Lối thoát nào cho thực trạng bi đát của giáo dục nghệ thuật ở Việt Nam?

Cả hệ thống giáo dục Việt Nam từ trước nay đều không thực sự quan tâm đến vấn đề giáo dục thẩm mỹ – giáo dục nghệ thuật cho thế hệ trẻ.

Lối thoát nào cho thực trạng bi đát của giáo dục nghệ thuật ở Việt Nam?

Tác giả: TS. Phạm Văn Tuyến, Khoa Nghệ thuật, Trường ĐHSP Hà Nội.

Giáo dục nghệ thuật xem ra là một thuật ngữ khá mới mẻ ở Việt Nam. Cả hệ thống giáo dục trước nay đều không thực sự quan tâm đến vấn đề giáo dục thẩm mỹ – giáo dục nghệ thuật cho thế hệ trẻ. Câu chuyện trở nên dễ bị lầm tưởng là bởi trong thực tế thì các chính sách và luật giáo dục vẫn luôn đề cập đến giáo dục thẩm mỹ, song song là các quan điểm có tính hệ thống về công tác bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc trong thời đại hội nhập.

Là nghệ sĩ và nhà giáo, tôi có những góc nhìn riêng của mình về giáo dục nghệ thuật. Cơ bản tôi cho là chúng ta nói đúng nhưng làm thì chưa hẳn tốt. Xin luận bàn một vài vấn đề mong có thể góp tiếng nói yếu ớt của mình nhằm đến hy vọng lớn.

Vị trí của giáo dục nghệ thuật

Giáo dục nghệ thuật, giáo dục thẩm mỹ, năng lực thẩm mỹ, thị hiểu thẩm mỹ là những thuật ngữ quen thuộc vô cùng, song bản chất nội hàm của nó là gì và biểu hiện của nó ra sao thì không hẳn dễ mà nói ra được. Ngay trong các diễn đàn khoa học của Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức trên lộ trình đổi mới căn bản và toàn diện về giáo dục và đào tạo, cũng đã có những chuyên gia giáo dục lên tiếng nói phủ quyết việc định hình năng lực thẩm mỹ trong các năng lực mà chương trình giáo dục phổ thông sau 2015 hướng tới. Xin không bàn về khía cạnh đúng sai, chỉ bàn về tính nhất quán của mục tiêu giáo dục và năng lực phải hình thành cho người học thì qua các ý kiến loại bỏ năng lực thẩm mỹ ra khỏi mục tiêu năng lực đã cho thấy một số chuyên gia giáo dục còn quá sơ hở. Đâu là con người toàn diện, thế nào là con người của thời đại và làm sao để giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc? Câu chuyện về giáo dục kiểu lo thể xác quên tâm hồn cũng từng được nhắc đến khá nhiều nhưng chưa đủ. Người ta không thể đo đếm được chỉ số về sức khỏe tâm thần và tính nhân văn của con trẻ bằng các con số vốn hiện hữu trong các học bạ phổ thông. Điều này cũng đặt ra một dấu hỏi lớn về vai trò của các nhà khoa học giáo dục đối với công tác giáo dục nghệ thuật của ta.

Thử điểm một số biểu hiện nguy hiểm trong thực tiễn cuộc sống xem chúng ta đã đánh mất những gì.

Một hiện tượng xảy ra trong những năm gần đây là trong khi cả thế giới tôn vinh các giá trị văn hóa phi vật thể của chúng ta thì chính người Việt Nam lại cố gắng tiếp thu văn hóa ngoại lai, chẳng hạn Hàn Quốc và gần đây là văn hóa Ấn Độ… Tuy nhiên ở góc độ khác, chúng ta phải nể phục khả năng phát huy tầm ảnh hưởng văn hóa của các quốc gia nói trên, cho dù như Hàn Quốc chẳng hạn thì không phải là quốc gia lớn. Trong hoàn cảnh này, văn hóa – Nghệ thuật của một quốc gia phải được nuôi dưỡng bằng những chiến lược bền vững nhờ hệ thống giáo dục quốc dân.

Ta hình dung rằng, nếu người Việt ta cảm thụ được đầy đủ giá trị văn hóa Việt thì chắc không còn thấy cảnh các thanh niên hâm mộ đến cuồng dại một số ngôi sao giải trí Hàn Quốc nào đó. Và nữa, trong khi giá trị gia đình của mỗi người đang bị lung lay thì nhiều người lại cố tiếp thụ lối ứng xử văn hóa ngoại lai. Việc dung hòa giữa dân chủ và bình đẳng với tâm thức văn hóa Việt là khó nên sự xâm lấn của các nền văn hóa khác nhau đối với văn hóa Việt Nam là điều phải chấp nhận. Chính từ đây mà chúng ta phải đặt ra câu hỏi rằng vì đâu mà nên nông nỗi? Liệu có hay không lỗ hổng về giáo dục nghệ thuật? Rõ ràng nghệ thuật là sản phẩm chính danh nhất, là biểu tượng dễ thấy nhất của một nền văn hóa và bởi nhiều nhà nghiên cứu đã nói rằng, tháp ngà của nghệ thuật là văn hóa!

Về lĩnh vực âm nhạc, truyền thông đã tốn nhiều giấy mực đối với kiểu thị hiếu âm nhạc nhảm nhí và thiếu nghệ thuật. Trong mỹ thuật, tác phẩm nghệ thuật chân chính thì chỉ tồn tại trong bảo tàng hay ở các phòng tranh dùng để bán cho khách “Tây” còn đồng bào Việt ta mua tranh của các anh thợ vẽ và chép tranh để bắt nó  trở thành tác phẩm nghệ thuật. Nhiều khi những thảm họa thời trang, những phong cách thẩm mỹ quá ư là hài hước vẫn hiển nhiên trở thành mốt. Sự mất hút của ngôi nhà truyền thống Việt và phong cách nửa tây nữa ta không phải do lỗi của ngành kiến trúc mà là lỗi đầu tiên thuộc về nền giáo dục quốc dân khi không cung cấp tri thức tối thiểu cho công dân của mình trong giáo dục phổ thông.

Thử tìm một vài câu trả lời

Những điều tôi đưa ra trên đây không có cơ sở nào có thể chứng minh thuyết phục hơn so với việc truy tìm câu trả lời rằng, liệu chúng ta đã có lỗ hổng lớn trong giáo dục nghệ thuật hay không?

Có thể chứng minh điều này một cách khá dễ dàng bằng một số hiện tượng có thực trong đời sống xã hội. Ví dụ thứ nhất, khi các bạn trẻ hiện nay đi du học, đa số họ có một điều hối tiếc là tại sao mình không thể chơi nhạc, không thể vẽ, không thể hoạt động nghệ thuật giống như bạn cùng lớp. Nguyên nhân cơ bản là vì học sinh Việt Nam chỉ được chú trọng vào học các môn chính như toán, văn, ngoại ngữ và quá ít phụ huynh sẵn sàng cho con học nghệ thuật!

Ví dụ thứ hai, tại sao các bạn luôn sai khi đánh giá kết quả các cuộc thi nghệ thuật? Đó là vì đa số chúng ta sẽ hổng một loại kiến thức nghệ thuật nào đó do hệ quả của sự thiên lệch trong giáo dục phổ thông cho nên thẩm mỹ nghệ thuật của bạn không liên quan gì đến các giá trị nghệ thuật theo tiêu chí nghề nghiệp vốn được hình thành qua học tập và có tính hàn lâm.

Ví dụ thứ ba, Bất cứ một người nước ngoài nào khi đến Việt Nam cũng đều đến thăm di tích văn hóa hay bảo tàng nghệ thuật, họ cũng đi chơi như chúng ta nhưng trong họ có mưu cầu  trải nghiệm văn hóa và thưởng thức nghệ thuật vì họ được giáo dục như vậy. Còn đa số người Việt đi sang Pháp, sang Trung Quốc với mục đích gì? Chắc chắn là đi thăm các danh lam thắng cảnh (vốn do thiên tạo hoặc một vài công trình kiến trúc nổi tiếng) và luôn chú tâm mua sắm. Rất ít người có thể bỏ tiền vào thăm bảo tàng!

Ví dụ cuối cùng, bạn thử xem con, em của bạn đang học thêm những môn học gì? Nếu tôi đoán đúng thì cấp tiểu học sẽ bao gồm: Toán, Ngoại ngữ, Văn và nếu còn thời gian thì cho học đàn, học vẽ, thể thao… cấp khác thì chủ yếu là kiến thức để thi! Vậy thì làm sao có thể có năng lực về nghệ thuật. Điều này phải nói thêm là, giáo dục nghệ thuật ở phổ thông hiện nay chưa đảm bảo được mục tiêu do chính chương trình đề ra vì nhiều lý do. Trong các lý do cơ bản thì chủ yếu là chất lượng giáo dục thấp bởi định hướng chưa đúng và nguồn nhân lực chưa được quan tâm.

Thật ra còn nhiều thực trạng có thể chỉ ra ở đây nhưng vì tôi cho rằng chúng ta đều thực sự hiểu từ trong sâu thẳm điều gì là đúng và đâu là chưa phù hợp.

Chúng ta đã và đang làm gì?

Đến thời điểm hiện tại, sau khi nhà nước ta xác định việc đổi mới giáo dục như là một nhiệm vụ bắt buộc và hàng loạt các hội thảo, diễn đàn và các dự án được hình thành, câu chuyện về giáo dục nghệ thuật mới bắt đầu được thấy trong diễn đàn. Tuy nhiên chúng ta còn phải rất vất vả để đưa nó ra bàn làm việc của các vụ, sở, phòng của ngành giáo dục. Chưa nói đến việc còn phải đưa vào bàn làm việc của các vị Hiệu trưởng các trường phổ thông, các quán cà phê, bàn trà của các vị phụ huynh và mâm cơm của mỗi gia đình.

Tạm thời không bàn đến việc đâu là năng lực chung, đâu là năng lực chuyên biệt vì đây là vấn đề vĩ mô. Hiện tại ngành giáo dục đang cho rằng có tám loại năng lực chung, trong đó có năng lực thẩm mỹ. Có thể hiểu năng lực chung ở đây dường như là những năng lực mà người học phải có được nhờ các môn học cụ thể. Cách này chưa hẳn thuyết phục tôi vì tôi cho rằng, năng lực thẩm mỹ thuộc loại năng lực chuyên biệt dù rằng trong năng lực thẩm mỹ có rất nhiều kiến thức, kỹ năng được trau dồi qua nhiều môn học khác nhau, ví dụ văn học, toán học cũng có chứ không riêng gì các môn nghệ thuật như Âm nhạc, Mỹ thuật, Múa hát. Điện ảnh…

Như đã nói trên, một số nhà khoa học giáo dục đã đặt câu hỏi vì sao lại cần năng lực thẩm mỹ trong khung năng lực chung. Nhưng cũng rất may rằng số đó là không nhiều, nhất là với những ai thực sự đã trải nghiệm những tình huống khó xử khi bị đề nghị trả lời câu hỏi của người nước ngoài với những câu hỏi đại loại như : Bạn hãy hát một làn điệu dân ca của nước bạn? Bạn có hiểu về Chèo? Bạn có biết ai là danh họa Việt Nam? Tại sao cái Đình nó lại đẹp như thế nhỉ? Tại sao ngôi nhà truyền thống Việt lại thấp và mái thì rất dốc? Theo đó đã có những mối quan tâm đáng kể cho lĩnh vực giáo dục nghệ thuật. Bắt đầu có một hy vọng cho chúng ta – những nghệ sĩ và nhà khoa học giáo dục nghệ thuật.

Kết luận

Trên cơ sở các thông tin và hiểu biết của mình, tôi cho rằng mặc dù công tác đào tạo giáo viên nghệ thuật ở ta đã có nhiều năm nhưng chưa có một quy chuẩn nào đáp ứng được nhu cầu hội nhập. Vì thế đối với giai đoạn tiếp theo khi đưa các môn nghệ thuật vào nhà trường THPT, đội ngũ giáo viên hiện tại chỉ đáp ứng được một phần mục tiêu của chương trình khi hướng vào bồi dưỡng năng khiếu và hướng nghiệp. Theo đó cần thiết xác định chuẩn kiến thức chuyên môn và năng lực sư phạm cho đội ngũ giáo viên nghệ thuật ở bậc THPT. Cá nhân tôi cho rằng đào tạo nghiệp vụ sư phạm thời gian ngắn (khoảng 3 tháng) đối với người có trình độ đại học chuyên ngành nghệ thuật để họ làm giáo viên dạy nghệ thuật là việc cần xem xét lại. Các nước tiên tiến thường đào tạo riêng sư phạm là hai năm.

Với các vấn đề cụ thể hơn, tôi cho rằng chúng ta nên:

– Mỗi một nhà giáo thuộc lĩnh vực giáo dục nghệ thuật hãy xác định rõ vị trí vai trò của cá nhân trong công đồng nghề nghiệp và trách nhiệm của mình trong việc phát triển công tác giáo dục nghệ thuật.

– Phải phát huy thế mạnh của mình, những sở trường vốn được hình thành từ môi trường giáo dục chuyên nghiệp về các lĩnh vực nghệ thuật để nâng tầm ảnh hưởng của chúng ta với xã hội.

– Đóng góp tiếng nói mạnh mẽ của mình ở bất kỳ đâu để khẳng định rằng, đã là con người bình thường trong xã hội hiện đại thì không thể thiếu năng lực thẩm mỹ. Không thể để con cháu chúng ta mãi thua thiệt so với bạn bè thế giới chỉ vì không biết hưởng thụ nghệ thuật. Sự mất cân bằng trong giáo dục phải sớm được khắc phục.

– Với các nhà khoa học, chúng ta buộc phải ngồi lại với nhau để cùng giải quyết vấn đề lớn của chính chúng ta là làm thế nào để có một mô hình giáo dục, mô hình đào tạo về nghệ thuật tốt nhất cho người Việt Nam. Trong đó tôi cho rằng Giáo dục phổ thông là mục tiêu dài hạn. Đặc biệt lưu ý đến mô hình hướng nghiệp cho các học sinh có năng khiếu nghệ thuật qua bậc THPT. Với đào tạo giáo viên nghệ thuật đáp ứng đúng chuẩn giáo viên (có năng lực chuyên môn tốt và năng lực sư phạm hoàn chỉnh) là mục tiêu trước mắt phải giải quyết một cách khoa học. Trong thời điểm hiện tại khi bậc THPT chưa được học Âm nhạc, Mĩ thuật thì việc đào tạo giáo viên nghệ thuật có thể kéo dài từ 4 năm thành 5 năm sẽ đảm bào tốt hơn chất lượng đầu ra.

– Cần có các nghiên cứu xã hội học về tỷ lệ các học sinh có năng khiếu nghệ thuật trong một lứa tuổi để làm cơ sở cho việc xác định chỉ tiêu đào tạo nghệ thuật và giáo viên nghệ thuật nhằm tránh việc tuyển sinh tràn lan như hiện nay.

– Đội ngũ các nhà khoa học và giảng viên trong lĩnh vực đào tạo nghệ thuật nên có ý kiến với Bộ giáo dục và Đào tạo về việc siết chặt chỉ tiêu đào tạo trên cơ sở năng lực đội ngũ và cơ sở vật chất để tránh việc các trường đào tạo sư phạm nghệ thuật rất thiếu thốn về cơ sở vật chất nhưng đào tạo rất đông dẫn đến công tác quản lý và triển khai đào tạo không chất lượng và thiếu khoa học.

————————————–

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 1. Bộ giáo dục và Đào tạo (2016), Tài liệu dạy học mĩ thuật dành cho giáo viên, NXB Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.
2.Đỗ Huy (1987), Giáo dục thẩm mĩ – một số vấn đề lý luận và thực tiễn, NXB Thông tin lý luận, Hà Nội
3. Phạm Minh Hạc (2010), Một số vấn đề giáo dục Việt Nam đầu thế kỷ XX, NXB Giáo dục Việt Nam, Hà Nội
4. Howard Gardner (2014), Cơ cấu trí khôn, tái bản lần thứ nhất, Phạm Toàn dịch, Nxb Tri thức, Hà Nội.

Theo HNUE.EDU.VN

Tags: ,