⠀
Nghĩ về ‘chiến thắng kiểu Pyrros’ và nền giáo dục Việt Nam
Không chỉ đối mặt với những áp lực từ gia đình muốn con học thật tốt, học sinh còn phải chịu áp lực phía nhà trường muốn học sinh được điểm cao để đạt thành tích.
“Nếu chúng ta chiến thắng trong một trận chiến nữa với người La Mã, chúng ta sẽ hoàn toàn bị hủy diệt”. Vua Pyrrhus xứ Epirus đã thốt lên lời nghịch lý này khi đánh bại người La Mã vào thế kỷ thứ ba trước Công Nguyên.
Tuy giành chiến thắng vang dội, quân đội của Pyrros kiệt quệ khi mất đi những chiến binh tinh nhuệ và rất khó để hồi phục lực lượng. Sau này, ông đã thua toàn cuộc chiến và phải rút lui.
Từ đó, người ta dùng cụm từ “Chiến thắng kiểu Pyrros” để chỉ những thành công phải chịu tổn thất nặng nề và trả giá rất đắt, có khi lớn hơn lợi ích đạt được. Nhiều học sinh Việt Nam có thể (đã) rơi vào trường hợp như vậy.
Từ quan sát và trải nghiệm của bản thân với học đường tại đô thị, tôi nhận thấy học sinh Việt Nam chịu quá nhiều áp lực, đặc biệt là áp lực về mặt thành tích học tập.
Không chỉ đối mặt với những áp lực từ gia đình muốn con học thật tốt, học sinh còn phải chịu áp lực phía nhà trường muốn học sinh được điểm cao để đạt chỉ tiêu thi đua.
Nhiều em học sinh lớn lên và dành thời gian hầu hết ở trường học và các trung tâm dạy thêm nhiều hơn bên cha mẹ hoặc vui chơi cùng bạn bè.
Trong giáo dục, sự tập trung phát triển toàn diện trí dục, thể dục và đức dục của học sinh rất quan trọng.
Tuy rằng hệ thống giáo dục Việt Nam hiện vẫn có các hình thức để rèn luyện học sinh về ba khía cạnh trên, nhưng sự thiếu hụt chất lượng giảng dạy và mục tiêu đào tạo đặt nặng thành tích làm méo mó và suy yếu sự phát triển của chính người học.
Ở bài viết này, tôi xin chỉ ra ba khía cạnh mà nền giáo dục hiện tại đã lấy đi của học sinh Việt Nam những cơ hội quý giá để được học một cách đích thực.
1. Đào tạo một trí tuệ trì trệ?
Vấn đề giảng dạy và học ở nhà trường đã được mổ xẻ nhiều lần. Để đối phó với áp lực điểm số từ giáo viên hoặc để làm đẹp bảng điểm, học sinh chọn chiến thuật học tủ, học vẹt, học thêm, trong khi xem nhẹ việc thấu hiểu bản chất bài học.
Việc thầy đọc, trò chép và đem y nguyên vào bài thi cũng được xem là bình thường ở nhiều trường trung học.
Vấn đề quan trọng hóa thành tích nghiêm trọng đến mức tình trạng gian lận thi cử xuất hiện với tần suất nhiều hơn trong các kỳ thi tập trung.
Thậm chí, hiện tượng cán bộ giáo dục nhận hối lộ để nâng điểm thi cho thí sinh tại Hà Giang và Sơn La trong Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia năm 2018 đã gây rúng động dư luận.
Vừa qua, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (Word Economic Forum) nêu ra các kỹ năng quan trọng trong tương lai bao gồm kỹ năng phân tích, kỹ năng học tập chủ động, giải quyết vấn đề phức tạp, tư duy phản biện, sáng tạo,…
Như vậy, những hiện trạng dạy và học nêu trên đã trở nên tụt hậu và chưa giúp học sinh đạt được những năng lực tư duy cần thiết.
Nếu các học sinh, mầm non của đất nước, tiếp tục theo đuổi chỉ tiêu và thành tích mà các nhà làm chính sách và quản lý tự đặt ra trong hệ thống đào tạo yếu kém, cái giá phải trả có thể là sự thụt lùi về năng suất lao động và sự phát triển của cả thế hệ.
2. Đức dục: Từ phương pháp đến thực hành
Dù học sinh tiểu học có môn Đạo đức và học sinh bậc Trung học cơ sở và phổ thông được học Giáo dục công dân, nhưng bất cập vẫn còn nhiều.
Nghiên cứu năm 2017 của Tạp chí Giáo dục thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ ra nội dung môn Giáo dục công dân hiện nay nặng về lí luận, thiếu tính thời sự, phương pháp dạy đôi khi nhồi nhét, áp đặt.
Tác giả của nghiên cứu còn nêu lên chuyện một số trường yêu cầu giảng viên môn khác dạy Giáo dục công dân vì thiếu người có chuyên môn, và thậm chí thiếu phương tiện, thiết bị dạy học. Kết quả là, học sinh học đối phó, xuống cấp đạo đức.
Ở đây, tôi không đi sâu định nghĩa đạo đức, vì cần nhiều hơn một bài viết để thảo luận. Tuy nhiên, tình trạng bạo lực học đường, xâm hại tình dục, sử dụng ma túy, gian lận thi cử, trộm cắp, lừa đảo là có thật ở một bộ phận học sinh trung học.
Cần phải hiểu rằng, sự thiếu vắng một môn học thời trung học giúp con người tự phân định, ví dụ như triết học, đã gây ra những tác động xấu lên xã hội, thậm chí là bản thân các em học sinh.
Ngoài ra, khi xem Giáo dục công dân là môn “phụ” và chỉ học những môn “chính”, nhiều phụ huynh, học sinh và cả các nhà quản lý giáo dục không lường được rằng sự vắng bóng tư duy về đạo đức và vai trò công dân sẽ khiến cho các em học sinh chật vật với những nối kết xã hội sau này vốn đầy thế lưỡng nan, và đồng thời khó khăn để có thể đưa ra những phân định đúng đắn.
3. Khi thể thao cũng ì ạch
Nhà thơ người La Mã Juvenal từng viết “Mens sana in corpore sano” (tạm dịch: Một tinh thần minh mẫn trong một cơ thể khỏe mạnh).
Sự phát triển trí tuệ không đủ nếu thiếu đi một thể trạng khỏe khoắn. Sự đào luyện về thể chất là điều kiện cần để phát huy năng lực tư duy.
Tại Việt Nam, các trẻ vị thành niên đang trong độ tuổi phát triển thể chất nhưng thiếu hẳn điều kiện cần thiết tại trường học để phát triển.
Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy có 80% số trường tiểu học và trung học thiếu nhà tập thể dục, thể thao.
Thậm chí, nhiều trường học còn xem nhẹ giáo dục thể chất và không hề có chương trình thể thao ngoại khóa.
Đây rõ ràng là tình trạng đáng báo động về thái độ với tầm quan trọng của việc phát triển thể chất ở học sinh.
Hơn nữa, nếu tình trạng này tiếp diễn, việc đạt mục tiêu “Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 – 2030” vẫn còn rất nhiều khó khăn.
4. Hướng đến một giải pháp toàn diện
Phát triển con người toàn diện là một mục tiêu quan trọng của giáo dục. Trong khi nhiều người vẫn loay hoay đi tìm triết lý của nền giáo dục của Việt Nam, tôi mạo muội nghĩ rằng nền tảng cho sự phát triển ấy cần được xây dựng dựa trên ba yếu tố quan trọng: Nhân phẩm, sự tham gia và công ích.
Thứ nhất, mỗi người trong hệ thống giáo dục là một hữu thể có giá trị độc nhất, từ học sinh đến giáo viên. Vì vậy, việc tôn trọng những xu hướng, sở trường và khuyết điểm của mỗi cá nhân phải là điều kiện tiên quyết để xây dựng và thực thi chính sách giáo dục.
Thứ hai, các nhà quản lý giáo dục cần hiểu rằng những chính sách của họ tác động chặt chẽ và mật thiết với các em học sinh, và chính họ cần phải đến, phải trò chuyện, phải thấu hiểu một cách thường xuyên những nhu cầu của các em học sinh và cả giáo viên, vì những em học sinh chính là những “người thầy” không ngờ tới nhất mà những nhà làm chính sách giáo dục phải học hỏi.
Nói cách khác, sự tham gia của các em học sinh, giáo viên và cả phụ huynh phải đóng vai trò quan trọng trong việc định hình chính sách giáo dục. Điều này khuyến khích các sáng kiến của cả cộng đồng, giúp phát huy tình liên đới.
Cuối cùng, những nỗ lực để kiến tạo một nền giáo dục toàn diện phải phục vụ cho thiện ích chung. Điều đó có nghĩa là mỗi cá nhân đều được đảm bảo phát triển trong một môi trường lành mạnh không phân biệt xuất thân hay điều kiện sống.
Tôi vẫn còn nhớ như in sau ngày kết thúc kỳ thi Đại học. “Chỉ cần thi thêm thế này một lần nữa, tôi sẽ kiệt quệ”, tôi tự nhủ.
Không chỉ một mà rất nhiều lần, tôi phải chật vật đối mặt với các kỳ thi và vấn đề ở môi trường đại học, nơi tôi chưa được trang bị đủ kỹ năng để trải nghiệm một cách trọn vẹn.
Có lẽ, tôi cũng như nhiều bạn bè khác, đã giành lấy một chiến thắng đỗ đạt, nhưng cái giá phải trả chính là mất đi nền tảng của tư duy, sự sáng tạo, tính phản biện, nhận thức về công lý, và có thể là một cơ thể khỏe mạnh. Tôi tự hỏi liệu chúng tôi đã nỗ lực vì điều gì?
Theo CHÍ THIỆN / GIÁO DỤC VIỆT NAM
Tags: Giáo dục