tiếp nhận nền kinh tế toàn cầu rộng mở, tham gia sứ mệnh giữ gìn hòa bình của Liên Hợp Quốc. Nhà lãnh đạo Trung Quốc đưa ra đánh giá tốt về những hành động trên của người Mỹ mặc dù điều đó đi ngược lại với họ trong mối quan hệ. Trung Quốc không thể đạt được thành công trong việc tạo ra thỏa thuận phản ánh lợi ích và giá trị mà không làm suy yếu, chia tách và cuối cùng thay thế trật tự hiện tại.

Ngay cả khi mối quan hệ Bắc Kinh – Washington có vẻ tốt đẹp thì các nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn nuôi dưỡng sự nghi kỵ về sức mạnh của Hoa Kỳ. Đặng Tiểu Bình cho rằng Washington đang tiến hành “cuộc chiến tranh thế giới không có tiếng súng” nhầm đánh bại Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ngược lại, những nhận thức như vậy dẫn đến niềm tin vào việc hiện thực hóa ước mơ Trung Hoa của Trung Quốc, sau đó thách thức sức mạnh của Hoa Kỳ. Vào năm 2019, Tập Cận Bình cho biết Đảng Cộng sản Trung Quốc phải đối mặt với cuộc “Vạn Lý trường chinh kiểu mới” trong mối quan hệ với Hoa Kỳ – đây là cuộc đối đầu nguy hiểm. Tập Cận Bình nói đúng khi các nước đang đứng trên ranh giới của các cuộc xung đột. Chiến lược của Đảng Cộng sản Trung Quốc khuyến khích Hoa Kỳ ngăn chặn thế lực thù địch kiểm soát Đông Á và Tây Thái Bình Dương. Chiến lược này đã khiến Hoa Kỳ e ngại vì sẽ có đối thủ có ưu thế hơn ở lục địa Á –  Âu thách thức họ. Đồng thời, động lực giành quyền kiểm soát công nghệ tuyệt đối của Trung Quốc cũng tạo quan ngại cho thế giới. Bởi một thế giới mà ở đó có sự gia tăng quyền kiểm soát công nghệ không phải là một thế giới đảm bảo nền dân chủ.

Lý do cơ bản khiến mối quan hệ Hoa Kỳ – Trung Quốc trở nên căng thẳng là Đảng Cộng sản Trung Quốc đang nỗ lực định hình thế kỷ tiếp theo bằng những cách có thể đảo ngược những gì Hoa Kỳ đã đạt được. Điều này đặt ra cho chúng ta câu hỏi: Tại sao Bắc Kinh lại mong muốn sửa đổi hệ thống, ngay cả khi điều này dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt với Hoa Kỳ? Câu trả lời là vì yếu tố liên quan địa chính trị, lịch sử và hệ tư tưởng và các quốc gia đang trỗi dậy thường tìm kiếm ảnh hưởng, sự tôn trọng và quyền lực lớn hơn.

Trung Quốc không đơn giản bị tác động bởi yếu tố địa chính trị mà họ đang hướng đến vinh quang của vận mệnh lịch sử trước đó. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc xem họ là người kế thừa đất nước Trung Hoa vĩ đại. Đế quốc Trung Hoa từng tuyên bố “thiên hạ dưới sự cai trị của hoàng đế”, và chỉ huy các quốc gia nhỏ hơn dọc theo ngoại vi với cương vị đế quốc. Nhà quan sát châu Á Michael Schuman từng viết trong quyển “Superpower Interrupted” rằng “người Trung Quốc đã được nuôi dưỡng niềm tin về vai trò của họ và đất nước của họ trong thế giới ngày nay”.

Theo quan điểm của Bắc Kinh, thế giới do Hoa Kỳ lãnh đạo trong đó Trung Quốc là cường quốc hạng hai không phải là chuẩn mực của lịch sử mà là ngoại lệ của lịch sử. Trật tự này xuất hiện sau Chiến tranh thế giới thứ hai, vào cuối “bách niên quốc sỉ” khi Trung Quốc bị các thế lực ngoại bang xâu xé, tranh giành. Vì thế, nhiệm vụ của Đảng Cộng sản Trung Quốc là đưa Trung Quốc trở lại vị trí hàng đầu thế giới. Tập Cận Bình đã nói vào năm 2014: “Từ sau Chiến tranh nha phiến lần thứ nhất năm 1840, người dân Trung Quốc mong muốn “phục hưng” đất nước Trung Hoa vĩ đại”. Khi đưa ra ý tưởng “cộng đồng chung vận mệnh” do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo là lúc Tập Cận Bình truyền niềm tin cho tất cả mọi người rằng Trung Quốc có quyền ưu việt hơn tất cả và là trật tự tự nhiên của mọi thứ.

Một ý thức hệ về một Trung Quốc mạnh mẽ có thể gây ra nhiều mối lo ngại cho Washington ngay cả khi đó là nền dân chủ tự do. Thực tế cho thấy khi một quốc gia được cai trị bởi những kẻ chuyên quyền, họ sẽ đàn áp chủ nghĩa tự do để thúc đẩy chủ nghĩa xét lại của Trung Quốc. Một nhà nước độc tài không bao giờ thấy an toàn trong sự cai trị của chính mình bởi họ không có được sự đồng ý của những người mà họ quản lý. Họ cũng không thấy an toàn trong thế giới bị thống trị bởi nền dân chủ vì những chuẩn mực quốc tế tự do thách thức hành vi phi đạo đức trong nước. Học giả Trung Quốc Minxin Pei viết: “Các chế độ chuyên quyền”, “đơn giản là không có khả năng thực hiện chủ nghĩa tự do ở nước ngoài trong khi vẫn duy trì chủ nghĩa độc tài ở trong nước.”

Theo Chỉ thị số 9 được ban hành ngay khi Chủ tịch Tập Cận Bình nhậm chức, Đảng Cộng sản Trung Quốc nhận thấy tự thế giới tự do đang đang đe dọa đến Trung Quốc: “Các lực lượng chống Trung Quốc và “những người không cùng ý chí” phương Tây vẫn nỗ lực ảnh hưởng tới hệ tư tưởng Trung Quốc”. Sự bất an xuyên suốt chế độ chuyên quyền này cũng tạo nên những tác động mạnh mẽ đến việc quản lý nhà nước. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhận ra họ phải điều chỉnh các chuẩn mực và thế chế quốc tế phù hợp với cách cai trị của mình bằng cách đẩy lùi những ảnh hưởng của “tự do” ra khỏi biên giới Trung Quốc. Bên cạnh đó, họ phải giành lấy quyền lực từ một quốc gia siêu cường theo nền dân chủ. Sau tất cả, khi một Trung Quốc độc tài trở nên hùng mạnh, quốc gia này sẽ tăng cường sức mạnh của chủ nghĩa phi tự do nhằm nâng tầm  ảnh hưởng và định hình hệ thống do mình tạo nên.

Không ngạc nhiên vì điều này đã diễn ra trong lịch sử. Khi Hoa Kỳ trở thành cường quốc thế giới, họ đã tạo nên giá trị dân chủ cho cả thế giới. Hay khi Liên Xô kiểm soát Đông Âu, họ đã lan tỏa hệ tư tưởng cộng sản. Chúng ta thấy rằng trong các cuộc cạnh tranh quyền lực từ thời cổ đại, sự phân chia ý thức hệ đã làm sự phân tách địa chính trị trở nên nghiêm trọng hơn. Chính sự khác biệt trong cách nhìn nhận công dân của các chính phủ đã tạo ra sự khác biệt của chính phủ đó.

Vì thế, Trung Quốc là quốc gia theo điển hình theo chủ nghĩa xét lại, một đế chế đang cố giành lại vị trí hàng đầu thế giới, một chế độ chuyên quyền kiên định với lối suy nghĩ của mình. Và đó là sự kết hợp đầy sức mạnh nhưng không bền vững.

Hoa Kỳ và cả thế giới đang quen thuộc với Trung Quốc đầy tham vọng khi họ xây dựng công cụ thể hiện sức mạnh toàn cầu từ tạo ảnh hưởng trong các tổ chức quốc tế đến xây dựng lực lượng hải quân lớn nhất thế giới. Tập Cận Bình đã đưa ra nhận định “Phương Đông ngày càng lớn mạnh trong khi Phương Tây ngày càng suy yếu” để bắt đầu vào hành trình trỗi dậy của mình.

Nhưng chúng ta cần đặt ra câu hỏi Tập Cận Bình và các quan chức thân cận có thật sự tự tin như thế không. Vào năm ngoái, các nhà phân tích chính trị Trung Quốc nhận ra sự lo lắng của giới lãnh đạo Trung Quốc trong các bài báo cáo và tuyên bố của chính phủ. Tập Cận Bình thừa nhận khi đề cao sức mạnh của Bắc Kinh thì phương Tây cũng đang có rất nhiều cách thức duy trì sức mạnh của mình. Chủ tịch Trung Quốc đưa ra cảnh báo về “rủi ro và thử nghiệm tiềm ẩn” cũng như lời khuyên về cuộc cạnh tranh khốc liệt sẽ diễn ra. Vì ngay cả khi sau đại dịch COVID-19, Trung Quốc phải tự thân hành động “bất khả chiến bại” để đảm bảo “không một ai có thể đánh bại hoặc bóp nghẹt chúng tôi đến chết”.

Sự lo lắng của Tập Cận Bình là không sai, vì khi quan sát kỹ hơn chúng ta có thể thất một Trung Quốc đang bị bao vây bởi các vấn đề bất ổn trong nước và sự gia tăng thù địch ở bên ngoài. Trong nước, Chính phủ Tập Cận Bình đối mặt với kinh tế tăng trưởng chậm lại, năng suất giảm sút trong khi khoản nợ chồng chất, nguồn nước, thực phẩm và năng lượng ngày càng khan hiếm. Trung Quốc còn đối mặt với tình trạng khủng hoảng nhân khẩu cũng như đang mất quyền tiến gần hơn với thế giới bên ngoài.

Trung Quốc vẫn sẽ cạnh tranh mạnh mẽ để vượt qua Hoa Kỳ trong dài hạn. Vì lý do đó, họ có thể trở nên nguy hiểm hơn trong tương lai gần. Càng có nhiều quyền lực trong tay thì họ càng trở nên hung hăng hơn với những kẻ bao vây họ. Trung Quốc cũng đang đi trên con đường có khả năng kết thúc trong bi kịch: sự trỗi dậy nhanh chóng đi kèm nguy cơ sụp đổ.

Theo NGHIÊN CỨU CHIẾN LƯỢC

Tags: , , ,