⠀
Mạc Đĩnh Chi và tuyệt tác ‘Ngọc tỉnh liên phú’
Mạc Đĩnh Chi (1272 – 1346), người làng Lũng Động, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Ông là trạng nguyên, làm quan trải qua 3 triều vua Trần Anh Tông, Trần Minh Tông và Trần Hiến Tông.
Đây là người có nhiều giai thoại về tài năng văn chương, một kỳ nhân trong lịch sử phong kiến nước ta, người trần tình về tài năng của mình thông qua bài “Ngọc tỉnh liên phú” nổi tiếng.
Nếu như Đoàn Nhữ Hài, người cùng thời với Mạc Đĩnh Chi, ra làm quan khi chưa đỗ đạt, quan lộ khá hanh thông thì Mạc Đĩnh Chi có số phận gần như ngược lại. Mạc Đĩnh Chi là người thi đỗ trạng nguyên vào năm 1034, đời vua Trần Anh Tông, nhưng ban đầu chưa được vua tin dùng (nhiều thuyết cho là chỉ vì vẻ bề ngoài không anh tuấn của danh sĩ này). Tuy nhiên, cuối cùng hai ông đều là những quan có tài kinh bang tế thế, lừng lẫy một thời. Mạc Đĩnh Chi còn là người được sử sách nhắc đến như là người thanh liêm, sống giản dị đến mức sơ sài.
Nguyên nhân ra đời một kiệt tác
Một số người cho rằng, có hai điều gắn với thời thư sinh của Mạc Đĩnh Chi: Sự nghèo khó và tướng mạo xấu xí. Đây là những câu chuyện không có nhiều căn cứ, chủ yếu là truyền miệng. Nếu có, hình thức xấu, có lẽ cũng không ảnh hưởng nhiều đến quyết định dùng người của những minh quân như Trần Anh Tông, Trần Minh Tông và sau này là Trần Hiến Tông. Trên thực tế ngược lại, ngay từ khi chưa thi cử, Mạc Đĩnh Chi đã từng được Trần Ích Tắc, lúc đó chưa phản loạn, mời về nhà đào tạo.
Trần Ích Tắc được sách sử ghi lại là người tài giỏi. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng: “Ích Tắc là con thứ của Thượng hoàng, thông minh hiếu học, thông hiểu lịch sử, lục nghệ, văn chương nhất đời. Dù nghề vặt như đá cầu, đánh cờ, không nghề gì không thông thạo; từng mở học đường ở bên hữu phủ đệ, tập hợp văn sĩ bốn phương cho học tập, cấp cho ăn mặc, đào tạo thành tài như Mạc Đĩnh Chi ở Bàng Hà, Bùi Phóng ở Hồng Châu… gồm 20 người, đều được dùng cho đời”.
Ngay khi chưa đỗ đạt, Mạc Đĩnh Chi đã lọt vào mắt xanh của giới quý tộc, cụ thể là vương gia nhà Trần, huống hồ sau này lúc đã đỗ trạng nguyên? Do vậy, thuyết nói Mạc Đĩnh Chi không được vua trọng dụng do bề ngoài xấu xí nếu có là mơ hồ. Huống chi, như đã nói, các bậc minh quân không bao giờ dùng người với vẻ bề ngoài.
Tương tự, nhiều thuyết cho rằng, Mạc Đĩnh Chi xuất thân nghèo khó, thậm chí bắt đom đóm làm đèn vươn lên học hành. Thứ nhất, vị này là người xuất thân trong gia đình quan lại, có ông tổ là Mạc Thiên Tích từng đỗ thái học sinh (tiến sĩ) đời vua Lý Nhân Tông. Thứ hai, vị này lớn lên đã được Trần Ích Tắc nuôi dạy thì làm sao còn nghèo khó?
Nói dài dòng như vậy để thấy “Ngọc tỉnh liên phú” ra đời không phải vì một lý do nhất thời là nhà vua thấy một người tài hình thức xấu nên không muốn dùng. Nói như vậy là đã tầm thường hóa sự việc và đánh giá thấp cách sử dụng người của vua Trần Anh Tông, vị vua đã dùng một loạt tài năng: “Bấy giờ quan trong triều như bọn Trần Thì Kiến, Đoàn Nhữ Hài, Đỗ Thiên Hứ, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Dũ, Phạm Mại, Phạm Ngộ, Nguyễn Trung Ngạn, Lê Quát, Phạm Sư Mạnh, Lê Duy, Trương Hán Siêu, Lê Cư Nhân nối nhau làm quan, nhân tài đầy rẫy” (Đại Việt sử ký toàn thư, Ngô Sĩ Liên, Cao Huy Giu dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, NXN Văn học 2009, trang 357).
Vậy tại sao có “Ngọc tỉnh liên phú” là bài Mạc Đĩnh Chi trần tình về tài năng, phẩm chất của mình?
Phú sen trong giếng (bản dịch của Phan Võ)
Khách có kẻ: Chợt có người: Đoạn rồi, trông khách mà rằng: Khách rằng: Làm bài ca rằng: Đạo sĩ nghe mà than rằng: Khách bấy giờ: |
Sự tự giới thiệu?
Như đã nói, Mạc Đĩnh Chi làm “Ngọc tỉnh liên phú” không phải là cảm hứng nhất thời, không phải nghĩ rằng vua chê mình… xấu mà không dùng. Sách ghi lại, năm 1034: “Tháng 3, thi học trò trong nước, lấy Mạc Đĩnh Chi đỗ trạng nguyên làm thái học sinh dũng thủ, sung nội lệnh thư gia…” (Sđd, trang 338). Sách còn ghi, kỳ thi diễn ra qua 3 vòng thi hết sức nghiêm ngặt, thần đồng Nguyễn Trung Ngạn đỗ hoàng giáp cũng ở đợt thi này.
Như vậy, “Ngọc tỉnh liên phú” là bài thơ nếu Mạc Đĩnh Chi nói sự không được trọng dụng của mình là nói đến một quá trình làm quan sau đó. Cũng có thể ông quan họ Mạc làm thơ chỉ để tỏ chí hướng của mình, qua đó cũng bộc lộ phẩm chất đặc biệt của mình?
Trước hết, bài “Ngọc tỉnh liên phú” là bài phú “Hoa sen giếng ngọc”, đây là tên một của loại sen trên núi Hoa Sơn; cách dịch “Hoa sen trong giếng ngọc” khiến người đọc hiểu là loài hoa sen mọc trong giếng (ngọc) khác với hoa sen mọc ở đầm nhưng cũng là sen mà thôi.
Bài phú kể chuyện gặp gỡ giữa “khách” (có thể ám chỉ Mạc Đĩnh Chi) và một ẩn sĩ từ núi Hoa Sơn xuống núi gặp gỡ trò chuyện với nhau. Vị ẩn sĩ cho rằng “khách” cũng yêu hoa sen và người này cho nhà thơ xem một loại sen đặc biệt ngọi là Ngọc tỉnh liên. Bài thơ viết (bản dịch nghĩa): “Nhìn khách mà rằng: Bạn cũng là người yêu sen đó chăng?/ Ta có giống lạ cất trong tay áo đây”…
Đoạn tiếp so sánh với nhiều loài hoa, loài thuốc quý khác cũng không bằng loài sen này, đó là “Loài sen giếng ngọc nơi đầu núi Thái Hóa”. Như vậy, đây là loài sen tên cụ thể là Sen giếng ngọc, mọc ở núi Thái Hóa (“hóa” và “hoa” cùng một chữ viết, ở đây được hiểu là núi Hoa Sơn liên hệ với bài thơ của Hàn Dũ sẽ kể ở sau). Loài sen này có khi là có thật (tuyết liên sơn có bông mấy chục triệu đồng, đang thịnh hành), cũng có khi là truyền thuyết kiểu đào ở cung Dao Trì ở trên trời.
Tuy nhiên, đây là loài sen cụ thể “Ngó sen lớn tơ thuyền, hoa cao mười trượng/ Lạnh như sương, ngọt như mật”, đó chăng?”. Tức loài sen được Hàn Dũ (768 – 824) nhắc trong bài “Ngọc tỉnh liên thi”: “Sen ngọc tỉnh trên đầu núi Hóa/ Ngó tợ thuyền mười trượng hoa cao/ Lạnh như tuyết sương như mật ngọt/ Ngậm một miếng bệnh trầm cũng khỏi”…
Mạc Đĩnh Chi lấy cảm hứng từ bài thơ của Hàn Dũ sống cách ông trước đó mấy trăm năm ca ngợi phẩm chất đặc biệt, công dụng cứu người cực hiếm của một loại sen, một kỳ hoa dị thảo vượt xa các thảo duợc quý khác như đào, cúc, câu kỷ… có nhắc trong bài phú. Thế rồi ông than thở: “Ta tạm giữ mực chẳng a dua/ Mưa gió rốt lại chẳng thương tổn gì/ Sợ lúc phai hương lạt thắm/ Người đẹp đến lúc xuân tàn”.
Sau khi nghe ẩn sĩ giải thích không nên oán thán vì nhiều loài hoa tử vi, hoa hồng… đều được quý, được sáng rực thanh danh”, để rồi “khách” ngâm thơ của Thành Trai (Dương Vạn Lý – 1127-1206, có bài thơ “Tiểu trì” cũng nhắc đến hoa sen), họa câu “phong đầu” của Hàn Dũ (bài thơ nhắc ở trên: Thái hóa phong đầu Ngọc tỉnh liên: Sen ngọc tỉnh mọc trên đầu núi Hóa). Và “khách” (Mạc Đĩnh Chi): “Gõ cửa trời giãi bày tâm sự/ Kính dâng bài phú Ngọc tỉnh liên”. Cửa trời có thể hiểu là sân rồng, hay ngai vàng…
Có thể quan lộ của Mạc Đĩnh Chi hơi bị vướng mắc là do ông từng là môn khách của Trần Ích Tắc. Bài phú “Ngọc tỉnh liên” nhằm giải tỏa, rằng ông là như loại kỳ hoa dị thảo là sen giếng ngọc, nó có phẩm chất chung của sen và còn có những năng lực, công dụng kỳ lạ.
Ví mình như hoa sen kỳ lạ ở cả xuất xứ lẫn phẩm chất một cách hết sức tế nhị, nên thơ và hấp dẫn, Mạc Đĩnh Chi muốn tự giới thiệu mình, muốn gánh vác trọng trách xây dựng đất nước. Trên thực tế, Mạc Đĩnh Chi thể hiện được con người cốt cách thanh cao, là vị quan được cử nhiều trọng trách, thời Trần Hiến Tông, ông làm “Nhập nội hành khiển hữu ty lang trung, thăng tả ty lang trung”. Ông là người có năng lực ngoại giao đặc biệt với nhiều câu chuyện đi sứ huyền thoại mà nhiều người đã biết nên không kể ở đây.
Theo NGUYỄN HƯNG / KINH TẾ ĐÔ THỊ
Tags: Văn học, Danh nhân Việt Nam, Mạc Đĩnh Chi