Lý giải ‘nỗi sợ sự thành công’

Vì sao có những người lưỡng lự trước đề cử thăng chức? Vì sao có những người chỉ muốn tại vị yên ổn? Vì sao có những người không hề không hề có chí tiến thủ?

Có rất nhiều nguyên nhân, và một trong số đó được biết đến với tên gọi “nỗi sợ thành công” (Fear of Success). Hiện tượng này được các chuyên gia quản lý, và giáo dục hết sức quan tâm vì nó ảnh hưởng lớn đến sự tự tin và thành công của mỗi người. Ngoài ra, nó còn dẫn đến việc mất tài năng trong các tổ chức và ảnh hưởng đến sự phát triển chung.

Vào những năm 1980, ứng cử viên tổng thống Gary Hart đã tự làm hỏng sự nghiệp chính trị của mình, gây một chấn động lớn tại Hoa Kì. Gary Hart là chính trị gia, luật sư, giáo sư và nhà bình luận sinh trưởng tại bang Kansas (Hoa Kỳ). Trong cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 1988, ông là ứng cử viên đầy triển vọng của đảng Dân Chủ cho đến khi chính ông tự phơi bày việc ngoại tình của bản thân trước báo chí. Sau đó, các bài báo gọi “căn bệnh Gary Hart” như một điển hình của nỗi sợ thành công. Chuyện gì đã xảy ra? Tại sao ứng viên tổng thống Hart lại công khai thừa nhận việc ngoại tình trước giới truyền thông?

Nỗi sợ thành công bao gồm nỗi sợ thất bại, nỗi nghi ngờ về sự xứng đáng đạt được thành công, hay nỗi sợ đạt được những gì một người mong muốn. Theo Ti Caine, một nhà thôi miên và tư vấn về cuộc sống tại Sherman Oaks, California (Mỹ): “Sợ thành công là một vấn đề rất độc đáo và thường phát sinh khi chúng ta đang cố gắng tạo sự thay đổi và tiến về phía trước trong cuộc sống. Nỗi sợ này rất gần gũi vì những gì được suy diễn về tương lai có ảnh hưởng lớn đến chúng ta.” Theo Caine, đa số mọi người không biết làm thế nào để đối phó với nỗi sợ thành công vì điều này thuộc về tương lai và không thể dự đoán. “Lối sống của chúng ta tập trung vào việc khắc phục quá khứ, giống như đang lái xe và nhìn chằm chằm vào kính chiếu hậu.”

Những lo ngại về thành công có xu hướng xoay quanh một số thay đổi mà thành công mang đến, trong đó có sự cô đơn. Manfred Kets de Vries, một nhà phân tâm học nghiên cứu về thuật lãnh đạo và động lực của con người, lập luận: Nỗi sợ thành công là nỗi sợ mất liên kết (loss of affiliation). Các nhà lãnh đạo cấp cao có thể phát triển một chứng rối loạn thần kinh bởi sự cô độc và cách ly trong tổ chức họ dẫn dắt. Phụ nữ đặc biệt sợ thành công vì thành công có thể làm họ trở nên không thân thiện trong mắt người khác. Trong các trường hợp khác, con người sợ thành công vì họ sợ những người khác sẽ chơi xấu hoặc lợi dụng họ.

Nỗi sợ hãi thành công không chỉ tác động đến người lớn mà còn ảnh hưởng đến học sinh sinh viên. Các nhà tâm lý học phát hiện một số học sinh viên không thực sự bộc lộ khả năng vì sợ thành công. Phát hiện này có vẻ phi lý: Trẻ em nào chẳng muốn thể hiện tốt ở trường? Tuy nhiên, một số thanh thiếu niên có nỗi sợ về thành công vì họ không muốn trường lớp, gia đình đặt trách nhiệm, kì vọng lên họ hoặc đơn giản vì chỉ muốn được hòa đồng vớI bạn cùng trang lứa.

Một giả thuyết đặt ra là nỗi sợ thành công của trẻ em đến từ nỗi sợ thất bại. Một số nền văn hóa rất xem trọng việc thắng thua như Hàn Quốc hay Hoa Kì. Trên mạng truyền thông đại chúng và phim ảnh, những kẻ thua cuộc, những đứa trẻ mọt sách, những người không có ngoại hình đẹp, những vận động viên thua cuộc bị trêu trọc, bắt nạt và bị từ chối bởi những người xung quanh. Với cách nhìn về thất bại này, các nền văn hóa đã vô tình tạo ra một văn hóa sợ hãi và trốn tránh thất bại. Trong nhiều trường hợp, để đạt được thành công, trẻ cần phải đối diện với thử thách, và dám chấp nhận thất bại. Thế nhưng, vì những thông điệp văn hóa, trẻ không dám nỗ lực hết mình, chúng thà yên vị chứ không dám chấp nhận đánh cược với thất bại và thành công.

Thất bại không thể tránh khỏi và là một phần tất yếu của cuộc sống. Thất bại có thể trở thành động lực giúp con người vượt qua trở ngại trong những lần thử sức tiếp theo. Thất bại cho thấy ta đã làm sai những gì và cần sửa chữa thế nào để tránh lặp lại trong tương lai. Thất bại giúp ta hiểu được mối liên hệ giữa hành động và kết quả để khi thành công ta có thể tự hào nói rằng nó thuộc quyền sở hữu do nỗ lực của chính mình. Thất bại dạy kỹ năng sống quan trọng như quyết tâm, kiên nhẫn, quyết đoán và giải quyết hậu quả. Nó giúp ta lạc quan hơn sau những thất vọng thường gặp phải khi quyết tâm theo đuổi mục tiêu bản thân. Thất bại còn dạy ta sự khiêm tốn và đánh giá cao những cơ hội mà ta đang có.

Chính vì thế, tước đi quyền được thất bại là tước đi quyền được thành công. Rất nhiều người đã làm sai khi cho trẻ em biết rằng chúng không được thất bại. Trẻ sẽ nhận thức rằng thất bại là một mối đe dọa cá nhân và vị thế xã hội. Trẻ sẽ học cách tránh thất bại bằng cách không tham gia các hoạt động có thể dẫn đến thất bại, đưa ra nhiều lí do biện hộ khi thất bại và cho rằng lí do thất bại không liên quan tới bản thân.

Trẻ được dạy “không được thất bại” thường bị mắt kẹt trong tình trạng lấp lửng giữa thất bại và thành công thật sự, gọi là “khu vực an toàn” (comfortable zone). Những trẻ này trong học tập và thể thao thường có khả năng đạt thành tích cao nếu nỗ lực nhưng chúng thường quyết định từ bỏ. Những đứa trẻ này thường được cho là có cha mẹ kiểm soát, và chúng hay thực hiện những cuộc nổi loạn như một hành vi trả đũa, một phản ứng thụ động tích cực.

Nỗi sợ thành công là một vấn đề còn rất mới, ngay cả với các nước có nền tâm lý học phát triển mạnh mẻ. Để hiểu được nỗi sợ hãi thành công của một người chúng ta phải xem xét hiện tượng từ nhiều quan điểm khác nhau. Mỗi nạn nhân của chứng rối loạn chức năng thành công (success neurosis) là một trường hợp đặc biệt, và do đó cần được điều trị và chẩn đoán từ chính trường hợp của cá nhân đó. Không thể áp dụng công thức chung cho tất cả các trường hợp.

Chúng tôi có một lời khuyên cho các bạn đang trên đường tìm kiếm thành công. Để đạt được những gì mình mong muốn trong cuộc sống, ta cần có một tầm nhìn xa về tương lai, một tầm nhìn không chỉ để lạc quan hóa các trở ngại mà còn là động lực để không từ bỏ nửa chừng, để xác định mục tiêu và để giải quyết các vấn đề tiềm ẩn trên con đường tìm tới mơ ước. Chúc tất cả mọi người thành công!

Theo VIET PSYCHOLOGY

Tags: ,