⠀
Một số đánh giá, dự báo về kinh tế Việt Nam trong năm 2023
Nền kinh tế Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2023 tiếp tục chịu tác động của những biến động phức tạp, khó lường trên thế giới. Quý 1 năm 2023 mức tăng trưởng chỉ đạt mức 3,32%, do đơn hàng từ các thị trường hàng đầu giảm kéo theo sự sụt giảm của các hoạt động xuất nhập khẩu, thị trường lao động cũng gặp nhiều biến động. Việt Nam cần nỗ lực rất nhiều trong phần còn lại của năm 2023 để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5%.
Bối cảnh của nền kinh tế và chính sách của Việt Nam
Nền kinh tế Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2023 tiếp tục chịu tác động của những biến động phức tạp, khó lường trên thế giới. Chiến sự Nga – Ukraine vẫn đang ở thế giằng co giữa các bên, nhu cầu tiêu dùng và các hoạt động kinh tế tiếp tục suy giảm, kinh tế thế giới được dự báo tăng trưởng thấp trong năm nay, các ngân hàng trung ương trên thế giới mà tiêu biểu nhất là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) liên tục tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát,… tiếp tục gây ra nhiều khó khăn cho kinh tế Việt Nam trong nửa đầu của năm 2023.
Mặc dù có tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng trong năm 2022 với 8,02%, nhưng dự báo được những khó khăn đến từ cả trong nước lẫn quốc tế, Đảng và Chính phủ Việt Nam đã đặt mục tiêu tăng trưởng GDP trong năm 2023 ở mức 6,5%, đưa ra nhiều biện pháp nhắc nhằm khắc phục tình trạng khó khăn, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, giảm mặt bằng lãi suất cho vay, ổn định thị trường ngoại hối, thúc đẩy giải ngân đầu tư công, sớm ổn định lại và hỗ trợ phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản. Trọng tâm trong chính sách của Chính phủ bao gồm đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, các gói hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Tăng cường giải ngân vốn đầu tư công đặc biệt trong các dự án như cao tốc, dự án nhà ở xã hội, v.v.. sẽ thúc đẩy các ngành công nghiệp phát triển như: nguyên, vật liệu xây dựng, sản xuất nội thất và các ngành công nghiệp phụ trợ khác, bên cạnh đó còn tạo thêm việc làm cho người lao động. Các gói hỗ trợ nhằm giảm bớt những áp lực đối với đời sống của người dân và tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, tránh ảnh hưởng tới năng suất của toàn bộ nền kinh tế. Vào ngày 20/4, Bộ Tài chính cho biết, năm 2023, tổng giá trị các cơ chế chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp lên tới 198,4 nghìn tỷ đồng, bao gồm các chính sách đã xây dựng từ trước và các chính sách đang đề xuất[1].
Thực trạng nền kinh tế Việt Nam nửa đầu năm 2023
Theo kịch bản tăng trưởng đã đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 6/1/2023 của Chính phủ, đề ra mục tiêu cả năm tăng trưởng 6,5% thì quý 1 và quý 2 cần phải đạt được mức tăng lần lượt là 5,6% và 6,7%. Tuy vậy, tăng trưởng kinh tế cả nước quý 1/2023 chỉ ước đạt 3,32%, không đạt mức tăng đề ra. Để tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 6,5%, trong 9 tháng còn lại của năm 2023, kinh tế cả nước cần phải tăng khoảng 7,5%, đây là một mức tăng khá cao trong bối cảnh các khó khăn, thách thức của nền kinh tế cả trong và ngoài nước vẫn còn[2]. Các hoạt động gặp nhiều khó khăn như xuất nhập khẩu, thị trường bất động sản, thị trường lao động v..v
Các chỉ số kinh tế đã phản ánh rõ tình trạng khó khăn hiện tại của nền kinh tế Việt Nam. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 3,55%, lạm phát cơ bản tăng 4,83%, đầu tư nước ngoài giảm 7,3% (đạt 10,86 tỉ USD so với 11,8 tỉ USD của năm 2022)[3]. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 5 tháng đầu năm ước đạt 262,54 tỉ USD, giảm 14,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, xuất khẩu hàng hoá ước đạt 136,17 tỉ USD, giảm 11,6%, nhập khẩu hàng hoá ước đạt 126,37 tỉ USD, giảm 17,9% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại ước tính xuất siêu 9,8 tỉ USD[4]. Tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam sang các thị trường hàng đầu cũng có sự suy giảm. Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 37,2 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 43,4 tỷ USD. Xuất siêu sang Mỹ ước đạt 31,2 tỷ USD, giảm 22% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu sang EU 12,6 tỷ USD, giảm 3,6%; xuất siêu sang Nhật Bản 521 triệu USD (cùng kỳ nhập siêu 564 triệu USD); nhập siêu từ Trung Quốc 23,6 tỷ USD, giảm 16,7%; nhập siêu từ Hàn Quốc 10,8 tỷ USD, giảm 38,3%; nhập siêu từ ASEAN 3,4 tỷ USD, giảm 41,3%[5]. Các đơn hàng về các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta như dệt may, thuỷ sản, gỗ, linh kiện điện tử v..v đều có xu hướng giảm. Ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Lâm Việt, Phó Chủ tịch Hiệp hội gỗ Việt Nam – Chủ tịch Hiệp hội gỗ Bình Dương cho biết, đơn hàng sụt giảm với tốc độ “không phanh”, thị trường Mỹ sụt giảm tới 60%, trong khi Mỹ và châu Âu chủ yếu là hàng thành phẩm; thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Trung Quốc sản phẩm chính xuất khẩu sang thị trường này chủ yếu là viên nén dùng cho nhà máy nhiệt điện, lò sấy; dăm gỗ dùng để sản xuất bao bì giấy, thùng carton… cũng sụt giảm. Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm Sao Ta cũng cho biết, giá tôm tiêu thụ giảm, sức mua các thị trường lớn trên thế giới chậm, cộng thêm tôm bị bệnh. Tất cả yếu tố tiêu cực này đang có sự cộng hưởng khiến các bên tham gia chuỗi giá trị con tôm đều như ngồi trên đống lửa. Theo ông Lực, tháng 4, xuất khẩu tôm của Việt Nam tiếp tục xu hướng giảm của những tháng trước, đạt 287 triệu USD, giảm 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10, hiện tại, doanh nghiệp đang bị tác động bởi thị trường đầu ra thu hẹp, sụt giảm đơn hàng xuất khẩu. Riêng trong quý I, doanh nghiệp sụt giảm 10%; trong quý II, quý III được cho là thời kỳ cao điểm của tiêu thụ sản phẩm may mặc nhưng lượng đơn hàng giảm 20-30%. Các mặt hàng khác cũng chứng kiến sự sụt giảm xuất khẩu: Điện thoại và linh kiện xuất khẩu 5 tháng đầu năm ước đạt 18,47 tỷ USD, giảm 4,46 tỷ USD so với năm 2022; Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt 17,9 tỷ USD, giảm 1,6 tỷ USD; Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác ước đạt 14,51 tỷ USD, giảm 860 triệu USD[6]. Theo các doanh nghiệp, một yếu tố khiến xuất khẩu giảm mạnh là nhiều nước áp dụng điều tra phòng vệ thương mại. Chi phí nguyên liệu vật tư đầu vào tăng cao trong khi mức giá xuất khẩu không tăng làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm, các doanh nghiệp sản xuất cầm chừng tránh rủi ro. Người tiêu dùng Mỹ, EU thắt chặt hầu bao trước tác động của lạm phát toàn cầu gia tăng, nguy cơ suy thoái tại nhiều nền kinh tế lớn, căng thẳng địa chính trị…[7].
Về thị trường bất động sản, mặc dù đã đi qua gần hết nửa đầu năm 2023, song vẫn giữ nhịp độ trầm lắng. Thanh khoản trên thị trường sụt giảm, lãi suất vẫn neo cao khiến nhiều nhà đầu tư không chịu được áp lực tài chính phải bán cắt lỗ. Đồng thời, vướng mắc về pháp lý khiến nhiều dự án “đắp chiếu” kéo theo nguồn cung nhà ở cho người có nhu cầu thực sụt giảm, doanh nghiệp theo đó cũng rơi vào vòng xoáy khó khăn. Tuy nhiên, từ đầu năm 2023, Chính phủ đã liên tục có chỉ đạo nóng nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Theo đó, thời gian tới thị trường được kỳ vọng sẽ bớt khó khăn hơn[8]. Thị trường bất động sản là động lực và ảnh hưởng đến nhiều ngành kinh tế phụ trợ liên quan và phần nào đó việc làm của người lao động, vì vậy tháo gỡ được khó khăn của thị trường bất động sản cũng gián tiếp tác động tích cực đến nhiều ngành nghề khác.
Tình hình xuất nhập khẩu có xu hướng giảm, các đơn hàng của các doanh nghiệp không còn nhiều như trước, hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn đã tác động không nhỏ đến tình hình lao động nước ta. Số lao động có việc làm ở TP.HCM giảm 0,4%, Vũng Tàu giảm 2,6%, Bình Phước giảm gần 4,0%, Nghệ An giảm 5,5%, Bắc Giang giảm 4,5%, Bắc Ninh giảm 0,9%, Thái Nguyên giảm 2,2%. Về thất nghiệp, so với quý trước, thất nghiệp quý 1 giảm cả về số lượng và tỷ lệ trên cả nước, nhưng các chỉ số ở hai vùng Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long hoàn toàn trái ngược. Tỷ lệ thất nghiệp cao nhất thuộc về Đồng bằng sông Cửu Long với 2,64%, tương ứng với gần 220 nghìn người thất nghiệp, tiếp theo là vùng Đông Nam Bộ với 2,63%, tương ứng với gần 263 nghìn người thất nghiệp. Cả nước có gần 118 nghìn lao động bị mất việc tại các doanh nghiệp trong quý 4 năm 2022, sang quý 1 năm 2023, con số này không giảm đi mà tăng lên, với số lượng là gần 149 nghìn lao động bị mất việc. Trong đó, tập trung đa số (55,2%) ở các lao động thuộc các ngành dệt may, da giày, sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử (chiếm tỷ trọng tương ứng là 19,5%; 18,6%; 17%) và chủ yếu tập trung ở một số tỉnh có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất như Đồng Nai (khoảng gần 32,6 nghìn người), Bình Dương (khoảng gần 21,7 nghìn người), Bắc Ninh (14 nghìn người), Bắc Giang (khoảng 7,7 nghìn người),…[9]. Trường hợp đáng chú ý nhất của việc sa thải lao động do thiếu đơn hàng là công ty TNHH Pouyuen – công ty đến từ Trung Quốc chuyên sản xuất giày xuất khẩu, có nhiều chi nhánh nằm rải rác nhiều địa phương phía Nam, với tổng số lao động đang sử dụng trên 110.000 người, công ty này đã cắt giảm hơn 8000 công nhân sau hai đợt từ đầu năm 2023 tới nay[10].
Bên cạnh những khó khăn, nền kinh tế Việt Nam trong nửa đầu năm 2023 cũng có những điểm sáng của ngành du lịch. Bước sang năm 2023 du lịch Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để hồi phục và phát triển. Từ ngày 8/1/2023, Trung Quốc đã dỡ bỏ các yêu cầu kiểm dịch đối với du khách quốc tế, chuyển từ chính sách Zero COVID, để chuyển sang giai đoạn “sống chung với virus”. Chiếm tới 1/3 lượng khách quốc tế đến Việt Nam giai đoạn trước dịch, việc thiếu vắng khách Trung Quốc đã để lại khoảng trống khó lấp cho thị trường du lịch Việt Nam trong 3 năm qua. Trong 5 tháng đầu năm, Trung Quốc là thị trường gửi khách lớn thứ 2 tới Việt Nam. Lượng khách đến từ Trung Quốc trong tháng 5 tiếp đà tăng với ước đạt 146.755 lượt người, tổng lượng khách 5 tháng đầu năm ước đạt 398.891 lượt khách[11].
Mục tiêu của du lịch Việt Nam năm 2023: Đón 110 triệu lượt khách du lịch, trong đó khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế, khách du lịch nội địa khoảng 102 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch khoảng 650 nghìn tỷ đồng[12]. Với 4,6 triệu lượt khách quốc tế trong 5 tháng đầu năm 2023, đạt 57% mục tiêu kế hoạch của năm 2023 và gấp 12,6 lần cùng kỳ năm trước. Các thị trưởng tăng trưởng khách du lịch cao nhất đều đến từ các nước châu Á – đây vẫn là nguồn khách chính của du lịch Việt Nam như các nước Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Nhật Bản. Khách du lịch đến từ các khu vực khác cũng ghi nhận mức tăng ấn tượng, khách đến từ châu Âu trong 5 tháng qua đạt hơn 621.000 lượt người (gấp 9,5 lần cùng kỳ), khách đến từ châu Mỹ là 396.000 lượt (gấp 8 lần cùng kỳ), khách đến từ châu Úc hơn 172.000 lượt (gấp 9,7 lần cùng kỳ). Về thị trường nội địa, tổng số khách nội địa trong 5 tháng đạt 50,5 triệu lượt. Lượng khách nội địa đang tăng do đã bước vào mùa cao điểm du lịch nội địa. Tổng thu từ khách du lịch 5 tháng đầu năm 2023 ước đạt 267,2 nghìn tỷ đồng[13]. Thêm vào đó, các dự án cao tốc đã hoàn thành và đi vào hoạt động thời gian gần đây như cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết và Mai Sơn – quốc lộ 45, bên cạnh thúc đẩy trao đổi vận chuyển hàng hoá giữa các vùng cũng thúc đẩy, thu hút khách du lịch nội địa khi rút ngắn được đáng kể thời gian di chuyển.
Đánh giá và dự báo nền kinh tế của Việt Nam 6 tháng cuối năm
Theo dự báo của nhóm nghiên cứu từ Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT, khả năng suy thoái kinh tế ngày càng tăng ở các nước phát triển có thể gây thiệt hại cho ngành sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian còn lại của năm 2023. Do triển vọng ảm đạm tại các thị trường xuất khẩu lớn bao gồm Mỹ và châu Âu, nhóm nghiên cứu đã hạ dự báo tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam năm 2023 xuống -2%, từ mức dự báo trước đó là 5%; đồng thời, hạ bậc tăng trưởng của ngành sản xuất dự báo trong năm 2023 xuống 5% so với dự báo trước đó là 7%. Ngoài ra, khu vực vốn tư nhân đầu tư và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có thể vẫn yếu do triển vọng kinh tế toàn cầu ngày càng không chắc chắn, điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt và sự suy thoái của thị trường bất động sản trong nước. Kết quả là, dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2023 là 5,5% (+/- 0,3% điểm) so với mức trước đó dự báo là 6,2%. Trong quý 2 năm 2023, nhóm nghiên cứu kỳ vọng nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 4,5-5% cải thiện từ mức tăng trưởng 3,3% trong quý 1 năm 2023. Khu vực dịch vụ vẫn là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế trong quý 2 năm 2023 với mức tăng trưởng dự báo đạt 6,5-7%. Trong khi đó, khu vực công nghiệp và xây dựng có thể cải thiện tốc độ tăng trưởng lên 2,8-3,2% so với cùng kỳ trong Quý 2 năm 2023, từ mức giảm 0,4% trong Quý 1 năm 2023, nhờ đầu tư công tăng mạnh và chính sách tiền tệ trong nước đảo chiều.
Nhóm nghiên cứu cũng đưa ra những rủi ro Việt Nam tiếp tục phải đối mặt trong 6 tháng cuối năm 2023 bao gồm: Lạm phát toàn cầu cao hơn dự kiến, Trung Quốc mở cửa trở lại là một biến số cho lạm phát toàn cầu vào năm 2023. Sự phục hồi nhu cầu của Trung Quốc mạnh hơn dự kiến thúc đẩy lạm phát toàn cầu cao hơn. Áp lực lạm phát cao có thể khiến FED và ECB tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ, có thể làm giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Kịch bản lạm phát vẫn chưa về mức như FED mong muốn có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang (Mỹ) tiếp tục nâng lãi suất cơ bản. Điều này có thể khiến Đồng Đô la mạnh lên và gây thêm áp lực lên tỷ giá với VNĐ. Rủi ro tỷ giá gia tăng có thể cản trở việc nới lỏng chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), qua đó làm đà phục hồi chậm lại của nền kinh tế Việt Nam trong các quý còn lại của năm 2023. Kịch bản tăng trưởng xuất khẩu của nhóm nghiên cứu dựa trên giả định rằng nền kinh tế Hoa Kỳ có thể tránh được suy thoái sâu vào năm 2023. Trong trường hợp nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái sâu, nó sẽ còn tồi tệ hơn tác động đến xuất khẩu và tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2023[14].
Đại biểu Lê Thanh Vân, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau đưa ra đánh giá tình hình kinh tế xã hội nửa đầu năm 2023 của nước ta có biểu hiện vừa tích cực vừa có những tác động tiêu cực. Tuy nhiên, theo đại biểu, phải nhìn nhận một cách khách quan, nếu so sánh với thời điểm bắt đầu vào đại dịch là năm 2019 và năm 2020-2021 và thời điểm hiện nay là thời điểm “mã hồi” của đại dịch COVID-19 mới thấy được mặt tích cực của nền kinh tế, so với mặt bằng những năm phát triển cao thì rõ ràng tăng trưởng GDP 5 tháng đầu năm có 3,32% là thấp nhưng nhìn trong nền tảng và bối cảnh như vậy là tích cực. Đánh giá những biện pháp nhằm khắc phục những khó khăn về xuất nhập khẩu, đầu tư công, và đầu tư nước ngoài trong 6 tháng cuối năm 2023, theo đại biểu, để thúc đẩy xuất khẩu, một mặt phải tiếp cận thị trường vốn để làm sao các doanh nghiệp có đủ năng lực tài chính để chống đỡ khó khăn đồng thời bám sát nhu cầu thị trường thế giới và khu vực để duy trì đẩy mạnh tăng trưởng trong xuất khẩu. Đối với giải ngân đầu tư công, nguyên nhân suy giảm giải ngân đầu tư công là chất lượng thể chế pháp luật, trong đó có thủ tục hành chính phải khắc phục bằng cách là rà soát lại thủ tục, cắt giảm những khâu trung gian. “Làm được điều này thì tiến độ giải ngân vốn đầu tư công sẽ tích cực hơn và tôi tin rằng nếu như có giải pháp kịp thời thì những tháng cuối năm, tiến độ giải ngân đầu tư công đẩy mạnh hơn thì mục tiêu của chúng ta đạt đến 90 đến 95% thì tốc độ tăng trưởng sẽ bứt phá”, đại biểu Lê Thanh Vân nhấn mạnh. Cùng với đó, theo đại biểu, về thu hút đầu tư nước ngoài chúng ta đang đối mặt với luật chơi mới của các nước là Luật thuế tối thiểu toàn cầu. Việt Nam phải khẩn trương sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan đến thu hút đầu tư và cần thiết nhằm duy trì được quyền được đánh thuế đối với các nhà đầu tư nước ngoài và sử dụng tiền đó để điều tiết các quan hệ đối tác để sao cho hỗ trợ và thu hút được các nhà đầu tư, giữ chân được họ và thu hút tiếp các nhà đầu tư khác[15].
Những dự báo về tình hình lao động 6 tháng cuối năm 2023 vẫn không có nhiều khả quan, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội dự báo, thị trường lao động 6 tháng cuối năm 2023 cũng sẽ chịu nhiều rủi ro và thách thức, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn ảnh hưởng. Song hành với đó là sự sụt giảm sức mua ở các thị trường xuất khẩu; xung đột giữa Nga-Ukraine; lạm phát, giá cả tăng cao, chính sách tiền tệ thắt chặt… làm cho tổng cầu hàng hóa trên thế giới sụt giảm, nhu cầu nhập khẩu của các thị trường lớn cũng bị suy giảm, dẫn tới các doanh nghiệp trong nước bị cắt giảm đơn hàng, đứt gãy chuỗi cung ứng trên toàn cầu, gây khó khăn cho việc sản xuất, nhất là trong các ngành như chế biến, chế tạo, dệt may, da giày… Điều này dẫn đến tình trạng người lao động tiếp tục bị mất việc và giảm giờ làm, giảm thu nhập[16].
Theo Báo cáo khảo sát khó khăn doanh nghiệp và triển vọng kinh tế cuối năm 2023 của Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV), có thể làn sóng sa thải người lao động tiếp diễn ở các tháng cuối năm 2023 do khó khăn vĩ mô và nội tại của doanh nghiệp. Trong đó, khoảng 5.200 trong số gần 9.560 doanh nghiệp được khảo sát cho biết sẽ cắt giảm trên 5% lao động từ nay đến hết năm 2023. Trả lời đại biểu Quốc hội về dự báo tình hình lao động và việc làm của đất nước trong thời gian tới tại phiên chất vấn tuần trước, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cũng cho rằng, việc dự báo thị trường lao động trong thời gian tới phải dựa vào dự báo phát triển kinh tế – xã hội. “Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng thời gian tới có thể tình hình sản xuất, kinh doanh sẽ có khó khăn hơn, đặc biệt là đối với những ngành hàng, lĩnh vực thâm dụng lao động nhiều, nhất là những ngành như giày da, dệt may, túi xách xuất khẩu”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết. Trên cơ sở đó, đời sống, lao động, việc làm sẽ tiếp tục khó khăn và tỷ lệ thất nghiệp cũng có thể gia tăng. Điều đáng lo ngại hơn là sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đã làm bào mòn phần tích lũy của người lao động, do đó họ sẽ càng ngày càng chật vật hơn, đây là vấn đề cần phải quan tâm[17].
Về thị trường bất động sản 6 tháng cuối năm 2023, đưa ra kịch bản về thị trường bất động sản thời gian tới, ông Phạm Anh Khôi, thành viên Tổ Công tác Nghiên cứu thị trường của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng, quý III năm nay là thời điểm mấu chốt khi một lượng lớn tiền gửi ngân hàng đáo hạn và là cơ hội để quan sát các phản ứng thực tế. Đây cũng sẽ là thời điểm quyết định dòng tiền có quay trở lại thị trường bất động sản hay không. Ông Khôi dự báo, sẽ có 2 kịch bản cho thị trường sắp tới. Cụ thể, kịch bản thứ nhất, nếu tình hình thị trường bất động sản vẫn khó khăn, niềm tin của nhà đầu tư chưa được khôi phục thì có thể nguồn tiền này vẫn tiếp tục ở lại hệ thống ngân hàng, chấp nhận một mức lãi suất thấp hơn. “Ở kịch bản thứ hai, nếu lãi suất huy động giảm xuống mức 6-7% vào thời điểm cuối năm nay hoặc thậm chí là không giảm thì nguồn tiền khả năng cao sẽ ưu tiên quay trở lại thị trường bất động sản trong điều kiện niềm tin của người mua được cải thiện”, ông Khôi chia sẻ. TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) – Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng, thị trường bất động sản sẽ có sự thay đổi nhờ việc các chính sách mới được ban hành. Theo đó, các dự án đáp ứng nhu cầu của thị trường như dự án về cơ sở hạ tầng, dự án nhà ở xã hội, nhà ở bình dân; dự án hỗ trợ, khơi thông dòng vốn cho thị trường bất động sản, nhất là các dự án đang xây dở; cải thiện dòng tiền cho người vay mua nhà ở xã hội, nhà ở bình dân[18].
Có thể thấy, tình hình nền kinh tế Việt Nam trong 6 tháng cuối năm 2023 mặc dù vẫn còn đối mặt với rất nhiều khó khăn, song bằng những biện pháp chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, tình hình được dự báo sẽ có những khả quan hơn.
——————–
Tài liệu tham khảo:
[1] Ánh Tuyết (2023), “Tổng giá trị chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân năm 2023 lên tới 198,4 nghìn tỷ đồng”, VnEconomy, https://vneconomy.vn/tong-gia-tri-chinh-sach-ho-tro-doanh-nghiep-va-nguoi-dan-nam-2023-len-toi-198-4-nghin-ty-dong.htm
[2] Việt Hà (2023), “Đánh giá nền kinh tế Việt Nam năm 2022 và triển vọng năm 2023”, Vietnamplus, https://www.vietnamplus.vn/danh-gia-nen-kinh-te-viet-nam-nam-2022-va-trien-vong-nam-2023/858430.vnp
[3] Tuấn Anh (2023), “Những chỉ số quan trọng của kinh tế Việt Nam 5 tháng đầu năm”, Báo tuổi trẻ, https://tuoitre.vn/nhung-chi-so-quan-trong-cua-kinh-te-viet-nam-5-thang-dau-nam-20230601093500121.htm
[4] Hoàng Lan (2023), “Việt Nam xuất siêu 9,8 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm 2023”, Báo Quân đội nhân dân, https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/viet-nam-xuat-sieu-9-8-ty-usd-trong-5-thang-dau-nam-2023-729589
[5] Hoàng Lan (2023), tldd, https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/viet-nam-xuat-sieu-9-8-ty-usd-trong-5-thang-dau-nam-2023-729589
[6] T.H (2023), “Nửa đầu tháng 5/2023, kim ngạch xuất khẩu giảm hơn 21%”, Báo Đấu thầu, https://baodauthau.vn/nua-dau-thang-52023-kim-ngach-xuat-khau-giam-hon-21-post138774.html
[7] Lưu Hiệp (2023), “Đơn hàng sụt giảm, doanh nghiệp như ngồi trên “chảo lửa””, Báo Công an Nhân dân, https://cand.com.vn/Kinh-te/don-hang-sut-giam-doanh-nghiep-nhu-ngoi-tren-chao-lua-i695653/
[8] Minh Tâm (2023), “Chuyên gia nhận định “bất ngờ” về thị trường bất động sản cuối năm 2023-2024”, Cafef, https://cafef.vn/chuyen-gia-nhan-dinh-bat-ngo-ve-thi-truong-bat-dong-san-cuoi-nam-2023-2024-188230616063238373.chn
[9] Hà Linh (2023), “Gần 150 nghìn lao động mất việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất”, Tạp chí Tài chính doanh nghiệp, https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/gan-150-nghin-lao-dong-mat-viec-tai-cac-khu-cong-nghiep-khu-che-xuat-d38041.html
[10] Lê Hữu Việt (2023), “Công ty Pouyuen sa thải hàng nghìn lao động nữ trên 40 tuổi”, Báo Tiền Phong, https://tienphong.vn/cong-ty-pouyuen-sa-thai-hang-nghin-lao-dong-nu-tren-40-tuoi-post1535294.tpo
[11] Tường Bách (2023), “Việt Nam đạt hơn 57% mục tiêu đón khách quốc tế của năm 2023”, VnEconomy, https://vneconomy.vn/viet-nam-dat-hon-57-muc-tieu-don-khach-quoc-te-cua-nam-2023.htm
[12] Duy Cường (2023), “Du lịch 2023: Xoá định kiến “điểm đến giá rẻ”, tránh na ná giống nhau, dịch vụ cần “từ tâm””, V-Zine, https://vtv.vn/xa-hoi/du-lich-2023-xoa-dinh-kien-diem-den-gia-re-tranh-na-na-giong-nhau-dich-vu-can-tu-tam-20230213150907472.htm
[13] Tường Bách (2023), tldd, https://vneconomy.vn/viet-nam-dat-hon-57-muc-tieu-don-khach-quoc-te-cua-nam-2023.htm
[14] Hien Tran Khanh, Hinh Dinh (2023), “Lower 2023F GDP forecast following the weak 1Q performance”, VNDIRECT, https://www.vndirect.com.vn/cmsupload/beta/Econ_Update_20230417.pdf
[15] Thu Trang, Viết Tôn (2023), “Kinh tế năm tháng đầu năm đã có nhiều tích cực”, Báo Tin tức, https://baotintuc.vn/thoi-su/kinh-te-5-thang-dau-nam-da-co-nhieu-tich-cuc-20230531113056487.htm
[16] Ngân Anh (2023), “Thách thức với thị trường lao động 6 tháng cuối năm”, Báo Nhân dân, https://nhandan.vn/thach-thuc-voi-thi-truong-lao-dong-6-thang-cuoi-nam-post757216.html
[17] Nhật Dương (2023), “Nửa cuối năm 2023: Thị trường lao động vẫn chưa hết khó khăn”, VnEconomy, https://vneconomy.vn/nua-cuoi-nam-2023-thi-truong-lao-dong-van-chua-het-kho-khan.htm
[18] Minh Tâm (2023), tldd, https://cafef.vn/chuyen-gia-nhan-dinh-bat-ngo-ve-thi-truong-bat-dong-san-cuoi-nam-2023-2024-188230616063238373.chn
Theo PHẠM QUANG PHÚC / NGHIENCUUCHIENLUOC.ORG
Tags: Kinh tế Việt Nam