⠀
Nghiệp và smartphone: Quan điểm Phật giáo về công nghệ trong cuộc sống
Nếu chúng ta tiếp cận công nghệ với một tầm nhìn, thì chúng ta có thể sử dụng công nghệ một cách thiết thực và hiệu quả. Nếu chúng ta thiếu tầm nhìn, công nghệ sẽ kiểm soát chúng ta.
Tác giả: Sakyong Mipham Rinpoche.
Nguồn: Trích từ cuốn sách “Nguyên Tắc Của Vương Quốc Thần Thoại Shambhala”, Sakyong Mipham Rinpoche, Harmony, tháng 5/2013.
Biên dịch: Nguyễn Văn Tiến.
Tâm con người tạo ra các ý nghĩ bất tận, không ngừng nghỉ, thế nên, tâm rõ ràng là có tiềm năng vô tận để tạo ra các sản phẩm mới. Giống như là ý nghĩ của chúng ta, ý nghĩ không nhất thiết là có ích lợi, hoặc là giúp đỡ chúng ta.
Trong quá khứ, những phát minh về công nghệ làm thay đổi văn hóa thí dụ như điện thoại, và điện lực đã mất một thời gian dài để sản xuất, cho nên các nền văn hóa có nhiều thời gian hơn để hấp thụ, và suy ngẫm về ảnh hưởng của các công nghệ này.
Ngày nay, đặc biệt là các phát minh trong phương tiện truyền thông điện tử, các giá trị về văn hóa mới, và đạo đức mới đang được phát triển và thử thách, và các công nghệ này vì thay đổi quá nhanh chóng, nên làm cho chúng ta có ít thời gian để suy ngẫm, và tiếp thu ảnh hưởng của chúng.
Giống như nhiều thứ khác, công nghệ có thể phục vụ chúng ta tốt, hoặc là không tốt. Nếu chúng ta tiếp cận công nghệ với một tầm nhìn, thì chúng ta có thể sử dụng công nghệ một cách thiết thực và hiệu quả. Nếu chúng ta thiếu tầm nhìn, công nghệ sẽ kiểm soát chúng ta, vì công nghệ phát hiện ra yếu điểm của chúng ta, hoặc là sự thiếu quyết tâm của chúng ta, thí dụ như là tính hay đi lang thang, hoặc là tính hay nói tầm phào. Hoặc là công nghệ làm chúng ta quên lãng đi thời điểm hiện tại.
Bằng cách này, công nghệ đã quyến rũ chúng ta trong vài phút, rồi sau đó, quyến rũ chúng ta trong vài giờ, trong vài ngày, trong vài tháng, hoặc là trong vài năm.
Chúng ta có thể nhận biết rằng công nghệ đã phục vụ chúng ta tốt đẹp, nếu chúng ta cảm thấy công nghệ làm thăng hoa tâm hồn, làm gia tăng sự hiểu biết, hoặc là làm cho chúng ta hạnh phúc. Đây là những dấu hiệu cho thấy sự gặp gỡ công nghệ mang lại cho chúng ta đạo đức. Tuy nhiên, nếu chúng ta cảm thấy buồn tẻ, hoặc trở nên xa rời thực tế, thì rõ ràng là công nghệ đã làm tê liệt các giác quan của chúng ta.
Tâm trí chúng ta kém đi sự minh mẫn, và cảm xúc của chúng ta trở nên xa cách. Lúc đó, chúng ta biết rằng chúng ta đã bị công nghệ lạm dụng, (thay vì chúng ta sử dụng công nghệ), bởi vì lúc này công nghệ làm cạn kiệt năng lực của chúng ta. Công nghệ có thể là người quản lý về đạo đức tuyệt vời, nhưng, công nghệ cũng có thể tạo ra sự tiêu cực.
Thí dụ như điện thoại, hoặc là thư điện tử (email) dễ dàng giúp cho chúng ta an ủi, khuyên giải, hoặc là chúc mừng người khác. Tuy nhiên, vì chúng ta không cần phải đối mặt với người phía bên kia, cho nên, chúng ta có thể nói hoặc làm những điều gì, mà bình thường chúng ta không nói hoặc không làm. Như vậy, sự phiền não của chúng ta sẽ gia tăng lên gấp nhiều lần (tăng theo lũy thừa), bởi vì sức mạnh, và ảnh hưởng của công nghệ. Chúng ta cũng có khuynh hướng che dấu đằng sau các phương tiện điện tử, bởi vì chúng ta sẽ bị liên lạc theo lối này, ít hơn.
Mặc dù công nghệ đã nâng cao khả năng liên lạc, năm yếu tố căn bản về nghiệp hãy còn được mang ra áp dụng: đưa ra ý muốn (trong tư tưởng), quyết định hành động (trong tư tưởng), chuẩn bị hành động, thật sự hành động, và (khi làm xong) không hối tiếc. Chúng ta có thể quyết định xin lỗi, hoặc là trừng phạt một người nào đó, và một khi chúng ta bấm nút “gửi thư đi”, nghĩa là nghiệp đã bắt đầu làm việc. Sau đó, nếu chúng ta ngồi hài lòng với việc chúng ta làm, thì hành động về nghiệp nầy đã hoàn tất. Và, hành động này của chúng ta sẽ có người biết được (chúng ta có thể không biết người này là ai, tuy nhiên, chúng ta biết rằng chúng ta sẽ phải nhận lấy hậu quả của hành động này trong tương lai, kết quả tốt đẹp hoặc xấu xa là tùy thuộc vào việc chúng ta làm.)
Trong thời hiện đại, thậm chí chúng ta cần thuyết phục người khác nhiều hơn về đạo đức, và chúng ta cần quyết tâm hiểu biết chúng ta là ai, cùng với cách thức chúng ta muốn phát biểu như thế nào. Nói chung, cách tiếp cận tốt nhất với công nghệ là chúng ta phải để ý đến phẩm cách của chúng ta và mối quan tâm của chúng ta đối với những người khác.
Vì vậy, khi chúng ta sản xuất các chương trình mới cho máy vi tính xách tay, và các ứng dụng cho điện thoại thông minh, tâm của chúng ta rõ ràng cần phải có các nguyên tắc đạo đức. Vấn đề chính yếu là chúng ta phải trân quý và không lạm dụng tâm chúng ta. Nếu chúng ta vẫn còn giữ gìn và lưu ý các nguyên tắc và các ưu tiên của chúng ta, giống như những gì chúng ta làm trong khi thiền định, chúng ta có thể sử dụng công nghệ để đánh thức phẩm cách và kỷ luật trong tâm chúng ta, thay vì để công nghệ kiểm soát cuộc sống của chúng ta.
Theo ĐẠO PHẬT NGÀY NAY
Tags: Phật giáo, Quan điểm sống, Công nghệ