Làm sao để đem sức mạnh của người Việt thời chiến vào thời bình?

Khi của cải đầy đủ hơn, lớp người thời chiến đã gần như mất hết, đó chính là lúc xã hội bắt đầu phân cấp mạnh mẽ. Lúc này mọi người không còn chia sẻ các giá trị và lý tưởng chung với nhau…

Làm sao để đem sức mạnh của người Việt thời chiến vào thời bình?

Những bài học từ lịch sử

Bên cạnh những thành công của các Triều đại như Lý, Trần, Lê, lịch sử Việt Nam thời độc lập từng ghi nhận một số bài học đau thương khiNhà cầm quyền đã thất bại trong việc huy động niềm tin và sức mạnh dân chúng trong bảo vệ đất nước.

Thời Nhà Hồ, khi có trong tay tới 40 vạn binh, nhưng đúng như nhận định của Hồ Hán Thương là “tôi không sợ thiếu binh mà chỉ sợ lòng dân không theo”, nhà Hồ đã nhanh chóng thất bại trước ngoại bang, dẫn đến một hậu quả có thể nói là đau thương bậc nhất trong lịch sử Đại Việt kể từ năm 938, đó chính là bị Nhà Minh cai trị trong 20 năm (1407 – 1427).

Thời vua Tự Đức, Nhà Nguyễn đã hai lần thất bại dưới tay một lực lượng rất nhỏ của thực dân Pháp (năm 1873 và 1882). Tổng đốc Hoàng Diệu khi ấy (năm 1882) đã phải thắt cổ tự vẫn. Xét trên khía cạnh nào đó, cái chết của ông ít nhiều phản ánh sự bất lực của Nhà cầm quyền thời bấy giờ trong bối cảnh lòng dân tan rã và mạnh ai nấy lo.

Có thể thấy, tiềm năng của Dân tộc Việt Nam đã có sẵn, nhưng nếu không biết khai thác và vận dụng phù hợp thì sự thất bại là khó tránh khỏi. Trong thời chiến, một khi đã khích lệ được tinh thần yêu nước và đoàn kết của mọi người dân thì chiến thắng tất đến. Đặc biệt khi đất nước gặp nạn binh đao, thì sự phân tầng giai cấp, sự khác biệt giữa các nhóm người hầu như biến mất hoặc trở nên thứ yếu.

Vấn đề nằm ở chỗ làm thế nào để các giá trị Việt của thời chiến có thể được vận dụng thành công trong thời bình?

Lịch sử cho thấy, khi hết nạn ngoại xâm, khoảng vài chục năm đầu, đa phần dân chúng lạc quan và hồ hởi xây dựng lại đất nước từ sự đổ nát của chiến tranh. Khi mà của cải chưa nhiều thì chính lại là lúc mọi người dễ hài lòng nhất vì khi đó tinh thần đồng lòng thời chiến còn ít nhiều ảnh hưởng. Lúc này Nhà cầm quyền và dân chúng còn chia sẻ với nhau ít nhiều cam kết và quyết tâm (ít nhất là về mặt lý tưởng).

Khi của cải đầy đủ hơn, lớp người thời chiến đã gần như mất hết, khi những đau thương và mất mát (kể cả nỗi nhục liệt Quốc) chỉ còn được nhắc lại trong các cuốn sách sử hay những câu chuyện của người già, đó chính là lúc xã hội bắt đầu phân cấp mạnh mẽ. Lúc này mọi người không còn chia sẻ các giá trị và lý tưởng chung với nhau nữa vì các nguy cơ này ít nhiều không còn hoặc rất khó nhìn thấy với những người đang yên hưởng thái bình đã lâu.

Khi xã hội đã phân cấp thành các nhóm hay tầng lớp khác nhau thì lợi ích nhóm đôi lúc bị đẩy lên quá cao và đối với nhiều người thì thậm chí nó che lấp cả quyền lợi Quốc gia. Tầng lớp quý tộc, tập ấm – được hình thành từ con cháu, hậu duệ của những công thần lập Quốc và các Vương, Công sau này do được hưởng nhiều tài sản và quyền lực từ cha ông nên với những thứ sẵn có, họ nắm giữ được vị thế và quyền uy của mình và sở hữu phần to nhất của chiếc bánh bổng lộc.

Một nhóm khác chiếm giữ một phần không nhỏ của chiếc bánh đó chính là tầng lớp quan lại được bổ dụng và thăng tiến thông qua con đường khoa cử chính thống lẫn mua quan bán tước. Cùng với danh vọng và bổng lộc ngày càng tăng lên do vị thế mang lại, các giá trị của Trí, Tín, Nghĩa ngày càng giảm đi hoặc thậm chí mất hẳn trong tâm thức của nhiều Quan chức. Trong khi đó những hạn chế của Nho giáo như “bảo thủ” – ngại thay đổi; “bè cánh, phe phái”; “tôn ti, trật tự” một cách cứng nhắc và “háo danh” lại có điều kiện được nở rộ và chiếm ưu thế.

Có thể nói sự tha hóa của bộ phận Quan chức khi thiếu đi các định chế giám sát, kiểm soát bởi nhà nước và luật pháp (lỏng lẻo) là bước khởi đầu cho một chu kỳ mới – sự suy thoái của Quốc gia.

Bài học cho hôm nay

Rõ ràng trong thời bình sức mạnh của đất nước vẫn còn nguyên đó, nhưng nó sẽ không phát huy được hết tiềm năng nếu thiếu niềm tin.

Trên lý thuyết, Việt Nam ngày hôm nay không còn tồn tại cái được gọi là tầng lớp tập ấm hay Công hầu khanh tướng. Nhưng thay vào đó, vẫn tồn tại một hiện tượng mà dân gian gọi là 4C hay “Con Cháu Các Cụ”. Với các lợi thế về thông tin cùng các mối quan hệ cũng như sự ảnh hưởng của cha, ông, họ dễ dàng thu về các lợi ích vật chất lớn. Chỉ khi nào các chính sách được xây dựng và triền khai một cách minh bạch cùng một hệ thống vận hành xã hội của nhà nước pháp quyền, lúc ấy hiện tượng “đi trước đón đầu” của các tập ấm thời hiện đại sẽ có thể được loại bỏ.

Chừng nào giới quan chức vẫn đóng vai trò lớn và gây ảnh hưởng quan trọng đối với các hoạt động kinh tế thì khi ấy nguy cơ về lộng hành và tham nhũng là khó tránh khỏi. Khi bất cứ một công chức nhỏ nào cũng có thể gây khó cho người dân và doanh nghiệp thì khi đó sự thoái hóa là rất rõ rệt. Trách nhiệm giải trình, tính minh bạch và khung pháp lý mạnh, chặt chẽ chính là công cụ hữu hiệu để chấm dứt hiện tượng những nhiều của giới quan chức.

Quan trọng hơn, một đất nước không thể hùng cường và tiến xa theo hướng bền vững nếu thiếu đi sự đoàn kết và chung tay của mọi tầng lớp. Xã hội vốn là tập hợp những con người bằng xương bằng thịt, nên nó cũngphải tuân theo quy luật của con người đó là khi sinh ra nó đã tiềm ẩn sự băng hoại. Một Nhà nước cũng tương tự như vậy nếu không được kiểm soát và giám sát bởi các công cụ pháp luật.

Tinh thần thượng tôn pháp luật hiện nay là cái mà xã hội Việt Nam đang còn yếu trong việc tạo dựng một xã hội trật tự theo hướng văn minh. Sự xuống cấp về đạo đức của một bộ phận quan chức sẽ dần được hạn chế khi trách nhiệm giải trình cùng tính minh bạch được đưa lên hàng đầu trong việc ban hành chính sách. Sự phân chia giai cấp, tầng lớp là rất khó tránh khỏi trong thời bình do yếu tố kinh tế và văn hóa chi phối, nhưng vấn đề này sẽ không làm suy yếu đi sức mạnh của dân tộc trong thời bình khi sự chung sức, đồng lòng luôn được khơi dậy một cách hợp lý vào từng thời điểm cụ thể.

Là người Việt Nam, dù ở đâu, làm gì, chúng ta vẫn có rất nhiều sứ mệnh chung cần chia sẻ. Thu hẹp sự khác biệt và thúc đẩy sự tương đồng và chung tay hành động là những gì cần thiết cho Việt Nam thịnh vượng.

TRẦN VĂN TUẤN

Tags: , ,