Nghèo đói bủa vây người Nhật trong đại dịch COVID-19

Có nhiều bằng chứng cho thấy tình trạng nghèo đói đang ngày càng trở nên phổ biến tại Nhật Bản trong đại dịch COVID-19. Đáng báo động hơn, tình trạng này đang thúc đẩy hiện tượng “chết trong cô độc” ngày càng gia tăng tại “đất nước Mặt Trời mọc”.

Nghèo đói bủa vây người Nhật trong đại dịch COVID-19

Theo Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (Hồng Kông, Trung Quốc), các trung tâm hỗ trợ phúc lợi trên khắp Nhật Bản gần đây đã ghi nhận số lượng lớn cuộc gọi từ những người đang gặp hoàn cảnh khó khăn, dường như bắt nguồn từ đại dịch COVID-19.

Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cho biết các trung tâm hỗ trợ trên khắp Nhật Bản đã nhận được 391.717 cuộc điện thoại tư vấn trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 9, nhiều gấp 3 lần số liệu được báo cáo trong cùng kỳ năm ngoái. Bất kỳ ai đang gặp khó khăn đều có thể xin hỗ trợ của chính phủ, bao gồm những người mất thu nhập hay gặp các vấn đề sức khỏe.

Để giải quyết tình trạng này, một số chính quyền địa phương thậm chí còn thuê khách sạn để giúp đỡ những người không có nơi ở đến sống tạm, đặc biệt ưu tiên hỗ trợ các gia đình.

Một số trung tâm còn cung cấp thông tin chi tiết về cơ hội việc làm cho người thất nghiệp, mặc dù cơ hội này tương đối hiếm. Nhiều chính quyền địa phương cũng giúp đỡ những người khó khăn bằng cách phát thực phẩm miễn phí.

Hồi tháng 4, các trung tâm hỗ trợ đã ghi nhận 95.000 trường hợp cần tư vấn, hầu hết đều là những người mất việc làm và giảm thu nhập trong đại dịch. Con số này đã giảm xuống còn 40.000 trường hợp vào tháng 7. Tuy nhiên, các cơ quan phúc lợi cảnh báo rằng con số này một lần nữa đã tăng trở lại, khi số ca mắc COVID-19 ở nước này đã vượt ngưỡng 200.000 người, với trên 2.800 ca tử vong, tính đến ngày 23/12.

Song, những số liệu này dường như vẫn chưa nói lên được những khó khăn mà nhiều người Nhật Bản đang phải đối mặt. Đại dịch COVID-19 bùng phát đã khiến nhiều người rơi vào cảnh thiếu thốn, đói khát, thậm chí nhiều thảm kịch đau lòng đã xảy ra.

Hôm 11/12, cảnh sát đã vào một căn hộ ở phường Minato, tỉnh Osaka và phát hiện 2 thi thể đang trong tình trạng phân hủy. Nạn nhân là một cụ bà 68 tuổi và một người phụ nữ 42 tuổi, con gái cụ. Tủ lạnh trong gia đình này trống trơn, không còn thức ăn, nước và gas cũng đã bị cắt. Trong ví của cụ bà chỉ còn lại 13 yên (khoảng 3.000 đồng).

Cảnh sát cho biết cả hai mẹ con đã qua đời được vài tháng. Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy họ đều qua đời vì suy dinh dưỡng. Cụ bà chỉ nặng khoảng 30kg khi chết.

Tờ Mainichi của Nhật đưa tin hai người phụ nữ không được nêu tên đã sống trong căn hộ khoảng 10 năm. Ban đầu, họ rất tích cực tham gia các hoạt động trong hiệp hội cộng đồng địa phương. Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi vào đầu năm nay khi người phụ nữ trẻ bỏ việc. Họ thú nhận với bạn bè rằng họ đang thiếu tiền và phải sống dựa vào khoản tiền của người thân gửi đến.

“Theo quan điểm của một nhà lão khoa học, những người sống cô độc thường không tiếp xúc với hàng xóm.. Tuy nhiên, khi đã già đi và đôi khi không còn sức lực để chăm sóc những người xung quanh mình, sự hỗ trợ duy nhất mà họ còn có thể nhận được là từ chính quyền địa phương, đặc biệt khi họ ngày càng yếu ớt”, ông Yasuyuki Gondo, Giáo sư tâm lý học tại Đại học Osaka, chuyên nghiên cứu về người cao tuổi, cho biết.

Theo chính quyền Osaka, cả hai phụ nữ đều không nộp đơn xin hoặc nhận trợ cấp công, nghĩa là họ chưa từng có tên trong danh sách của văn phòng phúc lợi địa phương.

“Trước đây, cảnh sát khu vực thường sẽ đến nhà người mới chuyển đến một khu vực sinh sống. Nhưng hiện tại họ không làm điều đó nữa. Trong những khu dân cư đông đúc, con người thường có xu hướng sống khép kín hơn. Hàng xóm cũng ngại đến nhà của ai đó vì vấn đề riêng tư”, Giáo sư Gondo nói.

Hiện tượng “kodokishi” lần đầu tiên được ghi nhận ở Nhật Bản vào những năm 1980. Một số bằng chứng cho thấy tình trạng này đang ngày càng gia tăng ở các thành phố lớn, nơi hầu hết các gia đình hạt nhân không còn tồn tại và có nhiều người sống một mình hơn. Đặc biệt, đại dịch COVID-19 cũng khiến hiện tượng này gia tăng khi gây ra cuộc khủng hoảng sức khoẻ tâm thần, thất nghiệp lan tràn.

Tuy nhiên chưa có thống kê chính thức trên toàn quốc, ngoài Tokyo và Osaka. Hầu hết các chuyên gia ước tính con số này là 30.000 mỗi năm. Nhiều người tin rằng con số thực tế còn “gấp đôi hoặc gấp ba lần”, theo AFP.

Một quan chức Bộ Y tế Nhật Bản đánh giá chính quyền địa phương dường như đã không theo dõi sát sao những người dễ bị tổn thương. Theo ông này, các trường hợp tự tách biệt và không được người thân để mắt tới đang ngày càng tăng tại xã hội già hóa của Nhật Bản trong khi các gia đình nhỏ thường có mối liên hệ truyền thống nhạt nhòa hơn.

Theo BÁO TIN TỨC

Tags: , ,