Ma lực của hình ảnh trong văn học và nghệ thuật

Khỏi cần phải nói, ai cũng biết tầm quan trọng của hình ảnh trong đời sống của con người. Chúng ta sống bao bọc bởi hình ảnh, và cần nó như cần ánh sáng để nhìn, không khí để thở. Đó chính là sự sống phản ánh vào trong con mắt ta, và đó là một nguồn thông tin quý báu, cần thiết cho cuộc sống. Hình ảnh còn là một công cụ diễn đạt nhạy bén, trực tiếp, nó nói lên được những điều mà ngôn ngữ khái niệm không thể làm được. Điều này, con người đã phát hiện ra ngay từ thời còn ở hang động, khi chưa có chữ viết.

Ma lực của hình ảnh trong văn học và nghệ thuật

Hình ảnh có một vai trò quan trọng trong chức năng diễn đạt, trong văn, thơ, cũng như trong tất cả các ngành nghệ thuật tạo hình.

Hình ảnh trong văn, thơ, là hình ảnh ảo của sự vật mà ngôn ngữ văn chương gợi lên trong óc tưởng tượng của chúng ta qua những khái niệm và qua những biểu tượng. Có lẽ chính bởi vì nó không cụ thể, cho nên hình ảnh ảo mới có thể hài hoà được với cái ngôn ngữ khái niệm, rất trừu tượng, nhưng lại có khả năng diễn đạt nội tâm của văn thơ. Chỉ cần đọc một vài đoạn thơ cổ, hay thơ mới, là ta cũng thấy được rằng thơ cần hình ảnh, mặc dù đó chỉ là những hình ảnh tượng trưng mà thôi:

Đưa người ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng
Bóng chiều không thắm không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong…
Thâm Tâm, Tống biệt hành (1940)

Những câu thơ trên là những câu thơ giàu hình ảnh, nhưng chỉ là những hình ảnh trừu tượng, hình ảnh của khái niệm. Tuy nhiên, chúng vẫn cho phép người đọc mường tượng được, dù không phải là cùng những hình ảnh cụ thể mà nhà thi sĩ đã chính mắt nhìn thấy, nhưng cũng là những hình ảnh đủ để nói lên một khung cảnh sông nước, một cái đẹp của hoàng hôn, và một tâm sự lãng mạn.

Còn hình ảnh trong đời sống và trên các tác phẩm nghệ thuật tạo hình, như: hội họa, điêu khắc, nghệ thuật sắp đặt – bố trí, kiến trúc, điện ảnh, v.v. là hình ảnh thật, cụ thể, mà mắt ta nhìn thấy được.

Hình ảnh ảo, hình ảnh mở, hay hình ảnh tưởng tượng

Do đó, ta có thể chia hình ảnh ra làm hai loại: hình ảnh ảo và hình ảnh cụ thể.

Ảo ở đây không có cái nghĩa thường được dùng trong quang học, hay trong tin học, để chỉ những hình ảnh có thật, nhìn thấy trong gương, hoặc trên màn ảnh của máy vi tính, mặc dầu tay ta không nắm bắt được, nhưng mắt ta nhìn thấy được. Trong chừng mức nào, đó là những hình ảnh thật, chứ không phải là hình ảnh ảo. Hình ảnh trong gương, tuy ngược, nhưng là hình ảnh phản chiếu một sự vật có thật, còn hình ảnh trên màn ảnh máy vi tính cũng là hình ảnh của những sự vật cụ thể được chụp lại bằng máy ảnh. Nếu ta đem sao chụp, hoặc in ra giấy, thì nó cũng giống như một bức tranh, hay một tấm ảnh thật.

Hình ảnh ảo mà chúng ta nói ở đây, là hình ảnh mà ta thật sự không nhìn thấy được bằng con mắt, mà chỉ hình dung được bằng óc tưởng tượng, thông qua những khái niệm có trong ngôn ngữ. Do đó, mà nó còn được gọi là hình ảnh mở, hay hình ảnh tưởng tượng.

Chẳng hạn như khi ta mô tả, hay thuật lại cái đẹp của một dòng sông, một cái cầu, hay một khuôn mặt, người đọc hay người nghe chỉ có thể hình dung ra được một phần nào cái đẹp ấy mà thôi, thông qua các khái niệm, và các kỷ niệm về những dòng sông, những chiếc cầu, và những khuôn mặt, mà họ đã từng gặp, từng nhìn thấy trong dĩ vãng.

Đương nhiên, không phải ai cũng hình dung ra được cùng một dòng sông ấy, một chiếc cầu ấy, một khuôn mặt ấy, và không phải ai cũng cảm nhận được cùng một cái đẹp mà tác giả đã mô tả.

Do đó, nhiều khi có những hình ảnh trong một tác phẩm văn học đã ghi khắc vào trong trí tưởng tượng của chúng ta, mà rồi khi xem một cuốn phim được dàn dựng dựa trên tác phẩm đó, ta không tìm thấy lại được đúng những hình ảnh mà mình đã hình dung trong đầu.

Điều này cũng gần như một quy luật, vì như ta biết, cái đẹp của hình tượng văn học mà ta cảm thụ được trong óc tưởng tượng của ta, và ngay cả cái đẹp của một bức họa mà mắt ta nhìn thấy, cũng không thể nào giống hoàn toàn với cái đẹp mà người khác ghi nhận được trong đầu óc của họ. Đó là do cái bản chất “chủ quan” của sự phán đoán của con người trong lãnh vực thẩm mỹ, mà nhà triết học Kant đã vạch rõ từ thế kỷ XVIII.

Trong lãnh vực điện ảnh, chẳng hạn, do tác phẩm điện ảnh là một sáng tác tập thể, cần một sự thông suốt và một sự nhất trí cao độ giữa các cộng tác viên trong việc diễn dịch kịch bản bằng hình ảnh, đôi khi người đạo diễn phải gợi lên cho mọi người cùng thông suốt các cảnh, và ngay cả các nhân vật trong tác phẩm văn học bằng những hình ảnh cụ thể. Nhà đạo diễn Akira Kurosawa là một thí dụ nổi tiếng nhất. Ông vẽ rất nhiều bản phác thảo trong quá trình dựng phim: ông vừa là một nhà đạo diễn, lại vừa là một họa sĩ có tài.

Xem như vậy, trong văn, thơ, ngoài cái đẹp tự thân của ngôn ngữ (câu chữ, nhạc điệu, nhịp điệu, v.v.), ngoài cái đẹp của nội dung (cốt truyện, chủ đề tư tưởng, tình cảm các nhân vật) mà tác phẩm chuyên chở ra, còn có cái đẹp của những hình ảnh mà tác giả tạo nên trong óc tưởng tượng của người đọc thông qua ngôn ngữ. Ta gọi loại hình ảnh này là hình ảnh “mở”, vì nó cho phép người đọc tha hồ tưởng tượng, không như cái đẹp được thể hiện một cách quá cụ thể, cố định, bằng vật liệu, chất liệu, màu sắc, v.v. của một bức họa, một bức tượng, một công trình kiến trúc, hoặc một tác phẩm điện ảnh, mặc dầu điện ảnh là một trường hợp đặc biệt, vì nó vừa là văn chương, lại vừa là nghệ thuật tạo hình. Nó là một sáng tạo tập thể của nhiều ngành văn học và nghệ thuật tập hợp lại.

Cái khả năng tạo ra những hình ảnh mở của ngôn ngữ văn chương, chính là một trong những yếu tố có sức quyến rũ không thể nào thay thế được của văn, thơ.

Hình ảnh cụ thể hay hình ảnh thật

Hình ảnh cụ thể là hình ảnh mà mắt ta nhìn thấy được, xúc giác nhận biết được. Đó là hình ảnh của sự vật trong thiên nhiên và trong đời sống, hoặc hình ảnh tạo nên bởi các tác phẩm nghệ thuật: hội họa, điêu khắc, kiến trúc, nghệ thuật bày biện – bố trí, nghệ thuật múa, điện ảnh, v.v.

Ở đây, tôi xin mở một dấu ngoặc, để nói rõ hơn về hai khái niệm trừu tượng và cụ thể.

Trong các phong cách hội họa hiện đại, đặc biệt là trong hội họa trừu tượng, người ta quan niệm rằng tất cả những gì hiện diện cụ thể trên mặt vải đều có một vai trò nhất định và góp phần tạo nên giá trị thẩm mỹ của tác phẩm. Cũng bởi vậy, mà đã có lúc cái tên gọi “hội họa trừu tượng” đã bị một số các họa sĩ đứng đầu trường phái này đề nghị bỏ đi (đầu thế kỷ XX), và đặt lại cho nó một cái tên khác: “hội họa cụ thể”, bởi vì, theo họ, tất cả những gì mà mắt ta đã nhìn thấy, thì không thể nào gọi là trừu tượng được. Nhưng rồi cuối cùng cái ý này đã không được mọi người chấp nhận, và ngay sau đó bị dẹp đi.

Sở dĩ cái tên “hội họa trừu tượng” được giữ y nguyên, trước hết là để tránh một sự lẫn lộn. Trừu tượng ở đây không có nghĩa đối lập với cụ thể, mà là đối lập với tượng hình: hội họa tượng hình là nền hội họa sử dụng các hình thể có thật trong đời sống. Các họa sĩ đi tiên phong thời ấy quan niệm rằng, hội họa trừu tượng, phải là một nền hội họa trong đó đối tượng vẽ không còn là những vật thể có thật, có khái niệm, tồn tại trong thiên nhiên, và trong cuộc sống của con người. Đó là cả một cuộc thử thách mới, mà rồi qua thời gian người ta cũng nhận thấy rằng không thể nào tôn trọng được cái tính chất quá “ tuyệt đối” và đồng thời cũng hơi quá “mơ hồ” của khái niệm “trừu tượng”.

Hiện nay, có một số không ít các họa sĩ trừu tượng cho rằng: “Trừu tượng hay không, trước hết là phải đẹp!”.

Đó cũng là một ý kiến đáng chú ý. Nói chung, quan niệm nghệ thuật hiện đại, ở vào thời đại ngày hôm nay, là một quan niệm hoàn toàn mở, chứ không còn bị gò bó bởi những định kiến, lý thuyết, trường phái, hay phong cách nữa.

Trên một bình diện khác, người ta thường cho rằng kiến trúc là một nghệ thuật “trừu tượng”, vì những hình khối kiến trúc thường chỉ là những hình khối hình học, làm bằng những vật liệu vô tri, vô giác. Thẩm mỹ kiến trúc chỉ là thẩm mỹ của những hình khối, đường nét, tỷ lệ, nhịp điệu, vật liêu, chất liệu, v.v.

Ngoài ra, kiến trúc (với điều kiện còn giữ được bản chất nghệ thuật trong cái chức năng đa dạng của nó, là: vừa làm nghệ thuật, vừa làm kỹ thuật, lại vừa phải lo về khía cạnh kinh tế của công trình) thường được coi như một nghệ thuật trừu tượng, so với hội họa và điêu khắc, đơn giản chỉ vì nó không thể nào có được một ngôn ngữ tượng hình, ngoại trừ những yếu tố trang trí, như: con rồng, con phượng, chậu kiểng, bức tượng, hay bức phù điêu, trong những nền kiến trúc cổ. Trong kiến trúc hiện đại, đôi khi người ta cũng sử dụng những biểu tượng, như biểu tượng của sự nhẹ nhàng, năng động: hình ảnh của cánh chim (Nhà ga hàng không của KTS Saarinen ở New York, Nhà hát Opéra ở Sydney của KTS Jorn Utzon, v.v.)

Xem như vậy, ngay cả trong kiến trúc, người ta cũng có nhu cầu diễn đạt bằng những yếu tố tượng hình, và quần chúng thưởng ngoạn, nói chung, ngay cả ở thời hiện đại, cũng vẫn còn quyến luyến rất nhiều với những yếu tố tượng hình, bởi vì chúng gợi nhắc đến thiên nhiên, đến một nét văn hoá, lịch sử nào đó, hoặc đơn giản chỉ vì những chi tiết tượng hình thường ngoạn mục và làm họ “no con mắt” hơn là những hình khối hình học quá giản lược.

Khả năng hoà hợp giữa hình ảnh ảo và hình ảnh thật

Một thí dụ và cũng là một tiền lệ đáng chú ý trong lịch sử nghệ thuật, là sự hoà hợp giữa thơthư pháp và hội họa trong một vài nền văn hoá ở phương Đông, đặc biệt là nền văn hoá của Trung Quốc và của một số nước có nền Nho học, Lão học và Phật học như : Nhật Bản, Triều Tiên, và Việt Nam.

Đã có một thời, trong những nền văn hoá này, các văn nhân thường sử dụng cây bút lông của mình vừa để viết, lại vừa để vẽ. Họ vừa có thể đồng thời là nhà thơ, nhà thư pháp và nhà họa sĩ. Trên một bức tranh cổ, một bức bình phong, hay một chiếc bình cổ, người ta thường có nhu cầu đề thơ. Thơ và thư pháp góp phần làm tăng thêm vẻ đẹp trang trọng của bức họa, bức bình phong, hay chiếc bình cổ. Ngược lại, một bức họa có thể làm nổi bật sự cao quý của một bài thơ, và khiến cho nó cụ thể, sống động hơn.

Trong khi thơ diễn đạt cái đẹp của thiên nhiên và của cuộc sống bằng những nét ẩn dụ, và bằng những hình ảnh trừu tượng, thì hội họa diễn đạt trực tiếp bằng những hình ảnh cụ thể.

Dường như nhân loại đã ý thức được điều này ngay từ sớm. Trong hội họa cổ điển ở phương Đông, đặc biệt là hội họa cổ điển Trung Quốc, người họa sĩ bao giờ cũng thể hiện thiên nhiên và sự vật trong cuộc sống thông qua quan niệm thẩm mỹ và triết lý của mình. Họ diễn dịch, hoặc cách điệu hoá, chứ không sao chép y chang. Không những thế, họ còn có nhu cầu hoàn thiện, bổ sung, phụ họa cho tác phẩm hội họa bằng những ý tưởng trừu tượng qua thơ, văn. Do đó, cái nhu cầu đề thơ lên tranh, và vẽ tranh lên một bài thơ, đã trở thành một truyền thống.

Truyền thống này đã xuất hiện ít nhất từ thời Lục Triều ở Trung Quốc, với nhà họa sĩ trứ danh Cố Khải Chi (thế kỷ IV), và đã phát triển đến cao độ ở thời nhà Đường với nhà thơ kiêm họa sĩ Vương Duy (698-759).

Một nhà thơ lớn thời nhà Tống (thế kỷ X-XIII) đã nói về nghệ thuật của Vương Duy như sau: “Thơ của ông như một bức tranh (không có hình vẽ), và tranh của ông như một bài thơ (không có chữ viết)“ [tạm dịch ý -V.N.].

Người nhàn hoa quế nhẹ rơi
Đêm xuân lặng ngắt trái đồi vắng tanh
Trăng lên, chim núi giật mình,
Tiếng kêu thủng thẳng đưa quanh khe đồi.
Vương Duy, Điểu minh giản
Khe chim kêu (Ngô Tất Tố dịch)

Sự hoà hợp giữa thơ, thư pháp, và hội họa trong các nền văn hoá Á Đông là một điều khá tự nhiên, vì cả ba hoạt động nghệ thuật này đều cùng sử dụng một công cụ, đó là cây bút lông. Hội họa cổ điển Trung Quốc (tranh thuỷ mạc) chủ yếu là nghệ thuật của đường nét. Thư pháp và thơ cũng chủ yếu là những nét bút. Bản thân mỗi chữ vuông (chữ Hán) cũng đã là một ký hiệu, một hình vẽ giàu nhịp điệu rồi. Do đó, có một sự hài hoà nhất định giữa ba hình thức diễn đạt này.

Sức hấp dẫn của hình ảnh trong thơ, văn

Mặc dầu cái đẹp được gợi lên qua những hình ảnh trong thơ, văn, chỉ là một cái đẹp ảo, chỉ tồn tại trong trí tưởng tượngcủa mỗi người, và phần nào khá mơ hồ, bởi vì chỉ là cái đẹp ẩn dụ, ước lệ, song đứng về mặt tác dụng, nó cũng có đủ những nét tượng hình để gợi lên cho người đọc một ý niệm về cái đẹp của đối tượng được mô tả, dù chỉ là một cái đẹp được phác họa bằng những nét chung chung, những khái niệm, những biểu tượng, quy ước, đã được sự đồng thuận của nhiều thế hệ người, và đã trở thành những chuẩn mựccủa cái đẹp trong một truyền thống văn hoá.

Trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, chẳng hạn, nhà thơ cũng chỉ mô tả được hai nàng Kiều bằng những nét ẩn dụ, rất tượng trưng như:

Vân xem trang trọng khác vời
Khuôn trăng đầy đăn nét ngài nở nang
Hoa cười ngọc thốt đoan trang
Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da
Kiều càng sắc sảo mặn mà
So bề tài sắc lại là phần hơn
Làn thu thuỷ nét xuân sơn
Hoa ghen đua thắm liễu hờn kém xanh

(Nguyễn Du, Truyện Kiều, câu 20-26)

Nhưng rõ ràng, qua những câu thơ này người đọc có thể tưởng tượng được sắc đẹp của hai chị em nàng Kiều một cách thoải mái!

Thơ hay văn, dù có tượng hình đến đâu cũng không thể nào diễn đạt được một cách đầy đủ cái hình dạng thật của một đối tượng. Do đó, hình ảnh trong thơ văn luôn luôn là những hình ảnh mở, và người đọc có thể tự mình tưởng tượng ra cái hình ảnh ấy. Đây cũng chính là một ưu điểm của ngôn ngữ nói và của ngôn ngữ văn chương. Nó không gò bó trí tưởng tượng của người đọc, và khiến cho người ta có một vai trò tích cực trong việc xây dựng hình ảnh, cũng như trong việc thưởng thức và thẩm định tác phẩm.

Có thể nói rằng văn chương là nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ khái niệm, thường chỉ có một nghĩa trừu tượng, đủ để cho người ta phân biệt được khái niệm cái bàn với khái niệm cái ghế, nhưng không mô tả được hình dạng thật của cái bàn đó, hay cái ghế đó, trong khi nghệ thuật tạo hình là ngôn ngữ của hình ảnh cụ thể, mà con mắt người nhìn thấy được, kiểm tra được.

Cái đẹp của hình tượng được diễn đạt trong ngôn ngữ văn chương chỉ có thể là một cái đẹp trừu tượng, dù có được mô tả một cách chi tiết, thì cũng chỉ là thông qua phép ẩn dụ, thông qua những mẫu mực đã có sẵn được coi là chuẩn, đôi khi cũ mòn, hoặc sáo rỗng.

Cái nhu cầu đề thơ lên tranh, hoặc ngược lại, sử dụng nét vẽ để minh họa, bổ sung cho hình tượng ảo trong thơ, văn, đều có cái lô gích của nó: những gì mà người ta không diễn đạt được bằng ngôn ngữ khái niệm, thì người ta phải diễn đạt bằng hình ảnh cụ thể, và ngược lại.

Trong thơ, văn, người ta chỉ có thể diễn đạt bằng những hình ảnh ảo, hoặc ẩn dụ. Mặc dầu vậy, những hình ảnh này có khả năng quyến rũ rất lớn, vì đó là những hình ảnh mở, cho phép người đọc tưởng tượng thoải mái, tuỳ theo cái gu thẩm mỹ, tuỳ theo kinh nghiệm sống và trình độ văn hoá của mình.

Theo TẠP CHÍ TIA SÁNG 

Tags: , ,