Lời cảnh báo đáng sợ từ những cái chết cô đơn ở thủ đô Nhật Bản

Giữa thủ đô hơn 10 triệu người của Nhật, hàng nghìn người cao tuổi từ giã cõi đời trong cô độc và im lặng. Họ chỉ được tìm thấy khi mùi tử thi xuất hiện và ám ảnh những khu dân cư.

Mùi xác chết phân hủy tràn ngập căn hộ chật hẹp giữa thủ đô Tokyo khi ông Hidemitsu Ohshima bước vào. Chủ nhân của căn hộ đã qua đời ba tuần trước.

Ở tuổi 50, người đàn ông qua đời cô độc trong thành phố hơn 10 triệu người và chẳng ai hay biết về điều đó. Ông là nạn nhân của “Kodokushi”, hay còn lại là hiện tượng “chết một mình”, thứ đang ngày càng phổ biến ở Nhật Bản.

Mặc trang phục bảo hộ màu trắng và đeo găng tay, ông Ohshima khẽ nâng tấm đệm đang dính đầy chất lỏng từ thi thể đang phân hủy. Những con rệp thi nhau bò ra.

“Điều này thực sự nghiêm trọng. Tôi mặc đồ bảo hộ để tránh bị lây bệnh từ những con rệp”, ông chia sẻ.

Kodokushi đang trở thành vấn đề đáng lo ngại trong xã hội Nhật bản, nơi 27,7% dân số có độ tuổi trên 65 và nhiều người trong số đó không sống cùng bạn đời.

Các chuyên gia cho rằng chính nền văn hóa, đặc điểm xã hội và nhân khẩu học ở Nhật Bản đã tạo nên tình trạng này.

Chết một mình

Chưa có số liệu chính thức về những người qua đời một mình ở Nhật. Tuy nhiên, các chuyên gia ước tính con số này rơi vào khoảng 30.000 người/năm.

Yoshinori Ishimi, ông chủ công ty Anshin Net chuyên dọn dẹp nhà cửa của những người già qua đời trong cô độc, nói rằng con số thực tế có thể gấp 2 hoặc 3 lần.

Trong vài thập kỷ qua, xã hội Nhật Bản chứng kiến sự thay đổi trong cả văn hóa lẫn kinh tế. Tuy nhiên, các nhà nhân khẩu học cho rằng hệ thống an sinh xã hội vẫn lạc hậu và chưa đủ khả năng thực hiện việc trông coi, chăm sóc người già.

“Ở Nhật, gia đình là nền tảng cho mọi hoạt động hỗ trợ xã hội”, ông Katsuhiko Fujimori, một chuyên gia trong lĩnh vực phúc lợi xã hội, cho biết.

Hiện tại, tỷ lệ những người không kết hôn ngày càng tăng trong khi quy mô của các gia đình ngày càng nhỏ lại, khiến việc chăm sóc người già trở thành gánh nặng.

Trong khoảng 3 thập kỷ qua, tỷ lệ người độc thân tại Nhật Bản tăng gấp đôi lên mức 14,5% tổng dân số. Số lượng đàn ông ở tuổi 50 và phụ nữ trên 80 tuổi chiếm đa số.

Tỷ lệ kết hôn cũng giảm chóng mặt bởi đàn ông ngày càng lo lắng cho sự nghiệp và phụ nữ trở nên độc lập hơn, họ có thể tự chủ tài chính mà không cần bất cứ người đàn ông nào.

Tại Nhật, cứ 4 người đàn ông trên 50 tuổi thì có một người chưa kết hôn. Con số này sẽ tăng lên thành 1/3 trước năm 2030.

Cô độc

Vấn đề càng trở nên trầm trọng khi truyền thống Nhật Bản đề cao tính tự lực của gia đình mỗi khi gặp vấn đề. Việc nhờ vả hàng xóm được coi là điều cấm kị.

Do vậy, người cao tuổi thường tỏ ra lịch sự và không muốn làm phiền hàng xóm ngay cả trong những vấn đề nhỏ nhặt nhất. Điều này dẫn tới tình trạng thiếu sự tương tác giữa những người sống gần nhau, khiến họ bị cô lập.

Khoảng 15% số người già độc thân tại Nhật cho biết họ chỉ có một cuộc hội thoại mỗi tuần. Con số này ở Thụy Điển là 5%, ở Mỹ là 6%.

Trong khi đó, con cái của họ thường làm ăn xa hoặc không có đủ điều kiện kinh tế để phụng dưỡng cha mẹ trong bối cảnh mọi thứ đều đắt đỏ, khó khăn.

Nhiều người mong muốn chính phủ tăng thuế nhằm cung cấp cho người cao tuổi những dịch vụ tốt hơn, giúp họ có thể nghỉ ngơi thay cho việc phải đi làm khi đã 70, 80 tuổi.

“Nếu gia đình không thể thực hiện vai trò của mình, xã hội cần xây dựng nền tảng để đáp ứng nhu cầu của người cao tuổi, nếu không thì Kodokushi ngày càng phổ biến”, ông Fujimori nói.

Ra đi trong lặng lẽ

Ngoài sự đau đớn mà các gia đình nhận được khi biết rằng người thân của họ đã từ giã cõi đời trong cô độc, Kodokushi còn khiến giá bất động sản có chiều hướng đi xuống.

Nhiều người trong xã hội Nhật Bản vẫn chưa hiểu được nỗi cô đơn và sự đau đớn mà những người cao tuổi độc thân phải trải qua.

Trong khi đó, ở căn hộ giữa Tokyo, ông Ohshima và đồng nghiệp phải đóng cửa sổ để tránh mùi tử thi bay ra ngoài, ảnh hưởng tới khu dân cư đông đúc.

Căn phòng cho thấy chủ nhân của nó là một người giản dị, yêu âm nhạc, điện ảnh. Những chiếc đĩa CD và DVD được sắp xếp gọn gàng. Ngoài ra, chẳng còn gì khác. Không tranh ảnh. Không thư từ.

Hầu hết mọi đồ đạc đều được loại bỏ. Tuy nhiên, ông Ohshima vẫn xem kỹ từng món đồ nhằm giữ lại những thứ có giá trị trong trường hợp gia đình của người quá cố muốn biết cha/ông của họ để lại điều gì.

Nhưng họ chưa xuất hiện. Cảnh sát vẫn đang truy tìm.

Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN

Tags: , ,