Một cái nhìn về giai cấp và đấu tranh giai cấp trong thế kỷ 21

Theo thống kê của tổ chức Lao động Thế giới năm 2013, lần đầu tiên trong lịch sử loài người, đa số cư dân tham gia vào lực lượng lao động toàn cầu là người lao động ăn lương. Tuy vậy, có một cuộc tranh cãi lớn về khả năng thách thức chủ nghĩa tư bản của giai cấp công nhân.

Trích đăng bài viết từ tuần báo Công nhân Xã hội chủ nghĩa (Socialist Worker) của Đảng Công nhân Xã hội chủ nghĩa Anh, số ra ngày 11/8/2015.

Nguồn: What is class in the 21st century? / Socialist Worker / 2015/08/11.

Biên dịch: Đoàn Hiểu Linh / Redsvn.net.

Một trong những tác phẩm Marxist nổi tiếng nhất, Tuyên ngôn Cộng sản, kết thúc bằng lời kêu gọi đấu tranh, “Vô sản toàn thế giới, đoàn kết lại!”.

Khi nhà cách mạng Karl Marx viết những dòng trên vào năm 1848, công nhân trên thế giới hợp nhất lại chỉ có số lượng khoảng 10-20 triệu người, chiếm 2-3% dân số toàn cầu và giới hạn trong một vài lĩnh vực.

Ngày hôm nay, mọi thứ đã khác. Theo thống kê của tổ chức Lao động Thế giới năm 2013, lần đầu tiên trong lịch sử loài người, đa số cư dân tham gia vào lực lượng lao động toàn cầu là người lao động ăn lương.

Theo đó, hiện nay có khoảng 1,6 tỉ người lao động ăn lương, tăng 600 triệu kể từ giữa những năm 1990.

Tuy vậy, có một cuộc tranh cãi lớn về khả năng thách thức chủ nghĩa tư bản của giai cấp công nhân.

Học giả cánh tả Slavoj Zizek cho rằng, ngày nay số đông người lao động cảm thấy quá rủi ro và bấp bênh nên không thể phản kháng. Bên cạnh đó, một thiểu số lại được ưu đãi quá nhiều nên không có bất kỳ hứng thú nào với việc đấu tranh.

*

Để hiểu rõ khái niệm giai cấp trong thế kỷ 21, chúng ta phải bắt đầu từ một vị trí nào đó khác biệt hơn.

Theo Marx, giai cấp công nhân chiếm một vị trí đặc biệt trong chủ nghĩa tư bản. Điều đó trao cho họ những khả năng và mối quan tâm đặc biệt, và có khuynh hướng đẩy công nhân vào con đường đấu tranh.

Công nhân không sở hữu phương tiện sản xuất. Họ phải làm việc cho một nhà tư bản nào đó. Và họ bị bóc lột trong tiến trình đó.

Theo sau đó là nhiều vấn đề khác.

Công nhân là giai cấp duy nhất có số lượng và sức nặng xã hội để lèo lái sự chuyển hóa cách mạng. Và các nhà tư bản phụ thuộc vào họ để có lợi nhuận.

Điều này khiến cho sự bóc lột khác với sự đàn áp về bản chất. Ví dụ, phụ thuộc vào chủ nghĩa chủng tộc khiến tôi không có quyền lực riêng nào. Nhưng khi tôi phụ thuộc vào sự bóc lột, tôi có sức mạnh với giới tư bản.

Giai cấp công nhân cũng là một giai cấp có tính tập thể. Giới tư bản đã ép buộc để lôi kéo các công nhân và máy móc vào những trại tập trung khổng lồ. Tại Anh, khoảng phân nửa công nhân lao động nặng nhọc ở những công sở có 100 người hoặc hơn.

Tư bản đã đặt công nhân vào cùng một cảnh ngộ, nơi họ có thể hiểu rõ và đồng hóa nhau. Và áp lực liên tục của tư bản để bóc lột công nhân thúc đẩy họ tổ chức và đấu tranh.

Giai cấp công nhân là giai cấp có tính chiến đấu liên tục nhất trong lịch sử. Các cuộc bạo động của nô lệ diễn ra khoảng 100 năm một lần, còn các cuộc bạo động của nông dân bùng nổ theo chu kỳ khoảng 20, 30 hoặc 50 năm. Còn với công nhân, những làn sóng biểu tình hay cách mạng diễn ra vài năm mỗi lần ở khắp nơi trên thế giới.

Một mặt, các công nhân có thể cảm thấy bất lực và chấp nhận việc những lợi ích của mình bị xâm hại. Mặt khác, họ luôn nuôi dưỡng mong muốn thay đổi hiện trạng, dựa trên sự đoàn kết và những lợi ích chung. Tình hình luôn biến động không ngừng.

Nhận thức của công nhân luôn luôn phát triển vì hai lý do. Đầu tiên, nhận thức cũ sẽ sụp đổ khi xảy ra các cuộc khủng hoảng. Thứ hai, nhận thức mới sẽ được xây dựng trong quá trình công nhân đấu tranh. Họ có thể nhận ra năng lực và lợi ích chung của mình có sức mạnh phản kháng lại chủ nghĩa tư bản và chuyển hóa thế giới.

Trong những thời điểm quyết định, cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân mở ra những khả năng cách mạng. Đó là khi họ cho thấy rằng của cải tư bản phụ thuộc vào việc bóc lột lao động, và một thế giới không có người nghèo khổ là khả thi.

*

Nhưng khi giai cấp công nhân không đấu tranh, có vẻ như họ đã từ chối quyền lực thay đổi thế giới cua mình.

Một số người nghĩ rằng những thay đổi như sự suy giảm lực lượng sản xuất ở Anh nghĩa là minh chứng cho việc công nhân trở nên quá yếu để có thể thách thức chủ nghĩa tư bản. Tuy nhiên, lĩnh vực sản xuất không bao giờ sử dụng hơn phân nửa lực lượng lao động ở bất kỳ quốc gia nào.

Và đầu ra của sản xuất vẫn cao, mặc dù các ngành công nghiệp sử dụng ít công nhân hơn. Điều này trao quyền lực cho những nhóm nhỏ các công nhân sản xuất – những người ở một đầu của chuỗi sản xuất phụ thuộc vào người khác. Các nhóm nhỏ có thể đóng cửa toàn bộ các mạng lưới.

Sự sụt giảm sản xuất không phải là sự đi xuống của giai cấp công nhân. Marx chưa bao giờ cho rằng sản xuất đơn thuần chỉ là việc sản xuất một số mặt hàng cụ thể. Theo Marx, giai cấp công nhân sản xuất ra lợi nhuận cho các nhà tư bản. Dù không nằm trong lĩnh vực sản xuất hàng hóa, họ vẫn có khả năng tổ chức và đấu tranh bởi vì họ được gắn kết vào nhau và cùng bị bóc lột. Ví dụ như công nhân tài chính. Họ không tạo ra giá trị mới nhưng họ là trung tâm của việc vận hành hệ thống tài chính suôn sẻ.

Cuộc đình công vì lương hưu năm 2011 ở Anh đã khiến nền kinh tế tiêu tốn 2,5 tỉ bảng, một phần vì trường học đóng cửa, người dân phải xin nghỉ để chăm sóc con. Những cuộc biểu tình như vậy cũng giúp người dân những nơi khác thấy rằng phản kháng là điều khả thi.

Những công nhân ở các vị trí yếu như công nhân thời vụ, những người từng được cho là không có tổ chức như công nhân cảng, cũng đã tổ chức, đấu tranh và cải thiện điều kiện của họ.

Và việc các ông chủ sa thải công nhân không phải lúc nào cũng dễ dàng. Tại Anh, cuộc khủng hoảng mới nhất không có sự sa thải hàng loạt. Việc sa thải có thể bị coi là mang tính phá hoại, trái đạo đức và dẫn tới đấu tranh mạnh mẽ hơn. Đồng thời, điều này cũng làm tiêu tốn chi phí của tư bản, khi quá trình đào tạo và trình độ kinh nghiệm của hầu hết các nhóm công nhân đều có giá trị khi quy ra tiền vốn.

*

Vì sao chúng ta cảm thấy mọi thứ vẫn bấp bênh? Bởi vì phong trào công nhân của những năm 1980 đã bị đánh bại. Đã có những thất bại lớn trên phạm vi toàn cầu mà phong trào công nhân vẫn chưa phục hồi được.

Phần nhiều trong lực lượng lao động 30 triệu người ở Anh ít có kinh nghiệm đấu tranh giai cấp trực tiếp. Các nhà xã hội chủ nghĩa và các quan điểm cánh tả cũng đã bị gạt ra bên lề.

Trong tình hình này, người dân có thể cảm thấy mình dễ bị tổn thương hơn rất nhiều so với trước đây. Nhưng việc tái tổ chức giai cấp công nhân không tước đoạt quyền lực tiềm ẩn của nó.

Như cách nói của nhà xã hội chủ nghĩa Mỹ Hal Draper, công nhân không đơn thuần chỉ tồn tại mà họ trưởng thành theo kinh nghiệm đấu tranh. Điều này bắt đầu khôi phục lại sự tự tin. Cuối cùng thì công nhân trong những lĩnh vực mới của nền kinh tế cũng sẽ đấu tranh cho vị trí của mình trong chủ nghĩa tư bản.

Chúng ta phải dự báo trước được các cuộc đấu tranh này. Chúng sẽ mở ra một lượng người ủng hộ rộng hơn cho các quan điểm cách mạng và xã hội chủ nghĩa.

Chúng ta phải kiên nhẫn nếu chúng ta muốn phá vỡ hệ thống thối nát này.

REDSVN.NET

Tags: , , , ,