Một góc nhìn về tư tưởng Karl Marx và kỷ nguyên toàn cầu hóa

Toàn cầu hóa không là gì khác hơn sự mở rộng cách mạng công nghiệp ra toàn cầu. Khi quá trình này hoàn tất, thế giới mới chín muồi cho một cuộc cách mạng kiểu Marxist?

Một góc nhìn về tư tưởng Karl Marx và kỷ nguyên toàn cầu hóa

Trích đăng bài viết của nhà nghiên cứu kinh tế người Mỹ J. N. Nielsen, tác giả cuốn Kinh tế chính trị của toàn cầu hóa (Political Economy of Globalization).

Nguồn: Globalization and Marxism, J. N. Nielsen, Grand Strategy: The View from Oregon, 2008.

Biên dịch: Đoàn Hiểu Linh / Redsvn.net.

Sự phát triển của các quốc gia “chưa phát triển”

Trong phần lớn thời gian của thế kỷ 20, các lực lượng cánh tả đã bày tỏ nỗi lo lắng về điều kiện sống ở những nước nghèo trên khắp thế giới. Sự quan tâm này được minh họa rõ nét nhất qua lý thuyết về sự lệ thuộc, về các nước nghèo bị giữ trong tình trạng “dưới mức phát triển”, như một phần của kế hoạch tư bản độc ác giữ cho họ nghèo.

Giờ đây, một số trong các nước này không còn nghèo nữa. Và chắc chắn là nhiều nước không còn nghèo như trong quá khứ nữa. Các nước như Ấn Độ, Trung Quốc bắt đầu công nghiệp hóa. Sự công nghiệp hóa của họ đang thay đổi các khái niệm về phát triển kinh tế, quan hệ quốc tế, và trên thực tế là thay đổi cả nền văn minh.

Toàn cầu hóa không là gì khác hơn sự phát triển được chờ đợi lâu nay của phần thế giới chưa- và dưới mức phát triển. Cái toàn cầu hóa đó gây ra nhiều lời than van và đay nghiến ở cả các nước đã phát triển lẫn chưa phát triển, đã thể hiện bên trong chính nó rằng toàn cầu hóa không hề tôn trọng con người và cũng mù quáng như công lý vậy.

Các nước đã phát triển phàn nàn rằng công ăn việc làm “chảy máu” sang các nước đang công nghiệp hóa, trong khi người dân của các nước đang công nghiệp hóa lại phàn nàn về các điều kiện của công nghiệp hóa, bất kể thực tế là công nghiệp hóa trong thế kỷ 21 rất khác biệt so với công nghiệp hóa trong thế kỷ 19.

Toàn cầu hóa trước ngưỡng cửa của cuộc cách mạng

Nhiều nhà lý thuyết chính trị, nhà kinh tế đã có sự quan sát đúng đắn là Marx đã coi công nghiệp hóa như một sự chuẩn bị cần thiết cho cách mạng cộng sản. Chính Marx cũng thờ ơ trước việc người Nga nhiệt tình tiếp nhận bộ Tư bản luận (Das Kapital). Đó là vì nước Nga chưa công nghiệp hóa và đang thiếu một giai cấp vô sản công nghiệp thì chưa thể sẵn sàng cho cách mạng như Tây Âu đã công nghiệp hóa mạnh mẽ.

Lenin đã có một số điều chỉnh quan điểm của Marx và cố gắng hợp thức hóa cách mạng ở Nga từ quan điểm lý thuyết Marxist. Sau này, Mao Trạch Đông còn đi xa hơn và đã biến người nông dân Trung Hoa phi công nghiệp thành nền móng cho phong trào cách mạng của mình.

Nếu Marx đúng, và chúng ta có thể tin tưởng lời ông, thì các cuộc cách mạng ở Nga và Trung Quốc là những cuộc cách mạng chưa chin muồi. Và nếu Marx được chứng kiến chúng, có thể ông sẽ dự đoán về thất bại của chúng.

Như tôi đã phát biểu ở trên, nếu toàn cầu hóa không là gì khác hơn sự mở rộng cách mạng công nghiệp sang các khu vực khác của thế giới vốn trước đây chưa được toàn cầu hóa chạm đến, và nếu Marx đúng khi nói rằng cách mạng cộng sản phải trỗi dậy từ quân đội công nghiệp hóa được xây dựng từ hệ thống nhà máy, thì công nghiệp hóa phải đi trước mọi cuộc cách mạng cộng sản chân chính.

Nếu Hobsbawm đã nói rằng toàn cầu hóa tiềm ẩn trong chủ nghĩa tư bản thì cũng có thể ông sẽ nói rằng toàn cầu hóa ẩn chứa trong cả chủ nghĩa Marx. Nói cách khác, có thể Marx vẫn đúng, và có thể Marx sẽ được chứng minh là đúng ở một thời điểm xa xôi nào đó trong tương lai. Tuy nhiên, đơn giản là chúng ta vẫn chưa đạt được các điều kiện để Marx được chứng minh là đúng (hoặc sai).

 “Toàn cầu hóa tiềm ẩn trong chủ nghĩa tư bản không chỉ phá hủy di sản và truyền thống mà còn bất ổn đến khó tin. Toàn cầu hóa hoạt động thông qua một loạt khủng hoảng, và tôi nghĩ chúng ta đã công nhận toàn cầu hóa là kết thúc của thời đại đặc biệt này”

 – Sử gia Marxist Eric Hobsbawm phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với chương trình Today của BBC4, 20/10/2008.

.

Chủ nghĩa Marx và thí nghiệm then chốt của mình

Thí nghiệm then chốt (experimentum crucis hay crucial/critical experiment) là từ được triết gia Anh Francis Bacon dùng để chỉ một thí nghiệm chứng minh một giả thuyết hay lý thuyết cụ thể nào đó có ưu thế hơn mọi giả thuyết/lý thuyết khác đang được cộng đồng khoa học chấp nhận rộng rãi hay không – Chú thích của người dịch.
.

Hãy tưởng tượng ra thời điểm mà cả thế giới đã được công nghiệp hóa, và châu Phi cũng đi theo bước chân của chủ nghĩa tư bản đang phát triển ở châu Á. Tại thời điểm đó trong lịch sử, cả thế giới sẽ chín muồi cho cách mạng, cũng như các cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay chỉ giới hạn trong các nước đã phát triển và đã công nghiệp hóa thì đến lúc đó sẽ liên quan tới toàn bộ thế giới.

Khi công nghiệp hóa đã lan rộng ra toàn thế giới, các cơ chế được sử dụng để ổn định các nền kinh tế đã phát triển hôm nay có thể không còn hoạt động, và khi đó có thể chúng ta sẽ thấy được thấy loại khủng hoảng dẫn đến một cuộc cách mạng cộng sản như Marx đã dự báo.

Nhưng điều này chưa xảy ra, nó chưa thể xảy ra cho đến khi toàn bộ thế giới đã công nghiệp hóa, và tiến trình công nghiệp hóa thế giới chính là toàn cầu hóa. Vì vậy, toàn cầu hóa là tiền đề của một cuộc khủng hoảng thảm khốc, cơ sở cho cuộc cách mạng cộng sản như Marx đã dự báo.

Công nghiệp hóa diễn ra đầu tiên ở Tây Âu, ngay sau đó là Bắc Mỹ và Nhật Bản, và dường như phần Á – Âu và châu Phi còn lại cũng sẽ theo sau trình tự này. Nhưng công nghiệp hóa đã ngừng trệ. Trong khi một số nền công nghiệp đã hình thành ở châu Á, châu Phi thì xã hội vẫn chưa được chuyển hóa bằng một cuộc cách mạng công nghiệp, và nền công nghiệp mô phỏng mô hình châu Âu vẫn nằm ngoài biên giới kinh tế của phần lớn thế giới.

Gần cuối thế kỷ 20, khi Trung Quốc bắt đầu công nghiệp hóa nghiêm túc hơn bao giờ hết, một lần nữa, dường như phần còn lại của thế giới sẽ đi theo trình tự này. Và có thể việc này vẫn tiếp tục xảy ra, nhưng còn quá sớm để bàn về nó.

Do đó, Marx vẫn có thể được chứng minh là đúng. Nhưng đến đây thì có một thay đổi bất ngờ. Tùy thuộc vào tiến trình của lịch sử, có thể chúng ta sẽ không bao giờ kiểm định được các lý thuyết của Marx bởi vì có thể chúng ta sẽ không bao giờ đạt được các điều kiện để có thể kiểm tra nó.

Đầu tiên, và rõ ràng nhất, nếu thế giới không được công nghiệp hóa trọn vẹn, chúng ta sẽ không bao giờ có đủ các điều kiện để cách mạng cộng sản có thể xảy ra. Vì vậy, lý thuyết của Marx có thể không bao giờ được chứng minh bằng thí nghiệm then chốt của nó.

Thứ hai, vào lúc phần còn lại của thế giới đang hoàn thành công nghiệp hóa thì các nền kinh tế đã trải qua cuộc cách mạng công nghiệp hóa đầu tiên (các nước đã phát triển) có thể đã chuyển đổi thành các nền kinh tế hậu công nghiệp (ví dụ như các mô hình xã hội thông tin), dẫn đến việc cơ sở hạ tầng công nghiệp và kinh tế của thế giới vẫn không đồng đều và các cuộc khủng hoảng kinh tế sẽ không đi theo cách mà chúng sẽ diễn ra khi cơ sở hạ tầng công nghiệp và kinh tế của các quốc gia đồng đều nhau.

Điều thứ ba (mà theo quan điểm của tôi là thú vị hơn), là nếu như văn minh nhân loại được thiết lập ở bên ngoài trái đất, và công nghiệp hóa được mở rộng từ không gian đã biết tới những phạm vi bất định, thì sự vô hạn của tương lai con người sẽ gạt bỏ mọi hình thức công nghiệp hóa “hoàn toàn”. Do đó, một lần nữa, chúng ta có thể không bao giờ đạt được các điều kiện cần để kiểm tra lý thuyết của Marx theo cách chính ông diễn giải nó.

Một tương lai “mở” có thể không bao giờ hội tụ trong toàn bộ tiến trình công nghiệp hóa mang tính chất lịch sử. Do đó, có thể các điều kiện để cách mạng cộng sản có thể diễn ra và thành công sẽ được lùi xa hơn và xa hơn nữa vào một tương lai bất định, tương lai mà chúng ta chưa bao giờ nhận thức được.

ĐOÀN HIỂU LINH / REDSVN.NET

Tags: , , , ,