Nền y tế Việt Nam và chuyện chăm sóc giảm nhẹ giai đoạn cuối đời

Giúp một người được sống những ngày cuối cùng trong bình an và ra đi thanh thản là việc không dễ dàng, nhưng đáng để theo đuổi, vì “bạn quan trọng cho đến giây phút cuối cùng của cuộc đời”.

Nền y tế Việt Nam và chuyện chăm sóc giảm nhẹ giai đoạn cuối đời

Khi còn là sinh viên y, tôi được nghe câu chuyện về các nữ cứu thương trong kháng chiến chống Pháp.

Sau trận chống càn, một chiến sĩ trẻ bị thương nặng, mất nhiều máu. Hai nữ cứu thương được giao nhiệm vụ đưa anh về hậu cứ cứu chữa. Hai phụ nữ với một thương binh nặng sẽ phải vượt chặng đường xa, qua nhiều đồn bốt giặc. Một trong hai cô phát khóc vì bất lực. Người còn lại bình tĩnh đi đun một ít nước ấm, rồi chị đỡ chiến sĩ trẻ lên, lau mặt lau người, cho anh uống nước và thì thầm nói: “Yên tâm, chị sẽ đưa em về nhà”. Một lúc sau, người chiến sĩ qua đời trong bình yên, trên môi còn phảng phất nụ cười.

Nữ y tá đó đã thực hiện công việc chăm sóc giảm nhẹ giai đoạn cuối đời, từ trước cả khi chuyên ngành y học này được công nhận.

Chuyên ngành chăm sóc giảm nhẹ (Palliative care) hiện đại ra đời từ sự khởi xướng của bác sĩ người Anh – Cicely Saunders. Năm 1948, khi còn là một y tá 20 tuổi ở London, bà đã quan tâm tới tình trạng đau đớn của người bệnh ung thư. Sau khi trở thành bác sĩ, bà đi tiên phong trong việc giúp đỡ người bệnh ở giai đoạn cuối đời, với phương châm cái chết cũng tự nhiên như sự sống, người bệnh không đáng phải chịu sự dày vò đau đớn trước khi chết. Phong trào chăm sóc cuối đời dần hình thành như thế.

Đến năm 1987, chuyên ngành y học giảm nhẹ bắt đầu được công nhận ở Anh, Australia và New Zealand, sau đó lan rộng ra toàn cầu. Ngày nay toàn thế giới có trên 8.000 viện chăm sóc cuối đời đang hoạt động và rất nhiều khoa chăm sóc giảm nhẹ được tổ chức trong các bệnh viện. Một số quốc gia, như Mỹ, dùng thuật ngữ “Hospice care”, có ý nghĩa tương tự “Palliative care”, nhưng tập trung vào chăm sóc nhiều hơn là điều trị.

Năm 2014, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị: “Điều trị giảm nhẹ là một nhiệm vụ đạo đức của hệ thống y tế và là nghĩa vụ đạo đức của các chuyên gia y tế trong việc giúp giảm bớt, xoa dịu nỗi đau và sự chịu đựng về thể chất, tâm lý hoặc tinh thần, bất chấp tình trạng bệnh lý có thể chữa khỏi hay không…”.

Đối tượng của chăm sóc giảm nhẹ là bệnh nhân ung thư, bệnh mạn tính giai đoạn cuối, người có các triệu chứng đau buồn khác về tâm lý – xã hội hoặc tinh thần; cũng như tất cả những người có tiên lượng sống ngắn hơn sáu tháng.

Các nội dung chăm sóc giảm nhẹ, gồm: Giảm đau và giảm các triệu chứng gây khó chịu, hỗ trợ về tâm lý – xã hội và tinh thần cho bệnh nhân và gia đình, tìm hiểu các giá trị, niềm hy vọng và nỗi sợ của bệnh nhân, hỗ trợ tinh thần giúp bệnh nhân và gia đình đối mặt với bệnh tật, giúp bệnh nhân hấp hối chuẩn bị trước cái chết nếu thích hợp…

Chăm sóc giảm nhẹ cũng bảo vệ người bệnh khỏi những can thiệp y tế không thích hợp hoặc không mong muốn, như những điều trị duy trì sự sống một cách quá mức. Chăm sóc giảm nhẹ xem sự sống và cái chết như một tiến trình tự nhiên: không bao giờ đẩy nhanh đến cái chết, nhưng cũng không cố kéo dài sự hấp hối.

Ở điểm này cần phân biệt với những tranh cãi về “trợ tử”. Phía vận động cho quyền trợ tử cho rằng những khổ đau cuối đời thường vượt quá sự chịu đựng của người bệnh nên cần giải thoát họ bằng một cái chết nhanh và êm ái. Trong khi ngành chăm sóc giảm nhẹ lại tập trung làm giảm đau đớn, giúp người bệnh tận hưởng những ngày cuối đời trong bình an.

Trước những tranh cãi gay gắt về đạo đức và lo ngại về hệ quả xấu do việc trợ tử gây ra, tính đến năm 2024, mới chỉ có một số nước trên thế giới cho phép trợ tử, như: Bỉ, Luxembourg, Hà Lan, Colombia, Canada, Tây Ban Nha, New Zealand, Bồ Đào Nha, Ecuador… Ngoài ra có một số bang của Mỹ, Australia cho phép bệnh nhân dừng điều trị để tự tìm cái chết nhưng cấm mọi người khác (kể cả người thân và bác sĩ) gợi ý, kê đơn hoặc cung cấp phương tiện cho họ tự sát; nếu cung cấp sẽ bị xử lý hình sự.

Tổ chức Y tế Thế giới ước tính hơn 40 triệu người cần được chăm sóc giảm nhẹ hàng năm và với phương thức thích hợp, sự đau khổ của những người này có thể được ngăn chặn. Tuy nhiên, nhiều người sống ở những vùng đất rộng lớn trên thế giới vẫn không thể tiếp cận bất kỳ hình thức chăm sóc giảm nhẹ nào. Điều quan trọng, vì vậy, là tiếp tục mở rộng các trung tâm chăm sóc giảm nhẹ và thức tỉnh nhận thức của xã hội.

Tại Việt Nam với truyền thống nhân ái, các hành động giúp đỡ người thân lúc ốm đau cũng như khi cuối đời đã có truyền thống từ xa xưa. Tinh thần của chăm sóc giảm nhẹ tồn tại trong mọi hoạt động của bệnh viện, và sau này theo xu hướng của thế giới, đã tách thành chuyên khoa riêng. Năm 2010, Bệnh viện K thành lập khoa chống đau, tiền thân của khoa chăm sóc giảm nhẹ hiện nay. Đến nay rất nhiều bệnh viện công và tư có trung tâm chăm sóc giảm nhẹ. Tôi đang làm ở một bệnh viện tuy nhỏ ở quê nhưng cũng có khoa chăm sóc giảm nhẹ, đón nhiều bệnh nhân từ tuyến trung ương về nằm những ngày cuối cùng.

Vấn đề tài chính của chăm sóc giảm nhẹ là một trở ngại khi muốn triển khai rộng hoạt động này. Tuy nhiên nếu hiểu chăm sóc giảm nhẹ không phải là cố gắng điều trị bệnh trong vô vọng, mà là làm giảm đau, giảm các biến chứng, làm cho những ngày cuối đời trở nên có thể chịu đựng được, thì chi phí dù sao cũng không quá tốn kém.

Một bác sĩ hỏi một bệnh nhân giai đoạn cuối rằng, trong tất cả sự chăm sóc dành cho ông, ông đánh giá việc nào quan trọng nhất, thì được trả lời, chính sự thông cảm và thấu hiểu của người xung quanh đã an ủi ông nhất. Điều này cũng phù hợp với tập quán của người Việt, con cháu người thân thông cảm, chia sẻ sẽ nâng đỡ tinh thần của người bệnh hơn tất cả loại thuốc tốt nhất.

Giúp một người được sống những ngày cuối cùng trong bình an và ra đi thanh thản là việc không dễ dàng, nhưng đáng để theo đuổi, bởi như người khai sinh ra ngành chăm sóc giảm nhẹ đã nói: “Bạn quan trọng vì bạn là bạn, và bạn quan trọng cho đến giây phút cuối cùng của cuộc đời”.

Theo VNEXPRESS

Tags: