⠀
Lý Hiển Long nói về nền độc lập ‘đau đớn’ của Singapore
Theo ông Lý, nhiều quốc gia sau khi giành được độc lập đã sụp đổ cả về phương diện kinh tế lẫn xã hội vì thiếu một phẩm chất quan trọng: kỷ luật tự giác (self-discipline).
Đường Beach ở trung tâm Singapore năm 1967. Ảnh: David Ayres.
Năm 2014, bình luận về cuộc trưng cầu dân ý của Scotland để tách khỏi Vương quốc Anh, thủ tướng Singapore Lý Hiển Long liên hệ với tình thế Singapore “bị” độc lập cách đây 49 năm.
Ông Lý nói ngày Quốc khánh 9/8 được người Singapore ăn mừng hàng năm cũng là ngày mà quốc hội Malaysia đã biểu quyết tuyệt đối (120-0) truất phế đảo quốc Sư tử ra khỏi Liên bang.
Ông Lý cho biết vào thời điểm đó nhiều người nghĩ rằng Singapore sẽ không đủ sức tồn tại sau độc lập, nhưng đất nước của ông đã tìm cách đứng vững và thành công.
Có nhiều nguyên nhân để lý giải câu chuyện thành công của Singapore, nhưng với nhiều nhà phân tích thì yếu tố may mắn đóng vai trò quan trọng khi đa số người dân đảo Sư tử bỏ lá phiếu quyết định bầu chọn Đảng Hành động Nhân dân (PAP) làm chính đảng cầm quyền với đại diện lãnh đạo cao nhất là tổng bí thư Lý Quang Diệu đã khôn ngoan kế thừa những di sản của quá khứ thực dân đồng thời phát huy tinh thần tự lực tự cường và trui rèn kỷ luật cho người dân Singapore.
Tinh thần tự lực tự cường và lòng tự trọng
Trong bài phát biểu trước quốc hội sau ngày lễ quốc tế lao động vào năm 1968, Thủ tướng Lý Quang Diệu cho rằng sự có mặt của người Anh đã tạo những tiền đề thuận lợi cho tiềm năng phát triển của đất nước trong tương lai. Tuy nhiên, người dân Singapore phải có tinh thần tự lực tự cường (self-reliance) và lòng tự trọng (self-respect). Ông nói việc tham gia vào hàng ngũ những nước xin tiền viện trợ từ các nước phát triển sẽ hủy hoại lòng tự hào và xói mòn sự tự tin của người dân.
Theo ông Lý, nhiều quốc gia sau khi giành được độc lập đã sụp đổ cả về phương diện kinh tế lẫn xã hội vì thiếu một phẩm chất quan trọng: kỷ luật tự giác (self-discipline), từ phía lãnh đạo, hay thường là cả hai, lãnh đạo và người dân. Cần phải có kỷ luật ngân sách và sống trong khả năng của mình chứ không phải cần thì in tiền ra xài. Cần có kỷ luật để duy trì tính liêm khiết và hiệu quả của chính phủ, và trừng phạt hay chế ngự tham nhũng, đặc biệt ở những vị tai to mặt lớn. Sự buông thả (self-indulgence) sẽ nhanh chóng dẫn đến sự giàu có cá nhân và an ninh cá nhân cho một số thành phần trong xã hội như lãnh đạo chính trị, tướng lĩnh quân đội và quản lý nhà nước.
Ông Lý nhìn nhận: “Cho dù thực dân Anh, Pháp, Hà Lan đã để lại nhiều tệ nạn cho các thuộc địa nhưng họ đã tạo ra những khuôn khổ vững chắc, chặt chẽ trong đó những cố gắng mang tính xây dựng sẽ được ban thưởng. Ở các thuộc địa thực dân quản lý, phần chi bao giờ cũng thấp hơn phần thu để đảm bảo có lợi nhuận, chứ không thua lỗ. Hiếm có thuộc địa nào bị thâm thủng ngân sách. Họ duy trì được kỷ luật và các điều kiện ổn định, đồng tiền mạnh, y tế tốt. Và thật đáng buồn khi nhìn thấy ở nhiều quốc gia các anh hùng dân tộc đã để cho đất nước mình trở thành tham nhũng và thoái hóa, nơi mà chuyện lại quả và chia chác đã trở thành lối sống, và cả quốc gia suy sụp vì mất phẩm cách và vô vọng.”
Tận dụng và khai thác di sản
Dù không có điều kiện nông nghiệp thuận lợi để có thể tự chủ về lương thực nhưng ông Lý tin rằng với khả năng lãnh đạo thông minh và giàu trí tưởng tượng cùng với những chuẩn mực khắt khe của một bộ máy hành chính công quyền trung thực và liêm khiết, Singapore sẽ tối ưu hóa việc sử dụng những nguồn lực sẵn có. Nguồn lực thứ nhất là trí thông minh trên trung bình, tính cần mẫn, kỹ năng, kiến thức và tay nghề của người dân. Thứ hai, vị trí địa lý tuyệt vời của Singapore ở mút phía Nam lục địa châu Á, nằm giữa con đường thông thương giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, giữa bán cầu Bắc và bán cầu Nam.
Nhưng thú vị nhất vẫn là đánh giá của ông Lý về nguồn tài nguyên thứ ba, tức là cơ sở hạ tầng và kinh nghiệm mà Singapore đã tích lũy được trong suốt 150 năm trong các lĩnh vực thương mại, công nghiệp và truyền thông. Đó không chỉ đơn giản là những tài sản hữu hình như tòa nhà, cảng biển, sân bay, kho hàng, đường xá, ngân hàng, cửa hiệu, nhà máy điện, hệ thống dẫn nước, điện thoại và dây cáp. Quan trọng hơn là những tài sản vô hình, tức là sự tích lũy về kiến thức và chuyên môn: làm thế nào để vận hành một hải cảng tiết kiệm và hiệu quả, cập nhật thông tin về tàu container hay máy bay chở hàng; ngân hàng, tài chính, chứng khoán và cổ phiếu; làm sao để mua hàng của các nước công nghiệp phát triển với số lượng lớn rồi xé ra bán lẻ hay là mua hàng bán lẻ và đóng gói rồi bán cho các nước công nghiệp với số lượng lớn… Điều này đòi hỏi phải có những chuyên viên, được đào tạo bài bản và nhà quản lý giỏi, trên nền tảng dân số có học vấn, kỹ năng và chịu khó làm việc.
Theo ông Lý, ba nguồn tài nguyên nói trên chính là di sản mà Singapore đã thừa hưởng sau khi độc lập và rồi lòng yêu nước và tự hào dân tộc của người Singapore rồi đây sẽ được dâng cao khi kinh tế phát triển, xã hội. Singapore rồi sẽ có những hải cảng và sân bay hiện đại và hiệu quả, nhà cửa, trường học, bệnh viện, thư viện, công viên và nhiều phúc lợi xã hội. Ông tin tưởng năng lực quốc phòng của Singapore sẽ được gầy dựng nhờ biết cách khai thác những mối liên kết về an ninh với những quốc gia có những mối quan tâm chung trong khu vực Và rồi du khách từ khắp thế giới sẽ đến Singapore nhiều hơn để tận hưởng môi trường sạch và xanh, với cung cách phục vụ thân thiện, nhã nhặn, du lịch sẽ là nguồn thu ngân sách dồi dào và tạo công ăn việc làm. Ông khẳng định: “Không ai có thể đoán trước được tương lai nhưng lịch sử đã làm nhân chứng cho sự vươn lên đầy uy lực của những dân tộc luôn có tinh thần sẵn sàng, có khả năng thích ứng và tổ chức tốt hơn…”
Độc lập để làm gì?
Liên hệ câu chuyện thành công trong hoàn cảnh “độc lập” của Singapore với những nỗ lực của Scotland muốn tách ra khỏi Vương quốc Anh trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, thủ tướng Lý Hiển Long cho rằng Scotland cũng có thể làm những điều tương tự. Tuy nhiên, ông nói: “Nếu hướng đến tương lai, chúng ta cần phải là một phần trong cái toàn thể lớn hơn. Singapore đã cố gắng làm điểu đó bằng cách gia nhập Liên bang Malaysia vào năm 1963.”
Theo ông Lý, vị trí của Scotland ở Vương quốc Anh tương tự Canada nằm cạnh nước Mỹ, khác vị thế lẻ loi của Singapore nằm ở giữa Đông Nam Á. Như vậy, tỷ lệ đánh cược vào nền độc lập của Scotland không quá cao như Singapore vào năm 1965. Thế nhưng tại sao Scotland lại muốn làm điều đó để ăn cái bánh ngọt của riêng mình? Singapore không có sự lựa chọn nào khác, đành theo hướng riêng của mình và may mắn thành công.
Theo THỜI BÁO KINH TẾ SÀI GÒN
Tags: Singapore, Chiến lược phát triển