Một cái nhìn về bản chất của nghệ thuật trong Phật giáo

“Có lẽ biểu tượng duy nhất của nghệ thuật Phật giáo là sự im lặng cao cả, vô ngôn trong dáng ngồi với bàn tay cầm búp sen và nụ cười mỉm của Đức Phật. Làm thế nào để “niêm hoa vi tiếu” được diễn tả bằng ngôn từ, bằng đường nét? Đó là công án của nghệ thuật Phật giáo! Có thể dùng ẩn dụ trong kinh Kim Cương: nghệ thuật ở đây là phi nghệ thuật”.

Một cái nhìn về bản chất của nghệ thuật trong Phật giáo

Tiến sĩ Thái Kim Lan trả lời phỏng vấn tạp chí văn hoá “Applaus” của Đức với chủ đề “Thiền ngày nay”*:

– Applaus: Sự hiểu biết về nghệ thuật của Phật giáo và Tây phương phân biệt nhau như thế nào?

– Thái Kim Lan: Đối với người nghệ sĩ theo đạo Phật, quá trình sáng tạo nghệ thuật chứ không phải “sản phẩm” (Produkt) đóng một vai trò quan trọng. Mục đích của sáng tác nằm trong tác động đưa nghệ thuật của mình đến một cao điểm, ở đó “cái ngã” của người nghệ sĩ không còn hiện hữu nữa, điều đó có nghĩa trong sáng tác người nghệ sĩ không còn là kẻ “làm” sản phẩm của mình, mà người ấy chính là “mực tàu”, bút lông”, chính là “sản phẩm” đang tác tạo.

Có phải trong quá trình sáng tạo nghệ thuật người nghệ sĩ siêu việt hoá cái tôi không?

Vâng. Sự chìm đắm thẩm thấu cái vô ngã – một hình thức siêu việt cái tôi bản ngã – là giai đoạn sáng tạo của nghệ nhân. Thế nhưng chính Van Gogh cũng đã quên mình trong nghệ thuật khi sáng tác. Hành động sáng tạo của nghệ sĩ Tây phương và nghệ sĩ Phật giáo trên cơ bản giống nhau, tuy nhiên cái khác là ở cách “nhìn” (kiến), từ đó cảm xúc nghệ thuật khu biệt nhau. Nghệ sĩ Tây phương có thể đòi hỏi với sáng tác của mình phải sản xuất một cái gì và cái ấy thoát thai từ “cá nhân tính” của anh ta, trong lúc ấy người nghệ sĩ Phật giáo “sống” “quá trình trở thành” của tác phẩm cách khác: với họ vấn đề nằm ở sự giác ngộ để đạt đến hoà mình trong vũ trụ

– Huệ Năng thiền sư có nói: “Thấy và không thấy, đó mới là “thấy thật sự” Lời nói ấy có thể xem là sự hiểu biết nghệ thuật theo tính cách của Phật giáo không?

Có thể! “Nhìn” là điểm trọng yếu nhất trong nghệ thuật, nhất là hội hoạ, khác nhau cũng chỉ từ “cái nhìn”, từ đôi mắt thấy. Chữ “thấy” (kiến) theo Huệ Năng có nghĩa “nhìn trên hai chân của mình” (kiến), “tri kiến”, “sự hiêu thấu”, mà cũng là “quan điểm”, góc nhìn. Tùy góc nhìn mà có Đông, có Tây. Khởi đầu tôi thấy một đối tượng, nó là như thế! Nhìn kỹ hơn nó trở nên đối vật với tôi, trong tương quan chủ -khách thể, nó không là nó mà nó là của tôi, của liên hệ nhân duyên với những hiện tượng khác, tri kiến của tôi về đối tượng, sự phân chia, khu biệt đưa đến sự “đánh mất” đối tượng như là “toàn thể”. Cái “thấy được” mất hút trong phân ly, trong khu biệt, trở nên “không là nó nữa”, cho đến khi nhận được tính “vô ngã” của sự vật và luôn của chính chủ thể. Thấu triệt được tính vô ngã, là quá trình “không thấy”, quá trình ấy là quá trình siêu việt đưa đến cái nhìn sâu xa hơn về giới hạn của mọi thứ “nhìn thường”, về giới hạn của sự vật. Thấu triệt giới hạn hay thấy rõ “tính không” của sự vật và luôn của chính mình có thể hàm tích tạo nên sức vượt của sáng tạo, điều kiện của nghệ thuật. Trong ánh sáng của “thấy” và “không thấy” đối tượng nghệ thuật bộc lộ toàn diện, toàn thể. Thấy và không thấy dẫn đến sự thấy toàn diện, hé mở giác ngộ chân lý. Trong nghệ thuật, nó tạo nên nhất thể giữa ta và đối tượng như Lý Bạch nhìn núi và núi nhìn Lý Bạch “nhìn nhau không chán mắt” (Tương khan lưỡng bất yếm, Lý Bạch, Độc toạ Kính Đình Sơn), cảm hứng như nhất đã tạo nên áng văn bất hủ.

– Một người Tây phương cởi mở có thể khám phá trong nghệ thuật Phật giáo một cái gì không? Sau khi người ấy đã ngắm nhìn no nê tác phẩm của Georg Baselitz?

Xét lịch sử nghệ thuật Tây phương ta thấy cũng có những điểm tương đồng so với nghệ thuật Phật giáo. Ví dụ cái nhìn trực giác, bột khởi đóng một vai trò quan trọng trong nghệ thuật đương đại. Cái mà người Tây phương có thể khám phá trong nghệ thuật Phật giáo có lẽ là “cái cao cả” trong thẩm mỹ học, trong chừng mực “cao cả” được cảm nghiệm như vẻ đẹp siêu việt, vạn vật thu lại trong cái vòng Thiền trống rỗng, cỡi bỏ mọi chấp chặt vào đối tượng, vào “cái tôi “ như tổng thể trói buộc mọi “thế giới quan và giáo dục huân tập”, một thứ tự do sáng tạo vượt trên sắc không., nói theo thuật ngữ nhà Phật, nghệ sĩ Phật giáo trong sáng tạo của mình đồng thời “tu tâm”, có lẽ đó là điều mà nghệ sĩ Âu châu ít chú trọng. Vương Duy (701-761), Ekaku Hakuin (1686 – 1768), Gibon Sengai (1750 – 1837) đều là những Thiền sư đồng thời là những hoạ sư.

– Hiện nay người Tây phương rất chú ý đến nghệ thuật Phật giáo: theo bà thì đó là một cởi mở hay chỉ là một thứ “thời trang “(Mode) và nên xếp cái “thời trang” này vào chỗ nào? Vào mốt “Esoterik”, học phái huyền bí.

– Thật khó để kéo một ranh giới. Theo tôi cả hai, cởi mở và thời trang. Dĩ nhiên nghệ sĩ Phật giáo có thể sẽ cảm thấy tổn thương khi họ chỉ được khám phá qua mốt thời thượng huyền bí. Một mặt, sự chú ý đến nghệ thuật Phật giáo chứng tỏ sự cởi mở của các nghệ sĩ phuương Tây và trong trường hợp này nghệ thuật Phật giáo có thể cống hiến nhiều cảm hứng cho họ. Mặt khác, nếu sự chú ý này đến từ góc độ mốt lý thuyết huyền học thì khổ thay nó có tác dụng ngược: thay vì cởi mở, nó sẽ khai trừ những chọn lựa nghệ thuật khác.Theo tôi tự đóng kín với một chân lý duy nhất, với thẩm mỹ độc tôn và coi thường những lối nhìn khác ngược lại với tư tưởng của đạo Phật. Điều làm tôi không đồng ý với mốt thời thượng này là người ta làm ra vẻ chỉ có nghệ thuật Phật giáo. Nghệ thuật Phật giáo không gì khác hơn là nuôi dưỡng đời sống và nâng cuộc sống lên mức ‘thẩm mỹ”, đẹp trong khiêm tốn và sáng tạo, nét chân phương của cuộc sống. Như thế nói cách khác, nghệ thuật Phật giáo tự nhiên như hơi thở của con người.

– Trong nghệ thuật Phật giáo có một ngôn ngữ riêng cho màu sắc và hình tượng hay không?

Mỹ thuật Phật giáo, chẳng hạn thẩm mỹ Thiền, sử dụng màu sắc và hình thái đặc thù đến từ cái “nhìn” Thiền học. Từ ống kính ấy, “cái không màu” và “cái không hình” được sử dụng để diễn tả. Chúng ta thấy ở đây sự giảm thiểu tối đa gam màu và hình tượng. Nói theo thuật ngữ chuyên môn, nghệ thuật Thiền học chú trọng màu và hình đơn điệu – monochromatique- Sự tương phản đen trắng được thử nghiệm và giàn trải trên không gian tác phẩm. Nguyên tắc tỉnh, mộc, khắc khổ, cô đơn được chú trọng trên mọi lãnh vực nghệ thuật, trong đó đặc tính “nghèo” – điều mà mọi người sợ hãi nhất – thanh bần hầu như là một đức hạnh sáng tác và sáng tạo! Có thể nói thơ Bashô- và tất cả gia sản thơ hài cú trên thế giới – đã tạo nên một ngôn ngữ riêng đến từ cảm nghiệm Thiền học: “ao xưa, ếch nhảy, tiếng nước xao!”. Ở đây chỉ có ấn tượng về thiên nhiên đến từ tri giác trực tiếp được nói ra, nhưng sự “lặng thinh” giữa hai ấn tượng lại gây chấn động liên tưởng có thể đến vô cùng.

– Nghệ thuật Phật giáo có một ngôn ngữ biểu tượng riêng biệt không?

Có lẽ biểu tượng duy nhất của nghệ thuật Phật giáo là sự im lặng cao cả, vô ngôn trong dáng ngồi với bàn tay cầm búp sen và nụ cười mỉm của Đức Phật. Làm thế nào để “niêm hoa vi tiếu” được diễn tả bằng ngôn từ, bằng đường nét? Đó là công án của nghệ thuật Phật giáo! Có thể dùng ẩn dụ trong kinh Kim Cương: nghệ thuật ở đây là phi nghệ thuật. Chỉ khi nào nghệ thuật đạt đến mức “phi nghệ thuật”, thoát khỏi gò ép khiêng cưỡng của mọi hình thức, mọi mẫu mực, thì nghệ thuật thực sự được thể hiện, được diễn ngôn. Quá trình sáng tạo bao gồm những bước đi trên con đường quán chiếu ngũ uẩn để thấu đạt yếu tính của vạn thể là vô thường, vô ngã. Trên con đường trần gian ấy, nghệ sĩ sống, thở từng giây phút những gì gọi là duyên gặp gỡ với thế giới, tha nhân và thiên nhiên…Trên bình diện tri thức luận, tri giác trực tiếp (perception directe, unmittelbare Wahrnehmung) đóng một vai trò quan trọng trong nhận thức mỹ học Phật giáo. Tri giác trực tiếp cho ta thấy được tính chất thực tại của sự vật, nó “thực” hơn khái niệm được xem là danh gọi, khả thể của ảo và mê. Mỗi sự vật đều được nhìn trong chính tự tính xuất hiện của nó: con ếch của Sengai, cái bụng tròn của nhà sư Hakuin, đôi mắt thần của Bồ Đề Đạt Ma…

Chính trong quá trình này, nghệ sĩ trả lời công án thẩm mỹ bằng biểu tượng PHẬT, KHÔNG và TÂM, mà mỗi thiền sinh phải thực tập thư pháp bằng bút lông. Theo tôi, “Phật” đến như thế “Thatagata”, “không” và “tâm” là biểu tượng ngôn ngữ đặc thù của nghệ thuật Phật giáo.

– Nghệ thuật Phật giáo có tính tôn giáo không?

Sự ngưỡng mộ Đức Phật là nguồn cảm hứng của nghệ nhân. Tạc tượng là một trong những công trình nghệ thuật có bề dày của lịch sử nghệ thuật Phật giáo. Quán chiếu tâm thức trong Thiền định bằng thư pháp hay quán chiếu thể theo Mạn Đà la là những công trình nghệ thuật đặc thù, đòi hỏi kỹ xảo tinh tế và khổ công thấu đáo, công phu quán tưởng, hầu tạo cơ hội giải thoát. Tính tôn giáo nằm trong ý nghĩa giải thoát. Nghệ thuật ở đây không gì khác hơn là con đường giải phóng chấp trước và ngã mạn, điều kiện xây dựng con đường tự do sáng tạo tuyệt đối. Cái cao cả (das Erhabene) trong mỹ quan Phật giáo là chân trời của sáng tạo, thực hiện cái cao cả ấy trong chính nội tâm và giải phóng mọi giới hạn của bất cứ điều gì ràng buộc. Tính tôn giáo trong nghệ thuật Phật giáo như thế không nhìn cái “cao cả” như một “Thượng đế” đứng trên tất cả hay như một thứ vĩ đại không thể đo lường mà nhìn chính mình, nhìn “vô ngã” để tạo sức mạnh thể tính, thực hiện Phật tính.

– Thế thì trong nghệ thuật Phật giáo “sản phẩm” không được kể đến hay sao?

Có chứ. Sản phẩm chính là cách thể hiện thể tính của nghệ sĩ. Giá trị của sản phẩm nằm trong khả thể giải phóng người tạo nên nó như một thôi thúc sáng tạo trong tự do, trải nghiệm tự do, đồng thời mang một nhân tố tích cực: người thưởng thức, ngưỡng mộ nhìn trong sản phẩm nghệ thuật Phật giáo cơ hội đến gần với vẻ đẹp của tự do. “Đẹp” trong Phật giáo hầu như đồng nghĩa với “tự do”, có nghĩa xả bỏ hết mọi ham muốn sở hữu, chấp chặt, để thấy sự vật như sự vật là như thế.

– Hình thể sáng tạo trong nghệ thuật PG thường gây nên phần nào những cảm tưởng mâu thuẫn: một mặt chúng rất là khổ hạnh khô cằn, mặt khác lại rất vui tươi và sặc sỡ.

Hai khuynh hướng này tiêu biểu cho hai góc nhìn của cảm nghiệm đạo Phật về tương quan của cặp “một và nhiều”, “giới hạn và vô hạn”, “một phần và toàn thê”, thế giới đa dạng và nhất thể bao dung, “sắc tức thị không, không tức thị sắc” Trong lúc nghệ thuật Mạn đà la chi tiết đến cùng cực thế giới của “sắc”, nghệ thuật Thiền chú trọng sự giảm thiểu đến gần với “sắc tức thị không”. Khi diễn tả “sắc” thì sục sạo đến tận cùng tính đa dạng, khi diễn tả không thì chỉ một vòng Thiền rỗng không, dấu hiệu của im lặng, vô ngôn. Cả hai nền nghệ thuật lại chỉ nhắm vào một điều: “hướng tâm”, rèn tâm trong sáng trong khiêm cung, tạo nên vẻ đẹp đặc thù nhân bản của nghệ thuật Phật giáo.

Theo TẠP CHÍ TIA SÁNG

Tags: ,