Kinh nghiệm về tổ chức và hoạt động của Quốc hội một số nước

Dù tồn tại ở hình thức nào thì Nghị viện các nước trên thế giới, nhìn chung có cùng bản chất và vai trò. Bản chất nổi bật của thiết chế Nghị viện là đại diện và dân chủ.

Kinh nghiệm về tổ chức và hoạt động của Quốc hội một số nước

Tác giả: PGS.TS. Hoàng Văn Tú, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp.

Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 18 (298), tháng 9/2015.

Bên cạnh việc phân tích, đánh giá những mặt đạt được và những điểm còn hạn chế trong tổ chức, hoạt động của Quốc hội Việt Nam thời gian qua thì việc tìm hiểu tổ chức, hoạt động của Nghị viện một số nước trên thế giới, từ đó rút ra kinh nghiệm có thể kế thừa và phát triển ở Quốc hội Việt Nam là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, do số lượng quốc gia tương đối lớn, với các quy định của pháp luật về hoạt động khá phức tạp và đồ sộ, việc tìm hiểu đòi hỏi phải có sự hiểu biết về điều kiện, hoàn cảnh kinh tế, xã hội, có sự tương thích và phù hợp với Việt Nam nên việc lựa chọn các quốc gia trong bài viết này có sự hạn chế. Hơn nữa, do các yếu tố khác như: chính thể nhà nước; hình thức nhà nước; đảng phái chính trị; lịch sử và truyền thống pháp luật của mỗi nước đều có ảnh hưởng tới khuynh hướng tổ chức và hoạt động của Nghị viện nên trong bài viết này chỉ chọn 04 quốc gia tiêu biểu: Trung Quốc,  Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Cộng hòa Pháp để nghiên cứu.

1. Mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của Nghị viện một số nước

Dù tồn tại ở hình thức nào thì Nghị viện các nước trên thế giới, nhìn chung có cùng bản chất và vai trò. Bản chất nổi bật của thiết chế Nghị viện là đại diện và dân chủ[1]. Nghị viện do nhân dân bầu ra, theo hình thức phổ thông đầu phiếu và hoạt động dựa trên nguyên tắc dân chủ, quyết định theo đa số. Vì đại diện cho ý chí của số đông trong xã hội nên Nghị viện được trao quyền lực và là cơ quan quyền lực nhà nước.

Vai trò của thiết chế này, về cơ bản, ở các quốc gia là giống nhau và bao gồm: vai trò cầu nối giữa nhà nước và công chúng; vai trò định hướng phát triển quốc gia; vai trò xây dựng nhà nước pháp quyền; vai trò giáo dục và định hướng dân chủ; vai trò bảo vệ bình đẳng xã hội; vai trò bảo đảm trách nhiệm giải trình của nhà nước; vai trò cân bằng lợi ích[2]. Có thể thấy rằng, các vai trò trên không có sự khác nhau ở các chính thể nhà nước khác nhau, mô hình tổ chức Nghị viện khác nhau (một viện hay hai viện) hay chế độ chính trị khác nhau (nhất đảng, đa đảng). Tuy nhiên, vai trò cân bằng lợi ích của Nghị viện được thể hiện tương đối rõ hơn ở các quốc gia có chế độ đa đảng và tổ chức Nghị viện theo mô hình hai viện. Bởi lẽ, một dự thảo luật bắt buộc phải được hai viện thông qua. Số ghế của các đảng phái được chia đều ở Nghị viện do đó mọi quyết định được đưa ra trên cơ sở cân bằng lợi ích giữa các bên.

Phù hợp với bản chất và vai trò, Nghị viện có tính chất và các chức năng cơ bản là: Tính chất đại diện; Chức năng lập pháp; Chức năng giám sát; Chức năng về tài chính – ngân sách.

1.1. Nhiệm vụ và quyền hạn của Nghị viện

Nhiệm vụ và quyền hạn của Nghị viện các nước được quy định một cách khái quát và cụ thể ở Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội (Nghị viện). Ở các quốc gia mà Nghị viện được tổ chức theo mô hình một viện, việc quy định nhiệm vụ và quyền hạn đơn giản hơn ở các quốc gia nơi Nghị viện được tổ chức theo mô hình hai viện.

Nhiệm vụ và quyền hạn của Nghị viện ở một số nước theo chế độ một viện

TRUNG QUỐC

Điều 62 – Hiến pháp Trung Quốc quy định chức năng, quyền hạn của Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc, liệt kê 15 quyền hạn cơ bản của cơ quan này. Nhìn chung, các quyền hạn này bao gồm: (1) quyền lập hiến (sửa đổi hiến pháp; giám sát thực thi hiến pháp); (2) quyền lập pháp (ban hành và sửa đổi các luật cơ bản như: luật hình sự, dân sự, cơ quan nhà nước và các luật cơ bản khác); (3) quyền bầu ra và bãi miễn các chức danh quan trọng của bộ máy nhà nước (bầu ra và bãi miễn Chủ tịch, Phó Chủ tịch; Thủ tướng; Phó Thủ tướng Quốc vụ viện, Ủy viên Quốc vụ viện và các Bộ trưởng, Chủ nhiệm các Ủy ban, Tổng kiểm toán và Ban thư ký căn cứ theo giới thiệu của Thủ tướng Quốc vụ viện; Chủ tịch Ủy ban quân sự Trung ương; Chánh án Toàn án nhân dân tối cao; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; (4) quyền thẩm tra, phê chuẩn các báo cáo, quy hoạch kinh tế – xã hội (báo cáo tình hình kinh tế nhà nước, kế hoạch phát triển xã hội và kế hoạch thi hành; báo cáo dự toán của nhà nước và tình hình chấp hành dự toán; quy hoạch xây dựng tỉnh, khu tự trị và thành phố trực thuộc); (5) quyền quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước (quyết định thành lập và quy định chế độ khác của Khu hành chính đặc biệt; quyết định vấn đề chiến tranh và hòa bình; sửa đổi hoặc hủy bỏ các quyết định không phù hợp của Ủy ban thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc).

HÀN QUỐC

Khác với Trung Quốc, nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội Hàn Quốc được quy định rải rác ở các điều 52, 54, 60, 61,63 của Hiến pháp Hàn Quốc. Theo đó, Quốc hội Hàn Quốc có (1) quyền lập pháp (đệ trình các dự án luật, thảo luận và thông qua các dự án luật; thảo luận và quyết định dự luật ngân sách quốc gia); (2) quyền thông qua việc ký kết và phê chuẩn các điều ước quốc tế (liên quan đến tương trợ và hỗ trợ an ninh; tổ chức quốc tế quan trọng; hữu nghị, thương mại và hàng hải; hạn chế về chủ quyền; hòa bình; phát sinh nghĩa vụ tài chính quan trọng đối với Nhà nước hoặc nhân dân; liên quan đến vấn đề lập pháp); phê chuẩn việc tuyên bố chiến tranh, gửi lực lượng vũ trang ra nước ngoài và việc đóng quân của lực lượng đồng minh nước ngoài trên lãnh thổ Hàn Quốc;(3) quyền kiểm tra, điều tra (công việc của Nhà nước, các vấn đề cụ thể trong hoạt động nhà nước); (4) quyền thông qua một đề nghị bãi nhiệm (đối với Chính phủ hoặc một thành viên Hội đồng Nhà nước)

Nhiệm vụ và quyền hạn của Nghị viện ở một số nước theo chế độ hai viện

Khác với các quốc gia nơi Nghị viện được tổ chức theo mô hình một viện, các quốc gia có Nghị viện được tổ chức theo mô hình hai viện có các quy định chung về nhiệm vụ và quyền hạn đối với cả hai viện và nhiệm vụ riêng đối với từng viện.

HOA KỲ

Nhiệm vụ, quyền hạn chung của hai viện

Với chức năng của một cơ quan lập pháp, hai viện của Nghị viện Hoa Kỳ đều có quyền thực thi độc quyền lập pháp trong mọi trường hợp, đối với mọi lĩnh vực (điểm 17, khoản 8 Điều 1 Hiến pháp Hoa Kỳ), theo đócó quyền đề xuất dự luật, quyền thông qua các dự luật trước khi trình lên Tổng thống Hoa Kỳ (khoản 7, Điều 1 Hiến pháp Hoa Kỳ) (ngoại trừ dự luật về thu ngân sách[3]) và ngay cả quyền bỏ phiếu chống lại các dự án luật (do một trong hai bên thông qua). Như vậy, cả Hạ viện và Thượng viện của Hoa Kỳ đều có quyền đệ trình, thông qua các dự luật, xem xét lại và tiến hành các thủ tục cần thiết để một dự luật được thông qua. Ngoài ra, khoản 8 Điều 1 Hiến pháp Hoa Kỳ còn liệt kê 18 nhiệm vụ, quyền hạn chung của Nghị viện (Hạ viện và Thượng viện). Nhìn chung, các nhiệm vụ và quyền hạn này tập trung ở một số lĩnh vực sau: lĩnh vực kinh tế (đặt ra và thu các khoản thuế, vay tiền, đúc tiền, đặt ra các hình phạt đối với tội làm trái phiếu giả, in tiền giả, quy định về thương mại với nước ngoài, thiết lập luật thống nhất về các vấn đề phá sản); lĩnh vực quốc phòng, an ninh (tuyên chiến; chuẩn cấp các giấy phép tịch thu và trưng thu để trừng phạt kẻ thù; thiết lập và duy trì hải quân, chu cấp cho quân đội; quy định các luật lệ và quy chế về lục quân và hải quân; triệu tập dân quân của các tiểu bang, trù liệu việc tổ chức; vũ trang và duy trì kỷ luật các lực lượng dân quân các bang…; quốc tịch (thiết lập quy tắc thống nhất về việc nhập quốc tịch); khoa học công nghệ (thúc đẩy sự tiến bộ của khoa học và công nghệ…); thiết lập hệ thống tòa án (dưới quyền của Tòa án tối cao). Cũng theo Hiến pháp Hoa Kỳ, khoản 5 – Điều 1 quy định nhiệm vụ, quyền hạn chung của hai viện thuộc Nghị viện Hoa Kỳ, theo đó hai viện này đều có: (1) thẩm quyền định đoạt về giá trị cuộc bầu cử các thành viên của viện mình ; (2) tự mình ban hành quy chế về trình tự, thủ tục hoạt động của viện mình; (3) ấn hành một tờ công báo xuất bản theo định kỳ công bố về công việc mình thực hiện trừ những việc cần phải giữ bí mật. Như vậy, ngoài quyền xây dựng luật, thu thuế thì hai viện của Nghị viện Hoa Kỳ đều có các nhiệm vụ và quyền hạn tương tự như nhau trong phạm vi tổ chức và hoạt động của viện mình.

Nhiệm vụ, quyền hạn riêng của từng viện

Đối với quyền đệ trình dự luật về thu ngân sách, theo quy định của Hiến pháp Hoa Kỳ thì chỉ Hạ viện có quyền đề xuất tất cả các dự luật có tác động làm tăng nguồn thu Nhà nước, trong khi đó, Thượng viện chỉ có quyền đề xuất bổ sung hoặc chấp thuận những điều sửa đổi, bổ sung đối với dự án luật này tương tự như đối với dự án luật khác (khoản 7, Điều 1 Hiến pháp Hoa Kỳ). Mặc dù không có quyền đệ trình dự án luật về thu ngân sách nhưng Thượng viện có thể không tán thành dự luật do Hạ viện trình – hoặc bất kỳ một dự luật nào liên quan đến vấn đề này – hoặc bổ sung những sửa đổi làm thay đổi bản chất của chúng. Trong trường hợp đó, một tiểu ban tham vấn được thành lập, bao gồm thành viên của hai viện, phải đi tới một thỏa hiệp có thể chấp thuận đối với cả hai bên trước khi dự luật trở thành luật.

Thượng viện cũng có những quyền hạn nhất định dành riêng cho cơ quan này, trong đó có quyền xác nhận sự bổ nhiệm của tổng thống đối với các quan chức cao cấp và các đại sứ của chính quyền liên bang, cũng như quyền phê chuẩn tất cả các hiệp ước với 2/3 số phiếu thuận. Trong cả hai trường hợp, hành động không ủng hộ của Thượng viện sẽ vô hiệu hóa hành động của ngành hành pháp.

Trong trường hợp luận tội các quan chức liên bang, Hạ viện có toàn quyền đưa ra lời buộc tội về hành vi bất chính có thể dẫn tới việc xét xử ở tòa án. Thượng viện cũng có toàn quyền kiểm tra những trường hợp luận tội và xác minh xem các quan chức là có tội hay vô tội. Khi bị phát hiện là phạm tội, quan chức liên bang sẽ buộc phải rời khỏi cơ quan nhà nước[4] .

CỘNG HÒA PHÁP[5]

Nhiệm vụ, quyền hạn chung của hai viện

Quy định của chương V về mối quan hệ giữa Chính phủ và Nghị viện của Hiến pháp Cộng hòa Pháp quy định Nghị viện có quyền:

– Quyền miễn truy tố (Điều 26);
– Quyền biểu quyết thông qua luật (về các quyền dân sự, quyền công dân; quốc tịch; nhân thân, tội phạm hình sự và hình phạt; thuế, chế độ bầu cử thành lập các đơn vị sự nghiệp công…) (Điều 34);
– Quyền tuyên bố chiến tranh (Điều 35);
– Quyền đưa ra sáng kiến ban hành luật (Điều 39);
– Quyền trình dự án sửa đổi, bổ sung (Điều 44);

Nhiệm vụ, quyền hạn riêng của từng viện

Ngoài việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn chung của Nghị viện đã nêu ở trên, thì điểm khác biệt lớn nhất của hai viện trong Nghị viện Cộng hòa Pháp là: quyền bỏ phiếu bất tín nhiệm Chính phủ thuộc về Hạ viện[6] trong khi việc phê duyệt chính sách chung của Chính phủ chỉ được tiến hành ở Thượng viện[7].

1.2. Cơ cấu tổ chức của Nghị viện

Cơ cấu tổ chức của Nghị viện ở một số nước theo chế độ một viện

TRUNG QUỐC[8]

Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (The National People’s Congress of the People’s Republic of China) là cơ quan quyền lực tối cao, là cơ quan lập pháp duy nhất của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, có vị trí tương đương với Quốc hội hay Nghị viện ở các nước khác. Cơ quan này bao gồm các đại biểu được bầu theo trình tự pháp luật từ 35 đơn vị bầu cử của các Đại hội đại biểu nhân dân tỉnh, khu tự trị, thành phố trực thuộc trung ương, Quân đội giải phóng nhân dân, các hội đồng bầu cử ở Hồng Kong, Macao. Mỗi đại hội được bầu với nhiệm kỳ 5 năm. Đại hội được triệu tập họp mỗi năm một lần. Ngoài ra, Đại hội có thể được triệu tập bất kỳ lúc nào nếu Ủy ban thường vụ xét thấy cần thiết hoặc có một phần trăm hay nhiều đại biểu đề xuất.

Ủy ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (The NPC standing committee) là cơ quan thường trực của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc. Cơ quan này bao gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Tổng thư ký và các thành viên khác. Họ đều được bầu bởi các Đại hội đại biểu nhân dân từ các đại biểu của mình trong thời hạn năm năm và có nhiệm kỳ cùng với nhiệm kỳ của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc. Ủy ban thường vụ họp hai tháng một lần, có thể họp tạm thời khi có nhu cầu đặc biệt. Ủy ban thường vụ chịu trách nhiệm trước Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc và có trách nhiệm báo cáo công việc với cơ quan này. Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc có quyền thay đổi hoặc hủy bỏ các quyết định không phù hợp của Ủy ban thường vụ, có quyền bãi nhiệm đối với các thành viên của Ủy ban thường vụ.

Giúp việc cho Ủy ban thường vụ là Hội đồng chủ tịch (Chairmen’s Council), cơ quan này có trách nhiệm xử lý các công việc hàng ngày của Ủy ban thường vụ.

Các ủy ban đặc biệt (Special Committees). Đại hội nhân dân có 9 Ủy ban đặc biệt : Ủy ban Dân tộc; Ủy ban Pháp luật; Ủy ban Nội chính và tư pháp; Ủy ban Tài chính và kinh tế; Ủy ban Giáo dục, khoa học, văn hóa và sức khỏe cộng đồng; Ủy ban Đối ngoại, Ủy ban Các vấn đề ngoài nước, Ủy ban Bảo vệ môi trường và bảo tồn tài nguyên, Ủy ban Nông nghiệp và các vấn đề nông thôn. Hoạt động của các Ủy ban này do Đại hội nhân dân toàn quốc điều hành. Khi Đại hội nhân dân không họp, các ủy ban đặc biệt này chịu sự lãnh đạo của Ủy ban thường vụ. Mỗi một ủy ban chịu trách nhiệm nghiên cứu, kiểm tra, lập phiếu liên quan đến lĩnh vực của họ, hỗ trợ cho Đại hội nhân dân toàn quốc và Ủy ban thường vụ trong các hoạt động liên quan pháp luật, giám sát và các hoạt động khác.

Các cơ quan giúp việc và hành chính (Working and administrative bodies). Ủy ban thường vụ điều hành các cơ quan giúp việc và hành chính để phục vụ kỳ họp của Đại hội nhân dân toàn quốc, phiên họp của Ủy ban thường vụ và Hội đồng chủ tịch của Ủy ban thường vụ nhằm trợ giúp các đại biểu và các thành viên của Ủy ban thường vụ hoàn thành nhiệm vụ và trên hết là để thúc đẩy việc xây dựng hệ thống dân chủ và pháp luật. Các cơ quan giúp việc và hành chính bao gồm: Văn phòng; Ban lập pháp; Ban các vấn đề tài chính; Ủy ban pháp luật cơ bản của đặc khu hành chính Hong Kong; Ủy ban pháp luật cơ bản của đặc khu hành chính Macao.

HÀN QUỐC[9]

Quốc hội Hàn Quốc còn được gọi là Quốc hội Đại Hàn dân quốc, là cơ quan lập pháp đơn viện của Hàn Quốc gồm 300 đại biểu. Nhiệm kỳ của đại biểu là 4 năm và không bị hạn chế số nhiệm kỳ. Quốc hội Hàn Quốc hiện có 16 Ủy ban chuyên môn tương ứng với các Bộ, ngành bên Chính phủ. Điều 48 Hiến pháp quy định: Quốc hội bầu Chủ tịch và 2 Phó Chủ tịch. Chủ tịch Quốc hội là người đứng đầu Quốc hội Hàn Quốc, trên thực tế chỉ có quyền hành như người phát ngôn trong phiên họp. Thời hạn của Chủ tịch và Phó Chủ tịch là 2 năm (Điều 9 Luật Tổ chức Quốc hội). Chủ tịch là thành viên không đảng phái và các Phó Chủ tịch không đồng thời là thành viên của Chính phủ. Quốc hội họp một năm một lần theo yêu cầu của Tổng thống hoặc ¼ số đại biểu.

Các cơ quan trực thuộc Quốc hội Hàn Quốc bao gồm: Ban sự vụ Quốc hội; Thư viện Quốc hội; Ban dự toán ngân sách Quốc hội; Ban điều tra lập pháp Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội. Ủy ban thường vụ Quốc hội thực hiện kiểm tra dự thảo luật, các kiến nghị thuộc phạm vi thẩm quyền của mình và các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật. Dưới sự điều hành của Ủy ban thường vụ Quốc hội là 16 Ủy ban: Ủy ban vận doanh Quốc hội; Ủy ban Tư pháp – pháp chế Quốc hội; Ủy ban Chính vụ; Ủy ban Tài chính kế hoạch; Ủy ban Thông tin, truyền thông khoa học sáng tạo; Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thể thao, du lịch; Ủy ban Thống nhất đối ngoại; Ủy ban Quốc phòng; Ủy ban An toàn hành chính; Ủy ban Thủy sản, hải dương, nông lâm súc sản, thực phẩm; Ủy ban Tài nguyên thông thương sản nghiệp; Ủy ban Y tế phúc lợi; Ủy ban Lao động, việc làm; Ủy ban Địa chính giao thông; Ủy ban Tình báo; Ủy ban Phụ nữ gia đình.

Cơ cấu tổ chức của Nghị viện ở một số nước theo chế độ hai viện

HOA KỲ[10]

Nghị viện Hoa Kỳ là Nghị viện được tổ chức theo mô hình hai viện: Hạ nghị viện và Thượng nghị viện.

Hạ nghị viện. Theo khoản 2 Điều 1 Hiến pháp 1787, thành viên Hạ nghị viện do nhân dân các bang bầu ra trong cuộc bầu cử phổ thông đầu phiếu. Số lượng thành viên Hạ nghị viện là 435 đại biểu đại diện cho 50 bang căn cứ vào số dân của bang. Theo quy định của Hiến pháp, nhiệm kỳ của Hạ nghị viện là hai năm bắt đầu từ thời điểm Hạ nghị viện tiến hành kỳ họp đầu tiên.

Thượng nghị viện. Theo quy định tại điểm 1 khoản 3 Điều 1 Hiến pháp 1787, thành viên của Thượng nghị viện do cơ quan lập pháp của các bang bầu ra, nhiệm kỳ sáu năm. Mỗi bang được bầu hai đại biểu. Tuy nhiên, tại Điều khoản sửa đổi thứ 17 của Hiến pháp đã thay thế chế độ thành viên Thượng nghị viện do cơ quan lập pháp của các bang bầu bằng chế độ nhân dân trực tiếp bầu. Theo quy định của Hiến pháp, cứ hai năm một lần lại tiến hành bầu lại 1/3 tổng số thượng nghị sĩ. Vì vậy, trong mỗi cuộc bầu cử, các bang chỉ tiến hành bầu một thượng nghị sĩ. Hiện nay, số thành viên của Thượng viện là 100 đại biểu đại diện cho 50 bang, mỗi bang được cử hai đại biểu không phân biệt dân số mỗi bang.

Cơ cấu tổ chức của Thượng viện và Hạ viện về cơ bản là giống nhau, gồm hai bộ phận sau: bộ phận chính thức được thành lập trên cơ sở luật định, bộ phận không chính thức do các đảng chính trị thành lập. Bộ phận chính thức gồm Chủ tịch viện, Thư ký, các Uỷ ban thường trực, các uỷ ban khác, bộ máy giúp việc. Bộ phận không chính thức cũng gồm hai tổ chức: tổ chức của đảng đoàn đại biểu chiếm đa số ghế và tổ chức của đảng đoàn đại biểu chiếm thiểu số ghế.

Chủ tịch Hạ nghị viện do Hạ nghị viện bầu ra trong số các thành viên của Viện. Thực tế cho thấy, đảng nào chiếm đa số ghế ở Hạ nghị viện thì người của đảng đó sẽ là Chủ tịch viện và thường là người của một trong hai đảng Cộng hoà hoặc đảng Dân chủ. Theo Hiến pháp 1787, Phó Tổng thống đương nhiên là Chủ tịch của Thượng nghị viện. Trường hợp khuyết Phó Tổng thống, Thượng nghị viện sẽ tổ chức bầu Chủ tịch lâm thời trong số các thành viên của mình.

Để đảm nhiệm khối lượng công việc lớn và phức tạp, Nghị viện Mỹ phân chia nhiệm vụ của mình cho các uỷ ban. Thượng nghị viện và Hạ nghị viện đều có hệ thống các uỷ ban riêng với những điểm tương tự nhau nhưng không trùng nhau hoàn toàn. Theo các nguyên tắc chung của Nghị viện, mỗi Uỷ ban lại có nội quy riêng của mình; và vì thế, có sự khác biệt giữa các uỷ ban với nhau. Về cơ cấu tổ chức, có ba loại uỷ ban, đó là Uỷ ban thường trực, Uỷ ban đặc biệt và Uỷ ban chung. Uỷ ban thường trực là các uỷ ban được thành lập và hoạt động trong suốt nhiệm kỳ của Nghị viện; có thẩm quyền xác định theo quy định của Nghị viện. Với thẩm quyền lập pháp của mình, các Uỷ ban thường trực tiến hành thẩm tra các vấn đề và các dự luật, kiến nghị biện pháp trình ra để viện liên quan xem xét. Đồng thời, các Uỷ ban này có trách nhiệm giám sát, kiểm tra các cơ quan, các chương trình và các hoạt động trong thẩm quyền của mình và trong một số trường hợp khác còn giám sát các lĩnh vực có liên quan.

Uỷ ban đặc biệt được viện thành lập bằng quyết định riêng của viện nhằm thực hiện những nhiệm vụ nhất định, thường là để tiến hành một cuộc điều tra và nghiên cứu. Một uỷ ban đặc biệt có thể tồn tại lâu dài hoặc lâm thời.

Uỷ ban chung là uỷ ban được thành lập gồm thành viên của cả hai viện nhằm giải quyết các bất đồng giữa Thượng nghị viện và Hạ nghị viện trong quá trình xem xét, giải quyết đối với một biện pháp cụ thể.

Các tiểu ban: Hầu hết các uỷ ban của Hạ nghị viện và Thượng nghị viện đều thành lập các tiểu ban có nhiệm vụ thẩm tra và báo cáo về các dự án luật thuộc các vấn đề cụ thể trong thẩm quyền chung của cả uỷ ban. Các uỷ ban có thể lập các tiểu ban thực hiện các công việc đặc biệt như thẩm tra trước các chính sách và giám sát thực hiện các đạo luật và các chương trình trong thẩm quyền của mình. Các tiểu ban làm việc và chịu trách nhiệm dưới sự hướng dẫn của các uỷ ban chủ quản. Thông thường, ở các uỷ ban khác nhau thì có sự khác nhau về số lượng, tính độc lập của các tiểu ban.

Theo truyền thống, Hoa Kỳ là một nước có hệ thống lưỡng đảng gồm hai đảng chính là Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hoà cạnh tranh nhau để giành các chức vụ chính quyền ở mọi cấp trong đời sống chính trị, bao gồm hội đồng thị trấn, thị trưởng, thống đốc bang, tổng thống và tất nhiên là ở cả Quốc hội. Chính vì vậy, trong cơ cấu tổ chức của Quốc hội Mỹ còn có Đoàn đại biểu của Đảng Dân chủ và Đoàn đại biểu của Đảng Cộng hoà gồm những đại biểu của đảng đó trong Nghị viện. Ở Hạ nghị viện cũng như Thượng nghị viện, ban lãnh đạo Đoàn đại biểu của Đảng Dân chủ được thành lập trên cơ sở đại diện của các vùng, lãnh thổ. Trong khi đó, thành phần ban lãnh đạo Đoàn đại biểu của Đảng Cộng hoà gồm toàn bộ đảng viên của Đảng là thành viên của Uỷ ban Quy tắc, Chủ nhiệm các uỷ ban và các quan chức cao cấp của Đảng.

CỘNG HÒA PHÁP[11]

Nghị viện Cộng hòa Pháp là Nghị viện theo mô hình hai viện: Hạ viện và Thượng viện. Thượng viện được bầu theo hình thức gián tiếp, cơ quan này thực hiện chức năng đại diện cho cộng đồng lãnh thổ địa phương của Cộng hòa Pháp, người Pháp cư trú ở nước ngoài (Điều 24).

Nghị viện họp thường lệ một lần/năm, mỗi viện không vượt quá 120 ngày/viện (Điều 28) và có thể họp bất thường trên cơ sở có đề nghị của Thủ tướng hoặc của đa số thành viên của Hạ viện (Điều 29). Hạ nghị sĩ được bầu theo hình thức trực tiếp.

Điều 7 Quy chế Hạ viện quy định cơ cấu tổ chức của Hạ viện Cộng hòa Pháp gồm 7 Ủy ban thường trực: Ủy ban Ngoại giao, quốc phòng và lực lượng vũ trang; Ủy ban Các vấn đề kinh tế; Ủy ban Các vấn đề xã hội; Ủy ban Văn hóa, giáo dục và truyền thông; Ủy ban Phát triển bền vững, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và quy hoạch không gian; Ủy ban Tài chính; Ủy ban Hiến pháp, luật, bầu cử và quản lý chung.

Quy chế Thượng viện quy định cơ cấu tổ chức của Thượng viện Cộng hòa Pháp gồm văn phòng Thượng viện (Điều 8 đến Điều 12), các ủy ban chuyên trách (từ Điều 30 đến Điều 35) và các ủy ban thường trực (từ Điều 36 đến Điều 39). Các ủy ban chuyên trách của Thượng viện được thành lập để tiến hành kiểm tra các dự luật và các kiến nghị luật, theo Điều 43 của Hiến pháp và luật tổ chức liên quan đến các luật về tài chính, theo đề nghị của Chính phủ hoặc của Thượng viện (khoản 1, Điều 30 Quy chế Thượng viện Cộng hòa Pháp). Điều 36 của quy chế này liệt kê 08 ủy ban thường trực thay vì 06 ủy ban như trước đây, bao gồm: Ủy ban Các vấn đề văn hóa và giáo dục; Ủy ban Các vấn đề kinh tế; Ủy ban Ngoại giao; Ủy ban Các vấn đề xã hội; Ủy ban Quốc phòng và lực lượng vũ trang; Ủy ban Phát triển bền vững và quy hoạch đô thị; Ủy ban Tài chính, kinh tế chung và kiểm soát tài chính; Ủy ban Hiến pháp, pháp luật, quản lý chung. Mỗi nghị sĩ chỉ có thể là thành viên của một Ủy ban.

1.3. Nguyên tắc và cách thức hoạt động của Nghị viện

Để hoạt động của Nghị viện được tiến hành theo một trình tự và thể thức nhất định thì việc đề ra các nguyên tắc và cách thức hoạt động cho cơ quan này có ý nghĩa hết sức quan trọng. Có thể nói, cách thức hoạt động của Nghị viện lưỡng viện phức tạp hơn so với Nghị viện một viện. Tuy nhiên, mỗi một cách thức tổ chức Nghị viện lại có một ưu thế riêng[12] phù hợp với các chức năng và nhiệm vụ của Nghị viện. Việc tìm hiểu cách thức hoạt động của cơ quan này đòi hỏi quá trình nghiên cứu các quy trình lập pháp, quy trình ngân sách, quy trình giám sát, thủ tục xây dựng nghị trình và thủ tục tiến hành các phiên họp toàn thể. Ở đây, chúng tôi chỉ nhấn mạnh một số đặc điểm nổi bật trong hoạt động của Nghị viện một số nước nêu trên.

Nhìn chung, Nghị viện các nước trên thế giới hoạt động dựa trên nguyên tắc dân chủ, công khai, độc lập và quyết định theo đa số. Các nguyên tắc này được đề ra nhằm đảm bảo cho hoạt động của Nghị viện (với tính chất là cơ quan lập pháp, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của số đông trong xã hội) đạt được hiệu quả và các mục tiêu đề ra của việc xây dựng nhà nước.

Về cách thức hoạt động, đối với quy trình lập pháp, Nghị viện các nước trên thế giới nhìn chung đều trải qua các giai đoạn: trình sáng kiến lập pháp, xem xét dự án luật tại Ủy ban, xem xét dự án luật tại phiên họp toàn thể và ban hành, công bố luật. Mặc dù sáng kiến lập pháp được bắt nguồn từ nhiều nguồn khác nhau nhưng những chủ thể có quyền trình các dự án luật ra trước Nghị viện để ban hành thành đạo luật lại bị hạn chế. Đối với các quốc gia theo mô hình cộng hòa tổng thống, mà điển hình như Hoa Kỳ, với việc đề cao tính độc lập của lập pháp đối với hành pháp, thì sáng quyền lập pháp chỉ thuộc về nghị sĩ[13]. Trong khi đó, một số nước khác như Trung Quốc, ngoài các nghị sĩ, sáng quyền lập pháp còn được trao cho các ủy ban phụ trách các lĩnh vực chuyên môn có tính chất đặc biệt. Xuất phát từ việc xem xét đến tính hiệu quả trong hoạt động lập pháp, Nghị viện một số nước ví dụ như Hàn Quốc còn đưa ra quy định: các kiến nghị xây dựng luật của nghị sĩ phải có được một số lượng nghị sĩ nhất định ủng hộ. Ở giai đoạn xem xét dự luật tại ủy ban, ở Hoa Kỳ các ủy ban có toàn quyền quyết định những dự luật nào sẽ được xem xét, trong khi ở Cộng hòa Pháp, ủy ban không được bác bỏ các dự luật do Chính phủ đệ trình. Các dự luật đó chỉ được nghiên cứu để trình ra Nghị viện xem xét. Ở giai đoạn xem xét dự luật tại phiên họp toàn thể, ở Hoa Kỳ, để dự án luật được đưa ra Nghị viện xem xét cũng có những điểm khác biệt. Thông thường, ở Hạ viện Hoa Kỳ, việc quyết định đưa dự luật ra thảo luận ở Nghị viện phụ thuộc vào Chủ tịch Hạ viện sau khi có sự trao đổi với lãnh đạo đảng đa số. Cá nhân hạ nghị sĩ cũng có thể tác động vào quyết định đưa dự luật ra xem xét nếu thu nhận được 128 chữ ký các hạ nghị sĩ khác. Cũng ở nước này, các dự luật sẽ được đưa ra thảo luận tại hội trường bằng cách chia làm hai phe, phe đa số do chủ tịch ủy ban có nhiệm vụ thẩm tra dự luật đứng đầu, còn người đứng đầu nhóm ý kiến thiểu số tại ủy ban sẽ đứng đầu nhóm còn lại. Khi quyết định đưa dự luật ra thảo luận, các nhà lãnh đạo của nhóm đảng đa số cũng quyết định luôn phương thức xem xét dự luật. Các cuộc tranh luận ở Hạ viện Hoa Kỳ thường kết thúc bằng việc biểu quyết về các kiến nghị do các bên đưa ra, và do vậy sẽ kết thúc quá trình xem xét việc làm tương tự ở Thượng viện. Giai đoạn cuối cùng của quy trình lập pháp là ban hành và công bố luật. Ở những nước có chính thể tổng thống như Hoa Kỳ, phủ quyết các đạo luật là một trong những quyền đặc biệt của Tổng thống. Tuy nhiên, Nghị viện có thể bỏ qua sự phủ quyết của Tổng thống nếu đạt được một tỷ lệ đa số nhất định (2/3). Nhiều nước khác, trong đó có Cộng hòa Pháp quy định cho nguyên thủ quốc gia quyền yêu cầu Nghị viện thảo luận lại các dự luật. Trong trường hợp này, dù đề nghị của nguyên thủ quốc gia có được chấp nhận hay không thì sau khi Nghị viện chung quyết, dự luật vẫn được chuyển lại cho hành pháp để ban hành[14].

Đối với quy trình ngân sách, ở một mức độ tổng quát, quy trình ngân sách về cơ bản có các bước: (1) chuẩn bị dự án ngân sách; (2) thông qua ngân sách tại Nghị viện; (3) thi hành ngân sách. Nhìn chung, đối với các nước theo chính thể Tổng thống với nguyên tắc “kiềm chế và đối trọng” và một hệ thống ủy ban mạnh, Nghị viện có nhiều quyền lực hơn đối với việc sửa đổi dự án ngân sách so với Nghị viện các nước theo chính thể đại nghị. Mức độ ảnh hưởng của Nghị viện đối với dự luật ngân sách tùy thuộc chủ yếu vào hai yếu tố: thẩm quyền mà nghị viện được giao và sức mạnh của hệ thống ủy ban của Nghị viện[15]. Thông thường, việc chuẩn bị dự án ngân sách do Chính phủ (mà cụ thể là Bộ Tài chính) thực hiện. Tuy nhiên, ở Hoa Kỳ, việc chuẩn bị ngân sách không thuộc về Bộ Tài chính mà chủ yếu do Văn phòng Điều hành và Ngân sách trực thuộc Tổng thống thực hiện. Sau khi nhận được kiến nghị ngân sách, các chuyên gia của Văn phòng Điều hành và Ngân sách sẽ tiến hành điều trần hoặc tổ chức các buổi thảo luận để hiểu kỹ yêu cầu ngân sách của các bộ và cho phép các bộ bảo vệ ý kiến của mình[16]. Sau khi được chuẩn bị bởi cơ quan hành pháp, dự luật ngân sách sẽ được thảo luận và biểu quyết tại Nghị viện. Trong thời gian thảo luận và biểu quyết, để tránh tình trạng cơ quan hành pháp phải hoạt động trong một thời gian dài mà không có kinh phí, Cộng hòa Pháp cho phép nếu trong thời hạn 70 ngày, kể từ ngày Chính phủ đệ trình dự án ngân sách mà Nghị viện không thảo luận về dự thảo đó thì Tổng thống có quyền ban hành dự án ngân sách đó bằng một quyết định. Trong khi một số quốc gia khác quy định cho phép tạm ứng một khoản ngân sách để duy trì hoạt động của cơ quan hành pháp trong thời gian chờ Nghị viện phê chuẩn[17].

Đối với quy trình giám sát, hoạt động giám sát của Nghị viện các nước thường được tiến hành dưới hình thức: hỏi – đáp; chất vấn; điều tra của Ủy ban điều tra; điều trần tại Ủy ban của Nghị viện; xem xét tín nhiệm của Chính phủ; luận tội và những hình thức tương tự. Nghị viện các quốc gia thường lựa chọn cho mình nhiều hình thức trong các thủ tục trên để thực hiện chức năng giám sát của mình và nhìn chung, các cách thức này có phần tương đồng ở các quốc gia.

Đối với thủ tục xem xét tín nhiệm Chính phủ, ở những nước có Nghị viện hai viện, Thượng viện dù được trao một số quyền buộc tội Chính phủ chịu trách nhiệm giải trình nhưng không có quyền bỏ phiếu bất tín nhiệm.

Đối với thủ tục luận tội và những hình thức tương tự, ở các nước lưỡng viện, việc luận tội các quan chức nhà nước thường được bắt đầu ở Hạ viện. Luận tội được thực hiện một cách triệt để nhất ở Mỹ, nơi Nghị viện được đánh giá là có thực quyền nhất so với các nước trên thế giới. Tuy nhiên, số lần luận tội được thực hiện cũng rất hạn chế cho thấy, mặc dù luận tội có nhiều ý nghĩa dân chủ nhưng ít khi được sử dụng trên thực tế[18].

2. Một số kinh nghiệm của nước ngoài có thể kế thừa và phát triển ở Quốc hội Việt Nam

2.1. Yêu cầu đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của Quốc hội Việt Nam

Hiến pháp năm 2013 có hiệu lực từ ngày 01/01/2014 thể hiện tư duy mới về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức, hoạt động của Quốc hội, đặt ra yêu cầu phải thể chế hóa các nội dung này vào các đạo luật về tổ chức bộ máy nhà nước. Theo đó, bên cạnh việc tiếp tục khẳng định vị trí của Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực cao nhất của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam thì các quy định về chức năng và vai trò của Quốc hội được sửa đổi theo hướng: có sự phân biệt giữa quyền lập hiến và lập pháp của Quốc hội (Điều 69); không liệt kê các vấn đề quan trọng Quốc hội được quyết định mà để mở để các luật tổ chức bộ máy nhà nước cụ thể hóa cho phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của đất nước[19]; không quy định giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước (khoản 1, Điều 69); quy định rõ hơn, khả thi và phù hợp hơn về một số nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội như: thẩm quyền quyết định mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách, nhiệm vụ kinh tế – xã hội cơ bản của đất nước; thẩm quyền phê chuẩn và bãi bỏ điều ước quốc tế; thẩm quyền đối với ngân sách nhà nước (quyết định phân chia các khoản thu và nhiệm vụ chi…). Về tổ chức và hoạt động của Quốc hội, Hiến pháp năm 2013 bổ sung thêm một số nhiệm vụ cho các cơ quan của Quốc hội, cụ thể là: bổ sung quyền quyết định thành lập, giải thể, tách, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội (khoản 8, Điều 74); bổ sung thêm quyền phê chuẩn các Phó Chủ tịch, Phó Chủ nhiệm các Ủy ban, các ủy viên Hội đồng Dân tộc và các ủy viên Ủy ban (Điều 75, Điều 76); bổ sung thêm thẩm quyền yêu cầu thành viên của Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán nhà nước và các cá nhân hữu quan báo cáo, giải trình hoặc cung cấp tài liệu về những vấn đề cần thiết (khoản 1 Điều 77). Có thể thấy, những quy định mới về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội trong Hiến pháp mới của nước ta cho thấy quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta trong việc đổi mới và nâng cao hoạt động của Quốc hội – cơ quan đại diện cho nhân dân, hướng tới xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, do nhân dân, của nhân dân và vì nhân dân. Để đạt được những mục tiêu cao cả đó, việc cụ thể hơn nữa các quy định này trong Luật Tổ chức Quốc hội nói chung và các luật về bộ máy nhà nước nói riêng là hết sức cần thiết. Trong bối cảnh hiện nay, việc nghiên cứu và rút ra kinh nghiệm của một số nước trên thế giới về tổ chức và hoạt động của Nghị viện để kế thừa và phát triển sẽ góp phần hoàn thiện hơn nữa quá trình xây dựng luật về bộ máy nhà nước nhằm thể chế hóa các quy định mới của Hiến pháp năm 2013.

2.2. Một số kinh nghiệm nước ngoài có thể kế thừa và phát triển ở Quốc hội nước ta

Qua nghiên cứu về tổ chức và hoạt động của Nghị viện một số nước trên thế giới, có thể rút ra một số kinh nghiệm sau:

Về vị trí của Nghị viện: Nhìn chung các nước có quy định tương tự nhau về vị trí của Nghị viện. Nghị viện các nước trên thế giới đều được khẳng định là “cơ quan lập pháp” trong bộ máy nhà nước. Một số nước nhấn mạnh đây là “cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất” hoặc “cơ quan lập pháp duy nhất”. Về cơ bản, điều này không làm thay đổi bản chất của Nghị viện. Do đó, quy định hiện nay của Hiến pháp Việt Nam về vị trí và vai trò của Quốc hội là phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của xã hội Việt Nam; đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế. Điều cần làm hiện nay là cụ thể hóa và làm rõ hơn vị trí, vai trò của Quốc hội, đặc biệt là mối quan hệ giữa Quốc hội và các cơ quan hành pháp, tư pháp. Do đặc thù nước ta không thuộc hệ thống các nước thực hiện chế độ tam quyền phân lập, mà giữa các cơ quan nhà nước có sự phân công, phối hợp và kiểm soát lẫn nhau nên việc học tập kinh nghiệp của Trung Quốc, Hàn Quốc và Cộng hòa Pháp trong việc quy định rõ hơn mối quan hệ giữa Quốc hội với các cơ quan khác là cần thiết.

Về các chức năng của Nghị viện, bên cạnh tính chất đại diện và các chức năng giám sát, tài chính – ngân sách thì việc quy định rõ hơn chức năng lập pháp, để từ đó, cụ thể hóa các nhiệm vụ, quyền hạn của Nghị viện, có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hiệu quả hoạt động của Quốc hội Việt Nam. Để các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội Việt Nam được cụ thể hóa và chính xác thì cần phải xác định rõ hơn nữa chức năng lập pháp; có sự giới hạn hay không và giới hạn chức năng này như thế nào, ở mức độ nào trong các luật về tổ chức (ở Trung Quốc, Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc có thẩm quyền thực hiện chức năng lập pháp nhưng có giới hạn ở những lĩnh vực như hình sự, dân sự và tổ chức bộ máy nhà nước; ở Pháp, quyền lập pháp cũng bị giới hạn với việc trao 1% quyền này cho hành pháp). Riêng đối với chức năng giám sát, kinh nghiệm một số nước cho thấy, điều trần và điều tra là các hình thức giám sát hiệu quả bên cạnh hình thức chất vấn. Ở cả các quốc gia nơi Nghị viện được tổ chức theo mô hình một viện hay hai viện đều đã áp dụng thành công việc điều trần tại các ủy ban. Nghiên cứu khả năng áp dụng điều trần tại Quốc hội Việt Nam và các quy định về thủ tục này sẽ góp phần hoàn thiện hơn nữa chức năng giám sát – một trong những chức năng cơ bản của Quốc hội. Một số yếu tố của điều trần ở các nước trên thế giới có khả năng áp dụng trong điều kiện hoàn cảnh của Việt Nam hiện nay[20], ngoài sửa đổi các quy định của Luật tổ chức Quốc hội, quy chế của Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội.

Về tổ chức của Quốc hội, việc tổ chức Quốc hội thành các ủy ban chuyên trách như hiện nay ở Việt Nam là phù hợp với xu hướng của thế giới. Các đại biểu Quốc hội cần có cơ quan giúp việc chuyên môn cho mình để công việc đạt hiệu quả cao. Kinh nghiệm các nước cho thấy, các ủy ban được thiết kế rất hợp lý, đảm bảo bao phủ được mọi lĩnh vực trong đời sống, số lượng người làm việc cho các ủy ban cũng được duy trì để đảm bảo khối lượng công việc đồ sộ trên. Chức năng, nhiệm vụ của các ủy ban và cơ quan giúp việc khác cho Nghị viện đều được phân định một cách rõ ràng vừa đảm bảo hiệu quả vừa tránh sự chồng chéo lẫn nhau. Hơn nữa, việc tổ chức Quốc hội theo mô hình một viện hay hai viện không được đặt ra ở Việt Nam hiện nay do các điều kiện về kinh tế, chính trị và văn hóa. Bàn về mô hình nào thích hợp cho Việt Nam, nhiều chuyên gia khẳng định, mô hình hoạt động của Quốc hội Việt Nam như hiện nay là phù hợp[21].

—————————–

Chú thích:

[1] Văn phòng Quốc hội, Tổ chức và hoạt động của Nghị viện các nước trên thế giới, Hà Nội,2014, tr. 25.
[2] Văn phòng Quốc hội, đã dẫn, tr. 32-34.
[3] Tham khảo http://vietnamese.vietnam.usembassy.gov/doc_usgovernment_iii.html
[4] Như trên.
[5] Tham khảo Tuyển tập Hiến pháp một số nước trên thế giới , Nxb. Thống kê, Hà Nội, 2009, tr. 155 và Quy chế Thượng viện, Hạ viện của Cộng hòa Pháp.
[6] Tham khảo http://www2.assemblee-nationale.fr/decouvrir-l-assemblee/role-et-pouvoirs-de-l-assemblee-nationale#node_2365 và Quy chế Hạ viện Cộng hòa Pháp.
[7] Tham khảo http://www.senat.fr/role/index.html và Quy chế Thượng viện Cộng hòa Pháp.
[8] Tham khảo http://www.npc.gov.cn/englishnpc
[9] Tham khảo http://korea.assembly.go.kr.
[10] Xem Cơ cấu tổ chức Nghị viện Hoa Kỳ trên http://ttbd.gov.vn.
[11] Xem thêm trang web của Thượng viện và Hạ viện Cộng hòa Pháp.
http://www.assemblee-nationale.fr và http://www.senat.fr/reglement/reglement.html
[12] Văn phòng Quốc hội, đã dẫn, tr. 261.
[13] Văn phòng Quốc hội, đã dẫn, tr. 244.
[14] Văn phòng Quốc hội, đã dẫn, tr. 237-270.
[15] TS. Trần Tuyết Mai, Quy trình ngân sách của Nghị viện một số nước, Thông tin Khoa học lập pháp, số 06 tháng 12/2013.
[16] Văn phòng Quốc hội, đã dẫn, tr. 280.
[17] TS. Trần Tuyết Mai, đã dẫn.
[18] Văn phòng Quốc hội, đã dẫn, tr. 315.
[19] GS,TS.Trần Ngọc Đường, Tiếp tục thể chế hóa những nội dung mới về Quốc hội trong Hiến pháp 2013 vào các đạo luậ, tham luận tại Hội thảo khoa học“Tổ chức bộ máy nhà nước theo Hiến pháp năm 2013” ngày 6/5/2014 tại Hà Nội, do Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp và Viện chính sách công và pháp luật đồng tổ chức.
[20] Văn phòng Quốc hội, Chương trình phát triển Liên hợp quốc, Báo cáo nghiên cứu điều trần tại các ủy ban của Nghị viện và khả năng áp dụng ở Việt Nam, 2011.
[21] Tham khảo Mô hình tổ chức Quốc hội một số nước trên thế giới trên www.vnclp.gov.com.

Theo LAPPHAP.VN

Tags: , , , , ,