Nghệ thuật sân khấu dân tộc: Bao giờ cho đến ngày xưa?

Cha ông ta đã để lại một kho tàng nghệ thuật sân khấu vô cùng quý giá với các bộ môn: Tuồng, chèo, cải lương… Những vở diễn thuộc các bộ môn này thời kỳ hoàng kim của sân khấu Việt Nam trong các thập niên 70 – 80 của thế kỷ trước, đã làm rung động hàng triệu trái tim người xem qua các đêm diễn.

Nghệ thuật sân khấu dân tộc: Bao giờ cho đến ngày xưa?

Nhưng hiện nay, trong bối cảnh mở rộng giao lưu văn hóa, bùng nổ thông tin, các chương trình giải trí có mặt khắp nơi, khiến cho sân khấu nói chung và sân khấu dân tộc nói riêng lâm vào tình trạng thưa vắng người xem. Từ đó, doanh thu của các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực sân khấu dân tộc ngày càng eo hẹp, đời sống nghệ sĩ gặp nhiều khó khăn.
Trong hoàn cảnh đó, làm thế nào để bảo tồn, phát huy nghệ thuật sân khấu dân tộc? Theo chúng tôi, trước mắt phải giữ gìn bằng được lực lượng chuyên nghiệp đang nắm giữ vốn quý của cha ông. Nhà nước ta rất quan tâm đến việc giữ gìn nghệ thuật dân tộc, đã đầu tư nhiều cho lực lượng này, nay trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn cần đầu tư có trọng điểm, không tràn lan. Các nhà hát sân khấu dân tộc cần được tập trung đầu tư vì nơi đây lưu giữ các vở diễn kinh điển. Các nhà hát này còn là nơi tập hợp các nghệ sĩ gạo cội nắm được vốn nghệ thuật của ông cha và cũng là nơi đào tạo nghệ sĩ trẻ tiếp bước lớp nghệ sĩ đi trước. Chúng ta phấn đấu để mỗi nhà hát thật sự là một “bảo tàng sống” của sân khấu dân tộc.

Xã hội hóa hoạt động sân khấu có vai trò rất quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật sân khấu dân tộc. Tuy được nhà nước đầu tư nhưng các đơn vị nghệ thuật sân khấu dân tộc chuyên nghiệp cũng phải năng động, sáng tạo tìm mọi giải pháp để tiếp cận người xem và tăng nguồn thu. Ðiều này có thể thấy rõ qua hoạt động của một số đơn vị nghệ thuật ở trung ương và địa phương. Nhà hát cải lương Trung ương khai thác được nhiều điểm diễn, tổ chức những chuyến lưu diễn ở cái nôi cải lương Nam Bộ, vừa có doanh thu tốt vừa nâng cao trình độ nghệ thuật cho diễn viên. Nhà hát chèo Hà Nội, Nhà hát múa rối Thăng long đã kết hợp với ngành du lịch đón nhiều du khách trong nước và quốc tế, tạo ra nguồn thu không nhỏ từ du lịch… Mở rộng, thúc đẩy phong trào sân khấu dân tộc quần chúng, nhất là ở những nơi có nghệ thuật truyền thống là hướng xã hội hóa đạt hiệu quả cao. Ở nôi tuồng Bình Ðịnh nở rộ phong trào quần chúng diễn tuồng, hầu như xã nào cũng có đội tuồng không chuyên được trang bị khá đầy đủ và diễn các tuồng cổ khá hay. Phong trào đàn ca tài tử phát triển khắp nơi trong cái nôi cải lương Nam Bộ. Ở Thái Bình, các đội chèo không chuyên cũng lưu diễn khắp nơi… Việc phát triển phong trào sân khấu quần chúng vừa phổ biến sâu rộng các bộ môn nghệ thuật dân tộc đến mọi tầng lớp nhân dân vừa tạo nguồn nghệ sĩ tài năng cho các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp. Vận động, tuyên truyền tốt đi đôi với cơ chế, chính sách khuyến khích sẽ thu hút được các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tài trợ cho sân khấu dân tộc. Các kỳ, cuộc liên hoan hội diễn sân khấu không nên đóng cửa để Ban giám khảo và các đơn vị sân khấu thi với nhau mà cần mở rộng, tạo sự lan tỏa trong xã hội, lôi cuốn các nhà tài trợ vào cuộc. Tình hình hiện nay, khó có nhà tài trợ nào nuôi một đơn vị sân khấu như một đội bóng, song có nhiều cách thức tài trợ như tài trợ cho một vở diễn, đặt hàng chương trình, tài trợ cho những nghệ sĩ xuất sắc…

Ðối với nghệ thuật sân khấu dân tộc thì việc tuyên truyền, giáo dục, quảng bá hết sức cần thiết. Có nhiều người tỏ ra không yêu thích sân khấu dân tộc nhưng thật ra là do không hiểu nó vì thế không thấy hết cái hay, cái đẹp và giá trị sâu sắc của nó. Nhiều người sau khi nghe buổi nói chuyện về nghệ thuật sân khấu dân tộc đã hiểu rồi dẫn đến ham thích, đam mê. Các phương tiện thông tin đại chúng cũng đề cập nhiều đến sân khấu dân tộc, trên màn ảnh nhỏ thường xuất hiện những vở tuồng, chèo, cải lương, song thiết nghĩ cần có nhiều hơn sự diễn giảng kèm theo minh hoạ sẽ có hiệu quả hơn. Ðể giáo dục nghệ thuật dân tộc từ lúc còn nhỏ tuổi, Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam đã thực hiện Dự án sân khấu học đường. Hàng chục trường học trong cả nước đã tham gia dự án này. Ngoài giờ học chính khóa, các em tham gia học các lớp trên sân khấu dân tộc, học ca, học diễn, học múa. Ðiều đáng mừng là các em rất say mê học tập và rất hứng thú. Ðó cũng là một cách tốt để giữ gìn và quảng bá vốn nghệ thuật của ông cha trong cuộc sống hiện đại.

Chúng ta rất trân trọng các nghệ sĩ đã phấn đấu vượt qua những khó khăn, thiếu thốn của đời sống hằng ngày, lao động nghệ thuật hết mình vươn tới đỉnh cao tài năng. Bao thế hệ nghệ sĩ đi trước đã từng vượt qua bao gian nan thử thách gắng sức trở thành những ngôi sao trên bầu trời sâu khấu dân tộc. Ðó là những tấm gương để các thế hệ nghệ sĩ hôm nay noi theo.

Theo QUỐC TUẤN / NHÂN DÂN ONLINE

Tags: ,