⠀
Một số điều chỉnh chính sách đối ngoại của Campuchia và hàm ý với Việt Nam
Với một thế giới luôn biến động không ngừng và khó lường như ngày nay, chính sách đối ngoại của Campuchia cũng buộc phải thay đổi để phù hợp với tình hình khu vực và thế giới nhằm đảm bảo lợi ích của họ. Sự điều chỉnh chính sách đối ngoại từ 2010 đến nay của Campuchia luôn bị chi phối sâu sắc bởi 2 nhân tố Mỹ và Trung Quốc. Với vị trí chiến lược quan trọng của mình, những sự điều chỉnh chính sách đối ngoại của Phnom Penh ảnh hưởng không nhỏ tới cục diện khu vực nói chung và Việt Nam nói riêng.
Vị trí và vai trò của Campuchia trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương
Cạnh tranh Mỹ – Trung ngày càng gay gắt trên mọi phương diện về kinh tế, chính trị, quân sự. Khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đặc biệt là Đông Nam Á là tâm điểm của cuộc cạnh tranh tầm ảnh hưởng lớn nhất thế kỷ 21 này. Campuchia nằm ở vị trí địa chính trị chiến lược quan trọng đối với chiến lược hướng Nam, “chuỗi ngọc trai” cũng như Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc. Campuchia là bàn đạp, giúp Trung Quốc tiến sâu, gia tăng ảnh hưởng và loại dần ảnh hưởng của Mỹ ra khỏi Châu Á – Thái Bình Dương[1]. Vì vậy, trong suốt hai thập kỉ vừa qua, đặc biệt từ sau Đại hội XVIII, Trung Quốc không ngừng mở rộng, làm sâu sắc toàn diện mối quan hệ với Campuchia bằng các dự án đầu tư trị giá hàng tỷ USD. Những ảnh hưởng của Trung Quốc tới kinh tế, đời sống văn hoá xã hội đã sâu sắc và vững chắc.
Những nhân tố tác động đến sự thay đổi chính sách đối ngoại của Campuchia
Là một nước nhỏ cả về tiềm lực kinh tế – xã hội, quốc phòng và chỉ có vị trí địa chiến lược là lợi thế nổi bật. Campuchia có ít sự lựa chọn hơn các nước ASEAN trong việc hoạch định chính sách đối ngoại trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ – Trung ngày càng tăng.
Những động lực bên trong
Duy trì sự sống còn của chế độ chính trị Campuchia trước những cáo buộc của phương Tây về vi phạm nhân quyền và gian lận trong các cuộc bầu cử. Campuchia coi những chỉ trích của phương Tây nhằm vào các vấn đề trên là đang can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia này. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới việc hoạch định, điều chỉnh chính sách đối ngoại của Campuchia. Với việc nắm quyền liên tục trong hơn 3 thập kỷ, thành tựu lớn nhất của Thủ tướng Hunsen là chấm dứt cuộc nội chiến và đưa kinh tế Campuchia phát triển khá ấn tượng. Điều đó giúp ông giữ vững được quyền lực trong khoảng thời gian dài như vậy, nhưng quyền lực ấy đang bị đe doạ. Các cuộc bầu cử quốc gia năm 2013 và bầu cử địa phương năm 2017 cho thấy rằng số người dân đón nhận Hun Sen và đảng của ông đã giảm. Trừ phi ông ấy cam kết cải thiện nhân quyền và dân chủ cũng như giải quyết các vấn đề xã hội cấp bách trong nước, nếu không tính hợp pháp trong nước của ông sẽ ngày càng xấu đi. Hiện tại, chính phủ của Hun Sen dường như đối mặt với ít áp lực từ bên trong hơn là bên ngoài. Nhưng áp lực bên ngoài ngày càng tăng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến quỹ đạo tăng trưởng kinh tế của Campuchia và làm trầm trọng thêm những bất bình trong nước. Nếu Hun Sen không thể duy trì đà phát triển và tăng trưởng kinh tế – chìa khóa cho quyền lực của chính phủ của ông ta – thì sự quyền lực chính trị của Hun Sen có thể sẽ bị suy yếu, nếu không muốn nói là bị thách thức[2]. Áp lực duy trì sự phát triển của nền kinh tế cũng như quyền lực của chính quyền cũng sẽ là nhân tố tác động tới những điều chỉnh của chính sách đối ngoại Campuchia.
Những yếu tố bên ngoài
Campuchia là nhân tố vô cùng quan trọng đối với chiến lược BRI cũng như trong cuộc đua tranh tầm ảnh hưởng của Trung Quốc với Mỹ. Trung Quốc đã và đang có nhiều hoạt động nhằm tăng cường sự phụ thuộc của Campuchia vào họ và gia tăng ảnh hưởng tại quốc gia này. Vì thế, có thể khẳng định rằng, Trung Quốc có ảnh hưởng lớn tới sự hoạch định chính sách đối ngoại của chính quyền thủ tướng Hun Sen. Thông qua các hình thức viện trợ, Trung Quốc gây sức ép, tác động nhằm chi phối chủ trương, quan điểm đối ngoại của Campuchia, dần dần đưa Campuchia vào quỹ đạo ảnh hưởng của Trung Quốc, buộc Campuchia phải điều chỉnh chính sách ngoại giao, cân nhắc những vấn đề khu vực và quốc tế mà Trung Quốc đang quan tâm. Sự phụ thuộc này cũng đem về một số mặt tích cực cho Campuchia, với vị trí địa chiến lược của mình Campuchia không chỉ nhận được sự đầu tư của Trung Quốc mà còn từ nhiều quốc gia phát triển khác nhằm tranh giành sự ảnh hưởng, từ đó Campuchia sẽ có thêm nguồn lực cho phát triển kinh tế, cải thiện cơ sở hạ tầng và đời sống của người dân[3].
Nguy cơ mất đoàn kết, chia rẽ giữa các nước ASEAN do các lập trường khác nhau của các nước thành viên với Campuchia về các vấn đề khu vực và trên thế giới như đảo chính ở Myanmar, vấn đề biển Đông, xung đột Nga – Ukraina v..v[4] cũng là một nhân tố đáng chú ý trong sự điều chỉnh chính sách đối ngoại của Campuchia
Một số điều chỉnh chính sách đối ngoại của Campuchia và tác động của nó tới cục diện khu vực
Sự điều chỉnh chính sách đối ngoại của Campuchia
Bài nghiên cứu “Cambodia’s Foreign Policy Choice during 2010 to 2020: From Strategic Hedging to Bandwagoning” của Chandy Doung, William Kang và Jaechun Kim đã phân tích sự thay đổi chính sách đối ngoại của Campuchia trong giai đoạn 2010 – 2020. Dưới đây là khái quát một số điểm thay đổi đáng chú ý.
Chính sách đối ngoại Campuchia giai đoạn 2010 – 2017
Quan hệ Mỹ – Campuchia từng bước được cải thiện trong nhiệm kỳ đầu tiên của tổng thống Barack Obama nhưng vẫn còn khá hạn chế do những quan điểm khác nhau giữa hai quốc gia về vấn đề nhân quyền, tù nhân chính trị và cải cách dân chủ. Từ 2007, có những dấu hiệu đáng kể của việc mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc ở Campuchia về các mặt kinh tế, chính trị, an ninh thông qua BRI.
Phản ứng của Campuchia trong giai đoạn này là cố gắng cân bằng giữa Trung Quốc và Mỹ. Bằng cách vừa ủng hộ nhóm hợp tác Lan thương – Mê Kông do Trung Quốc lãng đạo, vừa tham gia vào sáng kiến hạ lưu sông Mê – kong do Mỹ lãnh đạo. Hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, quân sự giữa Campuchia và cả hai nước Mỹ – Trung Quốc được thúc đẩy, tuy nhiên hợp tác với Mỹ vẫn còn hạn chế và bắt đầu rạn nứt vào năm 2012 liên quan đến các vấn đề bầu cử giữa hai đảng CPP do Thủ tướng Hunsen lãnh đạo và đảng đối lập CNRP bị Campuchia cáo buộc là có sự hỗ trợ của Mỹ. Cho đến 2017, chính sách đối ngoại của Campuchia bị chia rẽ bởi hai đảng phái đối lập, CPP thân Trung Quốc trong khi CNRP thân Mỹ. Đảng CNRP đối lập với chủ trương đưa Campuchia thoát khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc, thúc đẩy mối quan hệ với Mỹ và các nước phương Tây trong khi đảng CPP cầm quyền vẫn chủ trương ủng hộ mối quan hệ với Trung Quốc.
Do Đảng cầm quyền là vẫn là CPP nên quan hệ Campuchia – Trung Quốc tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ. Năm 2010, Campuchia và Trung Quốc nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện – cấp độ cao nhất trong quan hệ ngoại giao của Campuchia với nước ngoài. Những hành động thể hiện sự ủng hộ Trung Quốc của Campuchia trong giai đoạn này là việc hạn chế đưa ra những lời phản đối việc Trung Quốc xây đập trên lưu vực sông Mêkong gây ảnh hưởng đến dòng chảy cũng như lượng thuỷ sản của các nước hạ lưu như Thái Lan, Việt Nam và cả Campuchia ở các diễn đàn trong khu vực. Đỉnh điểm là việc Campuchia với vai trò quyền chủ tịch ASEAN 2012 đã không ra tuyên bố chung Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN về vấn đề tranh chấp tại biển Đông.
Để tránh quá phụ thuộc vào Trung hay Mỹ, Campuchia đã thiết lập mối quan hệ với Nhật Bản như một “bảo hiểm” của chính quyền Phnom Penh. Các lí do để Campuchia lựa chọn Nhật Bản: Thứ nhất, Nhật Bản không công khai chỉ trích vấn đề nhân quyền và dân chủ của Campuchia. Thứ hai, mặc dù Campuchia có mối quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc, vẫn có sự ngờ vực giữa hai bên do sự hỗ trợ của Bắc Kinh đối với Khmer Đỏ trong quá khứ, và sự im lặng của Trung Quốc trước những cuộc biểu tình chống lại Đảng CPP vào năm 2013. Hành động thể hiện cố gắng không phụ thuộc vào Trung Quốc và khẳng định mối quan hệ với Nhật Bản của Phnom Penh là khi Campuchia ủng hộ thông cáo chung của ASEAN với Nhật đề cao quyền tự do hàng không khi Trung Quốc thiết lập vùng nhận diện phòng không ở biển Hoa Đông.
Chính sách đối ngoại của Campuchia trong giai đoạn này là cố gắng hài hoà mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc nhằm đạt được các lợi ích về kinh tế, quốc phòng. Một mặt thúc đẩy hợp tác sâu rộng hơn với Trung Quốc nhằm thu hút vốn đầu tư FDI, các hoạt động xuất nhập khẩu nhưng mặt khác vẫn duy trì mối quan hệ với Mỹ. Bởi các hoạt động thương mại giữa Mỹ và Campuchia cũng rất phát triển, năm 2015, Campuchia xuất khẩu sang Mỹ lượng hàng hóa trị giá hơn 3 tỷ USD , các hoạt động thương mại với Mỹ tạo ra hơn 400 nghìn việc làm cho người dân Campuchia. Nếu mối quan hệ Mỹ – Campuchia xấu đi sẽ ảnh hưởng lớn tới các hoạt động kinh tế và đời sống xã hội của Campuchia. Về quốc phòng, Campuchia nhận được sự trợ giúp và hợp tác về quốc phòng từ cả Mỹ và Trung Quốc thông qua các hoạt động huấn luyện, các hợp đồng cung cấp các vũ khí v..v
Giai đoạn 2017 – 2020
Ảnh hưởng của Mỹ ở Campuchia suy yếu
Mối quan hệ giữa Mỹ và Campuchia suy giảm từ khi Donand Trump lên làm tổng thống Mỹ với chiến lược “Nước Mỹ trên hết”. Mối quan hệ đi xuống trước hết do sự lạnh nhạt của Trump với các nước Đông Nam Á nói chung và Campuchia nói riêng. Trong 4 tháng đầu nhiệm sở của mình, ông Trump không hề có cuộc gặp hay nói chuyện qua điện thoại với lãnh đạo Đông Nam Á nào. Trong khi trong cùng thời gian đó, ông đã có 15 cuộc nói chuyện qua điện thoại với các nguyên thủ quốc gia Trung Đông, 14 với châu Âu, 7 với Mỹ Latinh, 6 với Đông Bắc Á, 3 với Châu Phi, 2 với Bắc Mỹ, 2 với Châu Đại Dương và 1 với Nam Á. Sự thay đổi chính sách đối ngoại của Mỹ từ “Xoay trục sang châu Á” sang “Nước Mỹ trên hết” cũng khiến chính sách đối ngoại của Campuchia thay đổi. Không chỉ Mỹ, mối quan hệ giữa Campuchia với các nước phương Tây cũng xấu đi trong giai đoạn này do các vấn đề về nhân quyền, vào tháng 11/2018, EU đã rút lại quy chế thương mại “Mọi thứ trừ vũ khí” (EBA) với Campuchia và đình chỉ 1 phần các đặc quyền thương mại của Campuchia theo chương trình EBA vào tháng 2 năm 2020[5]. Như một hệ quả tất yếu, chính sách đối ngoại của Trung Quốc đã ngả hẳn về phía Trung Quốc. Chính quyền Campuchia đã đình chỉ tất cả các hoạt động trao đổi quân sự được thiết lập dưới thời chính quyền Tổng thống Obama đồng thời tham gia cuộc tập trận chung Rồng Vàng với Trung Quốc. Quan hệ Mỹ – Campuchia tiếp tục xấu đi với việc Toà án tối cao Campuchia đã quyết định giải tán đảng đối lập CNRP, bắt giữ lãnh đạo đảng Kem Shokha bị cáo buộc bởi âm mưu lật đổ chính phủ và được trợ giúp bởi Mỹ, Mỹ phản ứng bằng việc phủ nhận những cáo buộc trên, áp một loạt cấm vận kinh tế lên Campuchia. Trong khi đó, Trung Quốc không hề can thiệp vào những vấn đề nội bộ của Campuchia, do đó mối quan hệ giữa hai quốc gia ngày càng sâu sắc hơn. Thủ tướng Hun Sen vào tháng 3 năm 2018 đã phát biểu rằng “Các lãnh đạo Trung Quốc rất tôn trọng tôi và đối xử bình đẳng với tôi. Cho tôi hỏi những người đã cáo buộc tôi quá gần gũi với Trung Quốc. Các người đã cho tôi được những gì ngoài việc chỉ trích và đe doạ trừng phạt”.
Sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc tại Campuchia
Minh chứng cho việc chính sách đối ngoại của Campuchia đã ngả hoàn toàn về Trung Quốc được thể hiện qua hành động Campuchia là thành viên sáng lập của Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) được lãnh đạo bởi Trung Quốc. AIIB được đánh giá là lập ra nhằm mục đích đối đầu với với Ngân hàng thế giới (WB) do Mỹ lãnh đạo và Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) do Nhật Bản lãnh đạo. Campuchia cũng tham gia tích cực vào chiến lược BRI của Trung Quốc, nguồn vốn từ BRI đã giúp Campuchia cải thiện được cơ sở hạ tầng của mình khi xây mới được 2 sân bay ở Phnom Penh and Siem Reap trị giá hơn 2 tỷ USD; hơn 7,5 tỷ USD cho các nhà máy thủy điện và khoảng 4 tỷ USD vào các nhà máy điện than. Trung Quốc là nước có vốn đầu tư FDI lớn nhất vào Campuchia xấp xỉ 15 tỷ USD. Đầu tư của Trung Quốc liên quan đến một loạt các dự án: cơ sở hạ tầng, nông nghiệp, công nghiệp, năng lượng, viễn thông, dịch vụ, du lịch, giáo dục, và truyền thông. Những nguồn vốn dồi dào này cũng đem lại không ít những tác động tiêu cực tới Campuchia, Trung Quốc hiện đang là chủ nợ của hơn một nửa số nợ quốc gia của Campuchia, và ảnh hưởng ngày một lớn của người Trung Quốc ở thành phố Sihanoukville. Năm 2019, hai nước nhất trí nâng tầm quan hệ song phương bằng việc ký kết “Kế hoạch hành động 2019 – 2023 về xây dựng Cộng đồng chia sẻ Trung Quốc – Campuchia Tương lai”. Campuchia tiếp tục ủng hộ Trung Quốc trong các vấn đề khu vực và thế giới. Tháng 2/2020, Thủ tướng Campuchia Hun Sen là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến Bắc Kinh vào lúc cao điểm của cuộc chiến chống lại COVID-19 của Trung Quốc, gặp và bày tỏ sự ủng hộ của Campuchia với các lãnh đạo Trung Quốc. Campuchia không cấm các chuyến bay của Trung Quốc trong đợt bùng phát COVID-19; ngược lại, Campuchia từ chối các chuyến bay từ sáu quốc gia: Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Iran, Ý và Tây Ban Nha.
Giai đoạn 2020 đến nay
COVID-19 hoành hành trên toàn thế giới và Campuchia cũng không phải ngoại lệ, chính sách đối ngoại của Campuchia hậu COVID-19 xoay quanh giải quyết các vấn đề như phát triển kinh tế trong khi duy trì độc lập và chủ quyền, đối phó với những biến động và thách thức gây ra từ cuộc cạnh tranh Mỹ – Trung. Kinh tế Campuchia đã bị tàn phá nặng nề bởi COVID-19. Năm 2020 nền kinh tế Campuchia suy giảm -3,1% bởi tác động của dịch COVID-19[6], do đó ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Campuchia hậu COVID-19 là hồi phục kinh tế, gây ra lo ngại Campuchia sẽ phụ thuộc sâu hơn vào Trung Quốc, thậm chí làm suy yếu vị thế của Campuchia như một quốc gia độc lập, có chủ quyền[7]. Tuy nhiên những động thái của Campuchia cho thấy quốc gia này đang cố gắng xây dựng một chính sách đối ngoại độc lập. Sau nhiệm kì chủ tịch ASEAN 2022, chính sách đối ngoại của Campuchia tiếp tục tập trung vào bốn ưu tiên – duy trì chủ quyền và độc lập thông qua phòng ngừa rủi ro, tôn trọng luật pháp quốc tế và chủ nghĩa đa phương, hỗ trợ hòa bình toàn cầu thông qua các cơ chế do ASEAN và Liên Hợp Quốc dẫn dắt và thực hiện hiệu quả chiến lược ngoại giao kinh tế của mình. Những ưu tiên này sẽ cho phép đất nước hiện thực hóa ‘chính sách đối ngoại dựa trên luật lệ độc lập’ trong một thế giới đa cực ngày càng không chắc chắn. Ngoại giao kinh tế sẽ tiếp tục chiếm vị trí trung tâm trong chính sách đối ngoại của Campuchia. Năm 2021, Campuchia lần đầu tiên công bố Chiến lược Ngoại giao Kinh tế, 2021-2023 (EDS). Bản kế hoạch chỉ tiết của Campuchia để hội nhập sâu hơn vào các hệ thống thương mại khu vực và toàn cầu, định vị nền kinh tế của mình cho cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, khuyến khích đầu tư và thúc đẩy trao đổi văn hóa. EDS cũng là một phần của quá trình hiện đại hóa rộng lớn hơn chính sách đối ngoại của Campuchia. Trong những năm gần đây vai trò trung tâm của ASEAN ngày càng được đề cao, là một nước thành viên thuộc ASEAN, vai trò của ASEAN được nâng cao cũng gián tiếp nâng cao vai trò và vị thế của Campuchia. Vì thế, xây dựng lại niềm tin chiến lược sẽ là cần thiết nếu Campuchia nhằm thắt chặt mối quan hệ của Campuchia với các quốc gia trong ASEAN và vượt qua di sản của năm 2012[8]. Những hành động của Campuchia cho thấy nước này không chỉ nỗ lực giảm bớt sự phụ thuộc vào kinh tế từ Trung Quốc mà ngày càng cố gắng độc lập về chính trị, thể hiện rõ nhất qua những quan điểm về chiến sự Nga-Ukraina. Campuchia liên tục lên án hành động quân sự của Nga ở Ukraina và bỏ phiếu xác nhận lại chủ quyền của Ukraina trong các Nghị quyết ES-11/1 và ES-11/4 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc lần lượt vào tháng 3 và tháng 10 năm 2022. Giới quan sát đã kỳ vọng Campuchia sẽ đi theo sự dẫn dắt của Trung Quốc trong việc từ chối lên án các hành động của Nga hoặc giữ thái độ trung lập vì mối quan hệ tương đối thân thiện của Thủ tướng Hun Sen với Moskva. Campuchia đã tiếp tục có những chính sách hỗ trợ người dân Ukraina. Campuchia là một trong số ít quốc gia ASEAN đã viện trợ nhân đạo cho Ukraina bằng cách huấn luyện chống bom mìn. Chính quyền Thủ tướng Hun Sen cũng tạo điều kiện thuận lợi cho Ukraina gia nhập Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ASEAN (TAC). Mặc dù mang tính tượng trưng rộng rãi, nhưng việc Ukraina gia nhập TAC đã gửi một tín hiệu mạnh mẽ tới Moskva rằng ASEAN tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, cả hai nguyên tắc cốt lõi của TAC. Những động thái trên đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ nhân dân trong nước lẫn các quốc gia phương Tây, một sự dọn đường thuận lợi cho chính quyền Hun Manet và đảm bảo an ninh, kinh tế của Campuchia trong tương lai[9].
Tác động tới cục diện khu vực
Sự phụ thuộc chính sách đối ngoại của Campuchia vào Trung Quốc và những hành động trong thực tế mà điển hình nhất là việc Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN 2012 không ra được tuyên bố chung – điều chưa từng xảy ra trong lịch sử gần nửa thế kỷ gần nửa thế kỷ thành lập và hoạt động[10]. Tính tới thời điểm đó, ảnh hưởng trực tiếp tới sự đoàn kết trong khối ASEAN và an ninh tại biển Đông. Nguy cơ chia rẽ trong nội khối ASEAN luôn hiện hữu, vào năm 2020, cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ ngoại giao Singapore Kausikan cho rằng Campuchia và Lào không can dự vào tranh chấp biển Đông qua đó gián tiếp ủng hộ quan điểm của Bắc Kinh. “Nếu họ lựa chọn sai, họ sẽ phải đối mặt với toàn bộ ASEAN. Chúng ta có thể loại bỏ hai quốc gia này để cứu 8 quốc gia còn lại”, ông nói[11]. Mặc dù đây chỉ là ý kiến cá nhân của một cựu quan chức ngoại giao và không phản ánh ý chí, quan điểm của Singapore nhưng cũng phần nào phản ánh những bất đồng luôn âm ỉ do những chính sách đối ngoại khác biệt giữa các quốc gia. Ngoài ra còn những lo ngại về nguy cơ mất an ninh tại khu vực Đông Nam Á, các cáo buộc liên quan đến các hợp tác về quân sự quốc phòng Trung Quốc – Campuchia liên quan đến việc Campuchia cho phép Trung Quốc xây dựng các cơ sở hạ tầng có thể trở thành căn cứ quân sự và xây dựng căn cứ quân sự ở Ream, nhưng Campuchia đã phủ nhận và cho rằng cho phép lực lượng quân sự nước ngoài xây dựng căn cứ quân sự ở Campuchia là vi phạm Hiến pháp Campuchia. Nguy cơ bất đồng từ những sự khác biệt, thiếu tin tưởng lẫn nhau có thể gây khó khăn cho các quốc gia trong việc xây dựng một khối ASEAN đoàn kết, thống nhất, nâng cao vai trò trung tâm, để cùng nhau đối phó với những biến động, cạnh tranh đang gia tăng trong khu vực và trên thế giới.
Nguy cơ xa hơn là tác động tới tập hợp lực lượng trong cạnh tranh Mỹ – Trung ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Mặc dù đang theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập nhưng việc Campuchia đã phụ thuộc quá sâu vào Trung Quốc, đặc biệt là ở thành phố cảng Sihanoukville – thành phố có vị trí chiến lược quan trọng với quân cảng Ream là một phần quan trọng trong “chuỗi ngọc trai” để Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng và hiện diện quân sự ra thế giới[12]. Nếu hiện diện quân sự ở Ream, Trung Quốc có thể sở hữu một hệ thống trung gian quan trọng trong mạng lưới hoạt động quân sự ở khu vực cửa ngõ kết nối Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Căn cứ Ream cũng có thể đóng vai trò là điểm dừng chân để Trung Quốc bảo vệ và kiểm soát các tuyến đường vận chuyển của họ ở eo biển Malacca – một điểm nghẽn có nhiều cướp biển và có ý nghĩa chiến lược với Bắc Kinh[13]. Ci Le Yi, chuyên gia quân sự tại Đài Loan, cho rằng tham vọng của Bắc Kinh là thiết lập một “chuỗi ngọc trai” từ Thái Bình Dương tới Ấn Độ Dương, gồm các cơ sở ven biển có thể cho phép tàu sân bay, tàu ngầm Trung Quốc cập cảng để tiếp tế trong các hoạt động xa bờ. Theo chuyên gia này, quân cảng Ream có thể là điểm dừng chân đầu tiên của tàu hải quân Trung Quốc sau khi ra khỏi Biển Đông. “Những tàu này sau đó có thể ghé cảng Bangladesh, rồi Sri Lanka”, ông nói. “Tiếp đến, họ có thể tới Vịnh Ba Tư và Bắc Phi rồi đi tiếp tới Djibouti”[14]. Từ đây, Trung Quốc có những lợi thế nhất định so với Mỹ trong trường hợp tình hình ở biển Đông hay khu vực châu Á – Thái Bình Dương có những chuyển biến xấu đi.
Dự báo sự điều chỉnh trong tương lai
Mặc dù chính sách ngoại giao của Campuchia đang hướng tới độc lập và đa phương hoá nhưng có ý kiến cho rằng có vẻ như tình hữu nghị “bọc thép” của Campuchia với Trung Quốc sẽ không bị ảnh hưởng đáng kể bởi một sự điều chỉnh nhỏ (và có khả năng là tạm thời) trong vị trí chiến lược của nước này. Tuy nhiên, việc thu hút sự ủng hộ từ các nước đồng cấp trong khu vực và các đồng minh kinh tế trên toàn thế giới sẽ giúp Campuchia giải quyết các thách thức trong nước một cách dễ dàng hơn[15]. Trong tương lai xa hơn, khi Thủ tướng Hun Sen không còn tại vị, chính sách đối ngoại của Campuchia có thể chia thành hai kịch bản. Đó có thể là chính quyền theo kiểu cha truyền con nối với người đứng đầu là con trai Hun Manet hoặc có thể sự nổi lên của các thế lực đối lập khác. Tất cả sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới chính sách đối ngoại của Campuchia cũng như cục diện của khu vực châu Á – Thái bình Dương. Trong trường hợp Hun Manet tiếp bước người cha của mình lên nắm quyền lực tại Campuchia, chính sách đối ngoại của Campuchia khả năng cao sẽ không có gì thay đổi quá nhiều so với thời gian cha của ông còn nắm quyền. Trong buổi lễ khánh thành khu sản khoa ở huyện Chum Kiri thuộc tỉnh Kampot vào đầu tháng tư, tướng Hun Manet đã nhấn mạnh chính sách đối ngoại tương lai của Chính phủ Campuchia vẫn sẽ là bạn với tất cả các nước, củng cố quan hệ với các quốc gia khác bao gồm cả Trung Quốc và phương Tây. “Campuchia đã thân thiết với Trung Quốc, Mỹ, Nhật bản và các nước khác. Đây là chính sách đối ngoại của Chính phủ Campuchia. Chúng tôi muốn như thế. Vì vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục áp dụng chính sách này trong thời gian tới”, ông Hun Manet phát biểu[16]. Hiện tại, với sự hậu thuận từ người cha của mình cũng như khả năng ít nhiều đã được chứng minh thông qua con đường học vấn của mình, ông là người Campuchia đầu tiên tốt nghiệp Học viện quân sự West Point (Mỹ), có bằng thạc sĩ Đại học New York (Mỹ) và bằng tiến sĩ kinh tế tại Đại học Bristol (Anh)[17]. Khả năng tướng Hun Manet trở thành Thủ tướng tiếp theo của Campuchia với chính sách đối ngoại ổn định, không có nhiều thay đổi là cao và thực tế hơn là việc phe đối lập với đảng CPP có thể lên nắm quyền.
Hàm ý đối với Việt Nam
Là quốc gia láng giềng có chung đường biên giới trên biển và trên đất liền với Việt Nam. Bất kì sự thay đổi nào trong chính sách đối ngoại của Campuchia cũng sẽ ảnh hưởng tùy mức độ với Việt Nam. Việt Nam chắc chắn đã rút ra được những bài học từ sự thay đổi chính sách đối ngoại giời thời chính quyền Khmer Đỏ, khi Khmer Đỏ từ những người đồng chí Cộng Sản đã trở mặt và tấn công vào biên giới Tây Nam Việt Nam. Vì vậy, trong mọi thời điểm của lịch sử, việc theo dõi sát sao và giữ mối quan hệ gần gũi thân thiết vừa nhằm thúc đẩy hợp tác, giao lưu giữa hai quốc gia vừa tạo cơ sở cho Việt Nam điều chỉnh chính sách đối ngoại của nước mình cho phù hợp với tình hình của khu vực cũng như đảm bảo an ninh, lợi ích của quốc gia dân tộc. Trong bối cảnh châu Á – Thái Bình Dương nói chung và khu vực Đông Nam Á nói riêng đang là trung tâm của cạnh tranh quyền lực Mỹ -Trung, Việt Nam và các nước Đông Nam Á, đặc biệt là Campuchia cần tăng cường và làm sâu sắc hơn mối quan hệ tốt đã có lịch sử lâu dài. Qua đó bỏ qua những khác biệt, bất đồng trong quá khứ, tập hợp các nước Đông Nam Á trong một tổ chức ASEAN thống nhất, đoàn kết, nâng cao vai trò trung tâm, từ đó có đủ sức mạnh đối phó với những mục đích lôi kéo về phe này chống lại phe kia từ các cường quốc, nâng cao tiếng nói, vị thế của các quốc gia ASEAN trên trường quốc tế. Việc đoàn kết giữa các quốc gia còn giúp tăng cường hợp tác kinh tế, từ đó gia tăng nội lực của từng quốc gia.
——————
Tài liệu tham khảo:
1. Chamsambath Bong (2023), “Cambodia edges towards an independent foreign policy”, East Asia Forum, https://www.eastasiaforum.org/2023/02/14/cambodia-working-towards-independent-foreign-policy/
2. Giovanni Baldinini (2023), “New Priorities for Cambodia’s Foreign Policy”, IARI, https://iari.site/2023/04/20/new-priorities-for-cambodias-foreign-policy/
3. Pich Charadine (2020), “Cambodia’s Foreign Policy Beyond 2020: Confronting Challenges in the new decade”, KAS, https://www.kas.de/documents/264850/8651571/Chapter+6.pdf/b910a2cf-1d39-f468-69e3-37575fc336f4?version=1.2&t=1591610133836
4. Chandy Doung, William Kang, Jaechun Kim (2022), “Cambodia’s Foreign Policy Choice during 2010 to 2020: From Strategic Hedging to Bandwagoning”, The Korean Journal of International Studies, Vol20 NO.1 55-58.
5. Hoà Đặng (2021), “Quân cảng Ream đặt Campuchia giữa thế giằng co Mỹ-Trung?”, Báo Pháp luật, https://plo.vn/quan-cang-ream-dat-campuchia-giua-the-giang-co-my-trung-post629590.html
6. Văn Đỗ, Tâm Hiếu (2021), “Campuchia hạ mức tăng trưởng kinh tế xuống còn 2,4% trong năm 2021”, Bộ Tài chính, https://mof.gov.vn/webcenter/portal/btcvn/pages_r/l/tin-bo-tai-chinh?dDocName=MOFUCM207405
7. Hương Giang (2012), “Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN: không có thông cáo chung”, Báo tuổi trẻ, < https://tuoitre.vn/hoi-nghi-ngoai-truong-asean-khong-co-thong-cao-chung-501867.htm >
8. Kimkong Heng (2020), “The Cambodia dilemma: foreign affairs and human rights in tension”, New Mandala, https://www.newmandala.org/the-cambodia-dilemma-foreign-affairs-and-human-rights-in-tension/
9. Kimkong Heng (2020), “Cambodia’s Foreign policy post-COVID-19: Key Challenges”, ISEAS Yusof Ishak Institue, https://www.iseas.edu.sg/wp-content/uploads/2020/11/ISEAS_Perspective_2020_132.pdf
10. Kimkong Heng (2019), “Reversing Cambodia’s democratic drifr”, East Asia Forum, https://www.eastasiaforum.org/2019/02/14/reversing-cambodias-democratic-drift/
11. Vũ Hoàng (2022), “Trung Quốc muốn gì ở quân cảng Campuchia”, Vnexpress, https://vnexpress.net/trung-quoc-muon-gi-o-quan-cang-campuchia-4474567.html
12. Umair Jamal (2020), “ASEAN có thể trục xuất Campuchia và Lào vì trung thành với Trung Quốc”, ASEAN Today, https://www.aseantoday.com/2020/11/could-asean-expel-cambodia-and-laos-over-their-allegiance-to-china/?lang=vi
13. Bùi Nam Khánh, (2019), “Sự điều chỉnh chính sách đối ngoại của Trung Quốc sau Đại hội XIX và tác động với Campuchia”, Tạp chí Khoa học Xã hội và Nhân văn, https://repository.vnu.edu.vn/flowpaper/simple_document.php?subfolder=16/51/98/&doc=165198271709060581196526177900235592491&bitsid=4aa46308-8f54-4013-827d-a2411d54430d&uid
14. Văn Khoa (2023), “Con trai Thủ tướng Hun Sen hé lộ chính sách đối ngoại của Campuchia”, Báo Thanh niên, https://thanhnien.vn/con-trai-thu-tuong-hun-sen-he-lo-chinh-sach-doi-ngoai-tuong-lai-cua-campuchia-185230404102439798.htm
15. Melinda Martinus, Chhay Lim (2023), “Can Cambodia’s future foreign policy diverge from China?”, Fulcrum, https://fulcrum.sg/can-cambodias-future-foreign-policy-diverge-from-china/
16. Thitinan Pongsudhirak (2022), “Geopolitical upheavals divide Southeast Asia”, Gisreportonline, https://www.gisreportsonline.com/r/southeast-asia-divides-upheaval/
17. Gregory B. Poling, Charles Dunst, Simon Tran Hudes, (2022), “Pariah or Partner? Clarifying the U.S. Approach to Cambodia”, CSIS, https://www.csis.org/analysis/pariah-or-partner-clarifying-us-approach-cambodia
18. Vi Trân (2023), “Ông Hun Manet, con trai Thủ tướng Campuchia Hun Sen, lên tướng 4 sao”, Báo Thanh niên, https://thanhnien.vn/ong-hun-manet-con-trai-thu-tuong-campuchia-hun-sen-len-tuong-4-sao-18523042017170241.htm
Theo PHẠM QUANG PHÚC / NGHIENCUUCHIENLUOC.ORG
Tags: Campuchia, Nghiên cứu quốc tế