Lý do Mỹ quan ngại năng lực quân sự của Trung Quốc

Theo Lầu Năm Góc, Trung Quốc đã tăng cường khả năng tiếp cận các cảng quốc tế để sẵn sàng các hoạt động hậu cần quan trọng nhằm duy trì hoạt động thường xuyên tại các vùng biển, đại dương như Ấn Độ Dương, Biển Địa Trung Hải và Đại Tây Dương.

Những bình luận Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis đưa ra trong khuôn khổ Đối thoại Shangri-La gần đây đã xua tan những lo ngại về cam kết của Mỹ đối với khu vực. Đề cập đến những thách thức đối với trật tự quốc tế Trung Quốc tạo ra ở Biển Đông, ông Mattis nhấn mạnh Mỹ có “cam kết bền chặt trong việc củng cố trật tự toàn cầu dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế”. Những nỗ lực này xuất phát từ các bài học đúc rút từ khủng hoảng kinh tế và thảm họa chiến tranh. Ông Mattis nói: “Trật tự quốc tế xây dựng trên nền tảng các quy tắc mà các quốc gia tuân thủ trong nỗ lực thiết lập một thế giới tốt đẹp hơn”.

Theo ông chủ của Lầu Năm Góc, để có được trật tự dựa trên nền tảng luật pháp và nền kinh tế toàn cầu phát triển, thì tự do lưu thông trong khu vực nhất thiết phải được bảo vệ, “Với sức mạnh kinh tế đang phát triển, Trung Quốc đang có ảnh hưởng tại Thái Bình Dương. Chúng tôi hoan nghênh sự phát triển kinh tế của Trung Quốc, nhưng chúng tôi cũng dự đoán về sự xung đột kinh tế và chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc”. Mặc dù sự cạnh tranh giữa hai cường quốc này là điều chắc chắn sẽ xảy ra, thì ông Mattis vẫn cho rằng “xung đột không phải là không thể tránh được”.

Tuy nhiên, ông Mattis công khai chỉ trích các hoạt động cải tạo đất, xây dựng đảo và quân sự hóa của Trung Quốc khi nói rằng “Chúng tôi phản đối các quốc gia đang quân sự hóa các đảo nhân tạo và thúc đẩy các yêu sách biển vô căn cứ, không được luật pháp quốc tế thừa nhận. Chúng tôi sẽ không chấp nhận những thay đổi nguyên trạng đơn phương và mang tính áp đặt. Chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai máy bay và tàu thuyền hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép. Các hoạt động trong khu vực là sự thể hiện mong muốn của chúng tôi trong việc bảo vệ các lợi ích và quyền tự do được luật pháp quốc tế bảo vệ”.

Theo Bộ trưởng Mattis, tranh chấp Biển Đông cần được giải quyết một cách hòa bình và thông qua đàm phán, chứ không phải bằng việc xây đảo và đưa vũ khí lên đó. “Chúng tôi hướng tới một mối quan hệ có tính xây dựng và hiệu quả với Trung Quốc. Chúng tôi tin rằng Mỹ có thể hợp tác với Trung Quốc cả trong kinh tế lẫn chính trị”. Nối tiếp các phát biểu của ông Mattis, Lầu Năm Góc hồi tuần trước đã trình lên Quốc hội bản “Báo cáo Thường niên về Phát triển An ninh và Quân sự của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa 2017”, trong đó nhấn mạnh Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA) đang thúc đẩy các bước đi chiến lược trong năm qua để đạt được 1 số mục tiêu.

Báo cáo có đoạn, “Trong năm 2015, Học viện Quốc phòng của PLA đã xuất bản ấn phẩm mới nhất ‘Khoa học Chiến lược’, đưa ra cái nhìn tổng quan về chiến lược quân sự của PLA. Ấn phẩm này không chỉ có nhiều điểm chung những ấn phẩm có tính chính thống trước đó, mà còn nhấn mạnh mối quan tâm ngày càng lớn của Trung Quốc đối với lĩnh vực biển, sự chuyển đổi sang các hoạt động chiến đấu của Lực lượng Không quân PLA, hoạt động dài ngày của Lục quân PLA (PLAAF), các hoạt động trong lĩnh vực mạng và không gian, và sự cần thiết tăng cường năng lực bảo vệ các lợi ích quốc gia ở hải ngoại của quân đội Trung Quốc”.

Lầu Năm Góc cho biết hồi tháng 5/2016, “Một lực lượng lớn của Hải quân PLA đã tiến hành diễn tập quy mô ở Biển Đông, Đông Ấn Độ Dương và Tây Thái Bình Dương. Lực lượng này thực hiện các cuộc diễn tập tấn công ở Trường Sa và tập trận phòng thủ trên biển tại Ấn Độ Dương, trước khi kết hợp tiến hành diễn tập đối kháng tại Biển Đông. Hoạt động này chứng tỏ năng lực của Hải quân PLA (PLAN) trong việc kết hợp các hoạt động ở cấp độ khác nhau trên một vùng biển rộng”

Tháng 8/2016, PLAN đã tiến hành tập trận tại vùng Biển Nhật Bản giữa một biên đội hoạt động biển xa và một nhóm khác vừa tham gia cuộc tập trận hải quân chung Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) do Mỹ dẫn đầu. Đây cũng là lần đầu tiên các máy bay ném bom của PLAN bay trên vùng trởi của Biển Nhật Bản như 1 phần của hoạt động tập trận này.

Tháng 9/2016, các máy bay ném bom của PLAAF, máy bay chiến đấu và cảnh báo sớm của lực lượng Không quân PLA đã bay từ Kênh đào Bashi đến Biển Đông. Theo Lầu Năm Góc thì động thái này đã “đánh dấu hoạt động triển khai đầu tiên của Trung Quốc đến khu vực này. Chưa đầy 2 tuần sau, PLAAF đã triển khai thêm 40 máy bay chiến đấu đến biển Hoa Đông và qua Eo biển Miyako để tới Biển Đông trong một cuộc diễn tập tấn công đường dài phức tạp nhất tính đến thời điểm đó”.

Theo Lầu Năm Góc, “Trung Quốc đã tăng cường khả năng tiếp cận các cảng quốc tế để sẵn sàng các hoạt động hậu cần quan trọng nhằm duy trì hoạt động thường xuyên tại “các vùng biển, đại dương như Ấn Độ Dương, Biển Địa Trung Hải và Đại Tây Dương. Tháng 2/2016, Trung Quốc bắt đầu xây dựng một căn cứ quân sự tại Djibouti và có thể sẽ hoàn tất hoạt động này trong năm nay.

Trung Quốc cho biết căn cứ này được xây dựng nhằm “hỗ trợ hải quân và lục quân có thể tham gia nhiều hơn vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, thực hiện các sứ mệnh hộ tống tại các vùng biển gần Somalia và Vịnh Aden, đồng thời cung cấp viện trợ nhân đạo”. Kế hoạch này, cùng với các chuyến thăm thường xuyên của tàu hải quân Trung Quốc đến các cảng quốc tế, tất cả đều phản ánh sức ảnh hưởng đang gia tăng và phạm vi hoạt động của các lực lượng vũ trang Trung Quốc.

Theo NGHIÊN CỨU BIỂN ĐÔNG / NATIONAL INTEREST

Tags: , ,